Kỳ II: Nhật ký đường ra trận

26/06/2012 21:29

Trong cuốn sổ của Liệt sỹ Lê Thanh Phú có chép lại những bài thơ mà anh yêu thích. Có không ít những bài thơ anh sáng tác tặng mẹ, tặng người yêu, tặng bạn bè, gửi nỗi nhớ quê hương và bày tỏ tình cảm của mình với Bác Hồ, với Đảng, những ân tình với mỗi mảnh đất anh qua. Và không thể thiếu, là những dòng thơ, những dòng nhật ký nóng hổi mang hơi thở của người lính trận.

(Baonghean.vn) - Trong cuốn sổ của Liệt sỹ Lê Thanh Phú có chép lại những bài thơ mà anh yêu thích. Có không ít những bài thơ anh sáng tác tặng mẹ, tặng người yêu, tặng bạn bè, gửi nỗi nhớ quê hương và bày tỏ tình cảm của mình với Bác Hồ, với Đảng, những ân tình với mỗi mảnh đất anh qua. Và không thể thiếu, là những dòng thơ, những dòng nhật ký nóng hổi mang hơi thở của người lính trận.

>> Kỳ I: Trao tặng kỷ vật chiến trường


Có thể điểm tên những bài thơ anh viết, cũng là một cách ghi lại những tình cảm, nỗi niềm của anh trong chặng hành quân. Đó là “Nhớ Bác” được viết tại Bà Rịa vào ngày 8/7/1972, với những câu thơ: “Dẫu cho ngày tháng phong sương / Cháu đi vẫn nhớ tình thương Bác Hồ / Cháu đi gìn giữ cơ đồ / Làm theo Di chúc Bác Hồ sáng soi”. Là “Mùa hè” cũng được viết tại Bà Rịa với niềm nhớ mẹ và quê hương nhưng vẫn vững lòng: “Con thương nhớ mẹ, Mỹ thua con về”. Có một chiều Biên Hòa, nỗi nhớ mẹ trào dâng trong lòng người lính trẻ, nhưng dòng thơ của anh vẫn hào sảng biết bao: “Mẹ ơi cách núi ngăn sông / Mỗi mùa xuân đến mẹ trông con về / Miền Nam lửa cháy bốn bề / Tang bồng chưa trả con về sao yên / Giặc gây tội ác hai miền / Xương phơi, máu chảy, mẹ hiền xa con / Con xa mẹ, trọn lòng son / Làng quê còn giặc, con còn hành quân”. Rồi những kỷ niệm ở nước bạn Lào, ở Phước Thọ, Long Điền, Long Khánh, Biên Hòa... Có những bài thơ ly biệt dành cho đồng đội hy sinh, là những bài thơ tiễn Hoàng Xuân Thành hy sinh ngày 3/5/1972, tiễn Nguyễn Duy Ngữ hy sinh ngày 21/5/1972... Và nhiều bài thơ khác đầy niềm tin chiến thắng: “Mỗi bước ta đi một chiến công”, “Xuân Giải phóng”...Trong nhiều bài thơ của anh, thấp thoáng bóng hình người con gái anh yêu. Đó là cô bạn cùng lớp năm nào, mới kịp trao nhau lời hẹn ước...



Xen giữa những bài thơ, là những bức thư viết cho người thân như một cách tâm tình. Và những dòng nhật ký mang hơi thở của người lính trận. Xin được trích những dòng nhật ký của Liệt sỹ Lê Thanh Phú, được viết trong phần có tựa đề “ Trên đường Trường Sơn” :

Ngày 24-3: Thế là đã 3 ngày, 3 đêm ở Trường Sơn rồi. Hôm nay, đơn vị lại đi trên con đương mòn của Bác. Ôi, con đường Hồ Chí Minh lịch sử. Mỗi bước chân đi nghe ấm tình non nước. Nghe lòng phơi phới một tương lai tất thắng. Một cuộc vạn lý trường chinh không tính thời gian.

Ngày 25-3: Đơn vị nghỉ để anh em tắm giặt, sau 4 ngày hành quân vất vả, hôm nay mới có một bữa để xả hơi. Sau khi cơm sáng xong, tôi ra suối. Trời của Trường Sơn về mùa khô cao xanh vòi vọi. Rừng núi rì rầm kể khúc tâm sự muôn đời. Ngồi một mình trên tảng đá, tôi lại nghĩ đến Kim - Enva và Ốc sun. Ôi, một mối tình tuyệt đẹp. Sơn lâm ơi, người có biết lòng ta chăng?

Ngày 26-3: Bầu trời của Khăm Muộn trong vắt. Nước Lào hùng vĩ với những cánh rừng ngút ngàn, quanh năm nắng gió. Một tình cảm mới lạ nảy nở trong tâm hồn. Bước chân Trường Sơn càng thêm rắn rỏi. Có đi mới biết. Ru rú ở góc nhà chẳng biết chân trời bến bãi là đâu. Tôi lại nghĩ đến chàng Dế mèn ngỗ ngược...

27-3: Thế là đã một ngày trên đất Lào rồi. Cuộc đời của người chiến sỹ thật như con chim, nay đây, mai đó. Mỗi bước đi càng xa thêm miền Bắc thân yêu, xa những xóm làng thân thương, xa những mái trường sớm chiều vang tiếng hát. Tuổi thơ, ôi, những kỷ niệm đẹp trong tâm hồn, nay đã xa rồi...

28-3: Mình lại gửi cho Châu những dòng chữ này trên đường Trường Sơn. Mình biết Châu chẳng bao giờ nhận được. Vì sao? Chắc Châu hiểu quang cảnh núi rừng này dễ làm cho mình tư lự Châu ạ. Dễ làm cho tâm hồn rung cảm một cách khác lạ. Thật không ngờ cuộc đời lại như bây giờ Châu nhỉ ?

...



2-4: Sắp sang mùa rồi. Con biết ở quê ta, dạo này mẹ bận lắm, các em sắp nghỉ hè. Bao giờ cũng vậy. Con biết mà đành chịu mẹ ạ. Mẹ có biết con ở đây không, trên nước Lào, trong rừng sâu heo hút. Bầu trời trong xanh, lửng lơ. Tâm tình con theo ngọn gió về bên mẹ, mẹ biết chăng? Lòng con thổn thức theo nhịp bước hành quân.

4-4: Hôm nay vượt Sê pôn, dòng sông về mùa khô tung nước trắng xóa. Mặt sông lởm chởm những đá. Ôi, con sông của nước Lào quanh năm réo gọi. Bờm nước trắng xóa quật mình vào những tảng đá nhẵn thín với thời gian. Qua Sê pôn rồi biết có bao giờ trở lại ?

5-4: Có phải Tây Trang không nhỉ ? Một vùng đá vôi lởm chởm ngọn xa, ngọn gần như như trùng dương thạch trân. Ánh nắng buổi chiều xiên vào núi đá, lấp lánh như ngọc. Đã mấy ngày ở trong rừng sâu, hôm nay tầm mắt được phóng cùng chân trời xa tắp. Những dải mây hồng viền quanh một tấm thảm khổng lồ tuyệt đẹp

6-4: Triệu chứng cơn sốt rét bắt đầu. Một cuộc chiến đấu không tuyên chiến, thầm lặng và dữ dội đã bắt đầu. Suốt đêm không chợp mắt được một chút. Hết cơn lạnh đến cơn nóng. Ôi, cơn sốt rét của Trường Sơn, hủy hoại cơ thể một cách ghê gớm. Tôi không rên, cố cắn răng chịu. Bởi vì lúc này đồng đội đang ngủ ngon. Mẹ ơi, trong cơn sốt, hình ảnh của mẹ thân yêu luôn hiện về trong trái tim con

...

2-8: Đời là một sự tích lũy trong cuộc sống. Một cuộc đời đẹp là đã làm được những việc ích quốc, lợi dân.

4-8: Nếu như có một nhà báo nước ngoài hỏi tôi: Anh có ý nghĩ như thế nào đối với cuộc sống của anh? Thì tôi trả lời ngay với nhà báo ấy rằng: Tôi rất thích và muốn được sống với cuộc sống của tôi.

5-8: Cuộc sống của chúng ta cũng bình dị như cỏ cây, ta sống thì làm cho Tổ quốc tươi xanh, thì chết đi đất thêm màu mỡ. Có nghĩa là sống thì cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, mà chết cũng cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng.

7-8: Con không chia sẻ nỗi vui này với mẹ được, chỉ biết gọi mẹ trong hơi thở, trái tim của cuộc sống. Con chỉ biết làm cho mẹ vui lòng trong cuộc sống và lương tâm thanh thản lúc tuổi già...

12-8: Tăng là nhà, võng là giường, quần áo, súng đạn là tài sản và tình cảm của nhân dân, của Đảng. Tôi là người quản lý, sử dụng tài sản đó một cách hiệu quả nhất.

19-8: Chiều nay, khi cánh chim đã bay về một miền quê xa tắp, khi những áng mây mỡ gà lướt nhẹ giữa nền trời xanh thẳm, một cánh dừa xao động, một mái chèo khua nhẹ, làm cho mình nhớ Châu lắm. Những kỷ niệm xa xưa trên dòng sông quê mẹ cứ dồn đến rồi xa dần như cánh chim kia. Và cuối cũng chỉ có mỗi hình ảnh Châu trong tưởng tượng.

20-8: Tên tù binh mếu máo xin được tha tội chết. Nó xin được ăn cơm và uống nước. Nó lấm lét nhìn xung quanh. Khuôn mặt đờ đẫn, bộ quần áo lính bẩn thỉu bó chẹt lấy cái thân hình trẻ con. Đồng chí anh nuôi đưa đến cho nó một thau mỳ tiếu. Nó lễ phép đưa cả hai tay đón lấy, miệng cảm ơn rối rít, đoạn cúi cuống húp soàn soạt. Hình như nó đói lắm.

Sự yêng hùng của phía bên kia thu gọn trong tên tù binh trước mặt tôi...

22-8: Nếu như tôi là một nhà phẫu thuật về tâm lý học hay một nhà nghiên cứu về ý thức xã hội học thì hẳn đây là một hình ảnh rất có giá trị trong tư liệu nghiên cứu. Đó là các má bán trái cây trên thị xã Bà Rịa, các bà cuốc vườn làm ruộng, các cô gái bình thường chỉ biết thêu thùa và phát rẫy, thế mà tất cả đều có mặt trong trận chiến đấu chiều nay. Họ làm với tất cả những khả năng của mình một cách tỉnh táo và gan dạ. Mặc bom chùm, pháo bầy, mặc đạn cối từ trực thăng ném xuống. Họ đi một cách vui vẻ và tự hào...

(Còn nữa)


Thùy Vinh

Kỳ II: Nhật ký đường ra trận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO