Kỳ III: Xưởng cưa "nuốt" gỗ lậu

16/07/2012 15:50

Một thực tế khiến dư luận rất bất bình là tại các cửa rừng ở vùng sâu, vùng xa như ở Quế Phong, Thanh Chương… lại mọc lên khá nhiều xưởng cưa (có giấy phép và không giấy phép). Hoạt động này đã vô tình tiếp tay cho “lâm tặc” phá rừng, bởi các xưởng xẻ này ngày đêm “tích cực” nuốt gỗ lậu với khối lượng lớn, rồi được “hợp lý hoá” đưa gỗ về xuôi. Ngành chức năng có kiểm tra định kỳ, nhưng “mèo vẫn hoàn mèo…”-->> Xem Kỳ II: Thanh Chương - Tan nát rừng đầu nguồnXưởng xẻ gỗ mọc ngay cửa rừng

> Xem Kỳ II: Thanh Chương - Tan nát rừng đầu nguồn

Xưởng xẻ gỗ mọc ngay cửa rừng

Trong vai những người đi mua gỗ, chúng tôi lần đường tìm về xã Tiền Phong (Quế Phong) được một người dân địa phương giới thiệu: “Anh vào xưởng cưa nhà ông B (Công an viên xã Tiền Phong), muốn loại chi cũng có…”. Ngay từ đầu ngõ đã nghe tiếng cưa lốc, máy xẻ rít lên âm thanh ghê tai. Vợ ông B đon đả: “Các anh vào uống nước rồi mời ra xưởng ta xem hàng, loại chi cũng có nhiều nhất là pơmu”. Tôi “vào đề” luôn: Bọn tui muốn mua gỗ đưa về xuôi, bằng cách nào để “lọt” được?”. Vợ ông B “bật mí”: “Nếu mà ra ngã ba thì chỉ qua một trạm thôi? - “Vậy một m3 gỗ “chi” bao nhiêu?” - Tôi hỏi. “Ở đây họ bốc cả xe luôn, giá tại nhà là 11 triệu đồng/m3 gỗ dổi, rồi tự “bao” luôn”. Theo như bà chủ xưởng xẻ kể thì gỗ từ trong rừng ra thường tập kết tại xưởng cưa vào ban đêm, ai vào mua cũng đến lấy ban đêm.

Chúng tôi dạo quanh xưởng cưa của ông B thấy có cả gỗ rừng trồng, nhưng chẳng qua là “che mắt thiên hạ”, chứ vào sâu phía trong thấy gỗ rừng tự nhiên đủ các loại ngổn ngang. Các máy cưa đang hoạt động hết công suất, chủ yếu là xẻ từ những cây gỗ lớn ra từng tấm, từng hộp xếp hàng chờ người đến lấy. Bà chủ xưởng cưa còn dẫn chúng tôi vào nhà xem những phiến pơmu, dổi có đường kính từ 1- 1,5m để dùng làm phản đã có khách đặt hàng.

Chúng tôi tìm ra phía xưởng mộc của ông T ở ngay sát đường nhựa xã hỏi xem có gỗ pơmu không. Ông T và mấy tay thợ mộc dừng máy bào nói: “Chúng tôi chủ yếu mua gỗ ở Mường Đán ra, chủ yếu là pơmu, không mua theo m3 mà mua theo “cục” cưa dài 2,4m”. “Thế cán bộ kiểm lâm không kiểm tra nguồn gốc gỗ à?”. Ông T nói: “Gỗ đã vô đây rồi thì thôi ai bắt nữa”. Con trai của ông T cho biết, nếu đóng cửa pơmu thì 1,4 triệu đồng/m2. Tại xưởng mộc này chúng tôi thấy hầu hết gỗ không có nguồn gốc, chủ xưởng đều biến gỗ rừng thành gỗ “thành phẩm” để “hợp lý hoá” cho các tay buôn đưa về xuôi.



Xưởng cưa gỗ "dã chiến không phép" ở Thông Thụ - Quế Phong

Tại xã Thông Thụ, các cánh rừng ngày đêm đang bị tàn phá, số lượng gỗ tập kết ra con đường lên Cửa khẩu Thông Thụ nhiều vô kể. Người ta dựng khá nhiều xưởng xẻ “dã chiến”, ngang nhiên cưa xẻ gỗ trái phép rồi xếp gỗ thành từng hàng ngay ngắn để chờ “tẩu tán”. Bên cạnh đó, các xưởng cưa còn được dựng ngay giữa lòng các điểm tái định cư ở Đồng Văn, Thông Thụ để xẻ gỗ. Khi chúng tôi đến hỏi một chủ xưởng xẻ thì được trả lời, xẻ gỗ để phục vụ dân tái định cư dựng nhà sàn. Nhưng trong quá trình điều tra được biết, chính những xưởng xẻ này đã “núp bóng” các điểm tái định cư cưa gỗ làm nhà để tập kết gỗ lậu.

Vòng về xã Thanh Thuỷ huyện Thanh Chương, ngay tại cửa rừng Thanh Thuỷ có Trạm Kiểm soát lâm sản Thanh Thuỷ. Nhưng gần đó lại ngang nhiên tồn tại 2 xưởng xẻ lớn. Các loại gỗ “lọt” qua “cửa” Thanh Thuỷ phần lớn đều “chảy” vào các xưởng này. Ngay giữa thanh thiên bạch nhật, các xe máy lôi vẫn ngang nhiên chở gỗ “tập kết” ở các xưởng này mà không có sự ngăn chặn của ngành chức năng. Chưa kể là tại Thị trấn Dùng cũng có xưởng xẻ khá nổi tiếng của ông N, lượng gỗ lậu “tuồn” về đây hàng ngày nhưng cũng không gặp bất cứ sự kiểm tra nào.

Lợi dụng giấy phép

Được biết, trên “giấy tờ”, địa bàn Hưng Nguyên hiện có 18 cơ sở chế biến gỗ có giấy phép kinh doanh. Tuy nhiên, khi chúng tôi đi thực tế thì nhận thấy, số lượng xưởng cưa trên địa bàn huyện lớn hơn rất nhiều. Như chỉ tại xã Hưng Lĩnh (Hưng Nguyên), trên giấy tờ chỉ có 4 cơ sở chế biến nhưng thực tế thì cả xã có trên 10 cơ sở. Nhiều xưởng cưa không có giấy phép vẫn hoạt động ngang nhiên. Các xưởng lớn thì mua gỗ trực tiếp từ các đầu nậu, còn những xưởng nhỏ lẻ thì mua lại gỗ từ các xưởng lớn.

Trong vai người đi mua gỗ, chúng tôi vào xưởng cưa anh Hào tại Thị trấn Hưng Nguyên. Tại đây, gỗ đã được xẻ thành từng tấm dày khoảng 5cm, chủ yếu là gỗ dổi, de, dạ hương…Khi được hỏi về nguồn gốc gỗ, anh Hào cho biết, hầu hết số gỗ này đều được mua qua tay các đầu nậu. Mỗi lần cần hàng, chỉ cần gọi điện lên thông báo, các đầu nậu sẽ chở gỗ về tận nhà, tiền “làm luật” khách hàng chịu. Cứ mỗi chuyến xe ô tô, tiền làm luật mất khoảng từ 2-5 triệu đồng tùy loại gỗ. Các xe này thường đi vào ban đêm để tránh bị phát hiện và việc làm luật diễn ra rất nhanh.

Chúng tôi tiếp tục lần vào các xưởng gỗ tại xã Hưng Lĩnh. Anh Th. chủ xưởng gỗ tại xóm 9 cho biết: Vừa qua, anh vừa đổ về gần 1 tỷ đồng tiền gỗ với đầy đủ các loại. Tại xưởng cưa của anh Th. hiện có gần 100m3 gỗ, chủ yếu là gỗ de, dổi. Anh Th. cho biết, số gỗ này anh mua qua khâu trung gian, vận chuyển bằng đường thủy. Để đưa được gỗ về xưởng một cách trót lọt, anh Th. phải mất hơn 20 triệu đồng tiền "luật". “Có 2 cách để vận chuyển gỗ về xuôi là đi bằng đường thủy hoặc đường bộ. Riêng đường bộ thì phải quen "các sếp" rồi vận chuyển bằng... xe tù mới về được”, anh Th. tiết lộ.

Anh Th. giới thiệu cho chúng tôi đến xưởng gỗ của anh Nghĩa, một trong những xưởng gỗ lớn nhất tại huyện Hưng Nguyên. Xung quanh xưởng cưa, gỗ được chất đầy đường, sân vườn, ngõ xóm. Hàng chục khối gỗ nằm ngổn ngang, la liệt trên đê. Theo một người dân sống gần xưởng cưa cho biết, gỗ ở đây được lấy về từ nhiều nơi, từ bên Lào về hoặc từ trên miền núi về. Xưởng cưa của anh Nghĩa tập trung hầu hết các loại gỗ quý như lim, sến, pơ mu, lát hoa. Chỉ cần gỗ về đến xưởng thì xem như mọi chuyện đã trót lọt. Cả anh H. và anh Th. đều khẳng định chắc nịch rằng nếu chúng tôi muốn mua gỗ và đưa về TP Vinh thì các anh sẽ cho xe chở về mà không bị bắt giữ. Khi có người mua, gỗ sẽ được xẻ từng thành từng tấm, rồi thuê xe chở vào thời gian ban đêm mà không bị phát hiện.

Chúng tôi lân la tìm đến khá nhiều xưởng xẻ khác ở Yên Thành, Đô Lương… Dò hỏi thì các xưởng hầu như có giấy phép, thậm chí số gỗ rừng trong xưởng cũng có giấy phép. Hoá ra, các chủ xưởng chỉ “trưng” số gỗ có giấy phép ấy làm “bình phong”, còn phía sau đó toàn gỗ lậu. Giấy mua bán lâm sản sử dụng hết lượt này đến lượt khác rồi lại… tái sử dụng.

Được biết, trên địa bàn tỉnh có 1.364 cơ sở chế biến lâm sản, nhưng trong đó có đến 821 cơ sở chế biến lâm sản không có giấy phép kinh doanh. Con số này cũng phản ánh thực trạng buông lỏng quản lý lĩnh vực chế biến lâm sản của các cấp, các ngành, liên quan. Tồn tại các cơ sở chế biến trái phép, ngoài việc làm gia tăng nạn phá rừng, còn làm thất thu ngân sách, gây khó khăn cho việc quản lý lâm sản, tạo môi trường sản xuất kinh doanh không lành mạnh.

Số gỗ lậu “ra đi” từ những cánh rừng đại ngàn vẫn hàng ngày bí mật được “tuồn” về tại các xưởng cưa từ miền ngược đến miền xuôi. Lợi dụng giấy phép, các xưởng này tổ chức thu mua gỗ không rõ nguồn gốc khắp nơi, cưa xẻ ra thành phẩm rồi bày bán công khai trong sự “không hay biết” của những người có chức trách, thẩm quyền trong ngành Lâm nghiệp.

Thông tư số 01/2012/TT/BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 4/1/2012 quy định hồ sơ lâm sản hợp pháp và kiểm tra nguồn gốc lâm sản:

Điều 9. Lâm sản khai thác trong nước

1. Hồ sơ khai thác chính, khai thác tận dụng, tận thu từ rừng tự nhiên, rừng trồng tập trung.
...
b. Đối với gỗ đủ tiêu chuẩn đóng búa kiểm lâm theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gồm: Biên bản xác nhận gỗ đóng dấu búa kiểm lâm theo bảng kê lâm sản.

Điều 20. Hồ sơ lâm sản tại cơ sở chế biến kinh doanh gây nuôi động vật rừng.
Hồ sơ lâm sản tại cơ sở chế biến kinh doanh gây nuôi động vật rừng gồm: Sổ theo dõi nhập, xuất lâm sản, hoá đơn bán hàng, bản kê lâm sản và các tài liệu liên quan đến lâm sản nhập vào xuất ra tại quy định Thông tư này.
Điều 26. kiểm tra cơ sở chế biến, kinh doanh lâm sản.
...
2. Chủ cơ sở chế biến, kinh doanh phải chấp hành các yêu cầu kiểm tra của công chức kiểm lâm kiểm tra, xuất trình ngay hồ sơ về quản lý cơ sở chế biến, kinh doanh và nguồn gốc lâm sản theo quy định tại Thông tư này.


N.P.V

Mới nhất
x
Kỳ III: Xưởng cưa "nuốt" gỗ lậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO