"Kỳ nhân" trên đỉnh Phà Mờ

21/09/2014 10:34

(Baonghean) - “Hôm nay ta đến đây gặp nàng/ Nàng có đáp lại tình cảm của ta không? Gió về thổi lá cây bên khe/ Nếu ta là hạt mưa sương/ Ta xin tan trên bàn tay nàng…”, Già Sông Thái cất vang tiếng hát bằng thổ ngữ đồng bào mình. Những âm vực cao, lan tỏa, như trùm lên tất thảy những ồn ã xung quanh. Quán cà phê nhạc xập xình. Những vị khách trẻ, già với bao câu chuyện nhỏ to, bỗng dừng lại. Họ nhìn về phía chúng tôi, nhìn Già Sông Thái. Già Sông Thái nào có biết, ông vẫn chìm vào thế giới bản làng của mình, nơi có ngọn núi Phà Mờ quanh năm sương phủ…

Già Sông Thái và các đại biểu dân tộc Mông tại Đại hội đại biểu DTTS tỉnh lần thứ 2.
Già Sông Thái và các đại biểu dân tộc Mông tại Đại hội đại biểu DTTS tỉnh lần thứ 2.

Ở cái bản Huồi Viêng (Đoọc Mạy, Kỳ Sơn) quê ông, dân bản vẫn gọi ông là “người lạ”. Gọi yêu theo kiểu “Thằng Sông Thái à! Mày không phải là người Huồi Viêng mình rồi! Ở bản mình trăm nghìn đời rồi có ai như mày đâu!”. Ơ hay, sao Già Sông Thái lại không phải là người Huồi Viêng? Ông đích thị là người Huồi Viêng, là người con của đồng bào Mông Kỳ Sơn. Ông sinh ra ở bản, lớn lên ở bản, bao nhọc nhằn và hạnh phúc đời ông, dân bản đều chứng kiến cơ mà? Sông Thái chìa hai bàn tay ra trước mặt: “Đây, chị nhìn xem, đôi tay này đúng là bàn tay của đồng bào Mông ta rồi, bàn tay trèo đèo, bám vách đá dựng đứng đi tìm khe suối mùa khô hạn, bàn tay đỏ ửng trong bễ lò rèn của cha, bàn tay dương nỏ ngày hội lớn…”. Già Sông Thái ơi, nào có ai ngờ vực gì đâu, tôi đã biết ông đậm “chất” đồng bào từ trong huyết quản, cái chất đã chọn ai là bạn rồi, thì chí tình, chí nghĩa đến hết đời. Chỉ có điều, với dân bản, ông vẫn thật là một người lạ, bởi ở bản mấy chục năm trước, chỉ riêng cái sự học của ông đã lạ lùng lắm rồi.

Già Sông Thái biết đến cái chữ khi đã 10 tuổi. Cũng như nhiều trẻ em đồng bào dân tộc Mông khác, Sông Thái gần như là lao động chính trong nhà. Nhà có bễ lò rèn của cha, cứ mỗi sáng trời chưa tỏ mặt người, Sông Thái đã chui vào lò đốt lửa. Lửa than bễ lò người Mông không rực nhanh, nhưng nóng đều, mỗi sáng, khi đốt xong lò thì mặt mũi Sông Thái cũng đã đen nhẻm từng vệt. Lò rèn của cha nằm trên khoảng đồi sau lưng nhà, từ đây nhìn lên, thấy được đỉnh Phà Mờ ẩn hiện trong màn sương trắng, và nghe rất rõ tiếng róc rách của những con khe mà Sông Thái vẫn thường cùng chúng bạn xuống lấy nước. Đã mấy trăm lần ngồi trên mỏm đồi này, Sông Thái vẫn thấy từng ấy cảnh sắc. Cảnh quê Đoọc Mạy của Thái đẹp đến nao lòng! Nhưng Già Sông Thái ngắm mãi, ngắm mãi và tự hỏi, phía bên kia núi có gì? Có khe suối, có những ngôi nhà mái gỗ samu giống bản Huồi Viêng không? Và Sông Thái tưởng tượng… Và Sông Thái ước ao…

Già Sông Thái nói với cha: Con muốn được đi học chữ! Ý muốn chắc nịch của cậu con trai độc nhất khiến người cha thảng thốt. Học chữ? Ở Huồi Viêng này, đến ông đã là đời thứ 4, có ai biết cái chữ? Thế nhưng, ông cũng chiều theo ý thích của con, ngày ngày đong gạo vào bế, thêm ít bánh ngô và muối, một con dao nhỏ sắc lẹm để luồn đường rừng, qua 3 núi, 2 khe mới đến được trường đóng ở Pà Lách Phay. Sông Thái 10 tuổi, Sông Thái bắt đầu uốn từng chữ cái đầu tiên trong cuộc đời mình. Những con chữ như ước mơ hiện hữu, như thế giới diệu kỳ. Đến giờ ngồi nhớ lại, Già Sông Thái vẫn không thể hiểu rõ, khoảnh khắc ngồi trên mỏm đồi quen thuộc đó, động lực mạnh mẽ nào đã thôi thúc ông tìm đến sự học và kiên gan, bền chí, vượt qua mọi gian nan để học đến cùng như thế? Có lẽ, ban đầu là hiếu kỳ và mạo hiểm, về sau, có thể là khát khao khẳng định chính mình. Dù vì lý do gì, thì những tính cách đó đều lạ lẫm với nhịp sống đều đặn và có phần bảo thủ của dân bản Huồi Viêng.

Già Sông Thái là người con đầu tiên của bản học hết THPT. Sau này, ông tham dự nhiều lớp học nâng cao khác, và nay đang giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND xã Đoọc Mạy. Một người con của bản đã đi được chặng đường dài đến thế… Vậy nhưng, chuyện lạ về Già Sông Thái chưa dừng lại ở đó. Sông Thái còn là người đầu tiên của bản tìm mọi cách để lưu giữ tiếng khèn huyễn hoặc của tổ tiên. Tiếng khèn người Mông đã trở thành “thương hiệu”, nhưng càng ngày, càng có nguy cơ bị thất truyền bởi những phương tiện giải trí hiện đại khác. “Có mấy ai dùng khèn gọi bạn nữa đâu mà, bọn trẻ toàn gọi điện thoại, toàn nhắn tin, ngay cả ngày hội lớn cũng không biết dùng khèn nữa. Buồn lắm!” Buồn lắm! Già Sông Thái thở dài! Nỗi buồn nặng cả từng lời kể trong buổi sáng nay, buồn lây cả không khí nhộn nhịp chốn phố phường Thành Vinh, trĩu nặng cả không gian quán cà phê chúng tôi tạm ghé chuyện trò nhân “sự kiện” Già Sông Thái xuống phố dự Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An. Già Sông Thái ơi, bao năm nay, đau đáu nỗi niềm thất truyền tiếng khèn bản sắc, ông đã làm tất cả những gì có thể rồi. Ông đã về bản, tổ chức họp dân, nói với dân bản - những người cha, người chú, người mế, người cô, cả cháu con trong họ tộc nữa - bằng tiếng nói gan ruột của đồng bào, rằng không được để mất tiếng khèn. Không được để mất, không được bao biện bằng bất cứ lý do gì.

Già Sông Thái nhớ lại, hôm đó, bà con dân bản nhìn ông như một người lạ lẫm. Họ nhìn Sông Thái. Họ nhìn nhau. Thằng Sông Thái, con trai độc nhất của ông Già Nhìa Hùa đây sao? Thằng Sông Thái, mà ngày còn nhỏ đã từng cùng cha đi khắp bản trên, bản dưới để làm lễ cúng ma cho bà con dân bản đây sao? Đúng rồi, mà Sông Thái đang nói những chuyện gì lạ thế? Khèn của đồng bào thì ai cũng biết mà. “Ai cũng biết rằng, nhà người Mông nào cũng phải có khèn, đàn ông Mông phải biết thổi khèn, biết cách khác nhau giữa thổi khèn đám ma, khèn ngày hội… Nhưng giờ có ai nhớ được đầy đủ nữa không? Mấy đứa thanh niên ngồi đây, đứa nào nhớ không?”, Sông Thái cật vấn.

Im lặng. Không ai lên tiếng. Không ai dám nhận là mình còn nhớ đầy đủ, bài bản tiếng khèn của dân tộc mình. Thế là Già Sông Thái tiến thêm bước nữa, bà con bản quên nhiều tiếng khèn rồi, thì phải học lại thôi, người già bày cho người trẻ, người nhớ nhiều bày cho người nhớ ít, người chưa biết gì thì chịu khó lắng nghe. Còn phải tìm lại cây khèn, khèn thất lạc nhiều rồi. Khèn đồng bào ta thì dễ làm mà, là loại nhạc cụ được cấu tạo rất đơn giản, vật liệu chủ yếu từ tre và gỗ trong rừng. Bộ phận cầu kỳ và quan trọng nhất là chiếc lam đồng bên trong các ống khèn, người Mông dùng đồng tán mỏng, cắt nhỏ và ghép vào các ống khèn. Thì đã có các lò rèn và bàn tay khéo léo của đồng bào mình. Nói là làm, ông trực tiếp cùng bà con dân bản làm lại những cây khèn truyền thống - những cây khèn mà khi cất lên, với những nhịp lên, nhịp xuống của đôi chân và biểu cảm của khuôn mặt, âm thanh thoát ra dường như khơi gợi tất cả những khoáng đạt của núi rừng. Có câu chuyện thực về Già Sông Thái mà bà con dân bản khắp vùng Đoọc Mạy vẫn truyền tai nhau, rằng Già Sông Thái có cây khèn ngót 100 năm tuổi, thân khèn đã lên nước bóng màu cánh gián, đi đến bản nào, ông cũng mang khèn đi như vật bất ly thân. Ông thổi khèn đầy say mê, da diết, như lời dẫn dụ mê hoặc, chẳng mấy chốc mà dân bản đã tập hợp thành vòng tròn xung quanh. Đến lúc đó, ông buông khèn xuống và nói, bà con nhìn đây, một bài khèn hay đến thế, bà con mình say mê đến thế, thì phải học đi, phải nhớ lại, phải sử dụng thường xuyên. Khèn là biểu tượng tinh thần của đồng bào dân tộc Mông, là câu chuyện lịch sử bằng âm thanh, nếu để mất tiếng khèn, thì các thế hệ sau biết tựa vào đâu để lần về nguồn cội?

Cái nguồn cội tha thiết ấy, chính là động lực mạnh nhất thôi thúc Già Sông Thái tìm mọi cách để níu lại bản sắc truyền thống của đồng bào Mông đang có nguy cơ phai nhạt. Không chỉ tiếng khèn, mà còn bao biểu tượng văn hóa khác, như bí quyết thêu thùa của phụ nữ Mông, lời hát giao duyên, như hội ném còn, lễ cúng nhà mới... Già Sông Thái hành động quyết liệt, lúc thì với vai trò là người con của đồng bào, thủ thỉ, tâm tình, khuyên nhủ; lúc khác lại trong cương vị là Phó Chủ tịch UBND xã, Già Sông Thái đề xuất đưa vấn đề bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa vào nghị quyết đảng bộ hàng năm, từ đó đề ra những giải pháp, chương trình cụ thể. Đến nay, đã có thể mừng vui trước những đổi thay của bản làng Đoọc Mạy, rằng thế hệ thanh niên lứa tuổi 14, 15 đã sử dụng khèn thành thạo và nếp nhà nào cũng có cây khèn gác cao trang trọng, như một sự nhắc nhớ, tôn vinh.

Tôi hỏi Già Sông Thái, giờ đây, mong ước lớn nhất của ông là gì? Là trong tương lai không xa, sẽ tổ chức thành công các lớp học về văn hóa đồng bào dân tộc Mông cho chính đồng bào Mông. Những điều tưởng chừng đã quá hiểu rõ, thật ra lại là những điều còn mông lung. Phải đi tìm những người già để ghi chép lại các lời hát cổ, các bài cúng, các phong tục. Nếu không làm kịp, thì mai kia, người Mông sẽ bơ vơ trong chính nền văn hóa giàu bản sắc của mình...

Già Sông Thái ngừng lời. Tôi nhìn theo hướng ánh mắt xa xăm của ông. Có gì đâu, Già Sông Thái? Vẫn là những dòng xe bất tận của thành phố trẻ, tiếng ồn ã, cười nói những điều thường nhật, những sắc màu loang loáng trong ánh nắng ngả trưa. Nhưng không, dường như người đàn ông ấy đã chìm đắm vào thế giới của riêng mình, thế giới tràn thanh âm rạo rực của tiếng khèn trên đỉnh Phà Mờ mù sương?!

Phương Chi - Thu Hương

Mới nhất

x
"Kỳ nhân" trên đỉnh Phà Mờ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO