Kỷ niệm một chuyến vào vùng vàng tặc

11/11/2013 08:42

(Baonghean) - Nhà báo, ai cũng dày đặc kỷ niệm về những chuyến đi. Lúc vui ngất trời, lúc buồn tê tái, có bận lại gian nan, nguy hiểm. Tôi cũng từng có những chuyến đi đầy cảm xúc, và nhớ nhất chuyến xâm nhập các bãi vàng ở Tương Dương. Nhớ không phải vì những chuyện vui, buồn hay khó khăn vất vả mà bởi qua chuyến đi này, tôi ngộ ra rằng, nếu chỉ bằng trí lực của nhà báo thì sẽ khó có những bài viết phản ánh đúng hiện thực cuộc sống...

(Baonghean) - Nhà báo, ai cũng dày đặc kỷ niệm về những chuyến đi. Lúc vui ngất trời, lúc buồn tê tái, có bận lại gian nan, nguy hiểm. Tôi cũng từng có những chuyến đi đầy cảm xúc, và nhớ nhất chuyến xâm nhập các bãi vàng ở Tương Dương. Nhớ không phải vì những chuyện vui, buồn hay khó khăn vất vả mà bởi qua chuyến đi này, tôi ngộ ra rằng, nếu chỉ bằng trí lực của nhà báo thì sẽ khó có những bài viết phản ánh đúng hiện thực cuộc sống...

Trung tuần tháng 3/2013, Báo Nghệ An nhận được tin ở một số xã của huyện Tương Dương (Nghệ An) đang "nóng" lên tình trạng khai thác vàng trái phép. Chỉ đạo của Ban Biên tập là xâm nhập thực tế các bãi vàng để nắm bắt thông tin, xác định trúng các nguyên nhân để đề ra hướng xử lý. Không lạ lẫm gì đất Tương Dương, nhưng chưa bao giờ tiếp cận bãi vàng nên khi nhận nhiệm vụ, tôi có chút băn khoăn...

Bọn vàng tặc thường khai thác trái phép ở trong núi rừng, khe suối, nếu không thông thuộc địa bàn, không hiểu được tiếng Thái, tiếng Mông thì lơ mơ sẽ bị lộ tẩy. Hơn nữa, tôi đã từng được một số người quen công tác trong lĩnh vực quản lý khoáng sản, như Kha Văn Ót - Trưởng phòng TN&MT huyện Tương Dương kể cho nghe khá nhiều câu chuyện đẩy đuổi vàng tặc. Rằng mỗi khi "đánh", đoàn công tác phải có công an, quân đội cùng tham gia. Vậy mà vẫn xẩy ra đánh lộn, thậm chí, đã có những vàng tặc là dân "chơi" nghiện hút liều lĩnh nấp trong rừng bắn đạn "ria" vào đoàn công tác... Toan tính mãi, cuối cùng tôi quyết định đề xuất Ban Biên tập cho được hoạt động độc lập, tìm người bản địa dẫn đường xâm nhập bãi vàng, chứ không làm việc với cơ quan chức năng để đảm bảo thông tin về chuyến công tác không bị rò rỉ. Ban Biên tập đồng ý với yêu cầu cố gắng thực hiện tốt công việc, nhưng trên hết phải đảm bảo tính mạng của phóng viên.

Thông qua người quen, tôi nhờ được một "hướng đạo" tên T, là dân Bắc (Nam Định). T tuổi trên 40, nước da ngăm đen, vóc người thấp đậm, mặc đồ Tô Châu, chân đi bốt da cao, trông khá ngang tàng. Gặp T, tôi không khỏi có chút ngần ngại bởi cái chất "anh chị" đó. Biết ý, người quen của tôi giới thiệu, T thực sự là dân "anh chị" của vùng Khe Bố, nhưng phong cách sống đàng hoàng và quan trọng là thuộc hết mọi ngõ ngách của núi rừng Tương Dương, có thể đảm bảo không xẩy ra sự cố xấu. Tuy nhiên, anh dặn riêng: “Mình không nói chú là nhà báo muốn xâm nhập vùng vàng vì sợ nó chối. Nó hỏi thì cứ à ơi, đại loại muốn tìm ít cây có dáng đẹp đưa về xuôi, hoặc kiếm mua vài hòn non bộ, rồi xuống thăm bãi vàng cho biết...”.

Sáng sớm hôm sau, khi cuộc hành trình mới chỉ được mươi phút, T đã nói: “Tôi thấy anh chẳng có dáng của dân tìm cây, đá lạ. Có phải là dân quản lý khoáng sản không?”. Vì đã được dặn nên tôi chỉ cười trừ, không trả lời. Suốt nửa ngày trời quanh quẩn ở vùng Yên Thắng, dù các tổ vàng tặc khai thác rất ngang nhiên, rầm rộ nhưng họ đều là người Thái, người Mông, trong khi đó tôi không biết tiếng nên chẳng có cách gì để xâm nhập được. Thấy người đồng hành cứ tần ngần nhìn xuống hai bên bờ khe, T lại hỏi: “Anh là cảnh sát môi trường à?”. Đến nước này thì tôi đành phải nói T dừng nghỉ cơm nước và thưa thật làm nghề báo, đang nhận nhiệm vụ xâm nhập các bãi vàng để nắm thông tin về nạn khai thác vàng trái phép và nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Nói với T như vậy rồi, trong bụng tôi rất lo, bởi không khéo anh tự ái rồi "cắt cầu" thì hết chuyện. Ai dè T như được cởi tấm lòng, anh hồ hởi: "Tôi hơi ngại vì chưa biết anh làm nghề gì. Đang nghĩ không khéo ông này là công an nhờ đưa đi làm án ma túy ở vùng bãi vàng, hay đang tìm đối tượng có lệnh truy nã gì đó thì chết dở...". Thế rồi T sắp xếp luôn: “Anh cứ chuẩn bị mà thực hiện, nhưng cố gắng kín đáo một chút, đừng để dân bãi vàng phát hiện là nhà báo. Cứ im lặng mà làm, còn để mọi thứ tôi lo. Tôi sẽ vào vai là dân Bắc muốn thuê bãi để khai thác vàng. Vùng này có nhiều người là dân Đại Từ, Thái Nguyên làm chủ bãi, mình nói thế là họ tin ngay chứ anh mà lên tiếng họ phát hiện ra là "đứt" đấy!”.

Quả thực, tôi quá may khi nhờ được T. Không chỉ thuộc hết các ngõ ngách, xó xỉnh của các xã Yên Thắng, Yên Na, Yên Hòa, Yên Tĩnh... T còn có đôi tai hết sức tinh tường, chỉ thoáng nghe tiếng xình xịch nhỏ như tiếng dế kêu là y như rằng anh tìm ra tổ vàng tặc đang dùng máy Đông Phong khai thác vàng trái phép. Không những thế, dù xa xứ ngót 20 năm, giọng Bắc của T cực ngọt, anh lại nói được tiếng Thái nên chẳng có gã vàng tặc nào tỏ vẻ nghi ngờ. Trên bãi vàng bản Bón (Yên Na), Cha Lúm (Yên Tĩnh)... T cứ cho biết đang muốn kiếm thuê một bãi để làm ăn, ông nào chỉ giúp thì cho chung làm nếu không sẽ có thưởng, hoặc lâu nay chính quyền có truy quét, đẩy đuổi gì không?... Trên các bãi vàng, hầu hết là người địa phương đi làm thuê, vậy nên mọi diễn biến, cách ứng xử của chính quyền địa phương ra sao họ đều nói ra hết. Thậm chí, có nhiều người là dân bản địa ở các xã Yên Thắng, Yên Na, Yên Hòa... còn tận tình cho biết vùng nào là qua khai thác nhiều lần, vùng nào chưa khai thác. Phương thức để thuê, mua lại đất của dân và cách nắm bắt thông tin hành trình truy quét của các đoàn kiểm tra khai thác khoáng sản.

Qua những thông tin từ đây thì hóa ra, nạn khai thác vàng nhức nhối bấy lâu ở Tương Dương ngoài nguyên nhân người dân còn nhiều khó khăn, không có công ăn việc làm thì do một bộ phận cán bộ chính quyền địa phương cơ sở dung túng vàng tặc. Thậm chí, một số người có địa vị ở địa phương còn "chống lưng" cho những ông chủ bãi vàng. Khi đoàn công tác đẩy đuổi đến, những người này lập tức báo tin để bãi vàng ngừng hoạt động, khi đoàn công tác rút thì mọi sự như cũ. Ở bản Bón, khi T hỏi làm ăn vậy có phải đóng thuế cho xã không? Các vàng tặc cho biết phải đóng tiền tháng cho Ban Quản lý thôn bản, xã để yên ổn mà khai thác. Còn tại xã Yên Hòa, T ngỏ lời tìm bãi làm vàng mới, dân địa phương đã cho biết cần tìm đến ông L, là một cán bộ chủ chốt ở xã này, thì có khó khăn gì không? Họ cười nói thản nhiên: “Người ta thuê đất làm vàng được thì các anh sao lại không thuê được!”.

Người "hướng đạo" của tôi không chỉ thông thuộc các bãi vàng, anh còn biết hầu khắp những cán bộ lãnh đạo chủ chốt các xã nơi đây. Trên đường đi, T giới thiệu rành rọt đâu là nhà của vị nào, ông ta dùng xe hiệu gì, mua hết bao nhiêu... Rồi T đã đưa tôi đến trụ sở xã Yên Thắng, bảo nên gặp người này, người kia mà hỏi thì sẽ có thông tin. Và quả lời của T khá chuẩn xác, ở xã Yên Thắng, tôi tìm gặp ông Bí thư Đảng ủy xã. Ông này nhanh chóng xác nhận tình trạng khai thác vàng trái phép trên địa bàn đang diễn ra liên miên; rằng đảng ủy đã đề ra chủ trương nghiêm cấm triệt để, còn chính quyền thì không thực hiện... Thậm chí, ông bí thư đã gọi điện cho Chủ tịch UBND xã ngay trước mặt tôi để nói: “Có người của báo về hỏi tại sao để xẩy ra tình trạng khai thác vàng trái phép đấy. Anh chỉ đạo các lực lượng liên quan, yêu cầu dân khai thác vàng dừng ngay!”.

Vàng tặc khai thác trái phép theo từng tổ, nhóm ở Tương Dương (ảnh chụp tháng 3/2013).
Vàng tặc khai thác trái phép theo từng tổ, nhóm ở Tương Dương (ảnh chụp tháng 3/2013).

Sau gần 3 ngày cùng "quần thảo" trên các bãi vàng, tôi đã có đầy đủ tư liệu cần thiết để thực hiện đề tài được giao. Tối chia tay, ngồi cùng nhau uống chén rượu, hỏi chuyện riêng tư, T cho biết anh về Tương Dương sống đã trên 20 năm. Từng làm vàng, buôn gỗ lậu, đồ cổ nhưng rồi số “không đậu” của nên làm được đồng nào cũng hết. "Giàu có số. Mình chịu làm nhưng không đậu của thì đành chịu vậy. Bây giờ làm nhì nhằng mấy thứ cây cảnh để nuôi vợ con thôi...", T nói. Và anh dặn: "Từng là vàng tặc, tôi rất hiểu những người trên bãi vàng là người như thế nào. Hầu hết họ đều dân nghèo cả. Tiếng là làm vàng nhưng khốn khổ, cuộc sống cũng chẳng ra gì. Có sướng thì cũng chỉ mấy ông chủ bãi với những người phía sau thôi. Anh viết gì thì tùy, đừng để người ta biết tôi dẫn anh đến các bãi vàng thì mệt lắm. Mà lần sau, đi ngang nhớ ghé chơi và nhớ cho tôi tờ báo có bài viết là được...”.

Từ đó đến nay, đã hơn một lần tôi đi công tác vùng Kỳ Sơn, Tương Dương nhưng chưa có dịp ghé thăm T. Đợt tháng 6 đi viết về các trí thức trẻ, ngồi trên xe khách ngang qua Khe Bố, thoáng thấy anh đang đánh trần cắt tỉa một cây sanh. Í ới gọi điện hỏi thăm rồi lại khất anh chuyện chưa gửi bài đã đăng trên báo. Trong máy, T cười vang: "Nghề tôi với anh, cũng có chút giống nhau. Tôi săn tìm cây cảnh, anh săn tin tức. Công việc cứ triền miên nối dài, có mấy khi rỗi rãi đâu...". Rồi lại dặn: “Hôm nào ngược lên thì nhớ ghé chơi đấy”. Giờ mỗi khi nghĩ đến T, lại nhớ giọng cười, làn da ngăm đen, vóc người thấp đậm. Người như anh thật quý!

Nhật Lân

Kỷ niệm một chuyến vào vùng vàng tặc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO