Kỳ Sơn: Lan tỏa những "hạt nhân thoát nghèo"

07/10/2014 09:31

(Baonghean) - Huyện rẻo cao biên giới Kỳ Sơn hiện đã xây dựng, lựa chọn chỉ đạo 282 mô hình kinh tế có hiệu quả ở các thôn bản. Ngoài để người dân vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu, thì những mô hình này đã trở thành những “hạt nhân thoát nghèo” bền vững, có sức lan tỏa lớn, được đồng bào các dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú tin tưởng làm theo.

Các mô hình trồng trọt, chăn nuôi có hiệu quả trên địa bàn huyện Kỳ Sơn.
Các mô hình trồng trọt, chăn nuôi có hiệu quả trên địa bàn huyện Kỳ Sơn.

Trong những năm qua, huyện Kỳ Sơn xác định hướng thoát nghèo bền vững cho bà con các dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú là xây dựng các mô hình kinh tế, phát huy thế mạnh tại chỗ về đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng của mỗi vùng tiểu khí hậu, từ đó nhân rộng cho bà con học tập, làm theo. Ở các xã phía ngoài, có một ít diện tích đất bằng, huyện xây dựng thí điểm các mô hình tổng hợp vừa trồng ngô đất rẫy, vừa trồng lúa trên ruộng bậc thang. Về chăn nuôi gia cầm thì ở các vùng núi cao, khí hậu lạnh; đặc biệt nơi người Mông sinh sống đang hình thành những mô hình chăn nuôi bò Mông mang lại hiệu quả cao.

Từ trung tâm bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ, phải lội bộ gần 2 km nữa mới đến được chân núi Pù Na Cáo. Trưa đứng bóng, trời nắng chang chang. Ngôi nhà tạm dưới chân núi của anh Vi Văn Dũng vắng ngắt. Trước nhà, 2 chiếc xe máy mới coóng được dựng ngay ngắn cùng chiếc máy cày và những vật dụng làm nông. Phải đợi gần 30 phút, anh Dũng mới đi bộ từ dưới khe về nhà đón khách; anh phân trần là cả hai vợ chồng đang bận dọn cỏ lúa, vừa mang cỏ ra suối để rửa làm thức ăn cho bò. Anh Dũng cho biết, cách đây 10 năm, vùng Pù Na Cáo còn hoang sơ, trên là rừng rậm, dưới là bụi hoang cùng con suối Huồi Giảng mỗi năm gây lũ đến vài ba lần. Khi đó, huyện Kỳ Sơn có chủ trương khuyến khích người dân phát triển kinh tế trang trại. Trong một buổi họp bản, anh lên xin ban quản lý cho vào khai hoang ở núi Pù Na Cáo trước sự bất ngờ của những người dân dự họp. Ai cũng nghĩ rằng, bố con anh Dũng chỉ “nói cho hay rứa thôi chứ rẫy bằng ở ngoài mần không ra ăn nữa là vào trong núi”.

Để chứng minh cho người dân trong bản là mình không “nói cho vui”, để con trẻ ở lại bản đi học, vợ chồng anh Dũng vào rừng, chặt nứa, mét dựng lán bám đất khai hoang. Sáng đi phát cây bụi, trưa đi chặt mét kết thành ống dẫn nước về ruộng, chiều dùng cuốc vỡ từng vạt đất hoang, đắp thành ruộng bậc thang,…; cứ thế gần 3 năm sau, gia đình anh có được thành quả đầu tiên khi trên mấy khoảnh ruộng bậc thang vừa đắp, xanh tốt giống lúa nếp, đàn gà thả đồi cũng lớn nhanh và bán rất đắt hàng. Những thành công bước đầu đó đã khiến vợ chồng anh Vi Văn Dũng càng quyết tâm và tin tưởng vào hướng đi đúng của mình. Với sự hỗ trợ của cán bộ khuyến nông huyện, vợ chồng anh quy hoạch lại vườn đồi theo mô hình VACR. Ở vùng vệ đồi thì trồng nhãn, vải xen bưởi, ổi, xoài.

Vùng cao hơn, trồng xoan đâu, măng bát độ. Dưới các tán cây nhãn, vải là chuồng gà, chuồng bò. Rồi anh Dũng còn đào ao, đầu tư đường ống nhựa dẫn nước khe về ao cá của mình theo kiểu “một đầu vào - một đầu ra”. Nước trong ao liên tục được thay mới, cho cá phát triển nhanh, tránh dịch bệnh… Sự cần mẫn, chăm chỉ, chịu khó của vợ chồng anh đã khiến vùng rừng hoang đổi thay hàng ngày. Hiện nay, ngoài đàn bò 20 con với 7 bò mẹ sinh sản, anh Dũng đang có đàn gà hơn 300 con, ao cá, rừng nguyên liệu, vườn cây ăn quả, ruộng lúa nước; mỗi năm gia đình anh thu nhập từ trang trại hơn 150 triệu đồng. Nhờ mô hình VACR, gia đình anh Dũng đã thoát nghèo bền vững và trở thành một trong những hộ khá của xã Tà Cạ.

Được mùa ngô ở bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ (Kỳ Sơn).
Được mùa ngô ở bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ (Kỳ Sơn).

Rời bản Sơn Hòa, chúng tôi vượt cầu treo, qua sông Nậm Mộ, đến bản Xốp Nhị, xã Hữu Lập. Chiều muộn, chị Kha Thị Hiền địu con đi kiểm tra rẫy ngô lai của mình để chuẩn bị mướn người thu hoạch. Đây là năm thứ 2, chị Hiền trồng ngô lai trên đất rẫy. Năm đầu tiên, trồng thử nghiệm một ít nhưng hiệu quả rất cao. Năm nay, được sự trợ giá ngô giống của huyện, gia đình chị mạnh dạn trồng 5 kg ngô giống. Nhờ đất tốt, khí hậu thuận lợi, các rẫy ngô đều được mùa, nhìn những bắp ngô to, hạt đều và chắc mà “sướng cái bụng”. Với giá bán tại chân rẫy hiện nay khoảng 2.800 - 3.000 đồng/kg ngô bắp, chị Hiền ước tính, rẫy ngô của gia đình sẽ cho thu nhập khoảng 50 triệu đồng, gấp nhiều lần so với trồng lúa. Chị Hiền tâm sự, nhờ cây ngô lai mà hiện nay, các hộ dân trong bản đều có của ăn, của để, nhiều người đã bán ngô, đầu tư vốn vào các mô hình kinh tế. Vừa nói, chị Hiền chỉ tay xuống khu trang trại của ông Lô Khắc Lợi. Phía dưới tán rừng măng bát độ, cả gia đình ông Lợi đang tất bật xuất chuồng lứa gà thứ 2 trong năm. Ông Lợi là điển hình cho những hộ dân dám nghĩ, dám làm, ham học hỏi của xã Hữu Lập. Từ chỗ một nông dân nghèo đói quanh năm, người đàn ông dân tộc Thái này đã mạnh dạn xây dựng mô hình nuôi gà kết hợp trồng cây ăn quả và nuôi cá. Đặc biệt, ông là người tự mày mò, học hỏi để nuôi ba ba sinh sản đầu tiên ở Kỳ Sơn. Hiện nay, gia đình ông có đàn gà, vịt gần 1.000 con, 2 ao nuôi ba ba, 1 ao cá. Mô hình của ông đã được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hồ Đức Phớc đến thăm và biểu dương khi lên làm việc tại huyện Kỳ Sơn...

Vượt mấy “cổng trời”, chúng tôi vào xã Huồi Tụ, xã Mường Lống. Ở đây việc nuôi bò vỗ béo đã tạo sản phẩm chăn nuôi “đặc sản” của đồng bào Mông, cùng với gà đen, khoai sọ, lợn nít. Ông Lỳ Cơ Và, ở bản Thăm Hốc cho biết, từ 2 năm nay, ông cùng một số hộ dân trong bản dựng chuồng bò ở gần nhà rồi mua bò về nuôi nhốt. Mỗi chuồng rộng khoảng 12 m2, nuôi nhốt 1 con bò. Người dân trồng cỏ, xay ngô vỗ béo bò trong khoảng 1 – 2 tháng rồi bán bò thịt cho thương lái miền xuôi; mỗi con bò bán với giá 8 – 12 triệu đồng, sau 2 tháng có lãi ngay 5 – 6 triệu đồng/con. Thời kỳ cao điểm, gia đình ông Và vỗ béo một lúc đến 12 con bò thịt.

Nếu như người Mông ở Mường Lống, Huồi Tụ đang làm nên thương hiệu “bò vỗ béo” thì người Mông ở mấy phía biên giới Đọoc Mạy, Na Loi, Tây Sơn, Nậm Cắn vận dụng điều kiện tự nhiên chăn nuôi lượng lớn đàn bò thả rừng. Trong đợt khảo sát mới đây, Trung tâm Khuyến nông huyện Kỳ Sơn ghi nhận, có những hộ đang sở hữu tiền tỷ và được người dân tôn là “vua nuôi bò” như ông Xồng Chủa Tủa, bản Ái Khe, xã Mường Ải có đàn bò 100 con với 30 con bò mạ sinh sản; hộ ông Già Giống Chùa, bản Huồi Pốc, xã Nậm Cắn có đàn bò 90 con; ông Lầu Xìa Nênh có gia trại nuôi 75 con bò; ông Lầu Chống Tủa, bản Trường Sơn, xã Nậm Cắn nuôi 49 con bò…

Ông Mùa Nỏ Xử - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết, đối với 282 mô hình kinh tế có hiệu quả trên địa bàn, vừa xây dựng mô hình, huyện vừa tìm cách nhân rộng bằng việc đưa người dân đi học tập cách làm tạo ra được sản phẩm, quan tâm mở đường để thương lái vào thu mua tận nơi. Kinh nghiệm của huyện là phải chọn những mô hình thực sự hiệu quả để nhân rộng, tạo tin tưởng tuyệt đối với người dân. Với những mô hình sử dụng các loại cây, con bản địa, khi xây dựng thành công, huyện chỉ đạo nhân rộng ngay. Riêng các mô hình áp dụng nhiều biện pháp khoa học kỹ thuật công nghệ cao, thì làm đi làm lại nhiều lần, “chắc ăn” rồi mới nhân rộng. Đối với các mô hình mới du nhập từ nơi khác về cũng vậy, phải làm từ quy mô nhỏ nhiều lần, nếu thành công liên tục mới làm quy mô lớn, có kết quả rồi mới tiến hành nhân rộng… Nhờ vậy, nên cả 282 mô hình kinh tế mà huyện xây dựng đều đang chứng tỏ sự phát triển bền vững, được người dân tin tưởng và làm theo..

Những mô hình kinh tế ở huyện Kỳ Sơn không chỉ giúp cho bản thân các hộ đồng bào các dân tộc thoát được nghèo, vươn lên làm giàu, mà mỗi mô hình đã trở thành một điển hình có sức lan tỏa lớn, tạo khí thế sản xuất mới, vươn lên làm ăn trong cộng đồng. Đây chính là những “hạt nhân thoát nghèo” đầy sức thuyết phục ở các thôn bản, cộng đồng đồng bào các dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú trên rẻo cao biên giới Kỳ Sơn. “Từ thành công ban đầu, lấy nòng cốt là những mô hình kinh tế tại chỗ, huyện Kỳ Sơn đang đặt mục tiêu mỗi năm nhân rộng từ 200 – 300 mô hình kinh tế có thu nhập cao, phấn đấu đến năm 2020, đa số các hộ dân trong huyện đều xây dựng được mô hình hiệu quả như thế, đưa tỷ lệ hộ nghèo về mức 20 - 25%. Đây chính là mục tiêu được xem xét, cân nhắc và quyết định trên cơ sở thực tiễn cách làm cụ thể ở các mô hình và định hướng, quyết tâm chung của huyện trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị” - ông Bùi Trầm - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn khẳng định.

Bài, ảnh: Nguyên Khoa

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Kỳ Sơn: Lan tỏa những "hạt nhân thoát nghèo"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO