Kỳ Sơn: Ương nuôi thành công giống cá trắm cỏ
Trước đây đồng bào vùng sâu, vùng xa huyện Kỳ Sơn chỉ biết trông chờ vào nguồn cá giống được cấp hoặc thương lái đưa về, do vận chuyển xa nên chất lượng cá không đảm bảo, gây khó khăn cho người chăn nuôi. Trước thực tế đó, trạm Khuyến nông huyện Kỳ Sơn đã xây dựng thành công mô hình ương nuôi giống cá trắm cỏ tại xã Bảo Thắng nhằm cung ứng nguồn giống tại chỗ cho bà con.
(Baonghean) - Trước đây đồng bào vùng sâu, vùng xa huyện Kỳ Sơn chỉ biết trông chờ vào nguồn cá giống được cấp hoặc thương lái đưa về, do vận chuyển xa nên chất lượng cá không đảm bảo, gây khó khăn cho người chăn nuôi. Trước thực tế đó, trạm Khuyến nông huyện Kỳ Sơn đã xây dựng thành công mô hình ương nuôi giống cá trắm cỏ tại xã Bảo Thắng nhằm cung ứng nguồn giống tại chỗ cho bà con.
Qua khảo sát lựa chọn địa điểm, Trạm Khuyến nông huyện Kỳ Sơn đã chọn bản Thà Lạng xã Bảo Thắng để làm mô hình ương nuôi cá giống. Đây là địa bàn có nhiều khe suối và từ lâu người dân nơi đây cũng đã biết đào ao thả cá nên rất thuận tiện cho việc triển khai mô hình. Ban đầu, trạm khuyến nông đã chọn 1 hộ dân có diện tích ao cá phù hợp để triển khai mô hình, trong quá trình triển khai, gặp không ít khó khăn vì địa hình miền núi phức tạp, đi lại khó khăn, hơn nữa đây là lần đầu tiên người dân nơi đây được làm quen với công việc ương nuôi cá giống.
Bà con xã Bảo Thắng tham quan mô hình ương nuôi cá giống.
Gia đình ông Xeo Phò Bún bản Thà Lạng xuất bán mẻ cá giống đầu tiên.
Song, với sự chỉ đạo, giám sát chặt chẽ của cán bộ kỹ thuật, cộng với sự cần cù chịu khó của ông Moong Phò Chắn – người thực hiện mô hình, nên bước đầu đã có hiệu quả thiết thực. Cá ương nuôi sau 2,5 tháng, đã có kích thước từ 8- 10 cm, trọng lượng 1 kg cá đạt từ 130 con đến 150 con. Từ mô hình này, giờ đây bà con địa phương đã có nguồn cá giống tại chỗ để nuôi, rất thuận tiện. Ông Moong Phò Chắn người dân bản Thà Lạng xã Bảo Thắng phấn khởi: “Chúng tôi rất cảm ơn Đảng, Nhà nước, trạm Khuyến nông đã bày cho cách ương cá giống. Tôi sẽ tuyên truyền cho bà con trong bản đào ao cá để lấy giống cá của Nhà nước về nuôi, phục vụ đời sống, phát triển kinh tế hộ gia đình, giúp đồng bào bớt đói nghèo”.
Mô hình ương nuôi cá giống cấp II thành công đã giúp cho bà con miền núi, vùng sâu vùng xa biết cách sản xuất cá giống có chất lượng, hạ được giá thành đầu vào, chủ động được nguồn giống. Trước đây, để có được 1kg cá giống thì đồng bào phải bỏ ra từ 300 đến 320 ngàn đồng mua từ các thương lái ở dưới xuôi mang lên. Giờ đây bà con chỉ cần bỏ ra 120 ngàn đồng đã có 1 kg cá giống vừa rẻ lại vừa đảm bảo chất lượng. Ông Lê Công Tâm, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Kỳ Sơn cho biết. “Mục tiêu của mô hình là đưa giống cá vào vùng sâu để nuôi, từ đó chúng tôi đưa ra biện pháp phải ươm nuôi tại chỗ, thuận lợi cho bà con phát triển chăn nuôi thủy sản. Mô hình thành công, chúng tôi sẽ nhân rộng đến các bản vùng sâu khác, để bà con cải thiện bữa ăn và có thêm việc làm.”
Xuân Tuấn (Đài Kỳ Sơn)