Kỳ thi tốt nghiệp năm học 2013 - 2014: Vừa chạy vừa xếp hàng!
(Baonghean) - Bắt đầu từ tháng 4, các trường THPT trên địa bàn đẩy nhanh chương trình ôn tập để tập trung cho Kỳ thi tốt nghiệp năm học 2013 - 2014. Đây là kỳ thi có nhiều đổi mới, từ việc chọn môn thi tự chọn, công tác ôn tập đến việc quản lý điểm số trên sổ học bạ bởi hiện tại có đến 50% kết quả tốt nghiệp phụ thuộc vào điểm xét tuyển…
Học sinh lớp 12 A1 - Trường THPT Lê Hồng Phong (Hưng Nguyên) ôn thi tốt nghiệp. |
1. “Sính” khối tự nhiên, “hờ hững” các môn xã hội
Đây có thể là điều được báo trước kể từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định trong kỳ thi tốt nghiệp năm nay chỉ thi 4 môn, trong đó có hai môn do thí sinh tự chọn. Tổng hợp của một số trường trên địa bàn tỉnh cho thấy, đa phần các thí sinh đều chọn hai môn tự chọn là lý, hóa và sinh. Tiếp nữa là địa, ngoại ngữ và cuối cùng là môn sử. Như ở trường THPT Phan Đăng Lưu (Yên Thành), trường có 561 học sinh thuộc khối 12, có 243 em đăng ký thi môn lý, 319 em thi môn hóa, 152 em thi sinh, 275 em thi môn địa, 114 em thi tiếng Anh và chỉ có 19 em thi môn sử. Trường THPT Nam Đàn 1, có 153 – 405 em đăng ký thi môn lý hóa sinh trong tổng số 485 học sinh. Trong khi đó chỉ có 8 em thi môn sử, 84 em thi môn địa và 63 em thi tiếng Anh. Ở trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Thành phố Vinh), cao nhất là thí sinh đăng ký môn lý với 471/572 em. Thấp nhất là môn sử chỉ 17 em đăng ký.
Theo ông Đặng Quang Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trường Tộ (Thành phố Vinh), có nhiều lý do để các em lựa chọn môn tự nhiên, tuy vậy không loại trừ lựa chọn theo “đám đông”. Điển hình như ở trường, hiện trong số 540 học sinh khối 12, nhà trường đã phân lớp theo khối, trong đó có 5 lớp là học sinh khối A, một lớp là học sinh khối C, còn lại ba lớp là học theo khối cơ bản. Tuy nhiên hiện tại khoảng 2/3 học sinh của trường là đăng ký các môn lý, hóa, sinh. Chỉ có 7 học sinh đăng ký môn sử và 42 em đăng ký môn tiếng Anh. Sở dĩ có sự lựa chọn này bởi nhiều học sinh quan điểm: các môn lý, hóa, sinh thi theo hình thức trắc nghiệm, vì thế trong tình huống xấu nhất nếu học sinh không biết chỉ cần đánh duy nhất một đáp án thì tỷ lệ đúng vẫn cao. Môn địa cũng được khá nhiều học sinh lựa chọn bởi phần vẽ biểu đồ dễ “ăn” điểm. Riêng môn tiếng Anh năm nay không được nhiều học sinh đăng ký thi vì ngoài phần trắc nghiệm, học sinh phải làm thêm bài luận, không dễ ăn điểm. Về môn sử, học sinh “ngại” là bởi môn sử khó nhớ, khó thuộc, quá nhiều sự kiện, quá nhiều số liệu.
Cũng theo một số thầy cô giáo, nhiều học sinh tập trung vào một vài môn bởi các em đã có sự tính toán, đặc biệt là trong năm nay một hội đồng thi chỉ có một trường. Ví như các môn tự nhiên, dù thi trắc nghiệm có đến 4 mã đề nhưng thực chất chỉ là một, chỉ có các câu hỏi là thay đổi thứ tự. Do đó, học sinh đang có tư tưởng nhìn bài nhau. Điều đó cũng lý giải vì sao, ngay ở trường Nguyễn Trường Tộ và những trường khác dù nhiều thí sinh thi đại học khối C (văn, sử, địa) nhưng các em vẫn chọn các môn khối A để thi môn tự chọn vì để có 6 – 7 điểm các môn lý, hóa, sinh dễ hơn rất nhiều so với một bài viết môn sử. Một số học sinh khác lại chọn môn tự chọn theo những số báo danh kề cận mình và chỉ cần đăng ký môn thi theo những học sinh có học lực khá giỏi. Qua đó, cũng nói lên rằng, không hẳn học sinh không đăng ký môn sử nghĩa là các em chán ghét môn sử mà mục tiêu chính của các em thi để có điểm cao, vì vậy phải chọn giải pháp an toàn và muốn dành nhiều thời gian ôn tập cho kỳ thi đại học - thầy giáo Nguyễn Cảnh Tuấn, Hiệu trưởng trường THPT Anh Sơn 1 khẳng định
2. Xiết chặt việc quản lý sổ điểm học bạ
Trong quy chế mới về kỳ thi tốt nghiệp năm nay, việc công nhận và xếp loại tốt nghiệp sẽ gồm 50% là điểm trung bình bốn môn thi và 50% là điểm trung bình kết quả học tập năm học lớp 12. Bên cạnh đó, hiện có một số trường đại học thay vì thi theo phương án “3 chung”, lại xét tuyển dựa trên kết quả học bạ. Vì vậy, việc quản lý điểm học bạ cần phải được chú trọng, nếu không rất dễ nảy sinh tình trạng tiêu cực, chạy điểm, sửa điểm.
Hiện tại, 100% các trường THPT trên địa bàn tỉnh ta đã sử dụng phần mềm quản lý điểm. Theo đó, tất cả các điểm số sau khi đã chấm xong sẽ được các giáo viên nhập vào phần mềm quản lý điểm của trường và theo định kỳ một năm hai lần các trường sẽ nhập về hệ thống chung của Sở Giáo dục và Đào tạo vào dịp cuối học kỳ 1 và tổng kết năm học. Với quy trình này, ông Lê Viết Hùng, hiệu trường THPT Lê Hồng Phong (Hưng Nguyên), cho rằng: Khi điểm đã lên mạng, giáo viên bộ môn muốn sửa điểm cũng không thể bởi một trường chỉ có một người quản trị (admin) và chúng tôi giao trách nhiệm này cho hiệu phó phụ trách chuyên môn. Ngoài ra, để đảm bảo sự khách quan, công bằng trong thi cử, hiện ngoài tổ chức đề thi chung trong kỳ thi cuối kỳ, nhiều trường đã tổ chức dùng đề thi chung, thi tập trung có đánh số báo danh trong kỳ thi giữa kỳ. Các trường có ngân hàng đề để các giáo viên lựa chọn để ra bài kiểm tra, tránh tình trạng ra đề dễ để đạt điểm cao. Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã có văn bản gửi các nhà trường khi đánh giá xếp loại học sinh cần thực hiện nghiêm túc việc xây dựng ma trận đề kiểm tra đối với các bài kiểm tra định kỳ. Kết quả các bài kiểm tra của học sinh được vào sổ gọi tên và ghi điểm kịp thời, chính xác, đúng quy trình, đồng thời cập nhật vào phần mềm quản lý của nhà trường.
Bằng cách đó, trong năm nay nếu tất cả các nhà trường đều thực hiện đúng quy trình về cập nhật điểm thì tình trạng tiêu cực trong học bạ sẽ khó xảy ra. Nhưng trong các năm tới, đây vẫn chưa phải là giải pháp tối ưu nhất và nếu không siết chặt ngay từ bây giờ thì tình trạng sửa điểm sẽ trở nên phổ biến bởi nhiều người đã thấy được lợi ích của điểm số trên học bạ. Thậm chí ngay cả hiệu trưởng Đặng Quang Hùng của trường THPT Nguyễn Trường Tộ cũng chưa khẳng định được có thể quản lý được điểm số hay không bởi theo ông: nhiều giáo viên mức độ tự giác còn hạn chế và khá tùy tiện. Trường chỉ quản lý được điểm số khi đã lên mạng còn trước đó, các giáo viên muốn sửa điểm cho học sinh sẽ có nhiều cách như ra đề thi dễ, cho thí sinh làm bài kiểm tra lại hoặc bằng vô vàn cách khác… Đến cả Sở Giáo dục và Đào tạo, ông Võ Việt Dũng, Trưởng phòng Công nghệ thông tin cũng nói rằng: Khi điểm được cập nhật vào hệ thống phần mềm của Sở thì Sở chỉ quản lý chung còn muốn sửa điểm, các trường vẫn có thể làm được nếu người lãnh đạo thiếu trung thực.
3. Vừa chạy vừa xếp hàng
Đó là điều mà ông Thái Viết Thảo - Trưởng phòng Khảo Thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở Giáo dục và Đào tạo) cùng nhiều lãnh đạo, giáo viên và học sinh đã nói về kỳ thi tốt nghiệp, đại học cao đẳng năm nay dù chỉ chưa đến hai tháng nữa là các kỳ thi đã bắt đầu.
Cũng dễ hiểu, bởi như những năm trước, khoảng đầu tháng 3 là các trường đã bắt đầu lên kế hoạch để tổ chức ôn thi tốt nghiệp cho học sinh. Tuy nhiên trong năm nay, mặc dù đã sang đầu tháng Tư vẫn còn nhiều trường chưa triển khai được vì còn lúng túng chưa chốt được danh sách học sinh đăng ký môn thi tự chọn. Bản thân các học sinh cũng có những băn khoăn bởi như chia sẻ của học sinh Kiều Anh, lớp 12 A1, trường THPT Lê Hồng Phong: Lúc đầu có nhiều bạn chọn hóa học và địa lý để đăng ký môn tự chọn. Nhưng sau đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố lịch thi hai môn này thì trùng một buổi. Vì sợ căng thẳng, nhiều bạn xin đăng ký lại.
Quá nhiều học sinh tập trung ở một số môn và ngược lại có những môn quá ít học sinh, thậm chí có những môn chỉ có từ một đến một vài học sinh đăng ký cũng khiến các nhà trường “đau đầu” trong bố trí lịch ôn thi, trong khi vẫn phải đảm bảo lịch học các môn khác như bình thường. Bên cạnh đó, thay vì ôn thi theo đúng danh sách của các lớp như trước đây nay các trường phải tổ chức theo lớp ghép, rồi phải sắp xếp thế nào để học sinh không bị trùng các môn học. Nhiều trường đã phải tính tới phương án học thêm ca hai để theo kịp chương trình. Về phía Sở Giáo dục và Đào tạo, công tác tổ chức thi tốt nghiệp năm nay sẽ gặp nhiều phiền toái và nếu không nắm bắt kỹ quy chế thi sẽ dể xảy ra tình trạng học sinh thi nhầm phòng còn giáo viên cũng dễ xảy ra sai sót. Tương tự, ở môn ngoại ngữ, có cả phần thi trắc nghiệm và viết luận nhưng giữa hai bài thi này phương án thu bài như thế nào vẫn chưa rõ ràng. Số môn thi tăng cũng phải huy động thêm lực lượng, đội ngũ nhà giáo, nhân viên cho hai môn nữa.
Theo kế hoạch, ngày 10/4 này, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới tổ chức Hội nghị toàn quốc để bàn việc giải quyết những vướng mắc sẽ gặp phải trong kỳ thi Tốt nghiệp năm 2014. Cùng thời gian đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cũng sẽ tổ chức hội nghị về công tác thi tốt nghiệp năm nay. Chắc chắn, sau các cuộc thảo luận này, nhiều khó khăn, bất cập sẽ từng bước được tháo gỡ...
Sở Giáo dục và Đào tạo vừa có văn bản để các trường xây dựng kế hoạch ôn tập và tổ chức ôn tập cho học sinh. Trong đó, ngoài tập trung vào những yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục cấp THPT thì đối với các môn khoa học xã hội và nhân văn cần tiếp tục nâng cao yêu cầu vận dụng kiến thức vào thực tiễn, tăng cường ra các câu hỏi mở, gắn với thời sự quê hương đất nước để học sinh được bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội. Đối với môn ngoại ngữ cần coi trọng việc dạy học theo đinh hướng phát triển năng lực giao tiếp với các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết kiểm tra có cả hình thức viết và hình thức tự luận. |
Mỹ Hà