Kỹ thuật nuôi thương phẩm cá rô phi NOVIT4
(Baonghean) - NOVIT4 là dòng cá rô phi dễ nuôi, sinh trưởng và phát triển nhanh, khả năng chịu lạnh tốt và thích nghi cao với môi trường sống, có thể nuôi được trong cả nước mặn, nước lợ và nước ngọt.
Loài cá này đã được Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản I hoàn thiện quy trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm và chuyển giao cho nhiều địa phương trên cả nước. Ở Nghệ An, đối tượng nuôi này đã được Công ty Cổ phần thương mại Hợp Tám nhân giống và nuôi thương phẩm thành công qua việc thực hiện dự án KH&CN: “Ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá rô phi NOVIT4 đơn tính phục vụ phát triển kinh tế, xã hội tại Nghệ An” trong 2 năm 2011-2012. Xin giới thiệu quy trình nuôi thương phẩm cá rô phi NOVIT4:
1. Yêu cầu kỹ thuật xây dựng ao nuôi
- Diện tích ao nuôi: 1.000-5.000m2, độ sâu ao 1,5-2,0m, độ dày bùn đáy 15-20cm.
- Ao nuôi cần có bờ kiên cố, không bị cớm rợp, bảo đảm mặt ao được thông thoáng nhằm tăng cường khả năng hòa tan oxy từ không khí vào nước. Đáy ao nghiêng về cống thoát nước 1 góc 3-5º.
- Nguồn cấp nước cho ao phải chủ động, chất nước không bị nhiễm bẩn, không có chất độc, hàm lượng oxy hòa tan 3mg/l, pH=6,5-8.
- Hệ thống thoát nước chủ động.
2. Chuẩn bị ao nuôi:
Tiến hành tháo cạn nước, củng cố lại bờ ao, lấp những chỗ rò rỉ, điều chỉnh lớp bùn đáy, tu bổ bờ và hệ thống cống cấp, cống thoát của ao.
- Tẩy dọn đáy ao bằng vôi bột với lượng 7-10kg/100m2. Sau khi tẩy vôi, phơi đáy ao từ 3-5 ngày. Tiến hành bón lót, gây màu.
- Phân chuồng ủ kỹ với 2% vôi bột. Lượng bón: 30-50kg/100m2 ao, rải đều khắp đáy ao. Phân xanh 30-50kg/100m2 ao, bó thành bó cho xuống ao. Khi nào thấy lá rữa hết thì vớt các cọng cứng lên.
- Tháo nước vào ao: Nước lấy vào ao phải lọc qua đăng hoặc lưới lọc.
- Sau khi lấy nước vào ao ngâm từ 5-7 ngày, tiến hành thả cá.
Trường hợp nuôi theo quy mô công nghiệp, mật độ cao, cần tiến hành lắp đặt hệ thống giàn quạt đảo nước nhằm tăng cường hàm lượng oxy cho quá trình nuôi.
3. Thả giống và mùa vụ thả:
Cá giống đồng đều kích cỡ, không có dị hình, dị tật, bơi lội nhanh nhẹn và không mắc bệnh. Trước khi thả cá giống xuống ao nên tắm cho cá bằng nước muối 2% trong thời gian từ 5-6 phút để loại trừ ký sinh trùng và chống nhiễm trùng các vết xây xát do vận chuyển.
Mùa vụ nuôi: Ở miền Bắc, vụ nuôi từ tháng 3 đến tháng 11, ở miền Nam có thể nuôi được quanh năm. Đối với miền Bắc, để bảo đảm cá thu hoạch kích cỡ thương phẩm lớn phải chủ động được nguồn giống bằng các hình thức lưu giống qua đông, sản xuất giống cá ở vùng có nguồn nước nóng.
Mật độ nuôi: Mật độ nuôi phụ thuộc vào kích cỡ dự kiến lúc thu và năng suất nuôi. Mật độ thả nuôi dao động trong khoảng từ 3-5 con/m2.
4. Chăm sóc và quản lý
4.1. Thức ăn:
Thức ăn cho cá rô phi chủ yếu là thức ăn công nghiệp và thức ăn chế biến.
Thức ăn công nghiệp: Sử dụng thức ăn viên nổi và hàm lượng đạm từ 20-30% để cho cá ăn, việc sử dụng thức ăn công nghiệp sẽ rất thuận tiện cho việc quản lý và điều chỉnh lượng thức ăn. Chế độ cho ăn theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất của từng hãng thức ăn.
Trong trường hợp để tận dụng nguồn thức ăn sẵn có trong sản xuất nông nghiệp, có thể sử dụng thức ăn chế biến để cho cá ăn như sau:
- Cho cá ăn 2 lần/ ngày vào 8 giờ và 16 giờ.
- Tháng thứ nhất nên sử dụng thức ăn công nghiệp cho ăn với tỷ lệ 5-7% trọng lượng đàn cá vì tháng đầu tiên lượng cá hao hụt lớn nhất.
- Tháng thứ 2 cho ăn với tỷ lệ 4-5% trọng lượng đàn cá.
- Tháng thứ 3 trở đi cho ăn với tỷ lệ 3% trọng lượng đàn cá.
4.2. Quản lý ao nuôi:
- Hàng ngày thăm ao vào buổi sáng phát hiện kịp thời các trường hợp cá nổi đầu, màu nước quá đặc, cá bị bệnh…
- Định kỳ 10 ngày kéo lưới kiểm tra tốc độ tăng trưởng của cá để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp.
- Thường xuyên quan sát mức nước trong ao để điều chỉnh kịp thời. Giai đoạn đầu ao nuôi nên duy trì màu xanh để tạo thêm thức ăn tự nhiên cho cá bằng cách bón phân vô cơ hoặc phân chuồng. Giai đoạn cá lớn trên 300g/con cần theo dõi diễn biến thời tiết khí hậu để tránh cá bị nổi đầu.
- Trường hợp cá nuôi với mật độ cao cần bố trí hệ thống quạt nước như sau: Tăng dần thời gian chạy quạt nước ở các tháng nuôi về sau, sử dụng quạt vào thời điểm sáng sớm từ 3-8 giờ sáng hàng ngày và khi trời oi nóng để đảo nước, tránh phân tầng. Theo dõi tình hình dịch bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời.
5. Thu hoạch
Sau thời gian nuôi 5-6 tháng, cá đạt trọng lượng 400-500g/con thì có thể thu hoạch.
Lê Văn Hợp (Công ty CPTM Hợp Tám)