Miền Tây những ngày Thu lịch sử

19/08/2015 09:03

(Baonghean) - Tháng Tám về, đồng bào các dân tộc ở miền Tây xứ Nghệ lại dâng lên cảm xúc tự hào về mùa Thu cách mạng năm 1945. Những ngày đó, hòa chung không khí sục sôi của cả dân tộc, những người nông dân, công nhân đầu trần, chân đất đã vùng dậy chống lại ách thực dân, phong kiến, cùng cả nước giành lại độc lập, tự do cho đất Mẹ Việt Nam.

70 năm đã trôi qua, những bậc tiền bối tham gia Cách mạng Tháng Tám đã trở thành người thiên cổ nhưng những việc làm của họ vẫn sáng mãi trong sử sách và tâm thức của lớp lớp cháu con. Lên Nghĩa Khánh (Nghĩa Đàn), tôi may mắn được gặp ông Phan Đình Thanh, cháu nội của cụ Phan Đình Lại, Bí thư chi bộ đảng đầu tiên của huyện Nghĩa Đàn. Câu chuyện của người đàn ông ngoài ngũ tuần đưa chúng tôi trở về những năm tháng đấu tranh của nhân dân Nghĩa Đàn vào những năm 30 - 40 của thế kỷ XX với trung tâm là xã Nghĩa Khánh, lúc bấy giờ có 3 làng Vĩnh Lại, Thọ Lộc và Cự Lâm. Đó là thời kỳ mảnh đất Nghĩa Đàn phải oằn mình dưới ách áp bức, bóc lột của thực dân Pháp trong công cuộc khai thác thuộc địa. Người tứ phương đổ về làm công nhân ở các đồn điền, cơ sở làm đường, khai thác lâm thổ sản; kết hợp với nông dân, vốn chiếm tới 90% số dân, trở thành lực lượng đông đảo của cách mạng. Họ chịu áp bức, bóc lột nặng nền nên trở thành lực lượng sẵn sàng đứng lên đấu tranh chống đế quốc, phong kiến. Đặc biệt, từ khi Đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời lãnh đạo, cao trào cách mạng cả nước dâng cao. Cuối tháng 9/1930, các đồng chí Phan Đình Lại và Phạm Ngọc Liên, phái viên của Chi bộ Thanh niên Nghĩa Đàn đã bắt liên lạc được với cán bộ Tỉnh ủy Nghệ An để gây dựng phong trào ở Nghĩa Đàn theo chủ trương thống nhất của Đảng. “Vào đầu tháng 10/1930, chi bộ ghép gồm các đảng viên của Thọ Lộc và Cự Lâm được thành lập tại hang Rú Ấm (nay thuộc xã Nghĩa Đức). Chi bộ có 5 đồng chí, do ông tôi (đồng chí Phan Đình Lại- PV) làm Bí thư”, ông Thanh chia sẻ.

Cán bộ xã Nghĩa Khánh (Nghĩa Đàn) trao đổi với người dân về chỉnh trang nông thôn mới. Ảnh: t.d
Cán bộ xã Nghĩa Khánh (Nghĩa Đàn) trao đổi với người dân về chỉnh trang nông thôn mới. Ảnh: t.d

Từ khi có các chi bộ đảng ra đời, phong trào cách mạng ở Nghĩa Đàn phát triển mạnh mẽ, dẫu có những thời điểm thực dân Pháp khủng bố, đàn áp dã man các chiến sỹ cách mạng. Nhưng không áp bức nào có thể ngăn nổi tinh thần đấu tranh giành độc lập, tự do của nhân dân Nghĩa Đàn. Đỉnh cao là vào sáng ngày 22/8/1945, dưới sự lãnh đạo, tổ chức của Ủy ban khởi nghĩa huyện, hàng ngàn quần chúng của các xã thuộc tổng Cự Lâm, Nghĩa Hưng, Thạch Khê, Hạ Sưu, Thái Thịnh và hàng trăm công nhân các đồn điền vùng Phủ Quỳ đã mang theo súng săn, giáo mác, gậy gộc, rìu rựa đến tập trung tại cây đa làng Trù, xã Nghĩa Khánh. Lịch sử Đảng bộ huyện Nghĩa Đàn còn ghi lại khung cảnh sôi nổi của những ngày đó: “Sau hiệu lệnh 3 hồi 9 tiếng trống đại vang động núi đồi của Ủy ban khởi nghĩa, quần chúng giương cao cờ đỏ sao vàng, hô vang các khẩu hiệu cách mạng, rầm rộ kéo về huyện lỵ. Các nhóm tự vệ đã dẫn đầu từng đoàn biểu tình tiến vào huyện đường bắt giữ tri huyện và các đề lại, tịch thu các loại ấn, triện, sổ sách, ngân quỹ; đồng thời cho mở cửa nhà lao, phóng thích tù nhân. Trước hàng ngàn quần chúng tham gia khởi nghĩa, Ủy ban nhân dân lâm thời và Ủy ban Mặt trận Việt Minh huyện đã ra mắt công chúng, tuyên bố xoá bỏ vĩnh viễn chế độ đế quốc, phong kiến và bộ máy chính quyền tay sai của phát xít Nhật. Tràn đầy niềm vui thắng lợi, quần chúng đã hò reo náo động cả một vùng và trước lúc có lệnh giải tán để về giành chính quyền ở địa phương, họ đã hô vang các khẩu hiệu: "Cách mạng thành công muôn năm!”. “Hoan hô Chính quyền cách mạng!", "Kiên quyết ủng hộ Việt Minh", "Việt Nam độc lập muôn năm!". Vâng! “Việt Nam độc lập muôn năm” - câu khẩu hiệu mà những người nông dân, công nhân Nghĩa Đàn hô vang hôm đó trên mảnh đất Nghĩa Đàn vẫn như vang vọng với núi sông trên mảnh đất cao nguyên dẫu bảy thập kỷ đã trôi qua.

Ngày nay, đến với Nghĩa Đàn, vẫn còn đó hang Rú Ấm giờ thuộc địa bàn xã Nghĩa Đức; cây đa Làng Trù hơn trăm tuổi ngay đầu đường dẫn vào xã Nghĩa Khánh. Dáng cây cao, tán lá xanh vươn tỏa nên lên trời xanh thẳm như lời nhắc nhở với lớp cháu con hãy luôn phát huy chí khí cách mạng của mùa Thu tháng Tám để xây dựng quê hương hôm nay sao cho xứng đáng với công lao của những lớp người đi trước. Miền quê Nghĩa Khánh hôm nay đã có rất nhiều đổi thay. Giữa những ngày tháng Tám năm nay, cả xã đang dồn sức chỉnh trang đường làng, ngõ xóm chuẩn bị cho đoàn công tác của tỉnh thẩm định nông thôn mới. Trên mỗi con ngõ, dẫu nắng gắt, lưng áo ướt đẫm mô hôi nhưng tiếng nói, tiếng cười của bà con râm ran, rôm rả cả xóm làng. Đồng chí Trần Văn Nhường, Bí thư Chi bộ xóm Đồng Đại cho biết: “Nhân dân trong xóm rất phấn khởi. Nhà nào cũng góp công, góp của để xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, các đảng viên luôn tiên phong, gương mẫu, nói đi đôi với làm để bà con làm theo”. Đó cũng là điều chúng tôi cảm nhận được trong thời gian đến với bà con xã Nghĩa Khánh. Bởi, với xuất phát điểm là một xã thuần nông nhưng công cuộc xây dựng nông thôn mới ở miền quê này được đánh giá là thực hiện nhanh và bài bản. Chỉ tính riêng công tác chỉnh trang đồng ruộng, làm thủy lợi, nhân dân đã đóng góp đến 2,8 tỷ đồng. Nhờ vậy mà xã đưa thêm được 100 ha lúa vốn trước chỉ sản xuất một vụ nay được hai vụ ăn chắc. “Mấu chốt của thành công chính là sự đồng thuận, thống nhất cao trong tư tưởng và việc làm của toàn Đảng bộ và nhân dân”, đồng chí Trần Đình Hợi, Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Khánh chia sẻ về bí quyết để Nghĩa Khánh trở thành một trong những đơn vị tốp đầu của Nghĩa Đàn hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Giao lưu văn hóa, văn nghệ tại Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ (Con Cuông). Ảnh: C.k
Giao lưu văn hóa, văn nghệ tại Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ (Con Cuông). Ảnh: C.k

Đi dọc miền Tây xứ Nghệ những ngày tháng Tám, nơi đâu chúng tôi cũng cảm nhận được cảm xúc về niềm tự hào dâng tràn. Bởi để có mùa Thu Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trước đó nhiều phong trào cách mạng đã nổ ra, nhen nhóm những ngọn lửa yêu nước bùng lên với chí khí quật cường. Câu chuyện về người đảng viên cộng sản sắt son Vi Văn Khang, Bí thư chi bộ đảng đầu tiên của đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền Tây Nghệ An – chi bộ Môn Sơn, tại xã Môn Sơn, huyện Con Cuông vẫn sống mãi trong niềm tự hào của mỗi người dân ở mảnh đất miền Tây Nam xứ Nghệ. Thành lập tháng 4/1931, Chi bộ Môn Sơn đã lãnh đạo phong trào cách mạng ở đây vượt qua nhiều thác ghềnh để đi đến ngày thắng lợi. Dẫu có thời điểm, phong trào bị thực dân, phong kiến đàn áp dã man, những chiến sỹ cộng sản tiền khởi nghĩa ấy phải lâm vào chốn lao tù. Nhưng ngọn lửa của lòng yêu nước ấy một khi đã bùng lên sẽ cháy mãi, là ánh sáng soi đường cho đồng bào các dân tộc trong đêm tối nô lệ lầm than. Đó là vào ngày 23/8/1945, cơ sở Việt Minh xã Môn Sơn dưới sự lãnh đạo của những đảng viên kiên trung ấy đã phát động quần chúng đứng lên đấu tranh, tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng, mở ra cuộc đời mới cho đồng bào các dân tộc bên dòng sông Giang.

Ngôi nhà của cụ Vi Văn Khang, bản Thái Hòa, xã Môn Sơn, nơi thành lập Chi bộ đảng Môn Sơn vẫn còn được giữ vẹn nguyên. Ngày ngày, ông Vi Thanh Mão, cháu của cụ Vi Văn Khang cẩn thận tưới từng gốc cây, chăm sóc từng kỷ vật với tất cả trách nhiệm và niềm ngưỡng vọng. “Ngôi nhà là địa chỉ đỏ về nguồn của nhiều đoàn khách, từ bà con các dân tộc đến các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước”, ông Mão tâm sự với chất giọng tự hào. Bao nhiêu năm, cùng với đất nước, Môn Sơn giờ đã đổi khác rất nhiều. Cuộc sống nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc. Nhiều người con quê hương học hành đỗ đạt, giờ tham gia công tác đảng, chính quyền các cấp. Nhưng dẫu đi đâu, làm gì thì niềm tự hào là người con Môn Sơn vẫn âm ỉ trong tâm thức. Để rồi, hàng năm, vào mỗi dịp tháng Tư, Lễ hội Môn Sơn – Lục Dạ được tổ chức, mọi người lại tìm về quê hương bản quán, để tri ân những bậc tiền bối cách mạng trong Chi bộ đảng Môn Sơn không quản ngại hiểm nguy mang lại ánh sáng độc lập, tự do cho vùng cao xứ Nghệ; để được tắm mát tâm hồn trong dòng chảy của suối nguồn cách mạng. Rồi từ đó, thêm vững niềm tin, lý tưởng để bước tiếp hành trình xây dựng quê hương hôm nay dưới ánh sáng của Đảng. Đồng chí Vi Văn Nam, Bí thư Đảng ủy xã Môn Sơn cho biết: “Đảng bộ và nhân dân Môn Sơn luôn thấm nhuần sâu sắc vị trí, vai trò của quê hương cách mạng. Vì vậy, nhiều phong trào sản xuất, xây dựng quê hương được phát động, mang lại hiệu quả cao. Trong sản xuất, bà con chuyển đổi cơ cấu giống, năng suất lúa đạt cao vào tốp đầu của huyện. Cuộc sống của bà con theo đó cũng đang khá lên từng ngày”.

70 năm đã trôi qua, âm vang của mùa Thu tháng Tám lịch sử vẫn vang vọng mãi trong hành trình của đất nước. Đó là cảm xúc thiêng liêng, hun đúc trong mỗi người Việt Nam ý chí quật cường, vươn lên để viết tiếp những mùa Thu tháng Tám trong công cuộc xây dựng quê hương, đất nước.

Nhật Lệ

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Miền Tây những ngày Thu lịch sử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO