Kỳ tích "vượt vũ môn"
(Baonghean) - Trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng vừa qua, Trường THPT Quỳ Hợp 1 có tỷ lệ học sinh trúng tuyển đạt 50%; trong số đó có nhiều em là con em dân tộc thiểu số có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Đặc biệt, 40/40 em lớp 12A của trường thi đậu vào các trường đại học danh tiếng. Đó thực sự là một kỳ tích nơi miền núi cao này...
Cựu học sinh lớp 12A, Trường THPT Quỳ Hợp 1. |
Trọn vẹn giấc mơ giảng đường
Chúng tôi tìm đến nhà em Vi Văn Tú bản Phạy, xã Châu Quang (Quỳ Hợp) là học sinh Trường THPT Quỳ Hợp 1 vừa đậu 2 trường đại học. Mặt trời đã đứng bóng, cửa nhà vẫn đóng chặt. Những người hàng xóm cho biết, Vi Văn Tú vừa đi nhập học được mấy ngày, còn mẹ Tú - chị Lô Thị Thủy đi làm về muộn.
Nán đợi. Một lúc rồi chị Thủy cũng về. Dáng đi tất tả, chị vội vàng nhấc ngọn tre rấp cổng để mời khách vào nhà. Căn nhà hai gian chẳng có gì đáng giá, nhưng vẫn chỉn chu chiếc bàn học kê sát bức vách như sáng lên nhờ những tờ giấy khen thành tích học tập của 2 anh em Tú. Câu chuyện về cậu học trò nghèo vừa “vượt vũ môn” chợt sôi nổi, dẫu đôi mắt người mẹ cứ đỏ hoe... Chồng chị Thuỷ mất khi Tú mới học lớp 1. Mình chị nuôi hai đứa con thơ dại, anh em nội ngoại cũng nghèo khó nên chẳng ai giúp đỡ được gì. May mà hai anh em Tú đều chăm ngoan, học giỏi. Mặc dù cơm ăn bữa đói, bữa no, sách học nâng cao chẳng có tiền để mua, nhưng nhiều năm liền Tú đạt học sinh giỏi toàn diện. Năm lớp 12, thấy các bạn đi học thêm, lòng người mẹ nghèo lại quặn thắt, phần vì thương con, phần vì tủi phận.
Chị Thủy nhớ lại, thời gian Tú chuẩn bị làm hồ sơ dự thi đại học, chẳng đêm nào chị chợp mắt được: “Không cho con đi thi thì thương con, đời cha mẹ nó đã khổ, chẳng lẽ, cứ để con nó phải chịu khổ như mình? Nhưng cho con đi thi thì phải có tiền. Quanh năm ăn chẳng đủ no, hễ có việc cần chi tiêu lại trông vào mấy bì thóc mà cũng đã bán gần hết rồi, tiền đi làm công cho người ta thì rẻ mà đâu phải muốn là hỏi lấy của người ta được”. Ấy thế rồi xác định vì tương lai của con, chị Thuỷ đã đi vay mượn khắp bà con lối xóm được món tiền nhỏ cho Tú đi thi. Ngày biết tin con thi đậu cả 2 trường đại học (Đại học Y khoa Vinh và Đại học Chính trị Bắc Ninh), chị Thủy vỡ oà niềm vui, niềm tự hào, nhưng tức khắc nỗi lo cũng ập đến... Thật may, nhờ có tình cảm chia sẻ của cộng đồng, sự giúp đỡ thiết thực của các tổ chức, đoàn thể địa phương, Tú đã có cơ hội trở thành tân sinh viên của Trường Đại học Chính trị Bắc Ninh.
Em Hoàng Mạnh Linh, lớp 12A, Trường THPT Quỳ Hợp 1 cậu học trò nghèo đậu 2 trường đại học danh tiếng là Học viện Quân Y và Đại học Bách khoa Hà Nội. Nhưng cái nghèo suýt dập tắt giấc mơ giảng đường của Linh. Và rồi cũng chính mẹ em cũng là người đã hết sức động viên em quyết tâm theo đuổi ước mơ của mình. Bố Linh, ông Hoàng Minh Châu bị tai biến mạch máu não cách đây 2 năm. Dù được điều trị tích cực nhưng sức khỏe của ông rất yếu. Tất cả mọi sinh hoạt của ông hoàn toàn dựa vào người thân trong gia đình. Từ ngày người cha lâm trọng bệnh gia đình vốn đã nghèo khó nay lại càng thêm túng thiếu. Bản thân Linh cũng đã nhiều lần muốn bỏ học ở nhà phụ giúp việc nhà đỡ đần cho mẹ, nhưng được bạn bè, thầy cô động viên em lại tiếp tục đến lớp. Và Linh vừa đến trường đều đặn, vừa hễ rảnh lại phụ giúp mẹ chăm sóc bố. Vượt qua những khó khăn, suốt nhiều năm liền Linh đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện. Linh là một trong những tấm gương học sinh nghèo vượt khó đặc biệt xuất sắc ở Trường THPT Qùy Hợp 1. Cảm động là, từ ngày biết con mình đỗ 2 trường đại học, mẹ Linh - bà Hồ Thị Hà đã xin tổ thợ xây trong làng cho đi theo phụ hồ. Công việc thật vất vả, nhưng kiếm được đồng tiền công cao hơn để góp cho con trai được tiếp tục giấc mơ giảng đường đại học..
Các em Tú và Linh nay đã tạm rời núi rừng xuôi phố, thành những tân sinh viên của các trường đại học lớn. Nhưng vẫn còn đó những khó khăn, nỗi lo canh cánh của những người mẹ nghèo, mà chỉ với quyết tâm và nghị lực phi thường của họ, mới có thể giúp ước mơ của những học trò nghèo như thế được trọn vẹn.
Vui một kỳ “vượt vũ môn”...
Trong kỳ thi đại học, cao đẳng vừa qua, tỷ lệ 50% học sinh thi đậu là một kỳ tích “vượt vũ môn” của thầy và trò Trường THPT Quỳ Hợp 1. Chia sẻ niềm vui với chúng tôi, thầy Cao Thanh Lưu, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Toàn trường có hơn 50% em đậu đại học, trong đó lớp 12A 40/40 em, lớp 12B là 30 em, lớp 12C là 25 em, lớp 12D là 20 em. Đặc biệt, kết quả 100% các em đậu đại học của lớp 12A thực sự là một kỳ tích. Trong số 40 em của lớp thi đậu đại học thì có 37 em đạt từ 20 điểm trở lên và thi đậu vào một số trường đại học danh giá như: ĐH Y Hà Nội, Học viện Quân y, Học viện Cảnh sát Nhân dân, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Xây dựng, Học viện Tài chính... Một số em có thành tích xuất sắc khi đỗ vào hai trường đại học với số điểm rất cao như em Hồ Viết Kiên (27 điểm), Dương Minh Hiếu (26 điểm), Võ Hồng Nhung (25 điểm), Hoàng Mạnh Ninh (25 điểm)...
Thầy Lưu cho biết thêm: “Thành tích đạt được của ngày hôm nay là sự nỗ lực cố gắng không mệt mỏi của thầy và trò. Trong suốt thời gian thành lập và phát triển, ban lãnh đạo nhà trường luôn chú trọng phát triển đầu tư vào chất lượng trong từng tiết dạy, tôn trọng sự sáng tạo trong cách giảng dạy của các giáo viên. Năm học vừa qua, nhà trường đã nhanh chóng nắm bắt sự đổi mới trong phương pháp dạy và thi. Xác định tập trung vào ôn thi đại học nhiều hơn vì thi tốt nghiệp các em được lựa chọn môn thi nên rất nhẹ nhàng. Vượt qua mọi khó khăn thiếu thốn về cơ sở vật chất, chúng tôi cố gắng giữ vững danh hiệu là lá cờ đầu trong công tác “trồng người” của ngành Giáo dục huyện Qùy Hợp nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung”.
Chuyến đò đầy cảm xúc...
Gặp thầy Trần Bá Hải, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A, Trường THPT Qùy Hợp 1, dường như cảm xúc vui mừng, tự hào của thầy vẫn còn nguyên như ngày đầu vừa biết tin các em học sinh lớp mình làm chủ nhiệm đều đậu đại học. Khi nói về tập thể lớp 12A, thầy nở nụ cười hãnh diện: “Đó thực sự là một mái ấm, mọi người yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, cùng nhau học giỏi”. Thầy Hải kể lại những kỷ niệm đáng nhớ về lớp học 12A thân yêu như một tiếng “thở phào” tuyệt vời nhất sau những tháng ngày bận rộn “chèo chuyến đò” kiến thức vốn là thiên chức của những người thầy: “Cứ vào các dịp lễ, Tết, các em rủ nhau đến nhà tôi nấu ăn, quậy phá. Chúng toàn đến bất ngờ, chẳng bao giờ báo trước cho thầy cả và cũng chưa bao giờ chịu ra về trước khi trời nhá nhem tối”. Dường như đã trở thành truyền thống của những thế hệ học trò khối tự nhiên, chơi hết mình và học cũng gắng hết sức, tập thể lớp 12A không những học giỏi và còn rất đoàn kết, giúp đỡ nhau trong học tập và cuộc sống. Mỗi em có thế mạnh về những bộ môn khác nhau. Thầy giáo phải để ý để chia nhóm, chia tổ cho các bạn học chung để trao đổi, kèm cặp cho nhau. Một số bạn học kém hơn thì được các bạn khá, giỏi kèm cặp. Như vậy, người học kém có cơ hội để tiến bộ, người học khá giỏi cũng củng cố thêm kiến thức cho bản thân mình. So với các bạn trong lớp, có em Phan Anh Khánh có học kém hơn nhưng được sự kèm cặp, giúp đỡ của các em khác, Khánh đã tiến bộ rất rõ rệt. Kết quả là em đã đỗ vào Trường Đại học Mỏ địa chất.
Không những giúp đỡ nhau trong học tập mà các em lớp 12A ấy còn giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Thầy Hải cho biết: Trong lớp có một số em hoàn cảnh khó khăn. Như em Hoàng Mạnh Linh, nhiều lần xin nghỉ học để ở nhà chăm sóc bố và đỡ đần cho mẹ nhưng luôn được thầy cô, bạn bè động viên, giúp đỡ. Các bạn trong lớp mỗi người ít nhất 10 nghìn đồng ủng hộ cho bạn Linh. Thầy Hùng và cô Lý, hai giáo viên bộ môn Hóa và Lý cũng là hai vợ chồng đã ủng hộ Linh 500 nghìn đồng, thầy chủ nhiệm 300 nghìn đồng. Cảm động hơn nữa là cựu học sinh của thầy Hải, đã ra trường vẫn kêu gọi, quyên góp ủng hộ Linh mỗi người 100 nghìn đồng. Đây là một số tiền không nhỏ đối với hoàn cảnh khó khăn như gia đình Linh và là động lực để em vượt khó học giỏi.
Để 40 con người với 40 hoàn cảnh, tính cách khác nhau hòa thuận được với nhau, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ là cả một sự cố gắng nắm bắt, quản lý linh hoạt của người đầu tàu. Để các em trưởng thành, thầy giáo phải là người tận tụy, nghiêm khắc và gần gũi với học sinh. Nói về Sơn, cậu học trò thông minh, cá tính khiến thầy Hải phải nhiều phen tiếc nuối. Sơn học rất giỏi, làm bài rất nhanh, lúc nào cũng muốn mình là người làm xong bài đầu tiên. Trong kỳ thi học sinh giỏi tỉnh năm lớp 12, Sơn tham dự 2 môn Toán và Hóa. Trong giờ thi Toán, em nộp bài khi mới hết 2/3 thời gian. Ra khỏi phòng thi, Sơn điện thoại cho thầy giáo chủ nhiệm để trao đổi về đề thi và cách giải. Một lát sau, em giật mình nhận ra mình đã sơ suất trong cách giải. Kết quả là môn Toán em chỉ đạt giải Khuyến khích và môn Hóa được giải Ba. Từ đó, trong các bài kiểm tra, thầy luôn chấm rất khắt khe, ai trình bày cẩu thả là thầy cho điểm kém. Sơn và những người bạn trong lớp hình như đã hiểu ra ý thầy nên các em đều cố gắng trình bày sạch sẽ, cẩn thận. Kết thúc mỗi chương, mỗi phần thầy đều ra từ 20 đến 30 bài tập cho các bạn về nhà làm. Ban đầu, ai cũng kêu ca, than phiền nhưng rồi dần quen. Thời gian sinh hoạt lớp đều được thầy trò tận dụng để trao đổi những bài tập khó. Mặc dù chương trình học rất nặng, nhưng thầy vẫn tạo được sự thoải mái, vui vẻ trong từng giờ học, giúp các em nắm bắt kiến thức nhanh chóng, hiệu quả.
Câu chuyện về những học sinh ham học của lớp 12A, Trường THPT Qùy Hợp 1 và những người cha, người mẹ, người thầy giáo của các em còn dài, là câu chuyện cảm động quanh một kỳ tích “vượt vũ môn” kỳ thi đại học, cao đẳng năm 2014 thật đáng nhớ ở huyện miền núi Quỳ Hợp. Và chắc câu chuyện ấy sẽ còn được kể mãi, như một niềm tự hào làm động lực cho các thế hệ học trò kế tiếp...
Nguyễn Lê