Ký ức đập tan "lá chắn thép" Phan Rang

14/04/2015 12:34

Với tinh thần chiến đấu như vũ bão, quân ta đã đập tan “lá chắn thép Phan Rang, góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại vào mùa xuân 1975.

Sau thất bại trên chiến trường Tây Nguyên và các tỉnh Duyên Hải miền Trung, quân lực Ngụy quyết tâm dựng tuyến phòng thủ Phan Rang hòng chặn đứng bước tiến của quân ta, giữ vững thế phòng ngự từ xa bảo vệ đầu não Sài Gòn. Nhưng với tinh thần chiến đấu như vũ bão, quân ta đã đập tan “lá chắn thép Phan Rang, góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại vào mùa xuân 1975.

Quảng trường 16 tháng 4, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận
Quảng trường 16 tháng 4, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận

Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm là một đô thị đang trên đà đi lên của Ninh Thuận. 40 năm trước, nơi đây từng là nơi diễn ra các trận đánh ác liệt của quân ta nhằm đập tan lá tuyến phòng thủ từ xa của chế độ ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu. Ông Lê Văn Nhiễm, nguyên Trưởng ban chính trị Ban chỉ huy Tiền phương C tỉnh Ninh Thuận kể lại: Đầu tháng Tư 1975, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Khu ủy và Quân khu 6 chỉ đạo tỉnh Ninh Thuận phải phát huy mọi lực lượng ở đồng bằng và căn cứ, tiến ngay ra phía trước tấn công địch, hỗ trợ quần chúng nổi dậy phá ấp, giải phóng quê hương. Tỉnh ủy và Tỉnh đội Ninh Thuận quyết định củng cố lại Ban chỉ huy Tiền Phương C sẵn sàng cùng quân chủ lực giải phóng Ninh Thuận.

Ông Lê Văn Nhiễm cho biết: “Nhiệm vụ chủ yếu của Tiền phương C là đánh địch giải phóng đường 11 sớm chừng nào tốt chừng nấy, để làm trụ cột không cho địch tiếp viện lên Lâm Đồng, và cũng không cho địch trên Lâm Đồng tiếp viện về Phan Rang. Đồng thời, phối hợp cùng quân chủ lực góp phần giải phóng tỉnh Ninh Thuận”.

Từ ngày 1 đến ngày 3/4, sau khi thất thủ ở Lâm Đồng và Khánh Hòa, các nhóm tàn quân ở Đà Lạt tháo chạy theo đường 11 về Phan Rang đều bị quân ta chặn đánh. Quân ta cũng lần lượt mở các đợt công kích đánh chiếm các ấp ven đường 11, giải phóng quận Krông-Pha. Bộ đội địa phương của hai huyện Bác Ái và Anh Dũng cùng một số đơn vị khác của tỉnh được chỉ đạo bổ sung cho cho Tiểu đoàn 610 làm nhiệm vụ chốt giữ Đèo Cậu, chặn đánh quân địch từ sân bay Thành Sơn bung ra phản kích, đồng thời bảo vệ đường 11 và sẵn sàng phối hợp với quân chủ lực giải phóng thị xã Phan Rang.

Lúc này, tại Phan Rang, ngụy quyền Sài Gòn huy động một lực lượng quân sự hùng hậu, gồm: Sư đoàn 6 không quân, Lữ đoàn 2 dù, Sư đoàn 2 bộ binh, Liên đoàn 31 biệt động quân, 2 chi đoàn thiết giáp cùng với lực lượng pháo binh, bảo an, dân vệ, cảnh sát với hơn 10.000 tên; 150 máy bay các loại sẵn sàng phản kích. Ở ngoài khơi còn có hạm đội 7 sẵn sàng chi viện. Quân lực ngụy lấy cửa ngõ Du Long, cách Phan Rang hơn 20 cây số, làm phòng tuyến then chốt. Dọc đường 1 từ Du Long vào Cà Đú, chúng còn tổ chức nhiều tuyến phòng thủ vững chắc.

Quán triệt chủ trương của Bộ Chính trị là phải hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam trong tháng 4, Trung tướng Lê Trọng Tấn - Tư lệnh cánh quân Duyên Hải ra lệnh cho Sư đoàn 3 Sao Vàng và Trung đoàn 25 Quân khu 5 lập tức đánh chiếm Phan Rang. Rạng sáng ngày 14/4, pháo binh và bộ binh của ta chiếm được quận lỵ Du Long và các vị trí lân cận, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, đồng thời bẻ gãy nhiều đợt phản công của địch.

Ông Huỳnh Hữu Lộng, nguyên Tham mưu trưởng Ban chỉ huy Tiền phương C hỗ trợ Cánh quân Duyên Hải vào giải phóng tỉnh Ninh Thuận kể lại: “Sáng ngày 14, quân ta đã đập tan lá chắn thép tiền tiêu ở quận Du Long và đánh chiếm Suối Vang, Suối Đá, Bà Râu. Địch lúc bấy giờ phản ứng ta chủ yếu bằng phi cơ thả bom và trực thăng phóng pháo, quân mặt đất dùng pháo bắn vào trận địa của ta. Nhưng mà không làm được vì ta đã bắn và hạn chế tất cả những phản ứng chi viện đó”.

Sáng 16/4, quân ta chia làm 3 mũi chính: Mũi đầu tiên có xe tăng dẫn đầu tiến theo đường 1, sau khi đánh chiếm Phan Rang sẽ tiến lên sân bay Thành Sơn. Mũi thứ hai từ hướng Tây Bắc đánh thẳng vào sân bay Thành Sơn. Mũi thứ ba đánh chiếm cảng Ninh Chữ, không cho địch tháo chạy ra biển. Phối hợp với quân chủ lực, lực lượng 311 ở núi Cà Đú xuất kích, đánh tạt vào sườn quân địch đang tháo chạy. Ở hướng Tây Bắc, đặc công và công binh Quân khu 6 phối hợp với lực lượng địa phương chọc thẳng xuống Phước Thiện, Ninh Quý đánh vào khu vực Bảo An - Tháp Chàm.

Tướng ngụy Nguyễn Vĩnh Nghi 37 lần cho máy bay xuất kích đánh vào Trung đoàn 101, nhưng quân ta vẫn tiến nhanh vào thị xã. Đến 9 giờ 30 phút ngày 16/4, lá cờ chiến thắng tung bay trên Toà hành chính - cơ quan đầu não ngụy quyền tỉnh Ninh Thuận, đánh dấu quê hương Ninh Thuận hoàn toàn giải phóng. Ông Phạm Việt Dũng, nguyên là Trợ lý Binh vận Trung đoàn 18, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 tiến vào giải phóng Phan Rang kể lại: “Lúc đó, chúng tôi được phổ biến là Trung đoàn 101 của Sư đoàn 325 đã làm mũi tiến công đầu tiên cùng với các đơn vị bạn giải phóng Phan Rang. Ngày 16/4, chúng tôi vượt Du Long và bắt đầu tiến vào thị xã Phan Rang – Tháp Chàm, hai bên đường súng pháo 105 ngổn ngang, lúc này không còn một tên Ngụy nào chạy hết”.

Chiến thắng tuyến phòng thủ Phan Rang mang ý nghĩa lịch sử lớn lao, đã góp phần quan trọng làm nên đại thắng mùa xuân 1975 lịch sử. Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh tỉnh Ninh Thuận, nguyên là Tham mưu trưởng Tiểu đoàn 610, cho biết: “Ta đập tan tuyến phòng thủ Phan Rang có nhiều ý nghĩa. Thứ nhất, đập tan âm mưu phòng thủ từ xa của bọn ngụy quân ngụy quyền Sài Gòn. Hai là, tuyến phòng thủ của địch ở Du Long và tỉnh Ninh Thuận được hoàn toàn giải phóng. Thứ ba, tạo được thời cơ, tạo được bàn đạp của quân chủ lực – cánh quân duyên hải miền Trung nhanh chóng tiến hành tấn công vào các tỉnh phía Nam đập tan cánh cửa thép Xuân Lộc, góp phần giải phóng Sài Gòn”.

Ninh Thuận được giải phóng. “Lá chắn thép” Phan Rang - tuyến phòng thủ từ xa để bảo vệ Sài Gòn bị đập tan đánh dấu sự thất bại trong nỗ lực cuối cùng của quân địch để bảo vệ chế độ Sài Gòn. Kể từ lúc này, tinh thần và sức chiến đấu của Ngụy quân ngày càng yếu ớt, báo hiệu chế độ Sài Gòn chuẩn bị đến ngày cáo chung, miền Nam sắp được giải phóng.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Ký ức đập tan "lá chắn thép" Phan Rang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO