Ký ức một thời hoa lửa...

14/09/2015 15:17

(Baonghean) - Buổi sáng tháng 9, thành Vinh như rộn lên bởi sắc nắng chan hòa khắp các phố xá. Đã qua ngày mùng 2 tháng 9, nhưng con phố Phan Chu Trinh vẫn bồi hồi rợp màu cờ đỏ chào mừng những tháng ngày lịch sử của dân tộc. Tôi rẽ vào ngõ 134, tìm đến nhà số 8. Đó là nơi ở của cụ ông Nguyễn Văn Chính, cán bộ tiền khởi nghĩa, người đã có một thời trẻ trai đầy sôi nổi gắn bó với phong trào đấu tranh cách mạng của quê hương...

Khắc sâu lời dạy của Bác

Sinh năm 1918 trong một gia đình nho giáo có truyền thống cách mạng ở xã Hưng Châu, huyện Hưng Nguyên, cậu bé Nguyễn Văn Chính sớm được tiếp thu tinh thần yêu nước, nhiệt thành cách mạng của thế hệ cha anh đi trước. Thuở nhỏ Nguyễn Văn Chính từng theo học ở Trường Tổng Văn Viên. Năm 1931, khi Nguyễn Văn Chính tròn 12 tuổi cũng là thời điểm Cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh bị thực dân Pháp đàn áp đẫm máu, cha và anh trai bị địch bắt và lâm vào cảnh tù đày, nhà cửa bị địch chiếm đóng, gia đình phải ly tán mỗi người mỗi ngả, bản thân Nguyễn Văn Chính lánh nạn tận huyện miền núi Quỳ Châu. Để thoát khỏi không khí khủng bố ngột ngạt tại Nghệ An lúc bấy giờ, năm 1940 chàng trai Nguyễn Văn Chính theo tàu hỏa lên đường vào tỉnh Khánh Hòa. Tại đây dưới thân phận là một nông dân, Nguyễn Văn Chính đã kết nối với các hạt nhân cách mạng cơ sở để tham gia hoạt động. Cũng trong giai đoạn này, tại quê nhà địch liên tiếp tiến hành vây ráp, bắt bớ những người tham gia cách mạng trong các hội kín. Với chiêu bài “an trí” thực dân Pháp đã bắt bớ, thủ tiêu nhiều cán bộ của Đảng. Trước tình hình đó, cụ Hoàng Viện – một lãnh tụ cách mạng ở xã Hưng Châu (Hưng Nguyên) đã liên lạc với Nguyễn Văn Chính để đưa người vào Nam Trung bộ lánh nạn.

Cụ Nguyễn Văn Chính giới thiệu bức ảnh chụp với Bác Hồ ngày 8/12/1961.
Cụ Nguyễn Văn Chính giới thiệu bức ảnh chụp với Bác Hồ ngày 8/12/1961.

Cụ Chính kể rằng, trong giai đoạn này cụ đã đưa 4, 5 thanh niên vào tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận. “Ở huyện nông thôn miền núi Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, chúng tôi kiếm sống bằng nghề làm ruộng thuê và nấu rượu, nuôi lợn. Vừa có cái ăn, vừa che mắt địch. Tui chỉ nhớ tên 2 đồng chí lúc đó là: Lê Bốn và Hoàng Nhỏ” - cụ Chính cho biết. Sau hơn 2 năm ở Khánh Hòa, năm 1943 cụ Nguyễn Văn Chính trở lại Nghệ An và tiếp tục hoạt động bí mật tại cơ sở. Vào tháng 5/1945 các đồng chí trong cấp ủy Việt Minh lâm thời huyện Nam Đàn giao cho cụ Chính nhiệm vụ gây dựng cơ sở Việt Minh ở làng Nghi Lệ và vùng Thị trấn Nam Đàn. Tiếp đó cụ được bầu làm Bí thư Việt Minh tổng Xuân Khoa rồi tham gia cướp chính quyền huyện Nam Đàn vào ngày 23/8/1945. Vào tháng 1/1946 cụ Nguyễn Văn Chính được kết nạp Đảng và cũng vào tháng 9 năm đó cụ Chính trở thành Ủy viên BCH Đảng bộ Huyện ủy Nam Đàn.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, cụ Nguyễn Văn Chính đã trải qua nhiều nhiệm vụ, nhưng công việc mà cụ gắn bó nhiều năm nhất là công tác tài chính, thương nghiệp, mậu dịch. Kể từ năm 1947 cụ Chính được giao trọng trách cán bộ tài chính thuộc Khu ủy 4, quản lý các Chi cục mậu dịch ở Thái Bình và Nghệ An. Cụ nói rằng: “Đảng ta rất sáng suốt khi chỉ đạo rất sâu sát nhiệm vụ mậu dịch, vì giai đoạn sau năm 1945 tình hình kinh tế đặc biệt khó khăn. Lương thực, thực phẩm khan hiếm, trong khi cả nước tập trung cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp”.

Trong báo cáo kết quả của quá trình hoạt động được cụ Nguyễn Văn Chính soạn từ năm 2006, có đoạn viết: “Năm 1949 tôi làm quản lý Chi cục Việt Thắng tỉnh Thái Bình. Cuối năm đó địch đánh chiếm tỉnh Thái Bình. Sau 5 ngày thu xếp tài liệu, tiền bạc tôi đã tìm đường vượt vòng vây của địch, đưa 9 anh chị em và tài sản của công ty về Vinh an toàn. Tháng 11 năm 1953 tôi là Chi Sở phó mậu dịch tỉnh Hà Tĩnh, tôi được phân sở mậu dịch Liên khu 4 đại diện tham gia phục vụ cho chiến dịch Trung Lào. Thực hiện nhiệm vụ, tôi đã tổ chức 12 trạm mậu dịch tiền phương từ huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) đến bản Nậm Phao của Lào. Trong vòng 4 tháng, tôi và 50 cán bộ đã tổ chức vận chuyển, tiếp nhận 1.050 con bò thịt, 80 tấn thực phẩm gồm: đường, đậu, lạc và nhiều mặt hàng bách hóa khác cung cấp cho bộ đội, dân công hỏa tuyến...”. Cụ Nguyễn Văn Chính từng giữ các trọng trách như: Chi sở phó mậu dịch các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh; Trưởng Ty Thương nghiệp Nghệ An; Tỉnh ủy viên, Trưởng ban Tài mậu tỉnh; Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra tỉnh, Trưởng ban Tài chính - Thương nghiệp Tỉnh ủy...

Trên cương vị nào, nhiệm vụ nào cụ Chính đều hoàn thành xuất sắc. Với những cống hiến cho Đảng và cách mạng, cụ Nguyễn Văn Chính được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương và bằng khen các loại. Trong đó có Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương kháng chiến hạng Ba, Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng Nhất. Và gần đây nhất cụ được Đảng trao tặng Huy hiệu 70 tuổi đảng. Cụ Nguyễn Văn Chính nói rằng, trong cuộc đời cống hiến cho cách mạng của mình cụ có rất nhiều điều muốn kể, nhiều kỷ niệm không thể quên. Đặc biệt là những lần được gặp Bác Hồ khi Người về thăm quê. Nhớ nhất là năm 1961 khi Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Nghệ An lần thứ 2, đến thăm Ty Thương nghiệp, Bác đã căn dặn cán bộ, công nhân viên rất nhiều điều, trong đó cụ Chính vẫn nhớ câu nói của Bác: “Lạc là gang thép/lạc sang nước bạn, lạc mang thép về”.

Bác còn nói: “Dân Nghệ nhà choa/một năm ăn quà/hết mấy tấn thép”. Theo cụ Chính vào những năm 1960 tỉnh Nghệ An là địa phương trồng nhiều lạc và đây là nông sản có giá trị xuất khẩu cao. Xuất khẩu lạc sang các thị trường Liên Xô và Đông Âu để nhập sắt thép về kiến thiết xây dựng đất nước. Tuy nhiên có những thời điểm việc tiêu pha không tiết kiệm đã ảnh hưởng đến nguồn ngân sách. Chính vì vậy Bác Hồ mới nói: “Một năm ăn quà/hết mấy tấn thép”. Cụ Chính nói rằng, suốt đời không bao giờ quên lời dạy bảo rất nhẹ nhàng nhưng thấm thía của Bác Hồ.

Nối tiếp truyền thống

Cụ Nguyễn Văn Chính cho biết sở dĩ cụ tham gia hoạt động cách mạng sở là vì tiếp nhận tinh thần cứu nước của quê hương, gia đình. Cụ Chính là con thứ 6 trong gia đình có 9 anh chị em. Thân sinh của cụ là ông Nguyễn Ngô Dật, cán bộ hoạt động cách mạng trước năm 1930. Theo tài liệu của Tỉnh ủy Nghệ An và ghi chép của gia đình, thuở nhỏ ông Nguyễn Ngô Dật là người thông minh, ham học. Dù không thành đạt trên con đường khoa cử nhưng ông Nguyễn Ngô Dật sớm giác ngộ cách mạng, ông đã tiếp xúc với những người cùng chí hướng và gia nhập Tân Việt cách mạng Đảng.

Ngày 3/2/1930 sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ở Nghệ An phong trào đấu tranh cách mạng trở nên rầm rộ, sôi nổi. Nửa đầu năm 1930, Chi bộ Đảng ở làng Phúc Mỹ (Hưng Châu, Hưng Nguyên) được thành lập với 3 đảng viên, gồm: Nguyễn Ngô Dật, Lê Viện và Nguyễn Thuyên, ông Nguyễn Ngô Dật được bầu làm Bí thư. Tiếp đó, ông Nguyễn Ngô Dật được bầu vào BCH Huyện ủy và phân công phụ trách tổng Văn Viên (gồm 10 xã ở Hưng Nguyên). Vào giai đoạn này, mọi hoạt động in ấn tài liệu của Huyện ủy Hưng Nguyên cũng như Xứ ủy Trung Kỳ đều diễn ra tại nhà ông Nguyễn Ngô Dật ở làng Phúc Mỹ. Đánh hơi thấy hoạt động của tổ chức, địch đã nhiều lần vây ráp, sục sạo cướp đi nhiều tài sản của gia đình và sau đó chúng đã dựng đồn binh ngay tại gia đình ông Dật.

Sau khi Cao trào Xô viết bị đàn áp, khủng bố ông Nguyễn Ngô Dật cùng nhiều đồng chí lui vào hoạt động bí mật, đồng thời chỉ đạo phong trào đấu tranh của quần chúng. Thậm chí đêm 30/4/1931 ông Nguyễn Ngô Dật đã chỉ huy đơn vị tự vệ đánh úp vào khu đồn trú của địch đóng trong vườn nhà mình. Trong số những người cùng hoạt động cách mạng, ông Dật có 1 người đồng chí đặc biệt, đó là ông Nguyễn Xuân Thành, con trai của ông Dật. Cả 2 bố con đều là những thành viên nòng cốt của phong trào cách mạng cơ sở và đều được kết nạp Đảng năm 1930.

Vào đêm 14/7/1931 khi đang bí mật hoạt động tại làng Yên Dũng Thượng (Hưng Dũng) ông Dật và người con trai Nguyễn Xuân Thành bị địch phát hiện, vây bắt. Ông Dật chạy thoát nhưng người con trai bị bắt. Đến tháng 8 năm đó địch bắt được ông Nguyễn Ngô Dật ở huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh sau đó chúng đưa ông giam tại nhà tù Buôn Mê Thuột và ông đã hy sinh tại đây vào ngày 18/9/1932. Về phần ông Nguyễn Xuân Thành ra tù năm 1933. Ông Thành từng giữ các cương vị: Ủy viên BCH Việt Minh tỉnh Nghệ An, Ủy viên BTV Tỉnh ủy và Chính trị viên Tỉnh đội; cán bộ tài chính Khu ủy Khu 4; Trưởng ban Trinh sát Tỉnh ủy, Trưởng Ty Công an Nghệ An; Cán bộ Ủy ban Kế hoạch nhà nước; Cục trưởng Tổng Cục 5 - Bộ Công an..

Cụ Nguyễn Văn Chính nói rằng, mình tham gia hoạt động cách mạng cũng là tiếp nối truyền thống của gia đình, của cha anh. Biết là hiểm nguy, hy sinh mất mát nhưng nói như cụ Chính thì “nó đã thấm vào máu rồi không thể làm khác được”. Cụ cười: “Đã lâu không ra ngoài, nhưng tôi biết phố phường, quê hương thay đổi mạnh lắm”. Vâng! Quê hương đang không ngừng đổi mới, phát triển và thành quả của ngày hôm nay có sự đóng góp lớn lao của các bậc tiền bối cách mạng, trong đó có gia đình cụ Nguyễn Văn Chính.

Đào Tuấn

Mới nhất
x
Ký ức một thời hoa lửa...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO