Ký ức những người lính làm nên chiến thắng 'lừng lẫy năm châu'

Công Khang 06/05/2020 14:44

(Baonghean.vn) - Chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu” đã lùi vào dòng chảy lịch sử 66 năm, phần lớn những người cầm súng năm xưa đã về với thế giới người hiền. Người còn sống cũng đã ở độ tuổi xấp xỉ 90 trở lên, nhưng vẫn lưu giữ vẹn nguyên dòng ký ức hào hùng.

Ký ức một ngày vui nhất trong đời

Lịch sử đã ghi nhận Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi có sự đóng góp, chi viện lớn của vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh. Ở Nghệ An, đóng góp lớn nhất cho chiến dịch này thuộc về vùng Diễn - Yên - Quỳnh bởi mỗi xã có đến hàng trăm người cầm súng chiến đấu và tham gia lực lượng dân công hỏa tuyến, chi viện vũ khí, lương thực cho chiến trường.

Chiến dịch chấn động địa cầu. Ảnh tư liệu
Chiến dịch Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Ảnh tư liệu

Dịp này, chúng tôi về làng Phượng Lịch, xã Diễn Hoa (Diễn Châu) gặp cụ Nguyễn Quang Phiệt (SN 1932), là Trưởng ban Liên lạc CCB Điện Biên Phủ của huyện. Ở tuổi 88, người chiến sỹ Điện Biên năm xưa vẫn còn minh mẫn, vẫn nhớ rõ những kỷ niệm thời hành quân lên Tây Bắc đánh đuổi giặc. “Tháng 3/1954, tôi có mặt trong đoàn quân của Trung đoàn 57, Đại đoàn 304 hành quân lên Điện Biên xây dựng chiến hào. Đơn vị tổ chức bao vây địch khu vực Hồng Cúm ở phía Tây Nam lòng chảo Điện Biên. Từ đây, bắt đầu những ngày gian khổ, ác liệt để đi đến thắng lợi” - cụ Phiệt kể.

Theo lời cụ Phiệt, lúc bấy giờ ở Tây Bắc trời thường xuyên đổ mưa lớn, nước tràn vào hầm trú ẩn và chiến hào. Cả hàng tháng trời những người lính sinh hoạt và chiến đấu trong cảnh nước ngập ngang bụng, bùn nhão phủ khắp người. Chỉ cần nhô đầu lên khỏi chiến hào là lập tức trúng đạn bắn tỉa của địch chỉ cách mấy trăm mét.

Cụ Nguyễn Quang Phiệt (SN 1932), là Trưởng Ban liên lạc CCB Điện Biên Phủ. Ảnh: Công Khang
Cụ Nguyễn Quang Phiệt (SN 1932), là Trưởng ban Liên lạc CCB Điện Biên Phủ huyện Diễn Châu. Ảnh: Công Khang

Trong mỗi trận đánh, hai bên giành nhau từng tấc đất, từng mét chiến hào, nhiều đồng đội đã hy sinh khi xung phong đánh chiếm lô cốt của địch. Nhớ nhất là những ngày cuối chiến dịch, ban đêm cụ Phiệt và đồng đội mở rộng chiến hào, lấn dần đến điểm địch đóng quân, bí mật chuyển vũ khí vào để một phen quyết chiến.

“Ngày 7/5, đơn vị chúng tôi áp sát Hồng Cúm, địch co cụm và ngoan cố chống cự, không chịu đầu hàng. Đơn vị được lệnh dùng hỏa lực bắn cấp tập vào lô cốt địch khiến kho bốc cháy dữ dội, địch bỏ chạy. Được lệnh truy kích, chúng tôi bám địch đến cùng và bắt sống toàn bộ lính Âu - Phi ở Hồng Cúm. Với tôi, đó là một trong những ngày vui nhất trong đời”.

Cụ Nguyễn Quang Phiệt

Cũng ở làng Phượng Lịch, cụ Cao Xuân Đào (SN 1934) là lính Đại đoàn 308, được mệnh danh là “Đại đoàn quân tiên phong” trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Vừa nhập ngũ tròn 1 năm, người chiến sỹ trẻ quê Phủ Diễn ấy đã theo đơn vị hành quân lên Điện Biên làm nhiệm vụ phá tan “pháo đài bất khả xâm phạm” của quân viễn chinh Pháp. Cụ Đào thuộc đơn vị pháo cối, thực hiện nhiệm vụ phối hợp với bộ binh tiêu diệt địch và đánh chiếm sân bay Mường Thanh. Cụ Đào kể lại: “Hành quân lên Điện Biên, lính pháo cối vô cùng vất vả, vì mỗi người phải khiêng giá, thân, nòng và đạn pháo hàng chục kg, chưa kể quân tư trang. Nhưng lúc ấy nghĩ đến ngày chiến thắng, ai cũng hăm hở tiến lên phía trước”.

Trong trận quyết chiến cuối cùng ở Điện Biên, đơn vị cụ Cao Xuân Đào không trực tiếp vào đánh chiếm sân bay Mường Thanh mà thực hiện nhiệm vụ pháo kích vào các vị trí hiểm yếu. Đạn cối được bắn cấp tập vào khu vực sân bay, đường băng bị tê liệt, máy bay địch không thể cất cánh và hạ cánh. Quân viễn chinh Pháp vô cùng hoảng loạn, đội hình tan rã, trước sức mạnh của hỏa lực và khép chặt vòng vây, địch buộc phải đầu hàng. Dù không được tận mắt chứng kiến cảnh lính Pháp giương cờ trắng đầu hàng nhưng khi hay tin, cụ Đào và đồng đội ôm lấy nhau reo hò, niềm vui tưởng chừng bất tận…

Tự hào là lính Điện Biên

Chiến dịch
Chiến dịch "56 ngày đêm khoét núi ngủ hầm mưa dầm cơm vắt" của quân và dân ta đã gây chấn động thế giới. Ảnh tư liệu

Sống cùng làng, cụ Phiệt, cụ Đào và 3 - 4 người bạn cùng trang lứa từng tham gia Chiến dịch Điện Biên thi thoảng lại gặp gỡ để ôn lại kỷ niệm xưa, tìm về ký ức hào hùng tuổi trẻ. Cụ Nguyễn Quang Phiệt cho biết: “Hơn 10 năm trước, lúc mới thành lập, Ban Liên lạc Cựu chiến binh Điện Biên Phủ có hơn 600 thành viên, nay chỉ còn chưa đầy 200 người. Mỗi năm số lượng thành viên càng vơi đi nhiều, nhưng mỗi lần gặp nhau ký ức năm nào liền sống dậy, ai cũng tự hào mình là lính Điện Biên”.

CCB Phan Công Chinh và tấm dù chiến lợi phẩm ở Điện Biên Phủ. Ảnh: Công Khang
CCB Phan Công Chinh và tấm dù chiến lợi phẩm ở Điện Biên Phủ. Ảnh: Công Khang

Dịp này, chúng tôi còn được gặp cụ Phan Công Chinh (90 tuổi) ở xóm Yên Phú, xã Hưng Thịnh (Hưng Nguyên) - là một người lính thuộc Trung đoàn 9 (Đại đoàn 304). Trong Chiến dịch Điện Biên, đơn vị cụ Chinh được giao nhiệm vụ đào công sự bao vây sân bay Mường Thanh. Cụ Chinh nhớ lại giây phút tiến công vào trận địa địch: “Khi có lệnh xung phong, chúng tôi vượt ra khỏi hầm, tiến thẳng vào sở chỉ huy của địch. Mặc cho địch kháng cự quyết liệt, dùng hỏa lực để phản công, nhiều người đã ngã xuống những người còn sống nhất tề xông lên đánh chiếm mục tiêu…”. Và ông Chinh cùng đồng đội đã có niềm vui tột đỉnh khi hay tin quân viễn chinh Pháp đầu hàng vô điều kiện. Ngày hôm sau, thực hiện nhiệm vụ áp giải tù binh, cụ Chinh đã nhặt tấm dù chiến lợi phẩm làm kỷ niệm. Đến nay, sau 66 năm, tấm dù năm xưa vẫn còn được lưu giữ. Mỗi lần kỷ niệm ngày chiến thắng Điện Biên, cụ Chinh thường mang tấm dù ra ra ngắm, nỗi bồi hồi và kỷ niệm năm nào lại ùa về trong ký ức người lính già…

Còn bao câu chuyện xúc động, ký ức hào hùng và kỷ vật thiêng liêng của những người lính trở về từ chiến trường Điện Biên. Đó là kỷ niệm, cũng là ân nghĩa của cụ Nguyễn Văn Uy ở xã Diễn Xuân (Diễn Châu) khi được người đồng đội, cũng là đồng hương cứu sống trong lúc xung trận, về sau kết nghĩa anh em.

Hay như câu chuyện của cụ Bùi Việt Sỹ ở phường Quang Trung (TP. Vinh) giấu mẹ đi tuyển nghĩa vụ, rồi hành quân lên Tây Bắc - Điện Biên. Ngày trở về người mẹ thân yêu không còn nữa, xóm giềng và họ hàng bảo rằng người mẹ thương con, ngày nào cũng ra đường ngóng chờ…

Thời gian đã lùi xa, những người lính làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu” năm xưa nay kẻ còn, người mất. Nhưng niềm tự hào, truyền thống yêu nước, bất khuất, kiên cường của con người Việt Nam không bao giờ thay đổi.

Mới nhất
x
Ký ức những người lính làm nên chiến thắng 'lừng lẫy năm châu'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO