Kỳ vọng gì từ chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nhật Bản?
(Baonghean) - Hôm qua (26/4), Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có chuyến thăm chính thức tới Mỹ kéo dài 8 ngày. Đây là được đánh giá là chuyến thăm lịch sử khi lần đầu một Thủ tướng Nhật Bản đương chức có bài phát biểu trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ. Ông Abe kỳ vọng gì khi đặt chân lên đất Mỹ lần này, và liệu có phải liên minh Nhật - Mỹ đang đứng trước một cục diện phát triển mới mạnh mẽ hơn bao giờ hết?
Bối cảnh khu vực và thế giới mới đang khiến dư luận theo dõi sát sao chuyến công du Mỹ của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lần này. Theo giới phân tích, chuyến thăm này sẽ thể hiện rõ đường lối an ninh đối ngoại mà Nhật Bản công bố mới đây trong Sách Xanh Ngoại giao 2015. Theo đó, Nhật Bản khẳng định kiên trì theo đuổi chính sách "một quốc gia hòa bình", nhưng đồng thời Sách Xanh cũng nêu rõ, Tokyo sẽ đóng góp tích cực hơn bao giờ hết vào một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng bằng việc hợp tác với các nước dựa trên lập trường “đóng góp tiên phong cho sự hòa bình”...
Vì thế, thông điệp đầu tiên mà Thủ tướng Abe muốn phát đi trong chuyến đi này, đó là Nhật Bản đã sẵn sàng đảm nhận vai trò lớn hơn trong các vấn đề an ninh của khu vực và thế giới. Trong bối cảnh Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ về quân sự và kinh tế, đồng thời có nhiều hành động thể hiện tham vọng mở rộng ảnh hưởng tại châu Á, giới quan sát cho rằng, ẩn ý của Thủ tướng Abe còn là muốn Mỹ cam kết sẽ xuất hiện trong bất cứ cuộc đụng độ nào nếu có xảy ra với Trung Quốc. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi giữa Nhật Bản và Trung Quốc vốn vẫn tồn tại nhiều mâu thuẫn và xung đột liên quan đến vấn đề tranh chấp lãnh hải.
Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. |
Xét đến hợp tác song phương, việc Nhật Bản năm ngoái tiến hành giải thích lại điều 9 Hiến pháp theo đó cho phép lực lượng phòng vệ nước này tham gia các hoạt động quân sự ở nước ngoài, đây sẽ là điều kiện thuận lợi để hai nước tiến tới mở rộng và hợp tác chặt chẽ hơn rất nhiều trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng. Theo đó, dự kiến lãnh đạo hai bên sẽ thảo luận lần cuối về bản cập nhật các nguyên tắc hợp tác quốc phòng.
Theo giới quan sát, những sửa đổi này sẽ phản ánh sự thay đổi lớn nhất trong chính sách an ninh của Nhật Bản trong hàng thập kỷ qua, qua đó mở rộng phạm vi cho vai trò an ninh của Tokyo trên thế giới. Đồng thời, một bộ tài liệu về hợp tác quốc phòng theo hướng mới được đánh giá sẽ hỗ trợ cả hai chính phủ Mỹ - Nhật giải quyết tốt hơn các thách thức an ninh mới trong thế kỷ 21. Đó là các vấn đề toàn cầu cũng như trực tiếp tại khu vực như chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, mối quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật - Hàn, đặc biệt là vấn đề an ninh hàng hải ở châu Á khi Trung Quốc liên tục tuyên bố chủ quyền đối với các hòn đảo tranh chấp trên Biển Hoa Đông và Biển Đông.
Bên cạnh tăng cường hợp tác an ninh - quốc phòng, các nội dung liên quan đến Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP cũng sẽ là một nội dung hàng đầu trong các chương trình nghị sự của chuyến công du lần này. Bởi TPP vốn là một phần quan trọng trong chính sách xoay trục sang châu Á của Mỹ và cũng là một cơ hội kinh tế lớn đối với Nhật Bản. Hồi đầu tuần này, giới chức thương mại hai nước đã có cuộc gặp tại Tokyo và đã thu hẹp đáng kể lập trường đàm phán. Rõ ràng, các diễn biến tích cực của TPP sẽ có lợi cho cả hai bên, trong bối cảnh Ngân hàng Phát triển hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng đang thu hút rất nhiều đồng minh Mỹ tham gia, trong khi Dự án “Khu vực thương mại tự do toàn châu Á - Thái Bình Dương” (FTAAP) - một ý tưởng khác của Trung Quốc cũng đang được thúc đẩy và hiện thực hóa để đối trọng với TTP do Mỹ đứng đầu.
Tuy vậy, giữa hai nền kinh tế lớn nhất là Mỹ và Nhật Bản hiện vẫn tồn tại nhiều bất đồng, đặc biệt liên quan đến hai lĩnh vực gai góc nhất là nông nghiệp và ôtô. Vì vậy, giới phân tích cho rằng, dù mục tiêu đã đặt ra, nhưng việc đạt được một bước đột phá về TTP là chưa thể nói trước. Điều này còn phụ thuộc rất nhiều vào quyết tâm chính trị của hai nước, nếu gạt bỏ những lợi ích riêng để tiến tới một thỏa thuận chung có lợi cho tất cả các bên tham gia.
Một điểm nhấn của chuyến công du cũng được Thủ tướng Abe đặt nhiều kỳ vọng đó là bài phát biểu lần đầu tiên trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ. Theo giới chức Nhật Bản, đây là cơ hội rất tốt để ông Abe gửi thông điệp tới thế giới rằng, mối quan hệ Mỹ - Nhật vốn đã được hàn gắn sau chiến tranh, ngày nay đang tiếp tục được thắt chặt và đóng góp tích cực cho hòa bình và thịnh vượng trên thế giới. Có thể nói, quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật đang ở trong những điều kiện tốt nhất, đó là quan hệ hợp tác kinh tế bình đẳng hơn với Hiệp định TPP đang trên con đường hoàn tất; các quan điểm và lợi ích cũng ngày càng tương đồng về các vấn đề an ninh quốc tế, đặc biệt liên quan tới Trung Quốc. Với những “tấm thảm đỏ” như vậy, chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lần này với những mục tiêu đặt ra có lẽ sẽ thành công hơn cả mong đợi.
Phương Hoa