Kỳ vọng từ dự án khởi nghiệp của học sinh trường nghề ở Nghệ An
Sở LĐ,TB&XH vừa phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức cuộc thi khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên trường nghề. Đây là cuộc thi thu hút đông đảo thí sinh tham gia, mở ra nhiều kỳ vọng mới về những dự án có tính thực tiễn cao.
Những khởi đầu đáng ghi nhận
Đây là lần thứ 3, tỉnh Nghệ An tổ chức Cuộc thi Khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp. Sau gần 9 tháng phát động đã có 88 dự án và 330 thí sinh/nhóm thí sinh tham gia dự thi cấp cơ sở. Trên cơ sở đó đã lựa chọn 25 dự án của 74 thí sinh/nhóm thí sinh tham gia vào Vòng chung kết Cuộc thi khởi nghiệp lần này.
Tại cuộc thi, nhiều dự án khởi nghiệp được Ban Giám khảo đánh giá cao, điển hình như: Dự án JEANS Xanh - phụ kiện thời trang tái sinh của Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Nghệ An, Dự án Trang trại gà thảo dược Trà Lân của Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghệ An hay Dự án Trang trại chăn nuôi gà thảo dược Thái Hòa của Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật miền Tây Nghệ An...
Dự án chăn nuôi gà thảo dược Trà Lân có quy trình nuôi gà theo phương pháp công nghệ cao, nhưng không sử dụng thức ăn công nghiệp mà dùng các loại thảo dược thiên nhiên. Gà được nuôi theo quy trình bán thả, thời gian nuôi từ 5 - 6 tháng mới xuất chuồng. Nhờ vậy, chất lượng gà thơm ngon, giàu chất dinh dưỡng. Bước đầu, dự án đã xuất chuồng thường xuyên từ 100 con trở lên trong cùng thời điểm.
Dự án cũng đang có nhiều kỳ vọng để mở rộng khi nhu cầu gà thảo dược ngày càng cao. Bên cạnh đó, dự án cũng đã chuẩn bị một số điều kiện cần thiết để đạt được tiêu chuẩn VietGAP và chứng nhận quốc tế về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Dự án Trang trại chăn nuôi gà thảo dược Trà Lân được hình thành cách nay 1 năm, bắt nguồn từ ý tưởng cung cấp sản phẩm gia cầm chất lượng cao, an toàn, lành, sạch cho khách hàng. Khó khăn nhất của dự án là tìm nguồn vốn đầu tư, mặt bằng, con giống, công thức thức ăn cho gà từ nguồn dược liệu sao cho phù hợp đạt được thông số tiêu chuẩn, tăng protein, giảm lipid… Thế nhưng, bằng sự nỗ lực và sáng tạo, các em học sinh đã có được những thành công bước đầu, được ban giám khảo đánh giá cao
Cô giáo Trần Thị Thanh Trầm - giáo viên Trường Trung cấp DTNT Nghệ An
JEANS Xanh là dự án tạo ra các sản phẩm thời trang mới trên chất liệu jeans đã qua sử dụng. Từ những sản phẩm quần áo bò cũ, từ bàn tay khéo léo của học sinh tham gia dự án có thể tạo ra những sản phẩm thời trang như mũ, túi xách, trâm cài đầu, ví xách tay… thu hút sự quan tâm của giới trẻ. Sản phẩm được tái tạo lại đa dạng, đẹp mắt, có giá trị sử dụng cao, tạo phong cách thời trang bền vững.
Cô giáo Lê Thị Linh tham gia hướng dẫn dự án cho biết: “Mỗi sản phẩm tái chế từ JEANS Xanh là một phiên bản độc nhất, không có hai sản phẩm nào giống hệt nhau. Điều này mang lại cho khách hàng sự cá nhân hóa trong phong cách, giúp họ thể hiện gu thời trang riêng biệt và cá tính. Khách hàng có thể yêu cầu thiết kế riêng theo ý thích, làm cho mỗi sản phẩm trở nên đặc biệt”.
Dự án JEANS Xanh không chỉ tập trung vào thời trang mà còn tạo cơ hội việc làm cho các nhóm yếu thế và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Khi mua sản phẩm, khách hàng đang gián tiếp ủng hộ các hoạt động vì cộng đồng, tạo ra giá trị tích cực cho xã hội. Thế nên, việc dự án được trao giải Nhất tại cuộc thi này hoàn toàn xứng đáng, đáp ứng đủ tiêu chí do Ban tổ chức đề ra.
Lã Thị Thuận - Trưởng nhóm dự án JEANS Xanh
Sinh viên cần bà đỡ
Theo đánh giá của Ban Giám khảo, cuộc thi lần này được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chú trọng quan tâm đầu tư. Chất lượng các dự án/ý tưởng khởi nghiệp được nâng lên, nhất là trong khối các trường trung cấp. Nội dung ý tưởng/dự án đa dạng về ngành nghề thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, tập trung vào giải quyết các vấn đề của cộng đồng xã hội; thể hiện được tính đổi mới, tính sáng tạo và chuyên nghiệp, một số dự án được thương mại hóa từ các kết quả nghiên cứu khoa học học sinh, sinh viên.
Một trong những khó khăn của các ý tưởng, các dự án khởi nghiệp là nguồn vốn. Năm nay, đa số các dự án tham gia dự thi đều đã xây dựng, huy động được nguồn vốn ban đầu. Tuy nhiên, để duy trì dự án thì các em rất cần những nhà đầu tư dài hạn để biến các ý tưởng khởi nghiệp được bay cao, bay xa.
Ông Lê Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghệ An cho biết: “Mỗi dự án đầu tư để tham gia cuộc thi chúng tôi đều kêu gọi được nguồn vốn đầu tư ban đầu, dù rất nhỏ nhưng cũng khuyến khích được tinh thần cho các em. Thế nhưng, để khởi nghiệp thành công, các em cần có được nhà đầu tư đủ tầm. Điều này cần nhiều sự may mắn và cả nỗ lực thu hút của chính các em".
Từ cuộc thi này, Ban tổ chức mong muốn học sinh, sinh viên trường nghề cần tranh thủ sự tham gia ý kiến của các chuyên gia khởi nghiệp để tiếp tục đầu tư, chỉnh sửa, hoàn thiện để có những bước khởi nghiệp tiếp theo thành công hơn trong tương lai. Đồng thời, cũng mong muốn các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư quan tâm và tiếp tục hỗ trợ các dự án để các bạn học sinh, sinh viên cùng nhau thi đua sáng tạo; biến những dự án khả thi, có tính ứng dụng cao trở thành cơ hội để các em phát triển. Các quỹ đầu tư, các doanh nghiệp chính là "bà đỡ" cho học sinh sinh viên khối giáo dục nghề nghiệp có được nền tảng tốt nhất trên con đường lập thân, lập nghiệp...
Bà Hồ Thị Châu Loan - Phó Giám đốc Sở LĐTB & XH