Lạc rớt giá, tiêu thụ khó
(Baonghean.vn) - Một ngày cuối tháng 5, chúng tôi về xã Nghi Ân (TP.Vinh) – địa phương có diện tích trồng lạc vụ xuân 250 ha. Dưới cái nắng như trút lửa390C, gần như toàn bộ diện tích lạc đã được bà con thu hoạch xong và phơi khô nguyên cây, chất đầy dọc hai bên vệ đường. Suốt gần 4 tháng ròng tất bật một nắng hai sương gieo trồng, chăm sóc, đến nay lạc thu hoạch về đã khô khén, nông dân mong đợi mãi vẫn chưa thấy tư thương đến mua…
Chị Nguyễn Thị Luyến ở xóm 2, Kim Mỹ (Nghi Ân) đang trảy từng củ lạc khô cho vào bì. Thấy khách đến, chị Luyến mừng tưởng tư thương tới mua lạc. Chưa kịp vui, nét mặt chị lại chùng xuống, buồn bã cho hay: “Gia đình tôi làm 5 sào lạc xuân, cho thu hoạch chỉ được 4 tạ lạc khô. Nay lạc đã khén nắng, đợi mãi vẫn chưa thấy khách đến mua. Năm nay lạc rớt giá, bán 15.000 đồng/kg lạc khô, vẫn không tiêu thụ được. Mùa này năm ngoái, đang thu hoạch ở ruộng đã có tư thương đến thu mua, giá 22.000 đồng/kg lạc khô, bà con thu hoạch xong là có tiền liền tay. Bây giờ thu hoạch về đã hơn 2 tuần vẫn chưa bán được. Gia đình tôi rất nóng ruột, vì đang nợ tiền vật tư phân bón 1,5 triệu đồng từ đầu vụ, sắp tới còn phải nạp các loại thuế, quỹ, lạc không bán được biết lấy chi mà trả nợ.”
4 tạ lạc của gia đình chị Nguyễn Thị Luyến (xóm 2 Kim Mỹ) đã khô khén đóng vào bì vẫn chưa tiêu thụ được.
Gia đình ông Phạm Xuân Hải, xóm 2 Kim Mỹ trồng 8 sào lạc vụ xuân, cho thu hoạch 8 tạ lạc khô. Chưa có khách đến mua, 8 sào lạc thu hoạch về đã gần 2 tuần vẫn còn để nguyên cả củ lẫn cây tấp đống ngoài nương. Lạc rớt giá, khó tiêu thụ, cả gia đình ông Hải buồn bã không mặn mà tuốt củ ra khỏi cây. “Năm nay lạc cây tốt nhưng ít củ, năng suất thu hoạch thấp hơn năm ngoái. Đã thế lại còn ế, khó bán, gia đình làm nông, cuộc sống nhìn vào mấy sào ruộng, nuôi con học đại học cũng từ ruộng. Giờ làm cả vụ biết bao công sức, lại không có đầu ra, biết lấy chi mà trang trải cuộc sống! Nếu bán được với giá 15.000 đồng/kg thì cũng coi như hoà vốn so với tiền đầu tư mua vật tư phân bón, giống, công thuê. Hiện chưa bán được lạc, nhà tôi phải vay tiền để chi tiêu hàng ngày, rất chật vật.”- Ông Hải bộc bạch.
8 sào lạc của gia đình anh Phạm Xuân Hải xóm 2 thu hoạch về đang tấp đống ngoài vườn vì chưa có đầu ra.
Không chỉ gia đình ông Hải, gia đình chị Luyến mà tất cả các hộ dân trồng lạc ở xã Nghi Ân đều trong tình cảnh như vậy. Hiện cuộc sống của bà con đang gặp khó khăn do chi phí đầu tư sản xuất cao, giá đầu ra thấp, khó tiêu thụ, tư tưởng nhân dân chán nản. Thực tế này khiến chúng ta không khỏi trăn trở khi khoảng 70% dân số của tỉnh sống ở vùng nông thôn gắn với sản xuất nông nghiệp nhưng cứ sau mỗi vụ thu hoạch bà con lại nơm nớp lo đầu ra. Thực tế cho thấy đầu ra cho hàng nông sản đang rất bấp bênh, phụ thuộc vào thị trường và tư thương, đối với nhiềumặt hàng, chưa có tổ chức nào đứng ra thu mua, do đó nông dân rất thiệt thòi, công sức, chi phí đầu tư lớn, song đầu ra lại thả nổi, giá rẻ.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Huy Thông – Chủ tịch UBND xã Nghi Ân cho biết: Vụ xuân 2013, toàn xã Nghi Ân có tổng diện tích sản xuất lạc 250 ha, năng suất bình quân 2,4 tấn lạc khô/ha, sản xuất và thu hoạch đều thuận lợi. Song điều trăn trở nhất của địa phương hiện nay là đầu ra của hàng nông sản gần như không có. Trong khi giá vật tư phân bón cao, chi phí đầu tư sản xuất lớn, sản phẩm không tiêu thụ được, rất khó cho bà con nông dân. Có hộ thu hoạch hàng tấn lạc, nếu không bán được để kéo dài sang mùa mưa, lạc sẽ bị chảy dầu, kém chất lượng, lúc đó càng khó tiêu thụ. Chính quyền địa phương rất chia sẻ với khó khăn của nhân dân, nhưng lực bất tòng tâm. Mong các cơ quan liên quan có giải pháp thúc đẩy xuất khẩu lạc, tạo đầu ra cho dân, tạo thuận lợi cho bà con yên tâm đầu tư sản xuất, gắn bó với đồng ruộng.
Quỳnh Lan