Lạc xuân - điệp khúc: "được mùa, rớt giá”

11/06/2013 15:06

(Baonghean) - Hiện tại, việc thu hoạch lạc vụ xuân trên địa bàn toàn tỉnh đang bước vào giai đoạn cuối. Vụ xuân năm nay, sản lượng lạc ước đạt gần 38 nghìn tấn. Tuy nhiên, tình hình tiêu thụ đang gặp khó, nhất là ở các vùng trọng điểm lạc với khối lượng lớn và tập trung.

Chị Nguyễn Thị Hoa (xóm 3, Nghi Long, Nghi Lộc) cho biết: Gia đình chị có 4 sào lạc, đều trồng giống lạc L26. Năm nay thời tiết thuận, lạc ra hoa đâm tia gặp thời tiết ấm nên năng suất khá cao - gần 180 kg/sào. “Nhổ má gặp trời nắng thế này, sẽ rất thuận lợi cho việc phơi khô lạc”- chị Hoa vui vẻ.

Tại các xã khác của Nghi Lộc, người nông dân cũng vui trong niềm vui lạc được mùa. Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Trường - ông Nguyễn Duy Châu cho biết: Toàn xã có 320 ha lạc, trong đó gieo trước Tết Nguyên đán 195 ha. Nếu năm 2012, lạc Nghi Trường mất mùa do thời tiết khắc nghiệt thì vụ xuân năm nay, thời tiết rất thuận lợi cho lạc xuân phát triển, năng suất bình quân 25- 26 tạ/sào.

Ông Nguyễn Đức Thọ - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nghi Lộc cho biết: Vụ xuân năm nay Nghi Lộc gieo trỉa 3.360 ha lạc, trong đó có 35 ha cánh đồng mẫu lớn tại xã Nghi Long, sản xuất giống lạc L26, được Tổng công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An bao tiêu sản phẩm. Năm nay, thời tiết khá thuận lợi cho cây lạc sinh trưởng và phát triển, bên cạnh đó, các loại giống có tiềm năng năng suất cao như L14, L26, L23 được đưa vào sản xuất. Nhờ đó, năng suất lạc toàn huyện ước đạt bình quân trên 23 tạ/ha, tăng 3 tạ/ha so với vụ xuân năm ngoái.



Thu hoạch lạc xuân ở Nghi Trung (Nghi Lộc). Ảnh: Châu Lan

Tại “vựa lạc” Diễn Châu, 3.200 ha lạc đã được thu hoạch xong. Với đặc thù diện tích trồng lạc chủ yếu là vùng đất cát ven biển, lạc xuân ở Diễn Châu được gieo trỉa sớm hơn để tránh nắng hạn cuối mùa và cũng được thu hoạch sớm hơn nhiều địa phương khác. Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu - bà Hoàng Thị Hương cho biết: Lạc vụ xuân năm nay ở Diễn Châu khi ra hoa thì gặp hạn nhưng vẫn được mùa, năng suất bình quân đạt trên 26 tạ/ha.

Vụ xuân năm nay, toàn tỉnh gieo trỉa 16.775,6 ha lạc, giảm hơn 700 ha so với vụ xuân năm ngoái. Ngoài hai “vựa lạc” chính là Diễn Châu và Nghi Lộc, một số địa phương khác cũng có diện tích lạc xuân khá lớn là Quỳnh Lưu 1.800 ha, Nam Đàn 1.699 ha… Theo dự tính của Sở NN&PTNT, năm nay năng suất lạc đạt khoảng gần 23 tạ/ha, trong đó ngoài Diễn Châu đạt gần 26 tạ/ha, Quỳnh Lưu 25 tạ/ha, các địa phương khác như Cửa Lò, Nam Đàn, Thanh Chương đạt trên 23 tạ/ha, TP Vinh trên 24 tạ/ha..., đưa tổng sản lượng lạc xuân toàn tỉnh ước đạt 37.947,77 tấn.

Ngoài thời tiết thuận lợi, lạc Nghệ An còn có bộ giống lạc mới, tiềm năng năng suất cao như L14, L26. Nông dân đầu tư thâm canh hợp lý, hầu hết diện tích đều được che phủ nilon, đặc biệt ở Quỳnh Lưu, Diễn Châu và Nghi Lộc.

Lạc được mùa như vậy nhưng hiện nay tiêu thụ rất khó. Chị Đặng Thị Hằng (xóm 3, xã Nghi Ân) cho hay: Bao nhiêu khoản cần đến tiền mà chưa bán được lạc, giá lại thấp, chỉ 15 nghìn đồng/kg. Chị Nguyễn Thị Hoan (xóm 19, xã Nghi Trung) có 3 sào lạc, chị cho biết: “Lạc năm ni được, khoảng 125- 130 kg/sào, cao hơn năm ngoái nhiều, nhưng nếu mọi năm, thấy nhiều người thu mua thì năm nay nhiều nhà đã phơi khô lạc mà vẫn chưa ai hỏi đến”. Toàn xã có 180ha đất trồng lạc, đến nay đã cơ bản thu hoạch xong nhưng chưa bán được. Theo những người dân ở đây, vụ xuân năm 2012 lạc mất mùa nhưng giá lại cao (25- 26 nghìn đồng/kg), nhiều gia đình chỉ cần nhổ lên là bán lạc tươi tại ruộng luôn. Năm nay thời tiết thuận, lạc được mùa thì khó bán. Nhiều hộ bán lạc tươi cho các quán bia. Hai năm liên tục với điệp khúc “được mùa mất giá” và ngược lại khiến bà con nông dân khó khăn.

Theo ông Phạm Ngọc Thắng - Chủ doanh nghiệp tư nhân Sỹ Thắng, người đã gần 15 năm gắn bó với nghề thu mua, xuất khẩu lạc, thì lạc Nghệ An có chất lượng tốt hơn hẳn so với sản phẩm lạc của nhiều tỉnh khác, nhân đẹp và nhiều dầu hơn. Trong hơn 2.000 tấn lạc thu gom hàng năm của doanh nghiệp, 2/3 là lạc Nghệ An, ngoài ra là Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Huế… Nhưng cùng với các nguyên nhân khách quan khác, thì khâu bảo quản, chế biến sau thu hoạch chính là một yếu tố quan trọng góp phần khiến lạc Nghệ An “mất điểm” trên thị trường.

Đã nhiều năm nay, vẫn tồn tại tình trạng tư thương thu gom trong dân, về “chế biến” bằng cách đổ nước vào lạc rồi xay, vừa để lạc không bị vỡ, vừa nhằm tăng trọng lượng của lạc. Bởi vậy, lạc Nghệ An chủ yếu chỉ bán được sang Trung Quốc bằng con đường tiểu ngạch, ngoài ra có một số ít đi Thái Lan, Inddonesia, Malaysia, chứ chưa vào được các thị trường “khó tính”. Và như vậy, tất yếu những thời điểm thị trường Trung Quốc “no” hàng, sản phẩm lạc của chúng ta ngay lập tức lâm vào tình trạng ứ đọng. Năm nay, do lạc Ấn Độ, Malaysia, Indonesia được mùa, tràn sang Trung Quốc với giá rẻ, nên thị trường chính này chỉ mua lạc Nghệ An với số lượng ít và nhỏ giọt.

Xã Diễn Thịnh (Diễn Châu) có trên vài chục hộ dân làm nghề kinh doanh lạc, chuyên thu mua bán sang Trung Quốc. Hàng năm, khối lượng này lên đến 15- 20 nghìn tấn. Một tư thương tại xã Diễn Thịnh - ông Phan Văn Bốn cho biết: Làm nghề này từ hơn hai chục năm nay, tôi thấy việc tiêu thụ lac của Nghệ An còn rất bấp bênh, phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Hiện tại, giá lạc chưa bằng 2/3 so với năm ngoái, chỉ ở mức 16 - 17 nghìn đồng/kg. Lượng lạc tiêu thụ trong dân cũng đang rất thấp. Nông dân Diễn Châu hầu hết chưa muốn bán để nghe ngóng tình hình giá cả, còn lạc Nghi Lộc thì hiện cũng chưa thu mua vì nhu cầu thị trường chưa có. Bởi vậy, đến nay ông cũng chỉ mới gom chưa đầy 10 tấn, trong khi mọi năm, đến thời điểm này ông Bốn đã xuất bán vài trăm tấn lạc.

Theo ông Nguyễn Văn Lập - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, thì nằm trong xu thế chung của cả nước, việc tiêu thụ hàng hóa nông sản của Nghệ An còn nhiều bất cập. Những loại nông sản không qua chế biến như lúa, lạc phần lớn chưa ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, người nông dân chủ yếu tự sản xuất, tự bán sản phẩm của mình cho lực lượng tư thương. Trong khi đó, tư thương của Nghệ An chủ yếu là tư thương nhỏ, năng lực yếu, gần như phụ thuộc hoàn toàn vào khách hàng khác nên rất bị động. Ngoài ra, vẫn còn thiếu cơ chế hợp lý để thu hút doanh nghiệp tham gia ngay từ quá trình sản xuất cho đến khâu tiêu thụ. Vì vậy, việc xây dựng thương hiệu lạc Nghệ An, hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, tìm kiếm những thị trường ổn định vẫn chưa làm được...


Phú Hương

Mới nhất
x
Lạc xuân - điệp khúc: "được mùa, rớt giá”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO