Lại bàn về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc (bài cuối)

19/08/2014 08:40

(Baonghean) - Nhân dịp 69 năm Cách mạng tháng Tám (19/8/1945 - 2014), bàn luận về quan hệ Việt - Trung là cần thiết và có ý nghĩa thời sự.

Tiếp theo kỳ trước:

TIN LIÊN QUAN

Nhiều nước đã lên tiếng ủng hộ Việt Nam, đồng thời phản đối những hành động ngang ngược, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế của Trung Quốc.  (Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội đàm Tổng thống Philippines  Bengino Aquino ngày 21/5/2014).
Nhiều nước đã lên tiếng ủng hộ Việt Nam, đồng thời phản đối những hành động ngang ngược, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế của Trung Quốc. (Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội đàm Tổng thống Philippines Bengino Aquino ngày 21/5/2014).

3. Trung Quốc, họ là ai?

65 năm (kể từ 1950), Trung Quốc đã tiến hành 4 cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam bằng thực binh vũ khí nóng (1956, 1974, 1979, 1988) và một cuộc xâm lược Việt Nam về mặt pháp lý (2012).

Có thể giải thích các cuộc xâm lược Việt Nam của Trung Quốc là gì? Căn cứ vào hành xử của những người cầm quyền Trung Quốc, các học giả có uy tín quốc tế của Nhật Bản, Hoa Kỳ và EU đã có những ý kiến xác đáng:

“Sau khi từ bỏ Chủ nghĩa cộng sản, Đảng cộng sản (TQ) đã dùng Chủ nghĩa dân tộc làm chất gắn kết Trung Quốc lại… Và khi Trung Quốc tiến bộ về mặt kinh tế, chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc chỉ càng thêm mãnh liệt” (3).

“Một trong những di sản chính của Đặng là cương quyết đưa đất nước đến chủ nghĩa tư bản” (4) và “nói chính xác hơn “CPP” (Đảng CSTQ) có nghĩa là Đảng tư bản Trung Quốc” (Chinese Kapitalist Party) (5). Trước đây hơn mười năm, người Đức đã có nhận xét: “Trung Quốc từ lâu đã quay trở lại với chủ nghĩa tư bản” (6).

Trong khi mang cái áo “cộng sản”, những người cầm quyền Trung Quốc thực hiện chủ nghĩa sô vanh nước lớn đối với Việt Nam nói riêng, đối với các nước trên thế giới nói chung.

4. Tại sao Trung Quốc muốn độc chiếm biển Đông?

Đã có hàng trăm, thậm chí hàng chục ngàn bài viết và công trình nghiên cứu của các học giả Việt Nam, học giả các nước viết về vấn đề này.

Hầu hết các bài viết, công trình nghiên cứu cho rằng: bất chấp luật pháp quốc tế và chà đạp lên những nguyên tắc sơ đẳng trong quan hệ quốc tế, bằng mọi cách Trung Quốc độc chiếm biển Đông để khai thác dầu mỏ, khí đốt đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế khổng lồ đang đói năng lượng.

Điều đó chỉ đúng một phần.

Trữ lượng dầu khí ở biển Đông không lớn như nhiều người suy nghĩ. Các nhà địa chất thế giới cho rằng, Biển Đông chỉ có trữ lượng dầu mỏ khoảng 30 tỷ thùng. Nếu như vậy thì nhỏ, thậm chí rất nhỏ so với Trung Đông - Bắc Phi (lớn gấp hàng chục lần). Trung Quốc có nhu cầu khai thác dầu khí ở Biển Đông phục vụ nền kinh tế. Nhưng nếu chỉ vì dầu khí, có lẽ họ không hung hăng, hiếu chiến và hành xử bất chấp như vậy.

Vấn đề là ở vị trí địa chính trị, địa chiến lược, địa kinh tế đặc biệt quan trọng của Biển Đông.

Và phải bắt đầu từ tham vọng toàn cầu của Trung Quốc.

Steven Mosher, chuyên gia nổi tiếng của Mỹ nghiên cứu về Trung Quốc, đã có ý kiến được dư luận rộng rãi chia sẻ:

“Tham vọng của Trung Nam Hải rất lớn và Bắc Kinh không từ bỏ một âm mưu nào để tiến tới mục đích giành vị thế cường quốc cao nhất trên thế giới” (7).

“Quân khủng bố không có khả năng làm đảo lộn trật tự thế giới. Tham vọng từ phía Trung Quốc nghiêm trọng và hủy diệt trật tự thế giới” (8).

Mục tiêu của Trung Quốc là trở thành siêu cường thống trị thế giới. Mọi cường quốc từng thống trị thế giới đều chỉ tồn tại một thời gian rồi suy tàn. Hơn nửa thế kỷ nay, 5 thế hệ lãnh đạo Trung Quốc luôn ấp ủ tham vọng sau Mỹ (hậu Mỹ) đến lượt Trung Quốc giữ vai trò “Thiên Tử”. Mọi hướng phát triển của Trung Quốc bị chặn: lên phía Bắc mắc Nga; ra phía Đông Bắc (mặt tiền của Trung Quốc) bị liên minh Mỹ - Nhật - Hàn chặn đứng; xuống phía Tây Nam mắc Ấn Độ; Biển Đông là con đường độc đạo để Trung Quốc tiến ra Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, bành trướng ra thế giới.

Hơn nữa, độc chiếm Biển Đông để đẩy Mỹ ra khỏi phía Tây Thái Bình Dương, khống chế Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước ASEAN.

Trên đây là lý do thực sự, là động lực chủ yếu thúc đẩy Trung Quốc bằng mọi cách để độc chiếm Biển Đông. Không độc chiếm được Biển Đông thì sẽ không hiện thực hóa được “Giấc mộng Trung Hoa” - mộng bá vương thống trị thế giới”.

5. Chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia là tối thượng

Chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia là tối thượng.

Điều đó ai cũng biết và ít có ý kiến khác nhau.

Làm thế nào để bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc thì còn nhiều ý kiến khác nhau. Điều đó là bình thường, càng nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí đối lập nhau, càng có nhiều khả năng lựa chọn được phương án tối ưu. Đảng, Nhà nước cần tổ chức cuộc vận động toàn dân dâng hiến kế sách bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trong điều kiện toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế.

Các vấn đề nêu ra dưới đây thuộc nhóm các giải pháp cơ bản bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc.

5.1. Về nhận thức.

Có 3 vấn đề cần có nhận thức mạch lạc, đúng đắn, thống nhất trong Đảng, Nhà nước và trong nhân dân:

- Một là, bên cạnh một nước láng giềng khổng lồ là Trung Quốc, Việt Nam cần hiểu: 1. Trung Quốc, họ là ai? (đã lý giải ở mục 3 phía trên); 2. Trung Quốc muốn gì? - âm mưu, tham vọng thực sự của Trung Quốc đối với thế giới nói chung, đối với Việt Nam nói riêng; 3. Trung Quốc sẽ hành xử với Việt - Nam theo phương thức, thủ đoạn nào.

Nếu không có hiểu biết sâu sắc, đúng đắn ba vấn đề nêu trên, thì Việt Nam không thể đối phó được với Trung Quốc, mà chỉ luôn ở thế bị động, đối phó yếu ớt, thậm chí có thể rơi vào trận đồ bát quái mà Trung Quốc chủ động dăng ra.

Đây là những vấn đề khoa học nghiêm túc và rất khó, cần có sự tham gia nghiên cứu, tham vấn của các nhà nghiên cứu tâm huyết (người Việt trong nước, người Việt định cư ở nước ngoài và bạn bè quốc tế). Không nên có tình trạng: Chân lý thuộc cấp trên, còn tay lý thuộc cấp dưới và các nhà khoa học!

- Hai là, phải biết rằng: cho dù tham vọng bá vương rất lớn, nhưng Trung Quốc không mạnh như người ta suy nghĩ.

Tổng GDP của Trung Quốc lớn hơn Nhật Bản và đứng thứ 2 thế giới (sau Mỹ). Đó là số lượng, là quy mô. Còn chất lượng phát triển thì sao?

Năm 1968, GDP của Nhật Bản vượt Đức vươn lên thứ 2 thế giới (sau Mỹ) và khi đó (1968), GDP bình quân đầu người của Nhật đứng thứ 20 trên thế giới với một loạt doanh nghiệp - hãng nổi tiếng khắp thế giới như: Toyota, Sony, Honda, Parasonic...

Năm 2010, GDP của Trung Quốc vượt Nhật, vươn lên thứ 2 thế giới (sau Mỹ), nhưng GDP bình quân đầu người của Trung Quốc (2010) chỉ xếp thứ 124 trên thế giới (chỉ 3.600 USD/người) (9), cho đến nay, Trung Quốc chưa có một doanh nghiệp nào, một hãng, một mặt hàng nào có thương hiệu mà thế giới biết đến (ngoại trừ dàn khoan HD - 981!).

Trung Quốc có nhiều triệu phú, tỷ phú nhất thế giới, trong khi thu nhập của những người còn lại trong hơn 1,3 tỷ người Trung Quốc thuộc hàng thấp nhất thế giới. Chênh lệch giàu - nghèo và bất bình đẳng chiếm hữu tài sản quốc gia ở Trung Quốc thuộc nhóm các gia lớn nhất thế giới.

Trong 20 thành phố ô nhiễm nhất hành tinh thì có 15 thành phố ở Trung Quốc.

Trung Quốc đang phải đương đầu với tình trạng già hóa dân số: chưa giàu đã già (Nhật Bản rơi vào hội chứng già hóa dân số khi GDP đầu người đã hơn 35.000 USD).

Do đó, nếu chỉ xét tổng GDP thứ 2 thế giới cũng chưa phải là ghê gớm, và suy cho cùng, Trung Quốc chỉ mới phục hồi vị trí họ đã giành được trước đây hàng trăm năm: Đầu năm 1820, GDP của Trung Quốc bằng 1/3 tổng GDP toàn thế giới chiếm ngôi vị nhất thế giới. Năm 1870, GDP của Trung Quốc vẫn chiếm 17% tổng GDP của toàn thế giới và tụt xuống vị trí thứ hai thế giới (10).

Tính chung về chất lượng phát triển kinh tế - xã hội, 50 năm nữa Trung Quốc có đuổi kịp Nhật Bản không? Ít người dám khẳng định.

Về tiềm lực quốc phòng, Trung Quốc còn thấp xa so với Mỹ. Từ nay đến 2020 - 2025, Trung Quốc đối đầu quân sự với Mỹ là tự sát. Chỉ ức hiếp các nước nhỏ, yếu trong khu vực.

Tất cả những thông tin trên nói rằng: Trung Quốc to nhưng không mạnh như người ta suy nghĩ, và họ không có khả năng muốn làm gì thì làm, quan trọng hơn không có gì phải sợ Trung Quốc.

Xin lưu ý bạn đọc: 8 cuộc quyết chiến chiến lược của dân tộc Việt Nam chống lại các thế lực xâm lược phương Bắc: Trận Bạch Đằng 938, trận Như Nguyệt 1077, 3 lần thắng Nguyên - Mông vào 1258, 1285, 1288, trận Tốt Động - Chúc Động 1426, trận Chi Lăng - Xương Giang 1427, trận Ngọc Hồi - Đống Đa 1789, Việt Nam giành thắng lợi trong điều kiện giặc phương Bắc lớn hơn Việt Nam từ 10 đến 20 lần. Việt Nam chiến thắng vì “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”. Bài học lịch sử vẫn có ý nghĩa thời sự nóng hổi.

- Ba là, Việt Nam có ba cái tạo nên sức mạnh mà Trung Quốc không bao giờ có: 1. Pháp lý; 2. Đạo lý và 3. Sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.

Việt Nam phải biết khai thác 3 yếu tố này để tạo ra sức mạnh quốc gia.

5.2. Muốn bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, Việt Nam phải mạnh.

Muốn nước mạnh thì Đảng phải mạnh. Sức mạnh chiến đấu của Đảng như thế nào, thì thế và lực của đất nước như vậy. Đảng không mạnh, thì không bao giờ đất nước mạnh.

Muốn Đảng mạnh, thì Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương phải mạnh. Làm thế nào để BCH Trung ương và Bộ Chính trị mạnh? Việc này ngoài khả năng của người viết.

Nhân dịp 69 năm Cách mạng tháng Tám (19/8/1945 - 2014), bàn luận về quan hệ Việt - Trung là cần thiết và có ý nghĩa thời sự. Tựu trung có 2 nguyên nhân cơ bản dẫn đến Cách mạng tháng Tám 1945: 1. Đảng và dân nhận rõ kẻ thù (thực dân Pháp) và 2. Đảng gắn bó máu thịt với dân. Nay khó khăn hơn: kẻ xâm phạm độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam lại dấu mặt. Nhưng không một thế lực nào, không khó khăn nào cản trở bước phát triển của dân tộc Việt Nam - một dân tộc (duy nhất trên thế giới) bị một ngàn năm Bắc thuộc không bị diệt vong, mà còn phát triển ngày càng hùng mạnh.

Thiếu tướng Lê Văn Cương

(Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và Khoa học - Bộ Công an)

-------------------

3.Fareed Zakaria: Tạp chí Newsweek số tháng 7/2005.

4,5. Tạp chí Foreign Affairs số 9/10/2005

6.Báo “Toàn cảnh Phranphuôc” số 26/8/2002.

7,8. TTXVN: TTKTG 2/8/2007.

9. TTXVN: TTKTG 3/8/2010 dẫn BBC đêm 1/8/2010.

10. TTXVN: TTKTG 31/8/2010 dẫn “Liên hợp buổi sáng” của Singapore cuối tháng 8/2010.

Mới nhất

x
Lại bàn về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc (bài cuối)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO