Lại chuyện thiếu osin!
(Baonghean) - Khi các cơ quan, công sở chính thức bước vào ngày làm việc đầu tiên cũng là lúc nhiều gia đình đau đầu thu xếp việc nhà, việc công sở. Nguyên nhân là bởi người giúp việc của những gia đình này vẫn chưa “khai xuân”. Cũng đến cữ này người giúp việc lại có hàng trăm lý do để bỏ chủ cũ tìm công việc mới, tìm chủ mới… Thiếu người giúp việc trở thành mối lo không dễ giải quyết!
ần theo địa chỉ trên tờ rơi, tôi tìm đến địa chỉ của trung tâm môi giới người giúp việc có tên “Kết nối dài lâu” do anh Hồ Văn Chiến làm giám đốc. Mới 8h sáng nhưng ở đây đã tấp nập người chờ đợi. Họ chuyện trò râm ran kể về nỗi khổ ra Giêng đã đến ngày đi làm mà người giúp việc không tới nữa. Mấy ngày hôm nay nội ngoại đã “dạm” hết người trong xóm ngoài làng mà vẫn không tìm ra, nay đến nhờ cậy trung tâm tìm giúp. “Thôi thì mất ít tiền mà còn có người chứ không thì có nước xin nghỉ việc ở nhà chăm con. Đã 2 ngày nay, ngồi chầu chực ở đây để mong tìm được người giúp việc phù hợp với nhà mình mà vẫn chưa tìm được. Trong năm đã thuê được người giúp việc rất tốt, nhưng ra tết chị ấy lại thông báo nhà có việc nên không thể quay lại nữa”.
Nhiều gia đình chồng phải vào bếp khi vợ vắng nhà. |
Công ty “Kết nối dài lâu” đã mở được 4 năm nay, dịch vụ chủ yếu là môi giới người giúp việc cho các gia đình có nhu cầu trên địa bàn Thành phố Vinh hoặc Hà Nội. Theo anh Chiến những ngày ra tết người giúp việc cực hiếm, nếu những người giúp việc trung tuổi đa số đều ăn Rằm xong mới lên thì người giúp việc ở độ tuổi thanh niên lại “đứng núi này trông núi nọ”, ra Giêng là muốn thay đổi chỗ làm để đòi lương cao hơn hoặc đi vào Nam làm cho công ty nước ngoài cho “oách”. Anh Chiến cho hay: “Công ty chúng tôi giờ đã có hơn 100 gia đình đăng ký nhưng chỉ mới giải quyết được cho 30 gia đình. Tôi đã cho rải tờ rơi khắp nơi với mức lương cao hơn năm trước từ 200 - 500 ngàn đồng, cho người đến tận các thôn xóm trên khắp các huyện như Tân Kỳ, Đô Lương, Thanh Chương để tìm những người phù hợp với công việc osin. Nếu họ đồng ý thì xin lịch hẹn rồi có người đón tận bến xe, vậy mà cũng không ăn thua”.
Tại trung tâm này, người giúp việc sẽ có chỗ tá túc nếu chưa có người thuê và không phải mất phí nếu có gia đình cần thuê. Nhưng người lao động phải ký các điều khoản trong hợp đồng và phải chịu các mức phạt như nếu tự ý thanh lý hợp đồng mà không có lý do, người lao động sẽ không được nhận tiền lương 15 ngày của tháng trước đó. Ngược lại nếu gia chủ giao việc nhiều hơn khối lượng công việc đã giao kèo trong hợp đồng thì người giúp việc có quyền thanh lý hợp đồng mà vẫn được nhận đủ tiền công. Các dịch vụ người giúp việc rất phong phú có cả những người giúp việc là sinh viên làm theo giờ, mỗi giờ 30.000 đồng, theo buổi thì mỗi buổi 60.000 đồng, càng nhiều buổi thì giá càng rẻ. Nhưng nếu thuê ô sin vào dịp tết thì mỗi ngày sẽ phải trả từ 150-200 ngàn đồng. Năm nay lương tháng cho osin cũng tăng so với năm ngoái nếu thuê người trông trẻ và giúp cả việc gia đình thì có mức lương từ 2.500.000 đồng/tháng; chăm người ốm, người già kiêm cả giúp việc gia đình có giá 3.000.000 - 3.500.000 đồng. Giá phí trả cho mỗi lần tìm người giúp việc tại trung tâm cũng không hề rẻ 1.000.000 đồng/người và có bản hợp đồng với các điều khoản kèm theo.
Được sự giới thiệu của một người bạn tôi gặp bà Hương ở Nghi Kiều chuyên nhận môi giới người giúp việc với giá 700 ngàn đồng. Qua trao đổi, bà Hương cho biết: Tôi chuyên cung cấp người giúp việc cho các trung tâm môi giới trên địa bàn Thành phố Vinh toàn người tốt, làm được việc, nếu chị cần thuê người tầm 45-55 tuổi tôi chỉ xin 800 ngàn đồng, vì đối tượng này rất hiếm. Được bà Hương hẹn đến ra Rằm sẽ có người, tôi nuôi hy vọng về một người giúp việc mới tận tâm, thạo việc… Thế nhưng, đem sự việc này trao đổi với một người bạn cũng đang trong tình cảnh “bí” người giúp việc như tôi, bạn cho biết: Thuê người giúp việc qua “cò điện thoại” có khi cũng được người vừa ý nhưng cũng có khi tiền mất tật mang, vì người giúp việc không làm được việc như mong muốn, hoặc đã “tắt mắt” được một số tiền không nhỏ rồi cao chạy xa bay, mà phí thì đã thanh toán cho “cò” từ lúc giao người. Nếu gia chủ có điện thoại cho “cò” thì chỉ nhận được những câu đại loại như: “Hôm nào có người thì chị đổi cho” hoặc: “Con ấy ở xóm trên nó vào Nam rồi, chị cũng chẳng biết điện thoại nó, thời buổi giúp việc đắt hàng thế này khó tìm lắm, nếu có dịp vô Vinh chị gửi tiền phí cho”, nhưng mãi mà chị vẫn không vô Vinh “nên chỉ có nước chạy lên trời mà đòi”- bạn tôi nói.
Theo những người có thâm niên thuê giúp việc gia đình hàng chục năm thì, người giúp việc thời nay yêu sách lắm, nếu không chiều chuộng và làm đỡ công việc nhà cho họ là họ tìm cách bỏ đi làm cho nhà khác. Có nhiều người rất tình nghĩa, rất tận tâm với công việc, yêu trẻ như con cháu nhà mình và khi giao nhà cho họ để bươn bả với miếng cơm, manh áo thì không phải lo lắng gì. Nhưng cũng có những người giúp việc chỉ làm việc đối phó nếu mình không xắn tay cùng lo thể nào việc cũng hỏng, dạy mãi mà không tiến bộ, chưa nói thì đã dỗi. Người giúp việc tầm 15 - 17 tuổi được cái nhanh nhẹn, hiểu việc nhưng lại sớm đua đòi, điện thoại cả ngày, rồi yêu đương, chẳng biết đường nào mà lần. Thế nhưng không có họ thì đúng là mình không thể xoay xở nổi, nên nhà nào may thì gặp được người giúp việc thật thà tốt tính lại siêng năng, không thì cũng đành “ngậm bồ hòn làm ngọt” vì tìm được người giúp việc quả thật không dễ, nhất là trong thời điểm ra tết này.
Thời buổi người giúp việc được ví như bảo mẫu, như quản gia nếu thiếu họ một ngày cuộc sống của gia đình bị đảo lộn, con cái không ai chăm nom, việc nhà không ai giúp. Để có được người giúp việc vừa ý ngoài bản thân họ phải là người tận tâm với công việc, nhận thức rõ giúp việc là một nghề chứ không phải mang thân phận “đi ở” như định kiến xưa kia thì gia chủ cũng phải chú ý trong việc đào tạo và đối xử với người giúp việc sao cho vừa khéo léo lại vừa nghiêm khắc để họ làm đúng ý mình mà vẫn không chạnh lòng. Hiện nay, nghề giúp việc gia đình đã được quy định rõ ràng, cụ thể trong Bộ luật Lao động, do đó thực tế đang đặt ra các yêu cầu ngày càng cao về học nghề, chất lượng đào tạo, chính sách việc làm, quản lý, tuyển chọn và sử dụng lao động giúp việc gia đình. Đặc biệt là cần nâng cao trách nhiệm của người sử dụng lao động giúp việc gia đình, chăm lo tốt hơn đối với người lao động giúp việc gia đình theo quy định của pháp luật.
Bài, ảnh: Thanh Nga