Lại "gây sóng, nổi gió"?

05/11/2013 14:23

LTS: Như Báo Nghệ An đã đưa tin, ngày 23/10, TAND tỉnh Nghệ An xét xử công khai vụ án “Gây rối trật tự công cộng” đối với 2 bị cáo Ngô Văn Khởi (SN 1960), trú tại xóm 14 và Nguyễn Văn Hải (SN 1970), trú tại xóm 11, xã Nghi Phương (huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An).

Các bị cáo bị truy tố theo điểm C, D, Khoản 2, Điều 245 Bộ luật Hình sự. Tại phiên tòa xét xử, 2 bị cáo đều thừa nhận hành vi gây rối trật tự công cộng, tỏ ra ăn năn, hối lỗi, xin được hưởng sự khoan hồng của pháp luật để sớm được trở về làm công dân có ích cho xã hội. Áp dụng tình tiết giảm nhẹ, theo quy định của pháp luật Việt Nam, Hội đồng xét xử tuyên phạt Ngô Văn Khởi 7 tháng tù giam, Nguyễn Văn Hải 6 tháng tù giam, thời hạn chịu án tính từ ngày bị bắt tạm giam (27/6/2013). Đây là bản án đúng người, đúng tội, thể hiện sự nghiêm minh và khoan hồng của pháp luật Việt Nam, được đông đảo nhân dân theo dõi phiên tòa đồng tình cao.

Thế nhưng “cây muốn lặng, mà gió chẳng ngừng”, vào ngày 26/10/2013, Tòa Giám mục Xã Đoài đã ra Văn thư số 10/13- TG “phản đối bản án bất công thiếu minh bạch ngày 23/10/2013 của Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đối với Ngô Văn Khởi và Nguyễn Văn Hải”. Sau văn thư này, một số trang mạng phản động trong và ngoài nước đã “hùa theo” hòng bóp méo sự thật, lừa dối công luận, vu khống chính quyền. Là cơ quan ngôn luận trong văn thư nhắc đến, lại nắm bắt diễn biến toàn bộ sự việc và có mặt trực tiếp tại phiên tòa ngày 23/10, Báo Nghệ An nhận thấy phải có trách nhiệm làm rõ về sự thật trên, vạch trần sự vu cáo, lừa dối công luận trắng trợn của Tòa Giám mục Xã Đoài.

Văn thư số 10/13 - TG, ngày 26/10/2013 của Tòa Giám mục Xã Đoài.
Văn thư số 10/13 - TG, ngày 26/10/2013 của Tòa Giám mục Xã Đoài.

Mở đầu văn thư do Linh mục Nguyễn Văn Hiểu - Chánh văn phòng Tòa Giám mục Xã Đoài ký, vẫn dùng những luận điệu quy chụp vô căn cứ quen thuộc “Cách làm được coi là “phiên tòa xét xử công khai và bản án đúng người đúng tội” đối với hai giáo dân Giáo xứ Mỹ Yên ngày 23/10/2013 của TAND tỉnh Nghệ An đã không gây ngạc nhiên cho công luận Việt Nam và quốc tế về cách kết thúc vụ việc vốn quen thuộc của nhà cầm quyền, là quy kết hết trách nhiệm cho dân lành để bao che hành vi sai trái của cơ quan công quyền”. Ngược lại với luận điệu trong văn thư, tại phiên tòa, 2 bị cáo Ngô Văn Khởi và Nguyễn Văn Hải - những người mà Tòa Giám mục Xã Đoài cho rằng bị “quy kết trách nhiệm” đã thừa nhận vào tối ngày 22 tháng 5 năm 2013 đã có những lời nói hô hào “đập đi, đập đi”, “bắt được đập chết đi” kích động hàng trăm người vô cớ giữ, đánh đập 2 cán bộ Công an huyện Nghi Lộc là Trần Văn Nhung, Nguyễn Quốc Nhàn và học viên thực tập của Trường Trung cấp An ninh là Nguyễn Văn Tiến; phá hoại tài sản nhà anh Đậu Văn Sơn - Xã Đội trưởng xã Nghi Phương, gây huyên náo, ách tắc giao thông, mất trật tự công cộng trong khoảng từ 19 giờ 30 phút đến 24 giờ ngày 22/5/2013 trên Tỉnh lộ 534, các đường liên xã từ xóm 10 Nghi Mỹ đến xóm 10,12,13 xã Nghi Phương (Nghi Lộc).

TIN LIÊN QUAN

Trước tòa, cả 2 bị cáo Khởi và Hải đều thành khẩn nhận đã phạm tội “gây rối trật tự công cộng” như cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An đã truy tố. Liên tục đưa tay quệt nước mắt, bị cáo Nguyễn Văn Hải bày tỏ “bị cáo thấy hành vi, việc làm hô hào của mình là sai, là vi phạm pháp luật, bị cáo hối hận trước hành vi của mình. Nếu như mình không hô hào kích động quần chúng thì họ không làm như vậy”.

Còn Ngô Văn Khởi thừa nhận ngay cả khi anh Nhung xưng là công an huyện Nghi Lộc, Khởi vẫn hô “công an huyện cũng đánh” và xót xa “chỉ vì suy nghĩ không đến nơi nên đã dẫn đến sai lầm như hôm nay”. Hai bị cáo đều tỏ thái độ vô cùng ăn năn hối lỗi và mong được hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Khi được nói những lời sau cùng trước giờ tòa nghị án, bị cáo Nguyễn Văn Hải đã nghẹn ngào “bị cáo đã nhận ra hành vi sai phạm của mình. Xin quí tòa giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo để bị cáo sớm về với gia đình”. Còn Ngô Văn Khởi bày tỏ “Qua phiên tòa hôm nay, bị cáo nhận thức rõ hành vi sai trái của bị cáo, bị cáo rất hối hận… giây phút này nếu có sống giữa đạo, bị cáo sẽ đưa ra lời nói xây dựng xã hội cũng như giáo hội tốt hơn. Bị cáo xin quý tòa cũng như Nhà nước khoan hồng và giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo”.

Trước đó, trong thời gian tạm giam, bị cáo Hải đã 2 lần gửi thư về gia đình “khuyên răn gia đình và anh em họ hàng đừng theo họ làm như vậy mà ảnh hưởng đến pháp luật. Cố gắng nhìn nhận cả về ý đúng và sai” và hứa “tôi sẽ sửa chữa, không bao giờ tham gia một cái dại ra ri nữa”. Còn Ngô Văn Khởi thừa nhận “đó là việc làm sai trái, hậu quả rất nghiêm trọng và rất ân hận, là bài học cho bản thân cũng như dạy cho con cháu”. Đồng thời nhắn gửi với vợ con, gia đình “trong lời nói cũng như hành động, đừng làm những việc sai trái với pháp luật”.

Nực cười là, trong khi các bị cáo vô cùng hối hận bởi những hành vị sai trái của mình, trong trại giam cũng như tại phiên tòa xét xử đều thành khẩn nhận tội và xin tha thứ, thì một số vị “bề trên” ở tận đẩu đâu không thèm quan tâm tới tâm tư, nguyện vọng và hoàn cảnh của các bị cáo, hoặc “ung dung” tọa trong Tòa Giám mục Xã Đoài để phát đi những văn thư, lời nói không đúng với sự thật. Cũng bởi một số giám mục, linh mục của Tòa Giám mục Xã Đoài luôn tự cho mình cái quyền đứng ngoài pháp luật nên đã không hiểu hoặc cố tình không chịu hiểu chân lý: đồng bào có đạo hay không có đạo đều là công dân của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đều có trách nhiệm, nghĩa vụ trước pháp luật, thực hiện đúng đường hướng hành đạo, sống phúc âm trong lòng dân tộc, chấp hành nghiêm chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Mọi hành vi vi phạm pháp luật đều phải xử lý nghiêm minh theo pháp luật để đảm bảo kỷ cương, phép nước.

Việc Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đưa ra xét xử công khai vụ án Ngô Văn Khởi và Nguyễn Văn Hải phạm tội “gây rối trật tự công cộng”, không chỉ có tác dụng đối với người phạm tội mà còn là hồi chuông cảnh tỉnh, bài học kinh nghiệm cho những ai còn mơ hồ, nghe theo lời kẻ xấu kích động, lôi kéo, dẫn đến có những hành vi vi phạm pháp luật, đi ngược với lợi ích dân tộc, nếp sống thuần phong mỹ tục, đạo lý của người dân Việt Nam.

Một phiên tòa được xét xử công khai, đúng quy trình thủ tục theo quy định của pháp luật Việt Nam với sự tham dự của đông đảo cơ quan báo chí, người dân, được phản ánh công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng nhiều ngày qua nhưng Tòa Giám mục Xã Đoài vẫn có những phát ngôn sai lệch, vu khống rằng: “Sau khi gặp gỡ gia đình, thân nhân ông Ngô Văn Khởi và Nguyễn Văn Hải tại Trại Gáo, Tòa Giám mục Xã Đoài xác nhận các cơ quan tố tụng đã không thông báo lịch xử ngày 23/10/2013 cho gia đình hai ông. Mặc dầu việc thông báo đó là cần thiết phải thực hiện để có thể thuyết phục mọi người, nhất là vụ án đang được công luận quan tâm đặc biệt vì nhiều điều khuất tất, trong khi Báo Nghệ An lại cho là bản án công khai, minh bạch và “được đông đảo nhân dân theo dõi phiên tòa và đồng tình cao”.

Video Clip:SỰ THẬT VỀ VỤ GÂY RỐI NGÀY 22/5/2013 Ở GIÁO XỨ MỸ YÊN

Tập 1: Từ một làng quê bình yên

Tập 2: Lời người trong cuộc

Tập 3: Bóp méo sự thật

Tập 4: Sự nghiêm minh của pháp luật

Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên, Luật sư Trọng Hải-Trưởng văn phòng Luật sư Trọng Hải và cộng sự cho biết: Theo quy định tại Điều 182 Bộ luật Tố tụng hình sự: “Quyết định đưa vụ án ra xét xử phải được giao cho bị cáo, người đại diện hợp pháp của họ và người bào chữa, chậm nhất là mười ngày trước khi mở phiên tòa”.

Theo đó, quyết định đưa vụ án ra xét xử được thông báo đối với bị cáo, trường hợp bị cáo là người bị hạn chế về nhận thức hành vi hoặc là người chưa thành niên thì Tòa án mới giao cho người đại diện hợp pháp. Trong trường hợp này, 2 bị cáo Nguyễn Văn Hải và Ngô Văn Khởi đều đã trên 18 tuổi và không bị hạn chế về nhận thức hành vi nên không thuộc diện đối tượng phải có người đại diện hợp pháp. Vì vậy, vụ án “Gây rối trật tự công cộng” được xét xử ngày 23/10/2013 đối với 2 bị cáo Nguyễn Văn Hải và Ngô Văn Khởi, việc "các cơ quan tố tụng đã không thông báo lịch xử ngày 23/10/2013 cho gia đình hai ông" là thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.

Ở đây có thể thấy, Tòa Giám mục Xã Đoài chỉ “hò hét” vu vơ, “đòi hỏi” những điều không có trong quy định của luật pháp Việt Nam mà cố tình lờ đi, không đề cập đến lời nhận tội của 2 bị cáo Khởi và Hải, cũng như sự khoan hồng của pháp luật với mức án dành cho 2 bị cáo. Về những điều này, Báo Nghệ An đã phản ánh ngay sau khi kết thúc phiên tòa xét xử trên Báo Nghệ An điện tử kèm videoclip về “Lời nói cuối cùng của các bị cáo” trước khi tòa nghị án và “Lời tuyên án của Hội đồng xét xử”. Thử hỏi, ở đây ai mới là người thiếu trung thực, không công khai minh bạch? Ai mới là kẻ “khuất tất”? Báo Nghệ An khẳng định có đủ căn cứ để chứng minh vụ án đã được xét xử một cách công khai, minh bạch, đúng theo quy định của pháp luật Việt Nam và sẵn sàng đối thoại với Tòa Giám mục Xã Đoài để làm rõ vấn đề trên.

Sự thật về sự việc cũng như phiên tòa xét xử 2 bị cáo và bản án đã được các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải nhiều ngày qua, lẽ ra với bổn phận là người “chủ chăn”, Giám mục Nguyễn Thái Hợp và một số linh mục ở Tòa Giám mục Xã Đoài phải lấy đó làm bài học cho chính mình – những người có trách nhiệm chăn dắt phần hồn cho các giáo dân trong giáo phận do mình phụ trách. Đồng thời nhắc nhở, khuyên bảo những giáo dân quá khích, giúp họ nhận ra hành vi sai trái và hối cải để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật, trở về đường hướng “người giáo dân tốt cũng là người công dân tốt”. Đó mới là cái tâm, là thiện chí của những bậc chân tu có trách nhiệm với giáo dân, với đất nước, với cộng đồng và xã hội.

Đằng này, Giám mục Hợp và một số linh mục ở Tòa giám mục Xã Đoài vẫn cố tình phát ngôn sai lệch đầy tính kích động khi lớn tiếng tuyên bố “Giáo phận Vinh không ngừng yêu cầu nhà cầm quyền trả tự do cho hai ông Ngô Văn Khởi, Nguyễn Văn Hải và bồi thường thiệt hại cho những người liên quan, đồng thời yêu cầu hủy bỏ hết mọi lệnh khởi tố liên quan đến vụ việc tại Trại Gáo ngày 22/05/2013 và Mỹ Yên ngày 04/09/2013. Chúng tôi tái khẳng định quan điểm nhất quán và các yêu cầu chính đáng tại các văn bản đã công bố, đặc biệt Văn thư số 35/13-VTTG ngày 05/07/2013 về việc yêu cầu thả người”.

Những phát ngôn đó làm phức tạp thêm tình hình, gây mất trật tự, an ninh xã hội và hoàn toàn đi ngược lại Huấn từ của Giáo hoàng Benedict XVI “Bằng đời sống xây nền trên đức ái, sự liêm chính, việc quý trọng công ích, anh chị em phải chứng tỏ rằng người Công giáo tốt cũng là người công dân tốt” và đường hướng mục vụ của Hội đồng Giám mục Việt Nam: “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”. Giám mục Hợp và một số linh mục của Tòa Giám mục Xã Đoài nên nhớ rằng Nhà nước Việt Nam tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức tôn giáo hoạt động bình đẳng, theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, cũng như tất cả các quốc gia khác trên thế giới, Nhà nước Việt Nam không cho phép bất cứ ai có quyền đứng trên pháp luật, lợi dụng tôn giáo để thực hiện âm mưu kích động bạo lực, gây mất ổn định trật tự xã hội và phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Vụ án đã khép lại với các mức án có lý, có tình, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật và sự nhân văn, truyền thống nhân ái “đánh kẻ chạy đi không đánh người chạy lại” của dân tộc Việt Nam. Các bị cáo cũng đã nhận ra sai lầm để “quay đầu về bờ”. Thế nhưng, dư luận vẫn đặt câu hỏi liệu sự bình yên, êm đềm có trở lại với giáo xứ Mỹ Yên khi mà Giám mục Hợp và một số linh mục ở Tòa Giám mục Xã Đoài vẫn tiếp tục tạo ra những cơn sóng ngầm bằng những phát ngôn sai sự thật, với những lời lẽ kích động như trong Văn thư 10/13- TG ngày 26/10/2013? Hy vọng ông Nguyễn Thái Hợp và một số linh mục ở Tòa Giám mục Xã Đoài sẽ có những hành xử xứng đáng với tư cách là một vị chủ chăn, thay mặt Chúa chăm sóc phần hồn cho các con chiên, đừng vì những mưu đồ cá nhân, vì lợi ích của riêng mình mà quên đi rằng “giáo dân cũng là công dân”, và đừng bao giờ lợi dụng con chiên làm công cụ cho các mục đích đen tối để mặc cả với chính quyền.

Nhóm phóng viên

Mới nhất
x
Lại "gây sóng, nổi gió"?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO