Lãi suất giảm, huy động vốn vẫn tăng
(Baonghean) - Trong năm 2014, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tích cực nâng chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa các hình thức huy động vốn, khuyến khích các doanh nghiệp và người dân mở tài khoản thanh toán qua ngân hàng. Do vậy, tuy mặt bằng lãi suất trên thị trường thấp, nhưng huy động vốn vẫn tăng.
Mặc dù thấp hơn tốc độ tăng năm trước (26,4%) nhưng đến cuối tháng 12/2014, nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh ước đạt 66.901 tỷ đồng, so với đầu năm tăng 10.797 tỷ đồng, bằng 19,2%. Trong năm 2014, NHNN Việt Nam đã thực hiện 2 lần điều chỉnh các mức lãi suất vào tháng 3 và tháng 10. Do đó, mặt bằng lãi suất có sự điều chỉnh giảm, kích thích tăng trưởng tín dụng, đồng thời góp phần hỗ trợ giảm chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp. Mặt bằng lãi suất VND phổ biến ở mức 0,8 - 1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 5 - 6% đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 6 -7,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng, kỳ hạn trên 12 tháng là 7,5-8,3%/năm. Lãi suất huy động bằng USD theo quy định của NHNN tối đa áp dụng đối với tổ chức là 0,25%/năm, lãi suất tối đa áp dụng đối với cá nhân là 1%/năm.
Giao dịch tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Nghệ An. |
Mặc dù thời điểm cuối năm, thông thường các ngân hàng vào cuộc đua cạnh tranh lãi suất, tung ra các chương trình khuyến mãi để hút vốn nhưng vì sản xuất khó khăn, tăng trưởng tín dụng chậm, nên nhìn chung mặt bằng lãi suất huy động ổn định. Trước điều chỉnh của lãi suất huy động, thị trường có biểu hiện chuyển sang gửi kỳ hạn dài để hưởng lãi suất cao hơn. Anh Nguyễn Sỹ Minh – Kế toán trưởng Ngân hàng SHB chi nhánh Nghệ An cho hay: “Hiện nhiều ngân hàng đang điều chỉnh lãi suất theo hướng kỳ hạn càng dài lãi suất càng cao để cân đối nguồn vốn trung và dài hạn. Vì thế chúng tôi khuyến khích khách hàng nên gửi kỳ hạn dài để hưởng lãi suất cao hơn. Riêng Ngân hàng SHB, đến nay tổng nguồn vốn huy động đạt khoảng 1.700 tỷ đồng”.
Tại Ngân hàng Sacombank Nghệ An, chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Hằng – kinh doanh hàng ăn ở phường Hưng Phúc. Chị cho biết, “từ buôn bán và tiết kiệm chi tiêu, đã tích cóp được nguồn vốn nhỏ để phòng khi đau ốm. Lãi suất thấp nhưng vì nguồn vốn ít, chưa đầu tư được vào lĩnh vực khác nên tôi quyết định gửi ngân hàng, vừa an toàn, vừa có chút lãi”. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Nghệ An cho hay: Bất động sản vẫn chưa có dấu hiệu ấm trở lại, vàng, ngoại tệ cũng không có biến động, đang biểu hiện ổn định theo chiều hướng giảm, USD được kiểm soát chặt chẽ… Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã tích cực nâng chất lượng dịch vụ ngân hàng, đa dạng hóa các hình thức huy động vốn, khuyến khích các doanh nghiệp và người dân mở tài khoản thanh toán qua ngân hàng, vì thế, vốn vẫn chảy vào ngân hàng dù lãi suất giảm.
Năm 2015, hệ thống các ngân hàng phấn đấu đạt mức tăng trưởng nguồn vốn huy động trên địa bàn từ 15 - 20%; tốc độ tăng đầu tư tín dụng khoảng 14 - 18%; nợ xấu dưới 3% tổng dư nợ. Các ngân hàng đang bám sát chương trình hành động triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và các nghị quyết phát triển các lĩnh vực kinh tế của tỉnh để tăng cường huy động vốn và mở rộng đầu tư tín dụng một cách an toàn, hiệu quả; Cân đối kỳ hạn giữa nguồn vốn huy động và tập trung vốn cho vay chi phí sản xuất kinh doanh của khu vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, các dự án trọng điểm của tỉnh; cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo đúng quy định của pháp luật…
Chỉ số giá tiêu dùng CPI những tháng cuối năm vẫn không tăng so với những tháng trước và chỉ tăng nhẹ so với cuối năm 2013. Do ảnh hưởng của giá xăng dầu giảm, theo dự báo, lạm phát cả năm chỉ ở khoảng 3%. Việc lạm phát thấp cho thấy khả năng lãi suất huy động có thể sẽ tiếp tục giảm (bởi lãi suất thường được điều chỉnh căn cứ theo tốc độ kiểm soát của lạm phát). Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An, huy động vốn trong năm 2014 tăng 19,2% nhưng cho vay tăng 14%, vốn khả dụng dư thừa trong khi các kênh đầu tư khác không mấy sáng sủa nên dòng vốn vẫn tiếp tục ổn định, không lo chuyển dịch, thiếu nguồn. Thanh khoản của các tổ chức tín dụng tiếp tục được đảm bảo và dư thừa, thị trường liên ngân hàng hoạt động thông suốt...
Hiện nay, nhiều ngân hàng đang thừa nguồn như Ngân hàng SHB chi nhánh Nghệ An huy động trên 1.700 tỷ đồng, cho vay trên 1.028 tỷ đồng. Thừa vốn nên nhiều ngân hàng có giải pháp bán vốn trên thị trường liên ngân hàng. Tuy nhiên, hiện nay có hiện tượng doanh nghiệp vay tiền ở ngân hàng này với lãi suất thấp và đi gửi tiền ở ngân hàng khác để hưởng lãi suất cao hơn đang âm thầm diễn ra. Đây là hành vi chiếm dụng vốn, sử dụng vốn sai mục đích cần tăng cường kiểm soát để tránh rủi ro trong tương lai. Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo các tổ chức tín dụng, chi nhánh tổ chức tín dụng chủ động có kế hoạch và dự kiến số tiền dự phòng rủi ro tăng thêm phải trích lập khi Thông tư 02/2013/TT-NHNN về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có hiệu lực…
Thu Huyền