Làm bánh cốm ở Đông Thuận- nghề phụ thu nhập chính

08/10/2016 16:38

(Baonghean.vn) - Khi tiết trời chuyển sang Thu cũng là lúc làng nghề bánh cốm Đông Thuận (xã Nghi Trung, Nghi Lộc) nhộn nhịp vào mùa sản xuất. Vào cao điểm, doanh thu của làng nghề đạt 700-750 triệu đồng/ tháng.

Nghề làm bánh cốm đã có truyền thống lâu đời ở địa phương đến nay vẫn được duy trì và phát huy hiệu quả. Anh Lê Văn Tài ở xóm 21 xã Nghi Trung đã có thâm niên 15 năm làm nghề cho biết: Bánh cốm được sản xuất rải đều trong năm. Tuy nhiên, vụ chính được bắt từ tháng 10 đến tháng 5 của năm sau. Thời điểm này, trung bình mỗi ngày gia đình tôi sản xuất từ 1 đến 1,5 tạ gạo, tương đương hơn 1 vạn tấm bánh cốm để cung cấp ra thị trường; thu lãi mỗi ngày khoảng 700 nghìn đồng”.

Ông Lê Tiến năng đầu tư máy sản xuât bỏng cốm
Ông Lê Tiến Năng đầu tư máy sản xuât bỏng cốm.

Hầu hết các công đoạn làm bánh cốm đều được làm thủ công. Để làm được những tấm bánh vừa ngon, chất lượng lại vừa đều, đẹp đòi hỏi người làm nghề phải tỉ mỉ trong từng khâu, từ chuẩn bị nguyên liệụ (gạo nếp, mật mía) đến làm bỏng, nấu mật, đảo cốm, đổ khuôn… Các hộ làm nghề ở làng Đông Thuận nỗ lực đa dạng mẫu mã các sản phẩm để phù hợp với thị hiếu.

Nhờ vậy, thị trường tiêu thụ bánh cốm làng nghề Đông Thuận ngày càng được mở rộng, ra các huyện miền núi của tỉnh và các tỉnh lân cận như: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị... Để đáp ứng nhu cầu thị trường, ngày càng nhiều hộ làm nghề đã đầu tư máy làm bỏng cốm, hỗ trợ sản xuất. Ông Lê Tiến Năng- một hộ làm nghề ở xóm 21 xã Nghi Trung cho biết: Trước đây, gia đình tôi phải đi thuê làm bỏng cốm nhưng năm nay, tôi đầu tư hơn 30 triệu đồng mua máy sản xuất bỏng. Nhờ đó, mỗi ngày sản xuất được 5 -7 tạ gạo. Sau khi trừ tiền điện và chi phí khác gia đình thu về khoảng 500 ngàn đồng ".

Hầu hết các công đoạn làm nghề bánh cốm ở làng nghề Đông Thuận được sản xuất bằng thủ công. Trong đó, nấu mật là khâu quan trọng nhất trong quá trình sản xuất bánh cốm
Hầu hết các công đoạn làm nghề bánh cốm ở làng nghề Đông Thuận được sản xuất bằng thủ công. Trong đó, nấu mật là khâu quan trọng nhất trong quá trình sản xuất bánh cốm

Lợi thế của nghề làm bánh cốm là người dân có thể tranh thủ được thời gian nhàn rỗi và tận dụng được nguồn lao động nông nhàn. Từ nghề phụ, đến nay nghề làm bánh cốm đã mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ gia đình ở làng Đông Thuận. Hiện, làng Đông Thuận có 58/90 hộ làm nghề bánh cốm. Nghề này đang tạo việc làm cho trên 150 lao động với mức thu nhập từ 4 đến 5 triệu đồng/ người/ tháng.

Ngoài ra, nghề làm bánh cốm còn tạo việc làm, tăng thu nhập cho một số lao động kinh doanh từ nghề. Chị Hoàng Thị Nga ở xóm 20 là người chuyên thu mua bánh cốm cho biết: "Chất lượng bánh thơm ngon, nên bánh cốm ở làng nghề Đông Thuận được thị trường rất ưa chuộng. Mỗi ngày tôi lấy từ khoảng 25 bao bánh cốm nhập cho các đại lý tại TP.Vinh; thu lãi trên 200 nghìn đồng. Nhờ có nghề này, tôi có được công việc làm thêm với nguồn thu nhập khá".

Nghề làm bánh cốm mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân địa phương
Nghề làm bánh cốm mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân địa phương, từ 4 -5 triệu đồng/ tháng.
Mỗi ngày, làng nghề bánh cốm Đông Thuận cho ra lò khoảng 50 vạn tấm bánh cốm.
Mỗi ngày, làng nghề bánh cốm Đông Thuận cho ra lò khoảng 50 vạn tấm bánh cốm, cung cấp cho thị trường trong tỉnh và một số tỉnh lân cận.

Ông Trần Hải Dương- Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Trung cho biết: Làng bánh cốm Đông Thuận được công nhận làng nghề từ năm 2012, những năm gần đây, xã hỗ trợ làng nghề làm đường giao thông, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, giao thương. Địa phương cũng đang tiến hàng làm các thủ tục để được chứng nhận đảm bảo VS ATTP để quảng bá thương hiệu bánh cốm Đông Thuận ngày càng rộng rãi hơn".

Thu Hiền - Ngọc Mai

Đài Nghi Lộc

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Làm bánh cốm ở Đông Thuận- nghề phụ thu nhập chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO