Làm công tác BHXH phải cầu tiến để phục vụ người dân tốt hơn

21/09/2015 08:01

(Baonghean) - Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chỉ đạo thực hiện BHYT học sinh, sinh viên năm học 2015 - 2016 theo thời gian 3 tháng cuối năm 2015. Năm 2016, sẽ thu theo 6 tháng hoặc 12 tháng, và BHXH Việt nam chỉ chấp nhận việc thu 15 tháng nếu học sinh, sinh viên có nguyện vọng và tự nguyện nộp. Đây là điểm nhấn thể hiện quan điểm rõ ràng nhất từ trước tới nay của cơ quan BHXH Việt nam, được đánh giá là tích cực và nhạy bén ngay khi có nhiều thông tin về việc một số tỉnh, thành đang thu BHYT theo nhiều mức khác nhau.

Công văn chỉ đạo của BHXH Việt Nam cũng nêu rõ, BHXH các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các sở giáo dục và đào tạo để rà soát lại các văn bản hướng dẫn liên ngành, kịp thời điều chỉnh những nội dung hướng dẫn chưa đúng với quy định của Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn (nếu có) trong việc tổ chức thu BHYT học sinh, sinh viên năm học 2015 - 2016. Với quy định được nhấn mạnh tại văn bản nêu trên, đã giúp tránh tình trạng thu tự phát diễn ra tại nhiều địa phương thời gian qua. Bên cạnh đó, việc quy định tách rời thời gian cũng phần nào giúp các bậc phụ huynh đỡ đi phần nào kinh phí trong tổng số các khoản tài chính phải nộp cho nhà trường đầu năm học.

Tránh tình trạng thu tự phát

Trước khi bước vào năm học 2015 - 2016, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo thực hiện một số nội dung thu BHYT. Theo đó, Thông tư liên tịch số 41 đã quy định cơ sở giáo dục có trách nhiệm thu tiền đóng phần thuộc trách nhiệm phải đóng của HSSV 6 tháng hoặc 1 năm/lần. Về thời hạn sử dụng, đối với HSSV nói chung, cấp thẻ BHYT từ ngày 1/1 đến ngày 31/12 của năm đó; đối với học sinh vào lớp 1 và sinh viên năm thứ nhất cấp thẻ từ ngày nhập học (hoặc ngày hết hạn của thẻ BHYT được cấp lần trước) đến 31/12 năm sau; đối với học sinh lớp 12 và sinh viên năm cuối thời hạn sử dụng ghi trên thẻ BHYT từ ngày 1/1 đến ngày cuối của tháng kết thúc năm học đó. Đối với ngành BHXH, ngành chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện về chế độ, chính sách, pháp luật về BHYT, quản lý và sử dụng quỹ BHYT (tổ chức thu, chi, đầu tư và giải quyết chính sách BHYT); chỉ đạo BHXH địa phương tổ chức thực hiện chính sách BHYT trên địa bàn.

Theo Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh, BHXH đã tổ chức tập huấn đến BHXH các tỉnh, thành phố về nội dung của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. “Chúng tôi kiên quyết giữ đúng nguyên tắc các cơ sở giáo dục và đào tạo, cơ sở dạy nghề có trách nhiệm lập danh sách tham gia BHYT, còn tổ chức BHXH nhận được danh sách này thì có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị quản lý đối tượng rà soát trước khi cấp thẻ BHYT. Mức đóng và thời hạn sử dụng đã được quy định rõ trong luật và các văn bản hướng dẫn thi hành của các bộ quản lý nhà nước, ngành BHXH có trách nhiệm phục vụ, chấp hành đúng.

Riêng việc triển khai BHYT HSSV năm học 2015 - 2016, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH địa phương phối hợp với sở giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục tổ chức thực hiện phù hợp với tình hình thực tế địa phương, có thể thực hiện thu và phát hành thẻ BHYT thành nhiều đợt (3 tháng và 12 tháng hoặc 6 tháng và 9 tháng hoặc 15 tháng...) để bảo đảm từ 2016 trở đi thực hiện theo năm tài chính như quy định tại Thông tư 41 của liên bộ Y tế - Tài chính” - Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh nói.

Nhà trường là đại lý thu BHYT

Về kết quả thực hiện BHYT HSSV của BHXH Việt Nam cho biết, năm học 2014 - 2015, theo báo cáo BHXH tỉnh, hầu hết các trường đã ký hợp đồng đại lý thu BHYT với cơ quan BHXH (khoảng 25.425 trường học trên cả nước). Đồng thời thực hiện theo văn bản chỉ đạo và nội dung ký kết giữa cơ quan BHXH và ngành Giáo dục nên trong thời gian qua đã tổ chức triển khai thực hiện theo nhiều phương án. Cụ thể: có 5 địa phương tổ chức thu theo năm học như những năm trước; 58 địa phương tổ chức thực hiện thu theo năm tài chính, trong đó có 8 địa phương thu một lần 15 tháng; 50 địa phương kết hợp nhiều phương thức thu (6 tháng và 9 tháng, 9 tháng và 6 tháng hoặc 7 tháng và 8 tháng), một số địa phương thu 3 đợt (3 tháng năm 2015, 6 tháng đầu năm và 6 tháng cuối năm 2016).

Về công tác ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT đối với các trường học có cơ sở khám, chữa bệnh, năm 2015, cơ quan BHXH đã ký hợp đồng với 44 y tế cơ quan thuộc các trường học, tương đương tuyến xã và tuyến huyện và 9 bệnh viện thuộc các trường đại học tương đương tuyến tỉnh, tuyến Trung ương; Các cơ sở này nhận đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu cho HSSV thuộc trường học đó và các đối tượng khác. Đầu năm học, khóa học, BHXH các địa phương đã gửi danh sách các cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu đến nhà trường để HSSV lựa chọn, thuận lợi nơi cư trú và học tập; HSSV được thay đổi nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu khi có nhu cầu - Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) Phạm Lương Sơn cho biết.

Về chi BHYT đối với HSSV, năm học 2014 - 2015, quỹ BHYT đã chi gần 2.000 tỷ đồng cho gần 9 triệu lượt khám, chữa bệnh, chủ yếu là ngoại trú. Theo kết quả khảo sát thống kê về y tế trường học năm học 2013 - 2014 của BHXH Việt Nam, hệ thống giáo dục mầm non có 14.881 trường, trong đó số trường không có phòng y tế là 6.866 trường; chiếm 45,1% trên toàn quốc; số trường có cán bộ chuyên trách là 6.599 trường; không có cán bộ chuyên trách là 4.689 trường; còn 3.633 trường không có cán bộ y tế; Hệ thống giáo dục phổ thông gồm 32.096 trường, trong đó số trường không có phòng y tế là 12.443; chiếm 38,7% trên toàn quốc; số trường có cán bộ chuyên trách là 15.159 trường; không có cán bộ chuyên trách là 10.432 trường; còn 6.505 trường không có cán bộ y tế.

Hệ thống các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề gồm 999 trường, trong đó số trường không có phòng y tế là 187 trường; chiếm 18,7% trên toàn quốc; số trường có cán bộ chuyên trách là 683 trường; không có cán bộ chuyên trách là 412 trường; Các trường thuộc cấp học khác (trung tâm giáo dục thường xuyên, trường năng khiếu, TDTT…): có 399 trường, trong đó số trường không có phòng y tế là 181 trường; chiếm 45,3% trên toàn quốc; số trường có cán bộ chuyên trách là 180 trường; không có cán bộ chuyên trách là 65 trường. Tổng kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu năm học 2013 - 2014 là 511.164 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này mới sử dụng hết 68%, trong đó chủ yếu chi cho các nội dung: mua thuốc, vật tư y tế tiêu hao và dụng cụ y tế (chiếm 35,7%); chi khám sức khỏe định kỳ (chiếm 18,3%); hỗ trợ chi trả phụ cấp cho cán bộ chuyên trách y tế nhà trường (chiếm 11,4%); chi khác 16%.

Phù hợp với tình hình thực tế

Với thực tế trên, đòi hỏi một lượng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất khám, chữa bệnh rất lớn để phục vụ HSSV. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện thu quỹ, ngành BHXH đã gặp một số khó khăn, vướng mắc. Về thời gian đóng BHYT của HSSV, năm học 2015 - 2016 là năm đầu thực hiện Nghị định 105/2014/NĐ-CP ngày 15/11/2014 của Chính phủ và Thông tư số 41/2014/TTLT-BTC-BYT ngày 24/11/2014 của Bộ Y tế - Bộ Tài chính nên trong quá trình thu BHYT HSSV năm học 2015 - 2016 đã gặp một số khó khăn. Cụ thể là mức đóng là 4,5% mức lương cơ sở, việc chuyển đổi từ thu và phát hành thẻ BHYT theo năm học sang thu và phát hành thẻ theo năm tài chính đã khiến một số HSSV gặp khó khăn.

Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh cho biết, để phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương và bảo đảm quyền lựa chọn phương thức đóng phù hợp, BHXH Việt Nam đã đề nghị Chính phủ nâng mức hỗ trợ đóng BHYT cho HSSV lên 50%. Đồng thời, chúng tôi đã đề nghị liên Bộ Y tế, Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư số 41 theo hướng thẻ có giá trị sử dụng theo năm tài chính hoặc năm học, khóa học; với phương thức đóng BHYT linh hoạt là 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng. Riêng Bộ Giáo dục và Đào tạo, chúng tôi đề nghị tiếp tục chỉ đạo nhà trường khắc phục khó khăn để thu BHYT làm nhiều đợt giảm gánh nặng tài chính cho phụ huynh HSSV vào đầu năm học mới. Đã làm công tác an sinh xã hội thì ngành Bảo hiểm xã hội chúng tôi phải thực sự biết lắng nghe, có tinh thần cầu tiến và kiên định để có thể phục vụ người dân được tốt hơn - Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh khẳng định.

Sông Hồng

Mới nhất

x
Làm công tác BHXH phải cầu tiến để phục vụ người dân tốt hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO