Chuyển đổi số

Lạm dụng màn hình thiết bị điện tử: Mối nguy hại khó lường đối với trẻ em

Phan Văn Hòa 25/04/2025 06:39

Việc trẻ em tiếp xúc quá nhiều với màn hình thiết bị điện tử có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển thể chất và tinh thần. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ những tác động tiêu cực mà việc sử dụng màn hình quá mức đem lại.

Lạm dụng màn hình thiết bị điện tử đang trở thành mối lo ngại lớn đối với sức khỏe và sự phát triển của trẻ em. Việc trẻ em dành quá nhiều thời gian trước màn hình không chỉ gây mỏi mắt, giảm khả năng tập trung mà còn làm suy giảm các kỹ năng xã hội và cảm xúc.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, tiếp xúc quá nhiều với thiết bị điện tử có thể dẫn đến các vấn đề như béo phì, rối loạn giấc ngủ và ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ, đặc biệt là kỹ năng ngôn ngữ và khả năng tư duy sáng tạo. Hơn nữa, trẻ em còn dễ dàng tiếp xúc với nội dung không phù hợp, gây tác động tiêu cực đến tâm lý.

Trẻ em, với khả năng nhận thức và phân tích còn hạn chế, rất dễ bị ảnh hưởng bởi những gì chúng nhìn thấy và nghe thấy trên TV, YouTube, mạng xã hội và các ứng dụng trò chơi. Dưới đây là những rủi ro tiềm ẩn từ 5 loại màn hình thiết bị điện tử phổ biến hiện nay.

1. TV

Theo tổ chức y tế SingHealth (Singapore), việc để trẻ thụ động dán mắt vào màn hình TV không chỉ hình thành lối sống ít vận động mà còn làm gia tăng nguy cơ béo phì, một vấn đề sức khỏe đang ngày càng phổ biến ở trẻ nhỏ.

Không dừng lại ở đó, nội dung truyền hình thường không được kiểm duyệt kỹ lưỡng theo độ tuổi, khiến trẻ dễ tiếp xúc với cảnh bạo lực hoặc thông điệp lệch lạc, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến hành vi và sự phát triển cảm xúc.

Đặc biệt, nhịp độ nhanh và hình ảnh giật gân của các chương trình truyền hình hiện đại có thể làm xói mòn khả năng tập trung, khiến trẻ mất hứng thú với những hoạt động cần sự kiên nhẫn và chiều sâu như đọc sách hay tư duy sáng tạo.

2. Điện thoại thông minh

Việc lạm dụng điện thoại thông minh, từ mạng xã hội đến các ứng dụng trò chơi không chỉ tiềm ẩn nguy cơ gây nghiện công nghệ mà còn khiến trẻ em dần thu hẹp các mối quan hệ xã hội thực tế, ảnh hưởng đến quá trình hình thành và phát triển kỹ năng giao tiếp, tương tác.

Theo Compass, một tổ chức từ thiện tại Anh chuyên hỗ trợ sức khỏe và tinh thần cho trẻ em và thanh thiếu niên, mạng xã hội có thể thúc đẩy thói quen so sánh bản thân một cách tiêu cực, làm xói mòn lòng tự trọng ở trẻ.

Không những thế, đây còn là môi trường dễ phát sinh các hành vi bắt nạt qua mạng và các tương tác độc hại, vượt ngoài tầm kiểm soát của người lớn.

Ngoài ra, việc sử dụng thiết bị điện tử vào ban đêm, dù là điện thoại hay máy tính bảng cũng làm gián đoạn giấc ngủ. Ánh sáng xanh phát ra từ màn hình có thể ức chế việc sản sinh melatonin, loại hormone điều hòa giấc ngủ, khiến trẻ khó đi vào giấc ngủ sâu và ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài.

3. Máy tính bảng

Việc cho trẻ sử dụng máy tính bảng một cách thụ động, chẳng hạn chỉ để xem video có thể vô tình hạn chế khả năng sáng tạo và làm nghèo trí tưởng tượng, vốn là những năng lực then chốt trong giai đoạn phát triển đầu đời.

Một nghiên cứu năm 2022 của Trung tâm Y khoa Michigan Medicine (Mỹ) chỉ ra rằng, khi máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh được dùng như công cụ để "dỗ dành" trẻ mỗi khi chúng buồn bã, điều đó có thể làm suy giảm cơ hội để trẻ học cách tự điều tiết cảm xúc. Hệ quả là trẻ dễ gặp khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc về sau, biểu hiện qua tâm trạng thất thường và hành vi bốc đồng.

Ngoài ra, giao diện rực rỡ sắc màu cùng nhịp chuyển ứng dụng nhanh chóng trên thiết bị số còn tạo ra sự kích thích quá mức lên hệ thần kinh non nớt của trẻ. Điều này khiến các em trở nên khó tập trung hơn khi tham gia vào những hoạt động mang tính sáng tạo hoặc cần sự kiên nhẫn như vẽ, chơi xếp hình, hay đơn giản là trò chuyện với người khác.

4. Máy tính

Máy tính ngày nay là công cụ không thể thiếu trong học tập, giải trí và kết nối thông tin. Tuy nhiên, việc dành hàng giờ liền ngồi trước màn hình không chỉ gây mỏi mắt, đau đầu mà còn góp phần làm suy giảm hoạt động thể chất, một yếu tố thiết yếu cho sự phát triển toàn diện ở trẻ em và thanh thiếu niên.

Trong khi đó, khả năng truy cập Internet một cách dễ dàng cũng đặt trẻ trước nguy cơ tiếp xúc với nội dung độc hại hoặc không phù hợp với độ tuổi.

Một nghiên cứu công bố năm 2022 trên Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ chỉ ra rằng, việc sử dụng Internet và chơi trò chơi điện tử trong thời gian dài có thể tác động tiêu cực đến sự phát triển của não bộ, đặc biệt là các chức năng liên quan đến ngôn ngữ và khả năng duy trì sự tập trung.

5. Kính thực tế ảo

Theo báo cáo năm 2022 của Common Sense Media, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Mỹ chuyên đưa ra các khuyến nghị về nội dung giải trí và công nghệ phù hợp cho trẻ em và gia đình, việc tham gia vào các trò chơi thực tế ảo (VR) có thể gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe thể chất.

Các triệu chứng thường gặp bao gồm buồn nôn, mỏi mắt và mất khả năng nhận diện các yếu tố trong thế giới thực, khiến trẻ có thể gặp nguy hiểm trong quá trình di chuyển.

Không dừng lại ở đó, môi trường thực tế ảo cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về mặt tâm lý. Trẻ em dễ dàng tiếp xúc với nội dung không phù hợp như hình ảnh khiêu dâm, ngôn từ thô tục, và có nguy cơ đối mặt với những hệ lụy nghiêm trọng như nghiện công nghệ, hành vi hung hăng gia tăng và xu hướng rút lui khỏi các tương tác trong đời sống thực.

Theo Straitstimes
Copy Link

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Lạm dụng màn hình thiết bị điện tử: Mối nguy hại khó lường đối với trẻ em
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO