Trẻ em nhìn màn hình càng lâu, nguy cơ cận thị càng cao
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, chỉ cần mỗi giờ dán mắt vào màn hình, nguy cơ mắc cận thị ở trẻ em lại tăng lên đáng kể.
Trước thực trạng này, các chuyên gia lên tiếng cảnh báo, trẻ nhỏ cần được hạn chế tiếp xúc với thiết bị điện tử và nên dành nhiều thời gian hơn để vui chơi ngoài trời.
Cận thị là tình trạng nhãn cầu dài hơn bình thường khiến mắt không thể nhìn rõ những vật ở xa đang ngày càng phổ biến trên toàn cầu. Theo các dự báo, đến năm 2050, có thể sẽ có tới 40% trẻ em và thanh thiếu niên trên thế giới mắc phải tật khúc xạ này.
Dù yếu tố di truyền đóng một vai trò nhất định trong việc hình thành cận thị, các nhà khoa học nhấn mạnh rằng môi trường sống và thói quen sinh hoạt cũng là những “thủ phạm” góp phần làm gia tăng nguy cơ.

Đặc biệt, việc ít tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên ngoài trời và dành quá nhiều thời gian tập trung nhìn gần, chẳng hạn như khi dùng thiết bị điện tử là những yếu tố có thể lý giải cho mối liên hệ giữa việc dùng màn hình và sự gia tăng tỷ lệ cận thị.
Mới đây, các nhà nghiên cứu tại Hàn Quốc đã thực hiện một phân tích quy mô lớn, tổng hợp dữ liệu từ 45 nghiên cứu với hơn 335.000 người tham gia trên toàn thế giới.
Những gì họ phát hiện là đáng lo ngại, ở nhóm trẻ em, thanh thiếu niên và người trẻ, trung bình mỗi giờ sử dụng màn hình mỗi ngày có thể làm tăng nguy cơ mắc cận thị lên tới 21%.
Giáo sư Chris Hammond – chuyên gia nhãn khoa tại King’s College London (Vương quốc Anh) cho rằng, dựa trên tỷ lệ cận thị khoảng 15% ở trẻ em Anh từ 12 đến 13 tuổi, nghiên cứu mới cho thấy nguy cơ mắc cận thị có thể tăng 18% nếu trẻ sử dụng màn hình một giờ mỗi ngày, và thậm chí tăng vọt đến 27% nếu thời gian đó kéo dài đến bốn giờ.
Không chỉ dừng lại ở nguy cơ mắc bệnh, nhóm nghiên cứu Hàn Quốc còn cảnh báo rằng với những người đã bị cận, việc thêm một giờ dùng thiết bị mỗi ngày có thể làm tăng nguy cơ bị cận nặng hơn tới 54%.
Khi phân tích sâu hơn, các nhà khoa học nhận thấy nguy cơ cận thị tăng mạnh theo thời lượng tiếp xúc với màn hình. So với những người không sử dụng thiết bị, người dùng màn hình một giờ mỗi ngày có khả năng mắc cận thị cao hơn 5%.
Con số này tăng đột biến lên tới 97% nếu thời gian sử dụng kéo dài đến bốn giờ mỗi ngày. Tuy nhiên, sau ngưỡng bốn giờ, tỷ lệ tăng bắt đầu chậm lại. Đặc biệt, nhóm nghiên cứu không tìm thấy mối liên hệ rõ ràng nào với nguy cơ cận thị nếu trẻ chỉ sử dụng màn hình dưới một giờ mỗi ngày, điều này gợi ý rằng có thể tồn tại một “ngưỡng an toàn” nhất định.
Dẫu vậy, nghiên cứu vẫn tồn tại một số hạn chế. Một số dữ liệu dựa vào tự báo cáo về tình trạng cận thị, chưa tính đến các hoạt động nhìn gần khác ngoài dùng thiết bị, và việc đo lường chính xác thời gian dùng màn hình vẫn là một thách thức. Ngoài ra, mối liên hệ này chỉ mang tính tương quan, chưa thể khẳng định rằng việc dùng màn hình là nguyên nhân trực tiếp gây ra cận thị.
Trong báo cáo, nhóm nghiên cứu lưu ý thêm, việc sử dụng thiết bị chủ yếu diễn ra trong nhà, đồng nghĩa với việc giảm thời gian tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên, một yếu tố được cho là giúp bảo vệ mắt, từ đó góp phần làm tăng nguy cơ cận thị.
Giáo sư Hammond đồng tình và cho biết, quá trình phát triển cận thị là sự đan xen phức tạp của nhiều yếu tố. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh: “Phân tích quy mô lớn này, cùng với các nghiên cứu trong thời kỳ giãn cách xã hội vì Covid-19 cho thấy rõ việc trẻ bị giới hạn ở trong nhà và dành quá nhiều thời gian trước màn hình là một ‘combo’ nguy hiểm cho đôi mắt đang phát triển”.
Cũng bày tỏ sự ủng hộ với nghiên cứu, Giáo sư Rupert Bourne từ Đại học Anglia Ruskin (Vương quốc Anh) cho biết, điều đáng lo nhất là cận thị nặng có thể dẫn đến nhiều bệnh lý nghiêm trọng về mắt, đe dọa đến thị lực lâu dài.
Ông nói: “Những phát hiện này có thể trở thành nền tảng cho các chiến lược giáo dục và chính sách y tế công cộng nhằm ứng phó với ‘đại dịch cận thị’ đang ngày càng lan rộng”.