Làm gì và làm thế nào để phát triển du lịch Nghệ An?
(Baonghean) - Nghệ An là tỉnh trung tâm vùng Bắc Trung bộ có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nhiều loại hình du lịch hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của du khách như du lịch văn hóa lịch sử, tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch sinh thái rừng, du lịch khám phá, mạo hiểm… Thế nhưng, tốc độ phát triển du lịch Nghệ An vẫn còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Báo Nghệ An xin giới thiệu bài viết của Thiếu tướng - PGS.TS Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và khoa học - Bộ Công an. Bài viết là ý kiến chia sẻ, trăn trở đầy tâm huyết để phát triển ngành công nghiệp không khói của địa phương.
3. Đã có mục tiêu và định hướng đúng cho phát triển du lịch
Ở tầm quốc gia, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 26 - NQ/TƯ ngày 30/7/2013 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020, trong đó xác định rõ: “Phấn đấu xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh khá vào năm 2015, tạo cơ sở đến năm 2020 cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp; là trung tâm về tài chính, thương mại, du lịch, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế, văn hóa, thể thao, công nghiệp công nghệ cao của vùng Bắc Trung bộ”, và “xây dựng Thị xã Cửa Lò thành đô thị du lịch biển xanh, sạch, đẹp, giàu mạnh, văn minh cùng với Thành phố Vinh phát triển thành cực tăng trưởng của tỉnh Nghệ An”. Theo Nghị quyết số 26.NQ/TƯ của Bộ Chính trị, Thành phố Vinh sẽ được xây dựng thành trung tâm vùng Bắc Trung bộ về tài chính, thương mại, du lịch, khoa học - công nghệ, giáo dục, đào tạo.
Nước mắm Ngư Hải - đặc sản Cửa Lò phục vụ khách du lịch. Ảnh: Sỹ Minh |
Nghị quyết 26.NQ/TƯ của Bộ Chính trị 30/7/2013 không phải là chiếc “đũa thần”, nhưng có thể được xem là “thánh chỉ” vì Bộ Chính trị là cơ quan lãnh đạo cao nhất Việt Nam. Nghị quyết 26 tạo cơ hội cho Nghệ An phát triển nói chung và phát triển ngành Du lịch Nghệ An nói riêng. Nghị quyết 26 cũng xác định rõ mục tiêu định hướng trung hạn (đến 2020) cho sự phát triển của Nghệ An, trong đó có ngành du lịch.
Trong bài trả lời phỏng vấn Báo Nghệ An ngày 30/4/2014 và Chỉ thị số 2630/UBND - TM ngày 25/4/2014, các đồng chí: Bí thư Tỉnh ủy Hồ Đức Phớc và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường đã thể hiện quyết tâm của cấp ủy, chính quyền và nhân dân Nghệ An trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị ngày 30/7/2013 về phát triển Nghệ An đến 2020. Như vậy, mục tiêu và định hướng cho phát triển du lịch Nghệ An đến 2020 đã được xác định rõ. Khi đã có mục tiêu, định hướng đúng, vấn đề còn lại là giải pháp tổ chức thực hiện và chính giải pháp cụ thể có vai trò quyết định thành bại.
4. Phải coi khách du lịch là thượng đế để tìm giải pháp phát triển
Ngành Du lịch Nghệ An đã có: 1. Tiềm năng to lớn; 2. Mục tiêu và định hướng đúng. Để phát triển du lịch, Nghệ An cần có các giải pháp cụ thể mang tính đột phá.
Tôi tự đặt mình ở vị trí là một khách du lịch đến Nghệ An (có thể là người nước ngoài hoặc người ở các địa phương khác trong nước) nêu ra một vài ý kiến để lãnh đạo các cấp và nhân dân Nghệ An tham khảo.
- Một là, phải xem khách du lịch là “thượng đế”.
Nếu ngành Giáo dục lấy học sinh là nhân vật trung tâm mà mọi hoạt động giáo dục (giảng dạy, quản lý giáo dục, cơ sở vật chất, sách giáo khoa…) phải tập trung cho việc phát triển nhân cách và trí tuệ của học sinh, thì toàn bộ hoạt động du lịch phải lấy khách du lịch là trung tâm và mọi hoạt động của ngành du lịch nói riêng, hoạt động của mọi cấp, mọi ngành ở Nghệ An và mọi người Nghệ An nói chung phải làm cho “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”.
Làm gì và làm như thế nào để “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” trước hết thuộc trách nhiệm của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Nhưng chỉ riêng Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cho dù có làm tốt bao nhiêu, cũng không thể “níu chân du khách”, mà cần mọi cấp, mọi ngành ở Nghệ An và mọi người dân xứ Nghệ cùng làm và làm tốt nhất. Kiên quyết thanh toán nạn chặt chém, chụp giật. Đây là vấn đề khó, nhưng không phải là không làm được.
- Hai là, cần tổ chức tốt công tác thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ khách du lịch.
Khách du lịch đến Nghệ An bằng đường sắt, đường bộ (ô tô) hàng không. Họ cần gặp ai, ở đâu để có các thông tin cần thiết cho một chuyến du lịch.
Nên chăng cần một Trung tâm thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ du lịch ở Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch và có các chi nhánh tại ga Vinh, sân bay Vinh, bến xe Vinh và tại Thị xã Cửa Lò; đồng thời thiết lập đường dây nóng du lịch để tiếp nhận mọi thông tin phản hồi từ du khách.
- Ba là, phải tạo ra “các sản phẩm du lịch độc đáo có chất lượng cao”. Đây là ý tưởng của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An - Hồ Đức Phớc (Bài trả lời phỏng vấn Báo Nghệ An 30/4/2014).
Tâm lý chung của mọi người đi du lịch là: Họ rất muốn, rất cần mua “sản phẩm du lịch độc đáo” của địa phương mình đến để làm kỷ niệm hoặc tặng người thân.
Hè năm 2013, tôi và gia đình về quê Bác ở Kim Liên (Nam Đàn), gặp trời nắng gắt phải mua mũ vải che nắng. Thú thật mũ vừa xấu về hình thức mẫu mã, vừa kém chất lượng. Các sản phẩm khác cũng chỉ nhàng nhàng.
Để tạo ra “các sản phẩm du lịch độc đáo có chất lượng cao” là một vấn đề rất khó. Hiện nay, khách du lịch đến Hà Nội cũng không có cái gì là “độc đáo” để mua về làm quà cho người thân. Trong 63 tỉnh thành phố chỉ một số rất ít địa phương (như Lâm Đồng, Thành phố Hồ Chí Minh…) bước đầu có sản phẩm du lịch độc đáo chất lượng cao.
Không lẽ xứ Nghệ bó tay?!
Đây là vấn đề lớn, khó và có ý nghĩa lâu dài chứ không chỉ phục vụ Năm Du lịch 2014. Do đó, tôi đề nghị Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cần tổ chức nhiều cuộc trao đổi, tọa đàm khoa học hẹp (một cuộc tối đa 15 - 20 người có ý tưởng) để thảo luận đến nơi đến chốn, chắc chắn sẽ gợi mở nhiều ý tưởng hay, khả thi trong việc tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo có chất lượng.
Đây là vấn đề thuộc khoa học quản lý, không thể nói chung chung. Mọi giải pháp phải dựa trên cơ sở các thông tin thu thập được qua khảo sát thực tế. Ví dụ: Cần điều tra xã hội học đối với 10 đoàn du lịch Kim Liên quê Bác (20 đoàn càng tốt) xem họ muốn có vật kỷ niệm gì khi về thăm quê Bác. Từ đó mới có thể xác định được sản phẩm du lịch độc đáo tại Kim Liên (Nam Đàn) là cái gì (xếp theo thứ tự 1, 2, 3….).
Đối với các điểm du lịch khác (Cửa Lò, đền thờ Vua Quang Trung, đền thờ và mộ Ông Hoàng Mười…) cũng cần có khảo sát, điều tra xã hội học. Khách đến Thành phố Vinh sẽ mua cái gì để làm kỷ niệm hoặc làm quà cho người thân? Đã có câu trả lời cho vấn đề này chưa? Lẽ nào chỉ ăn cháo lươn và mua kẹo cu đơ?!
Làm du lịch là làm kinh tế. Làm kinh tế trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế không thể nói chung chung (nói trạng!), mà phải xem xã hội cần cái gì, cần bao nhiêu, mẫu mã chất lượng ra sao… Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nghệ An cần cho cán bộ khảo sát trong và ngoài nước xem họ làm thế nào mà thu hút được du khách, tối thiểu cũng nên đi Thái Lan, Singapore, Trung Quốc.
- Bốn là, làm tốt quảng bá, tiếp thị cho du lịch Nghệ An.
Cần tận dụng hệ thống truyền thông (báo, phát thanh, truyền hình, xuất bản, mạng…) để quảng bá cho du lịch Nghệ An. Có nên hình thành Trung tâm Xúc tiến du lịch Nghệ An ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh không? Thông thường vào cuối năm, Bộ Ngoại giao, Bộ Thương mại mời đại sứ và tham tán thương mại Việt Nam ở các nước về họp, vào dịp đó, có thể UBND tỉnh mời một số đại sứ và tham tán thương mại Việt Nam ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Pháp, Đức, Mỹ trao đổi và qua đội ngũ cán bộ ngoại giao này quảng bá du lịch Nghệ An ra các nước. Việc này là khó, nhưng chắc chắn làm được.
Phát triển du lịch Nghệ An là một vấn đề lớn, không chỉ cho năm 2014. Du lịch là một ngành kinh tế, muốn tồn tại và phát triển phải có chiến lược lâu dài và các giải pháp khả thi, không thể làm theo kiểu “ăn đong” cho từng năm. Mục tiêu và định hướng đến 2020 đã được xác định. Khó nhất là tìm các giải pháp để đạt được mục tiêu. Mọi giải pháp phải cụ thể, khả thi và có hiệu quả. Không một ai có thể nghĩ ra mọi giải pháp để phát triển du lịch Nghệ An. Mọi người xứ Nghệ, trước hết là cán bộ các cấp, các ngành của tỉnh phải suy nghĩ và hiến kế. Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch phải lo trước, nghĩ trước và quy tụ được tối đa ý kiến, sáng kiến của hơn 3 triệu con người xứ Nghệ.
Là người con xứ Nghệ, tôi mạnh dạn nêu ra một vài ý kiến có thể đúng hoặc sai. Cho dù đúng hay sai, xin bạn đọc hiểu cho các ý kiến của tôi được viết ra do sự thôi thúc của tình cảm quê hương sâu nặng.
Thiếu tướng - PGS. TS - Lê Văn Cương
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu CL&KH - Bộ Công an