Làm giàu bằng nghề cơ khí
(Baonghean) - Trong khi hầu hết thanh niên trong làng đều quyết định làm thuê cho những tàu cá hay rời quê lập nghiệp thì Nguyễn Văn Sơn (xã Diễn Bích, Diễn Châu) lại nuôi chí làm giàu bằng cách học nghề và nỗ lực vượt khó lập nghiệp tại địa phương.
Sinh năm 1982 tại xóm Hải Bắc, xã Diễn Bích, học hết phổ thông, Nguyễn Văn Sơn quyết định đi nghĩa vụ quân sự. Năm 2004, trở về địa phương, trước hoàn cảnh mẹ thường xuyên ốm đau, kinh tế gia đình lại bấp bênh vì phụ thuộc hoàn toàn vào mấy ô muối, sau nhiều trăn trở, Sơn quyết định đi học nghề để lập nghiệp ngay tại quê nhà. Sau 7 tháng học nghề cơ khí - gò hàn ở TP. Vinh, đầu năm 2005, Sơn được cấp chứng chỉ nghề sơ cấp.
Anh Nguyễn Văn Sơn. |
Để nâng cao tay nghề, Sơn tìm đến các xưởng cơ khí trong huyện Diễn Châu và Thành phố Vinh xin làm thuê. Năm 2007, tự nhận thấy tay nghề đã thành thạo, lại tích cóp được ít vốn, Sơn quyết định mở một xưởng cơ khí nhỏ ở quê. Khi mới thành lập, xưởng của Sơn chỉ có 1 chiếc máy hàn, 1 chiếc máy mài, 1 chiếc máy khoan là bộ khung cơ bản để sản xuất.
Thời gian đầu, công việc gặp rất nhiều khó khăn: thiếu vốn, thiếu máy móc, nhân công chưa thạo nghề, khách hàng cũng chưa tin tưởng vào xưởng cơ khí nhỏ do một người mới vào nghề làm chủ. Nhớ về những ngày đầu mở xưởng, Sơn tâm sự: “Những ngày đầu gặp rất nhiều khó khăn có lúc tưởng chừng không trụ nổi. Nhà đã khó, cứ nghĩ đến việc gánh thêm món nợ do làm ăn thất bại mà rùng mình. Nhưng càng làm, em càng tin là mình sẽ thành công, nghề cơ khí đang có cơ hội phát triển bởi công trình xây dựng mọc lên rất nhiều. Hơn nữa, Diễn Bích là xã miền biển, thanh niên trong vùng nếu không đi đánh cá thì cũng đi làm thuê chứ chưa chú trọng học nghề và lập nghiệp từ nghề, số lao động thiếu việc làm khá đông nên em muốn làm một cái gì đó để thay đổi…”.
Năm 2007, Sơn lập gia đình. Là trụ cột của gia đình, Sơn càng quyết tâm hơn với cái nghiệp mình đã chọn. Với tính năng động, sáng tạo của tuổi trẻ, Sơn học hỏi kinh nghiệm tại nhiều xưởng cơ khí lớn trong và ngoài tỉnh để cải tiến mẫu mã, kỹ thuật cũng như khảo sát thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm.
Anh liên hệ thuê đất để mở rộng sản xuất, đầu tư các các loại máy móc tốt hơn. Dần dần, xưởng cơ khí Hoài Sơn đã trở thành “thương hiệu” đối với khách hàng không chỉ trong huyện Diễn Châu mà còn ở các huyện Quế Phong, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Nghi Lộc, TP.Vinh và cả Hà Tĩnh. Các sản phẩm của anh làm ra rất đa dạng như cổng, khung xe chở hàng, cửa hoa, cửa lùa, mái tôn cho các ki-ốt và nhà ở.
Đến nay, mỗi năm xưởng cơ khí đã đem về cho anh nguồn thu từ 200 - 250 triệu đồng và tạo việc làm thường xuyên cho 4 - 5 lao động địa phương với mức thu nhập từ 4-5 triệu đồng/tháng. Không những thế, Sơn còn nhận dạy nghề miễn phí cho thanh niên trong vùng. Đến nay đã có gần 20 người học nghề ở xưởng, trong số đó nhiều người đã thành thạo tay nghề, tìm được việc làm ổn định. Anh Lê Văn Thắng ở xóm Hải Bắc cho biết: “Sau khi tốt nghiệp phổ thông, chưa biết sẽ làm nghề gì thì anh Sơn nhận em vào học nghề ở xưởng. Trong quá trình học nghề và làm việc ở xưởng, em luôn được chỉ bảo tận tình, nhờ đó đến nay tay nghề đã tương đối thành thạo”.
Quy mô còn nhỏ, nhưng Nguyễn Văn Sơn luôn cảm thấy mình may mắn vì đã chọn đúng hướng đi để thoát nghèo và vươn lên làm giàu cho bản thân, gia đình và giúp đỡ cộng đồng. Với mọi người, Sơn được tôn vinh là “ông chủ trẻ” không chỉ vì thành tích anh đạt được mà hơn hết là tinh thần dám chấp nhận khó khăn để vươn lên bằng chính đôi tay, khối óc của mình. Thành công của anh hôm nay xuất phát từ việc thay đổi nếp nghĩ, sự quyết tâm vượt khó.
Anh Thái Bá Bảy - Bí thư Đoàn xã Diễn Bích cho biết: “ Với mô hình như anh Sơn, sẽ có thêm nhiều thanh niên trở về tham gia lao động sản xuất tại địa phương để góp phần phát triển và ổn định kinh tế của xã. Trong thời gian tới, Đoàn xã sẽ quan tâm xây dựng các mô hình điển hình thanh niên làm kinh tế để nhân rộng trong toàn xã”.
Minh Quân