Làm giàu trên đất nước Triệu Voi

18/02/2014 10:05

(Baonghean) - Nguyễn Đình Chung được biết đến bởi cái tên “Dinh chung furniture” ở đất Viêng Chăn, Lào. Chung nổi tiếng khi sở hữu một cửa hàng chuyên bán đồ mỹ nghệ, gỗ lũa gần như nhất nhì Viêng Chăn. Năm nào cũng vậy, Hội chợ giao thương Lào- Việt Nam đều chọn anh làm đại diện cho các doanh nghiệp trẻ Lào trưng bày các sản phẩm của mình.

Tìm đến Nguyễn Đình Chung không khó, bởi cửa hàng của anh tọa lạc bên trục đường từ trung tâm Thành phố Viêng - Chăn đi sân bay Vắt- tày (Vattay), đường Asean, bản Sỉ-đăm-đuôn (Sidamduan), quận Chăn-tha-bu-li (chanthabouri). Cửa hàng với hàng trăm sản phẩm, là những tác phẩm nghệ thuật gỗ lũa điêu luyện, được chế tác tinh vi từ những gốc cây, cội rễ đã bị bỏ quên trên những nương rãy hoang hóa xứ Lào. Điều đó nói rằng, qua bàn tay, khối óc sáng tạo của anh, những cội rễ vô hồn ấy bỗng biết nói, tự nó đã vang lên những câu châm ngôn, những bài thơ cổ, những tích xưa. Khách hàng đến với anh đủ hạng, nhưng nhiều nhất vẫn là khách Trung Quốc. Nào là những bộ bàn ghế, voi, rồi những bức tượng Phúc-Lộc-Thọ; Mười hai con Giáp; Trúc - Cúc - Tùng - Mai, chim, thú… đến những cô tiên, đức Phật… hay những bức tranh gỗ “Sơn thủy hữu tình”… Những tác phẩm ấy đều được biến hóa từ những gốc cội xù xì, những bộ rễ rắn chắc đem về từ miền nương rãy hoang xứ Lào.

Đến ngôi nhà của anh, sẽ bị choáng ngợp bởi những tác phẩm nghệ thuật đầy sáng tạo và thán phục bởi ý chí của một người con xứ Nghệ. Sinh ra ở TX Cửa Lò, hai mươi tuổi, anh đã lặn lội vào tận Thành phố Hồ Chí Minh học nghề gỗ mỹ nghệ. Anh cho biết, khi nhìn ngắm những tác phẩm gỗ lũa, anh cảm thấy tâm hồn mình thư thái, thiện tâm và ngắm nhìn không biết chán; chính vì thế anh quyết tâm học thành nghề. Học xong, trở về quê biển đem nghề gỗ ra vận dụng thấy nó trái khoáy thế nào ấy, nên anh quyết chí phiêu du tít tận bên Lào kiếm sống.

Sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ của anh Nguyễn Đình Chung.
Sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ của anh Nguyễn Đình Chung.

Hai năm đầu làm thợ mộc, anh luôn miệt mài tìm kế để bươn chải. Vừa giữ nghề vừa nghĩ phải biết dựa vào thế mạnh của vùng đất mới. Nhận thấy đất Lào bạt ngàn rừng núi, người dân lại có thói quen làm nương rãy, nhiều gốc cây bị thiêu trụi rồi bỏ hoang; Anh nghĩ mình phải tận dụng tiềm năng này, biến cái không thành có, biến cái vô dụng thành cái có giá trị. Thế là, bằng nghề đã học được, cùng với trí thông minh, sáng tạo, anh đã làm nên cơ nghiệp này. Những gốc cây, khúc gỗ trôi sông, được anh thu gom chế tác thành những món hàng trị giá hàng trăm, hàng ngàn đô la.

Hàng của anh vừa bền, vừa có giá trị nghệ thuật xuất sắc, mang âm hưởng các điển tích phương Đông giao thoa với nền văn hóa xứ Lào, nên được khách nước ngoài rất ưa chuộng. Chính vì thế, mỗi năm anh xuất khẩu mặt hàng này tới hàng chục con ten nơ.

Ở độ tuổi trên 30, Nguyễn Đình Chung đã gây dựng được cả một cơ ngơi bề thế trị giá hàng triệu đô la. Làm ăn thành đạt trên đất Lào, anh vẫn luôn dành cơ hội để đền đáp công ơn sinh thành của cha mẹ, người thân.

Chung có cái dáng cao ráo, đặc sệt giọng Nghệ; ăn mặc lịch lãm, đi xe sang như mọi đại gia đất Viêng - Chăn. Tuy vậy, hàng ngày anh vẫn dành thời gian vật lộn với những gốc rễ xù xì mới được chở về từ những nương rãy xa xôi. Vợ anh cũng vậy, chị quê gốc Thanh Hóa, những tưởng bằng lòng với thành quả mà chồng đem lại, nhưng suốt ngày chị vẫn đầu tắt mặt tối bán hàng ở chợ Khua- đin (Khuadin) mãi tối mịt mới về đón con. Và ngày nào cũng thế cứ khoảng 8 giờ tối cả nhà mới được sum vầy quanh mâm cơm.

Bây giờ, xưởng đồ gỗ mỹ nghệ của Nguyễn Đình Chung đã giải quyết việc làm ổn định cho 20 lao động người Lào và 20 lao động quê Nghệ, thu nhập bình quân 8 đến 20 triệu đồng mỗi tháng, tùy theo tay nghề. Công nhân ai nấy đều yên tâm làm việc và gắn bó với xưởng. Anh Nguyễn Văn Linh, quê huyện Nghi Lộc, theo Chung sang Lào đã hơn 10 năm, cho biết, tại đây có nhiều tốp thợ cả Việt Nam và Lào, với nhiều công đoạn khác nhau, nhưng tất cả đều làm việc rất nhịp nhàng, đoàn kết yêu thương và hiệu quả cao. Thợ Việt và thợ Lào đều có những sáng tạo riêng, khi cùng làm, họ đã tạo được sự giao thoa giữa hai nền văn hóa để có được sản phẩm tốt nhất đáp ứng mọi yêu cầu nghệ thuật của khách hàng. Khi chúng tôi viết xong bài này thì cũng là lúc một khách hàng đã đặt cọc bộ bàn ghế bằng rễ cây trị giá 50 ngàn đô la Mỹ.

Quốc Khánh (VOV Vientiane)

Mới nhất

x
Làm giàu trên đất nước Triệu Voi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO