"Lạm phát" bằng giỏi

14/07/2014 18:20

(Baonghean) - Quy trình tuyển dụng công chức, viên chức thuộc đối tượng thu hút theo Quyết định 57 của UBND tỉnh đang được tiến hành. Theo thông báo của UBND tỉnh thì năm nay có 70 đơn vị đăng ký danh sách thu hút (cho giai đoạn 2014 - 2018) với 416 chỉ tiêu biên chế cho 307 vị trí việc làm thuộc 167 ngành và chuyên ngành.

(Baonghean) - Quy trình tuyển dụng công chức, viên chức thuộc đối tượng thu hút theo Quyết định 57 của UBND tỉnh đang được tiến hành. Theo thông báo của UBND tỉnh thì năm nay có 70 đơn vị đăng ký danh sách thu hút (cho giai đoạn 2014 - 2018) với 416 chỉ tiêu biên chế cho 307 vị trí việc làm thuộc 167 ngành và chuyên ngành.

Sau khi danh sách đăng ký thu hút được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, hàng trăm sinh viên có bằng khá, giỏi đã đến nộp hồ sơ tại các đơn vị có chỉ tiêu thu hút. Số hồ sơ các đơn vị tiếp nhận gấp nhiều lần so với số chỉ tiêu đăng ký thu hút. Không chỉ sinh viên mới ra trường mang tấm bằng khá, giỏi đi tìm việc làm mà nhiều cử nhân giỏi, thạc sỹ cao học đang thất nghiệp cũng đi tìm địa chỉ thu hút mong có nơi làm việc ổn định.

Chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao của tỉnh áp dụng cho nhiều đối tượng, trong đó đông nhất là sinh viên tốt nghiệp đại học loại khá, giỏi. Những năm trước đây, tiêu chuẩn thu hút chỉ cần có bằng tốt nghiệp đại học, cao đẳng loại khá, giỏi qua thi tuyển được cộng điểm ưu tiên. Năm nay, thực hiện theo Quyết định 57 của UBND tỉnh, sinh viên có bằng giỏi (chính quy) không phải qua thi tuyển mà được xét tuyển thẳng theo 3 tiêu chí: điểm thi vào đại học, điểm trung bình quá trình học tập và điểm luận văn hoặc thi tốt nghiệp. Cộng 3 loại điểm này nhân theo hệ số xếp từ cao xuống thấp xét tuyển cho đến hết chỉ tiêu.

Với cơ chế trên đây, việc xét tuyển được “đặt lên bàn” công khai minh bạch, không có kẽ hở cho sự lợi dụng, tuy nhiên, vận dụng vào thực tế vẫn còn những vướng mắc. Với quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng theo phương thức “ba chung” như trước đây (duy trì điểm sàn) thì điểm thi vào đại học là tiêu chí phản ánh khá trung thực chất lượng đầu vào của sinh viên. Những thí sinh có điểm thi vào đại học cao thường được đào tạo ở những trường có uy tín. Nhưng từ năm nay, tuyển sinh đại học, cao đẳng bỏ phương thức “ba chung”, các trường có điều kiện tự tổ chức thi riêng, điểm đậu vào đại học mỗi trường một khác, bởi vậy, trong những năm tới không thể lấy điểm thi vào đại học làm tiêu chí tuyển chọn nhân lực chất lượng cao.

Điểm trung bình của các năm đại học và điểm luận văn tốt nghiệp là hai tiêu chí quan trọng để đánh giá đúng thực chất năng lực sinh viên khi ra trường. Nhưng hai loại điểm này có mức độ rất khác nhau giữa các trường đại học, cao đẳng. Những trường có uy tín, chất lượng đào tạo có “đẳng cấp” thì sinh viên có được điểm học tập và điểm luận văn tốt nghiệp cao là rất khó; bằng giỏi của những trường này cũng không dễ dàng đạt được. Ngược lại, những trường đại học, cao đẳng chất lượng đào tạo thấp thì điểm học tập và điểm luận văn tốt nghiệp thường dễ đạt cao, đó là chưa nói việc chạy bằng, mua điểm làm cho nhiều trường đại học, cao đẳng tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi cao ngất ngưỡng.

Theo nhiều sinh viên cho biết thì điểm trung bình học tập và điểm luận văn tốt nghiệp trước đây rất khó đạt cao vì các trường chấm điểm rất nghiêm ngặt. Nhưng càng về sau, các trường càng có xu hướng “nới” điểm cho sinh viên nên chất lượng của những sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi hiện nay không bằng trước đây. Trong khi đó, những sinh viên này có lợi thế hơn các sinh viên trước đây là có số điểm cao hơn, mặc dù năng lực thực chất không bằng thế hệ đi trước. Đó là chưa nói, nhiều sinh viên có bằng giỏi đã trải qua thời gian công tác, có kinh nghiệm thực tiễn nhưng vẫn không được ưu tiên trong tuyển dụng.

Đáng lo ngại là khi các địa phương trong cả nước đều lấy bằng tốt nghiệp đại học loại khá, giỏi làm tiêu chuẩn ưu tiên trong tuyển dụng công chức, viên chức thì phong trào “chạy” bằng giỏi xuất hiện ở nhiều trường đại học. Trong khi đó, do chất lượng giáo dục đại học không được nâng cao nên giá trị những tấm bằng khá, giỏi cũng giảm dần. Không ngạc nhiên khi có những trường đai học, cao đẳng gần nửa lớp tốt nghiệp có bằng khá, giỏi. Mặc dù Quyết định 57 của UBND tỉnh đã có những quy định cụ thể để chọn đúng thực chất sinh viên có năng lực nhưng tình trạng “lạm phát” bằng giỏi làm cho việc tuyển dụng nhân tài từ những sinh viên mới ra trường rất khó chính xác. Đây là một khó khăn trong thực hiện chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao của tỉnh, các cơ quan tham mưu cần tiếp tục nghiên cứu và tổng kết thực tiễn để có giải pháp khắc phục.

TRẦN HỒNG CƠ

"Lạm phát" bằng giỏi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO