Làm rõ nội hàm khái niệm "kinh tế thị trường định hướng XH chủ nghĩa"

22/04/2015 11:35

(Baonghean.vn) - Bước sang ngày làm việc thứ hai, Diễn đàn Kinh tế mùa xuân với chủ đề “Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh: biến lời nói thành hành động” do Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam, Tỉnh ủy Nghệ An phối hợp tổ chức tập trung bàn sâu về nội dung chính của Diễn đàn.

TIN LIÊN QUAN

Đây là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, đặc biệt là các doanh nghiệp, các hiệp hội đại diện cho quyền lợi của cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh và trong nước và đại diện các sứ quán có các dự án FDI tại Việt Nam .

Toàn cảnh diễn đàn
Quang cảnh diễn đàn.
Phó Bí thư Tỉnh ủy tham gia đoàn chủ trì diễn đàn
Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Lê Quang Huy tham gia chủ trì Diễn đàn

Mở đầu phiên làm việc buổi sáng 22/4, Tiến sỹ Trần Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương có bài tham luận Tổng quan về quá trình hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam từ sau đổi mới đến nay.

Theo tiến sỹ, Việt Nam đang đi theo con đường phát triển kinh tế thị trường có sự định hướng của Nhà nước. Hiện nay các doanh nghiệp đã được tự do thỏa thuận thị trường. Tuy nhiên ở đây vẫn còn nhiều điểm nghẽn và nút thắt về thể chế làm chậm tiến trình cải cách kinh tế hiện đang dang dở ở Việt Nam. Trong giao dịch tuy đã tự do nhưng chưa thật sự công bằng, chưa thuận lợi, chi phí cao, rủi ro cao, chưa có cạnh tranh công bằng và minh bạch, làm méo mó thị trường. Khâu yếu nhất hiện nay chính là trật tự thị trường. Nguyên nhân chủ yếu là do Nhà nước đang lấn át tư nhân. Nguyên nhân của các nút thắt nói trên, theo TS Nguyễn Đình Cung, lại nằm ở phía Nhà nước.

Đại biểu quốc tế tham dự diễn đàn
Nhiều đại biểu quốc tế tham dự diễn đàn
Chủ nhiệm Ủ Ban kính tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu (Trái) và Chủ nhiệm Ủy Ban đối Ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu (trái) và Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Trần Văn Hằng (phải) tham gia chủ trì diễn đàn.

“Có thể nói, cải cách 30 năm qua ở Việt Nam mới chủ yếu tập trung vào giảm và thu hẹp vai trò và chức năng của Nhà nước, mà chưa có đổi mới căn bản cơ cấu tổ chức bộ máy Nhà nước; chưa thay đổi cơ bản tư duy về kinh tế thị trường, về vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường”, Viện trưởng CIEM đúc kết.

Các đại biểu tiếp tục thảo luận trong ngày 22/4
Các đại biểu tiếp tục thảo luận trong ngày 22/4

Kiến nghị đầu tiên của chuyên gia này về cải cách thể chế, là đổi mới nhận thức và làm rõ nội hàm của một số khái niệm cơ bản của quá trình cải cách tiếp theo. Mà xếp hàng đầu chính là khái niệm “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Đây là một khái niệm được sử dụng thường xuyên và liên tục, nhưng nội hàm của khái niệm chưa rõ, chưa thống nhất; và những gì được giải thích liên quan đến khái niệm này không còn phù hợp..., ông Cung nhận xét.

Cho rằng làn sóng đổi mới lần hai đã trở nên rất cần thiết, Viện trưởng CIEM cũng nhấn mạnh, đổi mới lần hai khó khăn hơn bội phần so với đổi mới lần thứ nhất, cách đây 30 năm. Song, “tuy khó khăn và đầy thách thức, nhưng đổi mới lần hai đã trở thành mệnh lệnh, không thể không làm”. Ông Cung cũng kiến nghị bộ máy giám sát nền kinh tế nên tách rời ra khỏi bộ máy quản lý Nhà nước và lạc quan vào những đổi mới sau ngày 1/7/2015 khi một số luật được đổi mới.

Sau bài tham luận của Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, nhiều đại biểu như Tiến sỹ Trần Du Lịch đã phát biểu bình luận về các vấn đề ông Cung nêu. Theo ông Lịch, bài trình bày khá hay và đặc biệt lạc quan từ 1/7/2015. Tuy nhiên, ông Lịch cho rằng ông không lạc quan lắm… Thủ tục hành chính chỉ là một phần nhỏ trong thể chế hành chính, nếu chỉ tập trung cải cách thủ tục hành chính mà không quan tâm đến bộ máy hành chính…thì sẽ không thể cải thiện được thể chế hành chính.

Đoàn đại biểu tỉnh Nghệ An tham gia diễn đàn
Đoàn đại biểu tỉnh Nghệ An tham gia diễn đàn

Tiếp đó, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban pháp chế Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam VCCI có bài đánh giá “Môi trường kinh doanh của các địa phương nhìn từ góc độ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài”. Đây cũng là nội dung nhận được sự quan tâm của các đại biểu. Theo bài đánh giá, nếu Việt Nam không cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thì sẽ mất đi tính cạnh tranh so với các nước khác. Điểm mạnh của Việt Nam hiện nay chính là sự cạnh tranh về thuế. Tuy nhiên chỉ số minh bạch đang có xu hướng giảm.

Theo đánh giá của nhiều đại biểu được hỏi thì cho rằng nội dung của ngày làm việc thứ hai đã tập trung được những vấn đề cốt lõi đang được cộng đồng doanh nghiệp nói riêng và người dân nói chung quan tâm hiện nay.

Tin: Thành Huy

Ảnh: Lang Quốc Khánh

Mới nhất

x
Làm rõ nội hàm khái niệm "kinh tế thị trường định hướng XH chủ nghĩa"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO