Làm thế nào để 'hồi sinh' chợ truyền thống?
Internet phát triển, thói quen mua bán trên mạng xã hội đã làm thay đổi hình ảnh nhộn nhịp thường thấy ở các chợ truyền thống. Làm sao để duy trì, phát triển chợ truyền thống, đáp ứng yêu cầu phát triển, phục vụ đời sống an sinh xã hội đang là vấn đề đặt ra hiện nay.
Chợ truyền thống ế ẩm
Chợ Đô Lương và Trung tâm Thương mại thuộc địa phận thị trấn Đô Lương và xã Yên Sơn, nằm cạnh tuyến Quốc lộ 7 chính thức hoạt động vào cuối năm 2021. Khu vực này sở hữu vị thế kinh doanh đắc địa, là “cửa ngõ” kết nối thông thương mạnh mẽ với các khu vực lân cận, yếu tố quan trọng hàng đầu cho thành công của công việc kinh doanh.
Chị Hằng - tiểu thương kinh doanh hàng nông sản ở đây cho biết: “Về chợ mới kinh doanh chúng tôi yên tâm. Chợ mới xây dựng khang trang, hiện đại, sạch, đẹp, không còn phải lo hệ thống điện chập cháy, an ninh, trật tự đảm bảo. Tuy nhiên, việc kinh doanh ngày càng khó khăn, bán hàng online lên ngôi, cộng với thời tiết nắng nóng nên người dân ít tới chợ mua hàng. Một số tiểu thương chúng tôi vừa phải bán trực tiếp, vừa giới thiệu lên Facebook để tìm kiếm đơn hàng, ship tận tay người tiêu dùng”.
Ông Nguyễn Công Minh – Giám đốc Ban Quản lý chợ Đô Lương cho hay, sau gần 2 năm đi vào hoạt động, đơn vị đóng góp lớn cho ngân sách huyện, song việc kinh doanh ngày một khó khăn hơn. Hiện nay, hàng rau, củ, quả tại chợ đầu mối ở đây là còn hoạt động hiệu quả, bà con kinh doanh sôi động từ 3h-7h sáng, còn lại nhìn chung là đìu hiu. Từ đầu năm đến nay tiểu thương nghỉ nhiều, nhất là đối với lĩnh vực kinh doanh thời trang, mỹ phẩm... Hiện chỉ có khoảng 60% tiểu thương kinh doanh, tới đây tình hình sẽ khó khăn hơn.
Đây đang là bức tranh chung của chợ truyền thống. Thói quen mua bán hàng trên mạng đã làm thay đổi hình ảnh nhộn nhịp người bán người mua trước kia ở các chợ.
Ngay cả trên địa bàn thành phố Vinh, một số chợ lớn, đầu mối giờ cũng vắng khách, các tiểu thương ngồi buồn lướt điện thoại. Một tiểu thương kinh doanh túi xách ở tầng 2 chợ Vinh chia sẻ: Hàng hóa ế ẩm, trong khi kinh doanh ở chợ mất nhiều chi phí vào mặt bằng, vận chuyển... nên giá thành khó có thể cạnh tranh được với các hộ kinh doanh online.
Ngoài khó khăn do chịu sự cạnh tranh gay gắt của kinh doanh online, thì chợ truyền thống cũng gặp nhiều bất cập khác. Theo đánh giá, chỉ có một số chợ thu hút đầu tư có quy mô lớn, hiện đại là đáp ứng các yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi trường như: Trung tâm Thương mại kết hợp chợ truyền thống Đô Lương, chợ Kim Sơn (Quế Phong), chợ Hoàng Mai,… Còn rất nhiều chợ bán kiên cố, có cơ sở vật chất tạm bợ.
Những khu chợ dân sinh đều có đặc điểm chung là hàng hóa trưng bày lộn xộn, che chắn lối đi, cơi nới bạt, hệ thống điện xuống cấp, các hạng mục về phòng cháy đều không đảm bảo... nguy cơ cháy, nổ hiện hữu trong mùa nắng nóng. Các chợ hầu như chỉ trang bị các thiết bị như bình chữa cháy, búa…, không có kho chứa hàng riêng mà tận dụng các điểm kinh doanh làm kho chứa hàng.
Tại chợ Vinh, khu chợ lớn nhất tỉnh Nghệ An, nhiều tiểu thương không để hàng hóa trong ki-ốt mà lại trải kín các hành lang, khiến lối đi bị thu hẹp, ảnh hưởng đến công tác cứu hộ, thoát nạn khi xảy ra sự cố.
Các khu chợ trên địa bàn TP. Vinh cũng trong tình trạng tương tự. Tại chợ Quán Lau, sau gần 30 năm đi vào hoạt động, nhiều hạng mục đã xuống cấp nghiêm trọng. Đặc biệt, hệ thống điện cung cấp tại chợ bị gỉ sét, hư hỏng, nguy cơ chập điện cao.
Ngoài ra, hầu hết các chợ không có nơi tập kết rác, vẫn còn tình trạng để rác thải bừa bãi gây mất mỹ quan, ảnh hưởng vệ sinh môi trường. Các ngành hàng kinh doanh chính tại chợ hiện nay là thực phẩm tươi sống, tạp hóa, nông sản khô và sơ chế, sản phẩm của hộ sản xuất nhỏ... Trong đó, hàng thực phẩm tươi sống có số hộ kinh doanh lớn nhất, chiếm 47,6%, mặt hàng này cơ bản được sơ chế ngay trong chợ, tại các khu vực chưa được thiết kế đặc thù, chưa có hệ thống thoát nước, xử lý nước thải đủ tiêu chuẩn nên thường bị ô nhiễm cao và làm tăng nguy cơ lan truyền khi có dịch bệnh...
Tăng khả năng cạnh tranh
Theo Sở Công Thương Nghệ An, hiện trên địa bàn tỉnh có 371 chợ đang hoạt động, gồm 7 chợ hạng I, 20 chợ hạng II, 240 chợ hạng III, 104 chợ chưa được xếp hạng. Hầu hết các chợ được xây dựng trên đất công, một số ít là đất của doanh nghiệp/HTX đầu tư. Đa số các chợ đã tồn tại trước khi Chính phủ ban hành Nghị định số 02/2003/NĐ-CP, các điểm kinh doanh chỉ đạt diện tích trung bình từ 2 - 2,5m2 (chưa đạt tiêu chuẩn quy định 3m2).
Giai đoạn 2021-2024, Nghệ An đã huy động các nguồn lực đầu tư gần 25 tỷ đồng để xây mới, cải tạo một số chợ nông thôn. Ngoài ra, trên cơ sở vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2024, xây mới và nâng cấp thêm 11 chợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với số tiền 16,01 tỷ đồng.
Ông Cao Minh Tú – Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã có bước phát triển, góp phần đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của sản xuất và đời sống nhân dân trên địa bàn. Công tác xã hội hóa đầu tư chợ bước đầu đã chuyển biến tích cực, tạo động lực thúc đẩy các doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài tỉnh tham gia đầu tư, quản lý, khai thác chợ trên địa bàn tỉnh. Chợ vùng miền núi, nông thôn đã được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm lồng ghép vào các chương trình để có nguồn vốn cải tạo, nâng cấp, xây mới chợ.
Nghệ An là tỉnh rộng nhất cả nước, với 2/3 địa hình là đồi núi, các chợ được hình thành và phát triển tự phát từ lâu. Vì vậy, trong giai đoạn 2021-2024, toàn tỉnh nâng cấp, cải tạo, đầu tư xây mới chợ với nguồn vốn khoảng hơn 40 tỷ đồng, là kết quả khiêm tốn. Công tác quản lý Nhà nước đối với hệ thống chợ vẫn còn bất cập, thiếu sự chỉ đạo quyết liệt từ cấp huyện đến cấp xã; vẫn đang thực hiện theo các Nghị định số 02/2003/NĐ-CP và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP của Chính phủ đã ban hành, không còn phù hợp với thực tế và các quy định của pháp luật có liên quan (Nghị định số 60/2024/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ ngày 1/8/2024 mới có hiệu lực).
Dịch vụ hỗ trợ tại các chợ còn đơn giản, chủ yếu là dịch vụ bốc xếp, vận chuyển hàng hóa, đặc biệt, đối với các chợ ở nông thôn, miền núi thì gần như đây là dịch vụ duy nhất; các dịch vụ giá trị gia tăng như sơ chế, bao gói, bảo quản, dịch vụ tài chính, dịch vụ thông tin... chưa phát triển. Thiếu các dịch vụ như quảng bá sản phẩm và bán hàng trên nền tảng số như Zalo, Facebook…, để tìm kiếm các đầu mối nhập sỉ, lẻ hàng hóa.
Trong khi đó, tác động của kinh tế số làm thay đổi thói quen mua sắm và tiêu dùng của người dân từ mua bán trực tiếp sang hình thức thương mại điện tử. Mặt khác, sự phát triển nhanh của hệ thống phân phối hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, các cửa hàng dọc các tuyến đường lớn và xung quanh chợ… đã ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các chợ.
Lợi thế lớn nhất của chợ truyền thống là khách hàng được trải nghiệm sản phẩm. Để mạng lưới chợ phát triển, trở thành đòn bẩy phát huy tối đa vai trò thúc đẩy quá trình lưu thông, tiêu thụ hàng hóa và phục vụ đời sống người dân, cần xây dựng phương án phát triển mạng lưới chợ phù hợp với quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn mới.
Tập trung đầu tư vào phát triển, hiện đại hóa các chợ ở khu vực thành phố; nâng cấp cải tạo các chợ truyền thống ở khu vực nông thôn, trong đó, chủ yếu là chợ dân sinh, chợ phiên, chợ tạm đảm bảo điều kiện an toàn vệ sinh môi trường và phòng cháy, chữa cháy.
Bên cạnh các giải pháp về tăng cường công tác quản lý Nhà nước, cơ chế, chính sách... thì cần đa dạng hóa phương thức bán hàng. Với xu thế chuyển đổi số trong kinh doanh hiện nay, các tiểu thương cần phải thay đổi dịch vụ cung ứng cho khách hàng; chủ động tiếp cận kênh kinh doanh theo hình thức trực tuyến, livestream để bắt kịp nhu cầu của thị trường. Đồng thời, nâng cao chất lượng phục vụ, xây dựng văn hóa kinh doanh văn minh, lịch sự, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng, người tiêu dùng khi đến với chợ truyền thống.
Ông Cao Minh Tú – Phó Giám đốc Sở Công Thương