Lấn chiếm đất rừng lâm trường là vi phạm pháp luật

25/06/2013 15:29

Thời gian qua, tại xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp, hàng trăm lượt người dân thuộc các xóm: Bọ, Trọng Cánh, Cồng, Na Phê tự ý kéo vào các khu vực đất rừng thuộc Tiểu khu 262 do Lâm trường Đồng Hợp quản lý để xẻ phát cây cối lấn chiếm đất. Mặc dù lâm trường đã phối hợp với chính quyền các cấp dùng nhiều biện pháp ngăn chặn nhưng tình hình vẫn còn rất phức tạp...

(Baonghean) - Thời gian qua, tại xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp, hàng trăm lượt người dân thuộc các xóm: Bọ, Trọng Cánh, Cồng, Na Phê tự ý kéo vào các khu vực đất rừng thuộc Tiểu khu 262 do Lâm trường Đồng Hợp quản lý để xẻ phát cây cối lấn chiếm đất. Mặc dù lâm trường đã phối hợp với chính quyền các cấp dùng nhiều biện pháp ngăn chặn nhưng tình hình vẫn còn rất phức tạp...

Sự việc người dân các bản Bọ, Trọng Cánh, Cồng, Na Phê xẻ phát cây cối lấn chiếm đất rừng của Lâm trường Đồng Hợp bắt đầu nóng lên từ tháng 4/2013. Theo Công an huyện Quỳ Hợp, đến nay, diện tích đất rừng bị người dân lấn chiếm trên 40 ha. Và việc lấn chiếm đất rừng đã gây nên tình trạng mâu thuẫn, mất an ninh trật tự giữa Lâm trường Đồng Hợp và một số người dân trên địa bàn. Cụ thể, tối 23/5 và ngày 26/5, lợi dụng lúc bảo vệ lâm trường đi vắng, một số đối tượng đã đập phá tài sản Trạm Bảo vệ rừng tại các Tiểu khu 262, 270 và viết lời đe dọa bảo vệ; 12h trưa ngày 28/5, một số đối tượng đã bí mật vào Tiểu khu 262 đốt rừng trên đất rừng dân các xóm Bọ, Trọng Cánh, Cồng xẻ phát tại khoảnh 3, 4, 7 gây nên vụ cháy lớn trên diện tích (khoảng 45ha). Lâm trường đã phải huy động tất cả lực lượng CBCNV lên kiểm soát, khống chế đám cháy không để lây lan ra diện rộng; từ ngày 31/5 - 3/6, có khoảng 60 người tổ chức thành 4 nhóm vào khoảnh 4 và 7, Tiểu khu 262 đào hố trồng cây trái phép. Khi lực lượng bảo vệ ra vận động thì các đối tượng cầm đầu đã lăng mạ, chửi bới và hăm dọa...

Ngày 18/6, có mặt tại Tiểu khu 262, chúng tôi được chứng kiến nhiều khoảnh rừng lớn cận kề xóm Bọ và khu vực đập bản Mồng đã bị đốt cháy. Các cán bộ Trạm Bảo vệ rừng Tiểu khu 262 cho biết, tình hình vẫn còn căng thẳng. Chính vì vậy, lâm trường phải điều bổ sung thêm 12 người từ các trạm khác về thành 15 người và Công an huyện Quỳ Hợp cắm thêm 3 chiến sỹ về phối hợp với bảo vệ lâm trường nhưng vẫn rất khó khăn để ngăn chặn hành vi lấn chiếm, trồng cây trái phép của người dân. Hiện tại người dân không còn xẻ phát, đốt rừng nhưng cứ khoảng 3 giờ sáng là họ ra đào hố và trồng trộm cây.

Theo ông Trần Văn Ngọc - Bí thư Đảng ủy xã Yên Hợp, vào giữa năm 2012, khi Nhà nước cho Lâm trường Đồng Hợp được chuyển đổi trồng rừng nguyên liệu tại Tiểu khu 262 thì đã xẩy ra tình trạng lấn chiếm đất rừng nhưng đã được ngăn chặn. Đến tháng 4/2013, khi lâm trường hợp đồng với một số hộ dân để xẻ, phát rừng thì người dân kéo lên cùng chặt cây, lấn chiếm đất. Nguyên nhân chủ yếu là người dân nghe có thông tin lâm trường hợp đồng với một số hộ dân trồng rừng theo cơ chế 49/51; Một số hộ dân thiếu đất sản xuất nên mong muốn được lâm trường hợp đồng trồng rừng nhưng chưa được đáp ứng; Trong quá trình tổ chức trồng rừng, lâm trường chưa phối hợp tốt cùng chính quyền cơ sở tuyên truyền công khai kế hoạch trồng rừng. Ông Ngọc cho biết thêm, việc lấn chiếm đất rừng bắt đầu từ xóm Bọ, còn nóng nhất hiện tại là ở xóm Trọng Cánh.



Khu vực đồi rừng sát đập bản Mồng đã bị xẻ phát trộm và đốt trụi.

Xóm Bọ có 66 hộ dân, gồm 1/3 là đồng bào dân tộc Thái, 2/3 là người Kinh. Theo Xóm trưởng Đinh Văn Dương, có khoảng 40 hộ tham gia việc lấn chiếm đất. Sau khi đoàn công tác của UBND huyện về làm việc và lâm trường đồng ý ký hợp đồng liên doanh với những người có nhu cầu trồng rừng thì đã có khoảng 37 hộ đăng ký. Tuy nhiên, người dân mong muốn chính quyền và lâm trường phối hợp để giải quyết công bằng trong nhận đất trồng rừng liên doanh, không để tình trạng hộ được nhận nhiều, hộ được nhận ít. Ông Dương cho biết thêm, vẫn còn một số hộ dân vì lo không có sự công bằng nên lén lút đi đào hố, trồng cây trộm. Họ nghĩ khi chuyện đã rồi thì sẽ không ai làm được gì. Ông Nguyễn Văn Hùng - Bí thư Chi bộ xóm Bọ khi được hỏi cũng xác nhận điều ông Dương nói.

Tại xóm Trọng Cánh tình hình phức tạp hơn nhiều. Theo Xóm trưởng Đinh Viết Tố, hiện nay người dân nơi đây kiến nghị cấp thẩm quyền giao hẳn đất rừng lâm trường trên địa giới Trọng Cánh cho dân sản xuất, bởi vậy, tình trạng lấn chiếm đất lâm trường vẫn tiếp diễn. Nguyên nhân được ông Tố dẫn ra là, nhiều hộ dân ở đây không có đất sản xuất bởi Nhà nước đã thu hồi để xây dựng hồ bản Mồng. Khi hỏi về quan điểm cá nhân, ông Tố công nhận người dân làm như vậy là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, ông cho rằng nếu ngay từ đầu lâm trường tổ chức cho người dân được hợp đồng thì mọi việc đã không phức tạp như hiện tại. Bởi thấy có một số người dân ở bản khác được lâm trường hợp đồng, trong khi đó họ không được, vì vậy đã bức xúc...

Làm việc với Lâm trường Đồng Hợp thì được biết vào ngày 8/3/2012, lâm trường được Sở NN&PTNT phê duyệt thiết kế trồng rừng nguyên liệu tại Tiểu khu 262 với diện tích trên 144,2 ha. Năm 2012, lâm trường chỉ trồng được 14,3 ha. Năm 2013, khi bắt đầu tiến hành trồng phần diện tích còn lại thì một số hộ dân đã kéo ra ngăn cản và xâm chiếm đất đai. Ngày 28/1/2013, lâm trường đã báo cáo tình trạng này với xã Yên Hợp, Phòng Nông nghiệp và Hạt Kiểm lâm Quỳ Hợp.

Khi sự việc nóng lên, đoàn công tác của huyện do ông Vi Thanh Tường - Phó Chủ tịch UBND huyện chủ trì về làm việc tại Yên Hợp, lâm trường đã thống nhất đưa toàn bộ số diện tích được cấp thẩm quyền cho phép chuyển đổi trồng rừng nguyên liệu để hợp đồng liên doanh với các hộ dân có nhu cầu. Ngày 31/5, lâm trường đã có thông báo chủ trương đó cho Đảng ủy, chính quyền và nhân dân xã Yên Hợp với hình thức các hộ dân được góp vốn bằng nhân công phát thực bì, đào hố, bỏ phân, trồng, chăm sóc và bảo vệ theo định mức có cấp thẩm quyền phê duyệt nhưng không quá 49%; lâm trường góp vốn bằng vật tư, phân bón, cây giống và thuốc bảo vệ thực vật, phần góp vốn tối thiểu 51%; hai bên hưởng lợi theo tỉ lệ góp vốn.

Trao đổi toàn bộ thông tin nắm bắt được tại xã Yên Hợp với lãnh đạo huyện Quỳ Hợp, ông Cao Thanh Long - Bí thư Huyện ủy cho biết, thời gian qua, huyện đang rốt ráo chỉ đạo giải quyết vấn đề này. Ngày 10/6, Ban Thường vụ Huyện ủy đã làm việc với các ngành liên quan, xã Yên Hợp và Lâm trường Đồng Hợp.

Với xã Yên Hợp, Ban Thường vụ Huyện ủy đã giao trách nhiệm phải tăng cường công tác vận động tuyên truyền trong nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đất đai, về bảo vệ và phát triển rừng; kịp thời huy động các lực lượng ngăn ngừa và xử phạt nghiêm minh các hành vi vi phạm; phối hợp tốt với lâm trường để thực hiện trồng rừng đúng quy hoạch, thiết kế được phê duyệt; tiến hành kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân và xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên vi phạm. Yêu cầu đến hết tháng 6 phải giải quyết dứt điểm vụ việc liên quan đến lấn chiếm đất để đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Với Lâm trường Đồng Hợp thì cần phối hợp với chính quyền xã, các phòng, ban liên quan thống nhất với các hộ dân để ký kết hợp đồng liên doanh với thời hạn 8 năm (hộ dân góp vốn 49%, lâm trường 51%); hợp đồng với các lực lượng chức năng bảo vệ quản lý rừng, không để nhân dân xâm canh, trồng rừng, khai thác rừng trái phép...

Qua những diễn biến đã và đang xẩy ra tại xã Yên Hợp, cho thấy việc người dân xâm chiếm đất rừng lâm trường là vi phạm pháp luật và tình trạng này cần sớm được chấm dứt. Tuy nhiên, có nhiều bài học các bên liên quan cần rút ra sau vụ việc này. Với Lâm trường Đồng Hợp, là tổ chức được Nhà nước giao quản lý, sử dụng hiệu quả đất rừng, nhưng để quản lý và sử dụng có hiệu quả đất rừng cần phải có sự phối hợp nhuần nhuyễn hơn nữa với chính quyền và nhân dân địa phương.

Chính quyền xã Yên Hợp phải thấy việc lâm trường đã thống nhất hợp đồng liên doanh với nhân dân là một thiện ý để tích cực tuyên truyền vận động nhân dân có sự hợp tác tốt; khi phát hiện thấy người dân cố tình xâm chiếm rừng trái phép, Chính quyền xã cần phải chủ động báo cáo cấp trên, đồng thời vào cuộc để ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các đối tượng theo pháp luật.

Huyện Quỳ Hợp, dù đã nắm bắt sát sao diễn biến xẩy ra và có những chỉ đạo cụ thể, tuy nhiên khi nhận biết chính quyền cơ sở không đủ khả năng để xử lý dứt điểm vụ việc thì cần phải nhanh chóng vào cuộc, không để kéo dài tình trạng mất trật tự an ninh trên địa bàn. Đồng thời, cần phối hợp với các cấp, ngành chức năng để khảo sát, nắm bắt tình hình, nhu cầu sử dụng quỹ đất của nhân dân, nhằm tìm ra giải pháp để từng bước đáp ứng nhu cầu của nhân dân, gắn với phát huy hiệu quả diện tích đất rừng đã giao cho lâm trường nhưng chưa được khai thác, sử dụng có hiệu quả.


Bài, ảnh: Nhật Lân

Mới nhất
x
Lấn chiếm đất rừng lâm trường là vi phạm pháp luật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO