Làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào Nghệ An

16/09/2015 07:57

(Baonghean) - Đến nay, Nghệ An đã triển khai thực hiện 533 dự án đầu tư với tổng nguồn vốn đăng ký là 136,989,5 tỷ đồng (gồm 507 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký 131.870 tỷ đồng; 26 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài - FDI, tổng vốn đăng ký 256 tỷ đồng); trong đó, nhiều dự án có quy mô lớn là nền tảng quan trọng cho phát triển kinh tế của tỉnh...

Lĩnh vực thu hút đầu tư được tỉnh Nghệ An đặc biệt quan tâm, nhất là giai đoạn 2011 - 2015, từ đó chủ động trong xây dựng và triển khai các quy hoạch ngành, lĩnh vực phục vụ các hoạt động xúc tiến đầu tư, mở rộng các hoạt động đối ngoại, nên thu hút được nhiều dự án quan trọng làm tiền đề cho phát triển kinh tế của tỉnh trong những năm tiếp theo, như dự án: Xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ của VSIP Nghệ An; Dự án Xây dựng và Kinh doanh hạ tầng khu D - Khu công nghiệp Nam Cấm; Nhà máy Tôn Hoa Sen; Trung tâm thương mại Nguyễn Kim; Dự án Bảo tồn và Phát triển nguồn dược liệu chất lượng cao; các nhà máy xi măng; các dự án chăn nuôi bò sữa và nhà máy sữa công nghệ cao; các nhà máy sản xuất linh kiện, thiết bị, điện tử viễn thông Hitech BSE Việt Nam...

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và Tập đoàn TKV  khảo sát thực địa Dự án Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1 tại KCN Đông Hồi (TX. Hoàng Mai). The provincial leaders and Vietnam National Coal - Mineral Industries Group are carrying field inspection in Quynh Lap 1 thermo - power plant project in Dong Hoi Industrial Park (Hoang Mai).
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và Tập đoàn TKV khảo sát thực địa Dự án Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1 tại KCN Đông Hồi (TX. Hoàng Mai).

Để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, tỉnh quy hoạch và đẩy mạnh đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN), trong đó tập trung đầu tư phát triển Khu kinh tế (KKT) Đông Nam. Hiện nay, địa giới KKT Đông Nam được mở rộng bao gồm cả KCN Hoàng Mai, KCN Đông Hồi và toàn bộ diện tích dự án KCN, đô thị và dịch vụ VSIP. Cùng với đó, tại các địa phương trong tỉnh đã triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng 32 CCN với diện tích 467 ha, nhờ đó đáp ứng kịp thời yêu cầu về vị trí, hạ tầng của nhà đầu tư. Ông Bùi Minh Tân, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực (Vinacomin) - Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết: “Chúng tôi được giao nhiệm vụ thực hiện Dự án Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1 và trong quá trình triển khai luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của lãnh đạo tỉnh đối với dự án.

Môi trường thu hút đầu tư của tỉnh rất tốt, bởi vậy sau một thời gian ngắn với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành liên quan, ngày 1/10/2015, TKV sẽ tổ chức lễ động thổ dự án. Sự khởi đầu thuận lợi này, sẽ giúp cho TKV thực hiện dự án đúng tiến độ”. Trung tâm Điện lực Quỳnh Lập được Bộ Công thương phê duyệt quy hoạch với quy mô công suất 2400 MW và đầu tư thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, TKV xây dựng Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1 tại KCN Đông Hồi trên diện tích 179 ha. Tại dự án quan trọng này, sẽ áp dụng chương trình nội địa hóa thiết bị nhà máy nhiệt điện đốt than công suất tổ máy 600 MW theo chỉ đạo của Chính phủ.

Theo đó, Tổ hợp liên doanh nhà thầu EPC do Doosan Hàn Quốc làm điều phối chính cùng Tổng công ty lắp máy Việt Nam Lilama, Narime và các liên doanh trong nước thực hiện thiết kế, chế tạo thiết bị cho cả 2 tổ máy của Dự án nhiệt điện Quỳnh Lập 1 công suất 1.200 MW. Theo kế hoạch, Dự án Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1 sẽ hoàn thành đi vào vận hành vào năm 2020. Mới đây, Tập đoàn POSCO Việt Nam Holdings đã vào Nghệ An tìm hiểu và đăng ký tiến hành nghiên cứu đầu tư Dự án Nhà máy nhiệt điện 2 tại Quỳnh Lập.

Bằng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư thông thoáng và đổi mới, nhiều nhà đầu tư lớn đã về đầu tư tại Nghệ An. Tập đoàn The Vissai đã đầu tư cụm dự án gồm: Công ty CP xi măng Sông Lam (chính thức tiếp nhận Dự án xi măng Đô Lương ngày 26/12/2014) và nâng cấp công suất nhà máy từ 900.000 tấn/năm lên 4 triệu tấn/năm; Xây dựng Trạm nghiền xi măng và cảng quốc tế tại xã Nghi Thiết (Nghi Lộc)… Kể từ khi bắt đầu triển khai dự án, chủ đầu tư đã nỗ lực tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ và theo kế hoạch, Dự án Nhà máy xi măng Sông Lam sẽ hoàn thành trong thời gian 18 tháng, Dự án Trạm nghiền xi măng (công suất 4 triệu tấn/năm) thực hiện 15 tháng và Cảng biển chuyên dụng quốc tế xây dựng 18 tháng. Với quyết tâm tạo ra bước phát triển mới mạnh mẽ trong lĩnh vực sản xuất xi măng tại Nghệ An, Tập đoàn The Vissai quyết định nâng công suất của Nhà máy xi măng Sông Lam từ 900.000 tấn/năm lên 4 triệu tấn/năm.

Việc giải phóng mặt bằng phục vụ dự án nâng cấp, mở rộng diện tích xây dựng Nhà máy xi măng Sông Lam cơ bản hoàn thành. Vấn đề quy hoạch mở rộng diện tích mỏ đá vôi, mỏ đá sét và đường vận chuyển nguyên liệu đá vôi từ mỏ về nhà máy cũng được Bộ Tư lệnh Quân khu 4, UBND tỉnh quan tâm, giải quyết. Ông Đinh Quốc Quyền, Tổng giám đốc Công ty CP xi măng Sông Lam cho biết: “Chúng tôi quyết tâm hoàn thành Dự án Nhà máy xi măng Sông Lam đúng tiến độ, tại công trường các đơn vị đang đẩy nhanh tiến độ”. Đã lắp đặt xong 2 trạm trộn bê tông cung cấp 2.000 m3/ngày cho các hạng mục thi công và hệ thống điện phục vụ cho dự án đã hoàn thành. Cụm dự án xi măng Sông Lam sau khi hoàn thành đi vào hoạt động sẽ tạo việc làm cho hơn 2.000 lao động có thu nhập ổn định và hàng năm sẽ đóng góp từ 350 - 400 tỷ đồng vào ngân sách tỉnh. Song song với cụm xi măng này, Tập đoàn The Vissai cũng đã tiếp nhận Dự án xi măng Dầu khí 12/9 Anh Sơn để tiếp tục đầu tư hoàn thành dự án (xi măng Sông Lam 2).

Trong năm 2015, nhiều dự án khác cũng được khởi công và đẩy nhanh tiến độ tại Nghệ An như: Nhà máy cấp nước thô cung cấp cho các nhà máy sản xuất nước sạch tại TP. Vinh của Công ty CP cấp nước sông Lam, công suất 200.000 m3/ngày đêm, diện tích sử dụng đất 0,3 ha, tổng mức đầu tư 496 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng bến số 5, số 6, thuộc bến Cảng Cửa Lò của Công ty CP đầu tư xây dựng Tuấn Lộc, diện tích sử dụng đất 23,5 ha, tổng mức đầu tư 650 tỷ đồng; Dự án Nhà máy chế biến tinh bột sắn tại xã Hoa Sơn, huyện Anh Sơn của Công ty TNHH chế biến nông sản Hoa Sơn, diện tích sử dụng đất 21,8 ha, tổng mức đầu tư 224 tỷ đồng; xây dựng Nhà máy Tôn Hoa Sen 2 ở Quỳnh Lập (TX. Hoàng Mai)…

Mặc dù đạt được kết quả khả quan trong xúc tiến, thu hút đầu tư, nhưng trong thực tế, kết quả thu hút đầu tư vẫn chưa khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh Nghệ An. Vì vậy, thời gian tới tỉnh Nghệ An tiếp tục chú trọng thu hút đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chất lượng vận động, xúc tiến đầu tư, đổi mới công tác chuẩn bị, tiếp nhận và thực hiện các dự án. Đồng thời tiếp tục thực hiện tốt các chính sách ưu đãi đầu tư hiện hành của Nhà nước, cho các doanh nghiệp được hưởng mức ưu đãi đầu tư tốt nhất; nghiên cứu, ban hành và thực hiện các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư của tỉnh phù hợp với pháp luật và thực tế; Thực hiện thành công Đề án thu hút đầu tư của tỉnh đến năm 2020, tạo động lực thực hiện thành công Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020.

Bài, ảnh: Hoàng Vĩnh

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO