Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Lan tỏa mạch nguồn Xô viết trong âm nhạc và nghệ thuật đương đại

Hoàng Kiểm 01/11/2024 13:15

Gần 1 thế kỷ đã trôi qua, nhưng Xô viết Nghệ Tĩnh vẫn luôn gần gũi, gắn bó với tâm thức và đời sống tinh thần của mỗi người dân xứ Nghệ. Đặc biệt, với các tác phẩm âm nhạc và nghệ thuật đương đại, Xô viết Nghệ Tĩnh mãi mãi là nguồn cảm hứng sáng tạo đầy sức hấp dẫn.

Nếu như thơ ca về Xô viết Nghệ Tĩnh để lại cho chúng ta sự sâu lắng ở từng câu chữ, thì âm nhạc viết về đề tài này lại khơi dậy sức sống hào hùng qua âm hưởng của nhiều giai điệu cứ như neo đậu trong lòng công chúng, để luôn vang vọng, tạo nên hứng khởi cho mỗi tâm hồn. Mỗi lần nghe những khúc hát ấy ta lại liên tưởng giữa thực tại với quá khứ. Vì vậy, đề tài Xô viết Nghệ Tĩnh được nhiều nhạc sĩ khai thác một cách sâu sắc.

Trong bài "Tiếng hát sông Lam", nhạc sĩ Đinh Quang Hợp đã viết: “Ơi núi sông ruộng đồng Xô viết - Nghệ An, Mỗi tay cày là một chiến sĩ, đào sông khai phá rừng hoang, Trồng thêm nhánh khoai xanh, gieo thêm hạt này lúa giống, Để chống Mỹ ai ơi giữ lời thề sắt son”. Lời bài hát như nhắc nhở với mọi người về âm hưởng của phong trào Xô viết năm xưa. Rằng, gắn với núi rừng, đồng ruộng và đôi bờ dòng sông Lam đã từng có một phong trào cách mạng “long trời lở đất” của người dân xứ Nghệ.

chu-tich-nuoc-truong-chinh.jpg
Chủ tịch nước Trường Chinh tặng hoa cho Đoàn Kịch hát Nghệ Tĩnh, năm 1985. Ảnh: Hồ Xuân Thanh

Cũng lấy từ đề tài này, nhưng tác giả Tân Huyền trong ca khúc “Tiếng hò trên đất Nghệ An” đã kết hợp được giữa nét đẹp của dân ca ví, giặm với tinh thần cách mạng của người dân xứ Nghệ. Bài hát được cất lên khiến mỗi chúng ta lại nhớ tới không khí cách mạng và tinh thần “xung thiên” của cha ông ta thuở nào: “Nước sông Lam biết khi mô cho cạn/Cũng như tinh thần cách mạng của dân ta /Dù cho bão nổi mưa sa/ Nghệ An Xô viết vẫn là Nghệ An”.

Đối với nghệ thuật tạo hình, đề tài Xô viết Nghệ Tĩnh cũng được nhiều họa sĩ tiếp cận và khai thác triệt để. Sau bức tranh “Xô viết Nghệ Tĩnh” của nhóm họa sĩ Nguyễn Đức Nùng, Lê Quốc Lộc, Nguyễn Văn Ty, Trần Đình Thọ và Mai Văn Hiến, đã có nhiều bức phù điêu, tranh gốm được sáng tác để đặt ở các công trình công cộng. Trong đó, điển hình là các bức phù điêu ở Nghĩa trang Thái Lão, ngã ba Nghèn, Khu mộ đồng chí Trần Phú...

Bức tranh vẽ cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh được trưng bày tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh. Ảnh: Thanh Quỳnh
Bức tranh vẽ cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh được trưng bày tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh. Ảnh tư liệu: Thanh Quỳnh

Cùng với đó, đề tài này được các nghệ sĩ, kiến trúc sư khắc họa sinh động thông qua các cụm tượng đài ở Bến Thủy, ở Thái Lão và ở Ngã ba Nghèn. Thông qua các bức phù điêu, tượng đài đã khắc họa được tinh thần anh dũng và sự đoàn kết giữa giai cấp công - nông trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh.

Đối với sân khấu, sự kiện Xô viết Nghệ Tĩnh cũng đã được thể hiện trong một số vở diễn từng gây ấn tượng sâu sắc trong công chúng. Đó là vở chèo “Cô gái sông Lam” của tác giả Nguyễn Trung Phong, kịch thơ “Đốm lửa núi Hồng” của tác giả Thế Kỷ, vở tuồng “Rạng Đông” của tác giả Học Phi, vở cải lương “Dấu chân người trước” của Thùy Linh và Hoàng Yến. Vở kịch múa "Ngọn lửa Nghệ Tĩnh" (kịch bản của Thế Lữ) do Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị biểu diễn cũng đã ra mắt công chúng ở nhiều nơi và tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ thời kỳ đó.

Nói thêm về vở chèo “Cô gái sông Lam” , nội dung tác phẩm xoay quanh cuộc đời gian truân của Liên, một cô gái nghèo khó nhưng giàu lòng yêu thương và mạnh mẽ. Liên là người đại diện cho tình yêu, lòng trung thành và tinh thần kiên cường của người dân Nghệ Tĩnh.

Cuộc đời cô phải đối mặt với sự áp bức, đe dọa từ bọn cường hào ác bá trong làng, đặc biệt là từ Lý trưởng, người luôn tìm cách chiếm đoạt cô bằng mọi thủ đoạn.

Nhưng dù phải trải qua đau khổ và thử thách, Liên không hề khuất phục, mà kiên cường đứng lên đấu tranh, thể hiện tinh thần bất khuất và lòng kiên trung của người phụ nữ Việt Nam. Tình yêu quê hương, tinh thần bất khuất và sự đoàn kết, chở che của những người dân nơi cô sinh sống cuối cùng đã giúp cô vượt qua mọi thử thách.

Cùng với Liên và các tuyến nhân vật khác, vở chèo đã toát lên được tinh thần yêu nước bất khuất của người dân xứ Nghệ trong phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh (1930 - 1931).

Vào năm 2020, Nhà Xuất bản Văn học giới thiệu cuốn sách "Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong: Tác giả - tác phẩm". Tại buổi giới thiệu này, NSND Lê Tiến Thọ đã khẳng định: Nếu như trong chèo xưa có những nhân vật điển hình như Xúy Vân, Thị Mầu, Thị Kính, thì trong chèo thời kỳ cách mạng có hình tượng nổi trội là cô gái sông Lam trong các vở chèo của các tác giả Trần Đình Môn, Nguyễn Trung Phong.

Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong sinh năm 1929, tại làng Vân Tập, xã Diễn Bình, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình Nho học thuộc chi họ Nguyễn Trung, dòng họ văn chương hiếu học, liên tục 7 đời khoa bảng.

Được thừa hưởng tinh hoa, trí tuệ của dòng họ Nguyễn Trung và của quê hương xứ Nghệ, kết hợp với niềm đam mê nghệ thuật, khi trưởng thành, ông tham gia phong trào văn nghệ quần chúng tại Diễn Châu, sáng tác, đạo diễn các hoạt cảnh và từng lên sân khấu biểu diễn văn nghệ phục vụ nhân dân. Năm 1950, Nguyễn Trung Phong tham gia cách mạng, năm 1952, vào làm việc ở Ty Tuyên truyền Nghệ An.

Trong lĩnh vực nghệ thuật sân khấu, Nguyễn Trung Phong đã khắc họa rất thành công hình tượng người chiến sĩ cách mạng những năm 1930-1931.

uploaded-thanhcuongbna-2019_10_18-_bna_288801981918_18102019.jpeg
Một trích đoạn "Cô gái Sông Lam" được diễn viên Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản Dân ca xứ Nghệ biểu diễn đã lấy rất nhiều nước mắt của khán giả. Ảnh: Thành Cường

Với “Cô gái sông Lam”, Nguyễn Trung Phong đã viết vào năm 1959, khi ấy ông được giao viết một kịch bản cho sân khấu chèo kỷ niệm 30 năm Xô viết Nghệ Tĩnh để Đoàn tham dự Hội diễn Sân khấu toàn quốc. Sau 1 tháng với nhiều tâm huyết, trăn trở, ông đã hoàn thành vở này.

Năm 1962, vở chèo “Cô gái sông Lam” đã tham dự Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc và thành công vang dội với 4 Huy chương Vàng, 4 Huy chương Bạc. Vở chèo còn làm mưa, làm gió trên sân khấu toàn quốc với hàng trăm suất diễn. Sau đó, vở chèo được chuyển thể sang kịch Dân ca Nghệ Tĩnh năm 1974 và tiếp tục hành trình chinh phục khán giả khắp các vùng quê xứ Nghệ.

Còn đối với ngành Điện ảnh cũng đã có những đóng góp quan trọng vào mảng đề tài này. Sự thành công của bộ phim “Ngày ấy bên bờ sông Lam”, kịch bản Đào Xuân Tùng, Trần Hữu Thung do Nguyễn Ngọc Trung đạo diễn đã tái diễn lại khung cảnh hào hùng năm xưa của những người cách mạng, đi theo tiếng gọi của Đảng, của Bác Hồ để vùng lên giải phóng dân tộc.

Ngày nay, trong các dịp đại lễ của dân tộc, cũng như của tỉnh nhà, các đạo diễn, các biên đạo vẫn thường được tổ chức các điệu múa, hoạt cảnh để gợi nhớ lại những ngày Xô viết năm xưa. Các biên đạo múa khi dàn dựng đã dùng các đạo cụ như trống, mõ, tù và, dao, mác, gậy gộc và cờ búa liềm,… để diễn tả, gợi lại không khí hào hùng của phong trào cách mạng đối với người xem.

Gần 1 thế kỷ đi qua nhưng sự kiện Xô viết Nghệ Tĩnh vẫn luôn được nhân dân ta ghi nhớ, được các nghệ sĩ thông qua các tác phẩm của mình để lưu giữ, lan tỏa những giá trị tinh thần to lớn của nó.

Sự trường tồn của sự kiện Xô viết Nghệ Tĩnh lan tỏa mạnh mẽ trong tác phẩm âm nhạc, điêu khắc, hội họa, sân khấu, hay các di tích lịch sử, văn hóa, tên đất, tên người ở Nghệ Tĩnh. Đó là niềm tự hào thiêng liêng của cả dân tộc Việt Nam trên mọi miền Tổ quốc. Việc lưu giữ ngọn lửa thiêng về tinh thần Xô viết Nghệ Tĩnh là một việc làm cần thiết để giáo dục các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau nhớ về một thời hào hùng, oanh liệt, đầy hy sinh, gian khổ nhưng cũng rất đỗi tự hào của người dân xứ Nghệ.

Lan tỏa mạch nguồn Xô viết trong âm nhạc và nghệ thuật đương đại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO