Làng Cáo nuôi gà theo dự án Care

28/04/2013 16:08

Dự án “Tăng cường tiếng nói và sự tham gia của người dân tộc thiểu số trong xoá đói giảm nghèo” do Đại sứ quán Ai Len phối hợp với Tổ chức Care quốc tế tại Việt Nam triển khai, sau hơn 2 năm đã đem lại hiệu quả thiết thực. Tại làng Cáo, xã Nghĩa Mai, huyện Nghĩa Đàn, nổi lên mô hình nuôi gà cho giá trị kinh tế cao...

(Baonghean) - Dự án “Tăng cường tiếng nói và sự tham gia của người dân tộc thiểu số trong xoá đói giảm nghèo” do Đại sứ quán Ai Len phối hợp với Tổ chức Care quốc tế tại Việt Nam triển khai, sau hơn 2 năm đã đem lại hiệu quả thiết thực. Tại làng Cáo, xã Nghĩa Mai, huyện Nghĩa Đàn, nổi lên mô hình nuôi gà cho giá trị kinh tế cao...

Chị Trương Thị Nhất ở làng Cáo, xã Nghĩa Mai, huyện Nghĩa Đàn là một trong những hộ nuôi gà theo dự án Care cho hay, dịp gần Tết vừa rồi, nhà chị đã bán hơn 5 yến gà Mông, được gần 10 triệu đồng. Đây là lần thu tiền bán gà thứ 3 kể từ khi dự án Care hỗ trợ cho nhà chị 50 con gà, và hướng dẫn cách chăn nuôi, phòng bệnh hợp lý theo ngày tuổi của vật nuôi. Nay, vì giá gà Mông bán ra còn khá cao, từ 180 - 200.000 đồng/kg, sợ khó bán, nên gia đình chị Nhất chỉ giữ lại 5 con giống tốt để lai tạo về sau. Còn lại chuồng trại của gia đình hiện có khoảng 200 con gà cỏ, mỗi con tầm 0,5kg.

Xã Nghĩa Mai là một trong những địa phương được thụ hưởng dự án Care. Dự án Care khác biệt so với những dự án hỗ trợ xoá nghèo trước đây là tất cả những mô hình hỗ trợ hoàn toàn dựa trên nhu cầu nuôi con gì, và trồng cây gì..., do người dân tự quyết định. Các chuyên gia của dự án có trách nhiệm tư vấn một cách cụ thể cho người dân về đặc điểm tự nhiên, khí hậu, việc nuôi, trồng có thích hợp hay không...



Nuôi gà theo dự án Care ở làng Cáo xã Nghĩa Mai (Nghĩa Đàn)

Đối với tất cả mô hình hỗ trợ, tổ chức Care đều hướng dẫn theo kiểu “cầm tay chỉ việc”. Điều này đã giúp người dân nắm bắt đầy đủ về khoa học kĩ thuật tiên tiến trong làm chuồng trại, chăn nuôi, phòng bệnh, đào hố, bón phân hợp lý... Nổi bật trong một số mô hình phát triển sinh kế cho bà con đói nghèo ở xã Nghĩa Mai, là mô hình nuôi gà Mông ở làng Cáo.

Cuối năm 2011, khi 7 hộ dân tộc Thổ được nhận 350 con gà Mông về nuôi, mỗi hộ 50 con, thì đúng lúc trong làng Cáo đang có dịch cúm gà. Nhưng để kiểm chứng cho một cách nuôi gà mới qua sự hỗ trợ con giống, hướng dẫn cụ thể quy trình nuôi, và các chi phí khác của dự án Care, bà con đã tập trung làm mô hình, và đã không có một con gà dự án nào bị nhiễm bệnh. Sau 4 tháng nuôi thả gà Mông, kết quả cho thấy: Trên 90% hộ nuôi đã bán những lứa gà đầu tiên, lời lãi đáng kể.

Dự án Care tại tỉnh Nghệ An đã tổ chức tổng kết, đánh giá các mô hình sinh kế vào quãng tháng 6 năm 2012. Hiện tại làng Cáo nói riêng và các xã khác trong tỉnh được dự án hỗ trợ vẫn đang phát huy tốt hiệu quả các mô hình. Tại làng Cáo, Nghĩa Mai không những không xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm nào, mà còn phát triển mạnh giống gà Mông, với thế hệ F1,F2, và đàn gà cỏ đông đúc trong vườn nhiều hộ dân.

Hiện nay, tại làng Cáo không chỉ có 7 hộ hưởng dự án Care nuôi được gà một cách an toàn, mà nhiều hộ khác cũng đã học được kiến thức chăn nuôi rất thực tế từ các mô hình nuôi gà Mông, để phát triển đàn gà nhà mình.


Dương Cầm (Đài tỉnh)

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Làng Cáo nuôi gà theo dự án Care
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO