Làng cây cảnh Kim Phúc

27/10/2011 16:26

(Baonghean) - Đến thăm Làng nghề cây cảnh Kim Phúc vào một ngày cuối tháng 10, không khí lao động của bà con nơi đây...

(Baonghean) - Đến thăm Làng nghề cây cảnh Kim Phúc vào một ngày cuối tháng 10, không khí lao động của bà con nơi đây thật nhộn nhịp. Đây là thời điểm người dân làng nghề đang tích cực chuẩn bị cho thị trường hoa, cây cảnh dịp Tết Nguyên đán. Do vậy nhà nào cũng ra sức trau chuốt từng cây cảnh, nắn lại dáng hình cây sao cho vừa ý...


Làng nghề cây cảnh Kim Phúc thuộc xã Nghi Ân (TP.Vinh) có 114 hộ, trong đó 83 hộ làm nghề cây cảnh, chiếm gần 73%. Tổng giá trị sản xuất của làng hàng năm đạt gần 8 tỷ đồng, trong đó giá trị sản xuất từ nghề cây cảnh gần 4 tỷ đồng. Được biết, bắt đầu từ năm 1982, một số hộ dân xóm Kim Phúc thường ra các tỉnh phía Bắc như Nam Định, Thái Bình, Bắc Ninh… để tìm kế sinh sống và phát hiện nghề trồng hoa cây cảnh rất phù hợp với điều kiện đất đai của địa phương nên đã thử nghiệm mua cây giống về trồng, bán cho thị trường TP. Vinh. Từ một số hộ làm nghề ban đầu, đến nay nghề hoa cây cảnh của làng Kim Phúc phát triển mạnh mẽ, thị trường tiêu thụ mở rộng khắp trong Nam ngoài Bắc.



Ông Nguyễn Viết Thắng- Bí thư Chi bộ xóm Kim Phúc cho biết: Xã Nghi Ân vốn là vùng đất cát, ngày xưa người dân địa phương thường trồng cây lấy củi, gỗ. Những năm 1980- 1982, các cụ cao tuổi trong làng ươm cây giống phi lao, bạch đàn bán cho vùng Cửa Lò, Nghi Xuân- Hà Tĩnh trồng ven biển. Từ năm 1990 đến nay, nhu cầu thị trường trồng các loại cây bóng mát, cây cảnh phát triển. Người dân trong làng bắt đầu đi khắp các tỉnh trong Nam, ngoài Bắc tìm mua các loại cây cảnh có giá trị đem về địa phương ươm trồng, chăm sóc, gồm: sanh, vạn tuế, lộc vừng, tùng la hán, tùng tuyết… bán ra thị trường trong tỉnh và các tỉnh phía Bắc.

Nhu cầu thị trường cây cảnh ngày càng lớn, khoảng 10 năm nay, người dân làng Kim Phúc đã tự học làm nghề cây cảnh và sản xuất tại chỗ. Ngoài những cây mua về chăm sóc, tạo dáng, người dân tự ươm hạt, chiết cành, phát triển cây mới, nâng cao giá trị thu nhập vì giảm được chi phí mua cây ban đầu. Nhờ làng nghề phát triển, giải quyết công ăn việc làm cho lao động địa phương, đem lại thu nhập ổn định, con cái có điều kiện học tập tốt hơn. Cuộc sống người dân ngày càng nâng cao, nhiều hộ trước đây khó khăn, bây giờ nhờ cây cảnh mà xây được nhà cao tầng và mua cả xe ô tô. Trước đây, lực lượng thanh niên trong làng lớn lên thiếu việc làm, phải đi tìm việc khắp nơi, nay có nghề làm cây cảnh, thu nhập 150.000 đồng/ngày công. Các bậc phụ huynh cũng yên tâm vì con em có việc làm, chí thú lao động, sản xuất, tránh xa các tệ nạn xã hội. Xóm làng yên vui, đầm ấm. Nhà nhà thi đua cải tạo vườn tạp, mở rộng diện tích vườn ươm, cây cảnh.



Ông Nguyễn Viết Thắng cũng là một chủ hộ cây cảnh lớn của làng nghề, với tổng diện tích vườn trồng cây 6.000 m2. Mỗi năm gia đình ông Thắng ươm 3.000- 4.000 cây bóng mát các loại như: xoài, sầu đen, dầu rải, bàng Ấn Độ…được khách hàng Vinh, Cửa Lò, một số huyện Miền Tây Nghệ An và Hà Tĩnh thường xuyên đến mua tại vườn. Ngoài ra, trong vườn có hơn 50 cây cảnh tùng, sanh, lộc vừng… có giá trị từ 5- 20 triệu đồng/cây. Bên cạnh đó, vườn đào, hoa các loại chuẩn bị phục vụ thị trường Tết. Làm cây cảnh đem lại cho gia đình ông Thắng thu nhập hơn 150 triệu đồng/năm.

Hộ ông Lê Trọng Hường- xóm 4 Kim Phúc có tổng diện tích vườn cây cảnh gần 4.000 m2 với hàng trăm cây các loại: Lộc vừng, sanh, si, sầu đen, hoàng nam, cau lùn, cây bóng mát… với tổng giá trị đầu tư cho vườn cây hơn 1 tỷ đồng. Lợi nhuận từ làm nghề hơn 200 triệu đồng/năm. So với các hộ trong làng nghề thì vườn cây cảnh của gia đình ông Hường có giá trị cao hơn bởi hội tụ nhiều cây sanh nghệ thuật ôm đá hàng chục năm tuổi, có giá trị từ 5- 200 triệu đồng/cây. Để có được vườn cây cảnh đẹp, ông Hường thường xuyên lặn lội vào các tỉnh Quảng Bình, Quảng Ngãi, Huế, Đà Nẵng… để sưu tầm các loại cây có thế đẹp, độc. Ông có thú chơi cây từ hồi còn trẻ, ở đâu có cây đẹp là ông tìm mua bằng được. 53 tuổi đời, ông Hường có thâm niên làm nghề cây cảnh 25 năm, ông say cây và tìm thấy niềm vui trong mỗi dáng hình cây cảnh. Ông thích nhất là tạo dáng thác đổ, trực siêu, dáng long. Ông Hường thổ lộ: “Cây cũng như con người, được yêu thương, chăm sóc hàng ngày nó sẽ đẹp và duyên dáng hơn. Tôi ngày nào cũng ngắm và chăm sóc tỉ mỉ cho bộ sưu tập cây cảnh của mình không biết chán. Nhiều cây có giá trị cao,khách đến mua được giá, nhưng tôi tiếc quá không nỡ bán.”

Làng nghề cây cảnh Kim Phúc ngày càng phát triển, đem lại thu nhập cao cho người dân, song nhân dân làng nghề đang gặp khó khăn vì nguồn điện quá yếu, vào mùa hè rất khó khăn trong việc bơm tưới nước cho cây. Cứ đến mùa nắng hàng năm, nhiều hộ làng nghề bị chết cây hàng loạt do nguồn điện không đảm bảo để phục vụ bơm tưới nước. Mùa hè năm 2010, hộ ông Thắng bị chết hàng trăm cây xoài do không bơm được nước tưới, thiệt hại hơn 100 triệu đồng. Bên cạnh đó, hộ ông Hường cũng bị chết khô 100 cây dầu rải lấy từ Miền Nam về do thiếu nước tưới. “Làng nghề đang ăn điện Nghi Lộc, nguồn điện yếu đến nỗi ngay trong mùa đông mà nấu cơm không chín. Hơn lúc nào hết, chúng tôi mong muốn có một trạm điện đảm bảo phục vụ cho người dân làng nghề tưới cây”- ông Hường nói.


Quỳnh Lan

Mới nhất

x
Làng cây cảnh Kim Phúc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO