Lặng lẽ tỏa hương đời

23/12/2013 19:26

(Baonghean) - Có nghị lực để đeo đuổi ước mơ chính là bạn đang sống có trách nhiệm và trung thực với bản thân mình, với những người yêu thương bạn. Đó cũng chính là thông điệp mà chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” mang đến. Chương trình đang được giới trẻ trên khắp cả nước háo hức đón chờ.

Tối 9/12/2013, Hội trường Trường Đại học Vinh ngập tràn trong sự cảm động, thán phục và ngưỡng mộ. Ấy là khi clip về hoàn cảnh vượt khó của chàng trai Nguyễn Văn Vọng được phát trên màn hình, là khi anh được người dẫn chương trình dẫn ra sân khấu trên chiếc xe lăn để giao lưu với khán giả. Rồi lần lượt những tấm gương thầy giáo làng Lê Hữu Hùng bị bại liệt từ nhỏ, vươn lên trở thành sinh viên tài năng Khoa CNTT – Trường Đại học Hồng Đức và giờ là giáo viên trường làng ở Đông Sơn – Thanh Hóa; cô bé không tay Lê Thị Thắm, học trò của anh Hùng, viết bằng chân những nét chữ đều tăm tắp: “Sống trung thực – Sống trách nhiệm – Sống nghị lực ” được giới thiệu.

Nụ cười lạc quan Nguyễn Văn Vọng.
Nụ cười lạc quan Nguyễn Văn Vọng.

Từ nhỏ, Nguyễn Văn Vọng đã phải làm bạn với chiếc xe lăn vì bại liệt toàn thân. Mẹ là người đã đồng hành với Vọng từ bữa ăn giấc ngủ tới những sinh hoạt hằng ngày. Có lúc cả mẹ và Vọng đã từng đầu hàng trước số phận: Vọng chỉ là người tàn tật không thể nuôi hoài bão gì lớn lao. Thế nhưng, trước những vất vả lo toan của mẹ, trước những cánh cửa đang mở ngoài kia của cuộc đời, Vọng đã cho mình được “bay” trong thế giới của mình với một ước mơ trở thành một kỹ sư CNTT. Vọng chia sẻ: “Động lực của em là mẹ”, cả khán phòng Trường Đại học Vinh hôm đó đã lặng đi, có nhiều bạn trẻ rơi nước mắt. Mẹ đã đồng hành bên Vọng và vì mẹ chỉ có một ao ước con trai của mẹ có thể nuôi sống được bản thân, khi mẹ qua đời. Và Vọng đã thực hiện bằng được ước mơ của mình với nghị lực phi thường của chàng trai chỉ cử động được 2 tay.

Thầy giáo Lê Hữu Hùng, nhân vật thứ 2 được chọn trong đêm giao lưu, bị liệt đôi chân từ nhỏ, anh đã không được đến trường như bao bè bạn. Hàng ngày, anh tha thẩn học mót chữ của các bạn trường làng. Thế rồi, trước tinh thần ham học của Hùng, một thầy giáo làng cảm phục và tình nguyện dạy chữ cho anh ở nhà. 2 năm 7 lớp là thành tích học tập kỳ diệu của Hùng. 9 tháng đầu Hùng được thầy giáo kèm cặp để học từ lớp 2 lên lớp 5. Sau đó anh tự mày mò để tự học lên lớp 9. Với sự kèm cặp của thầy giáo và sự nỗ lực của bản thân, sau 2 năm Hùng đã dự thi vào Trường chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa) và đỗ đầu trong sự ngỡ ngàng thán phục của gia đình và bà con chòm xóm. Tiếp đó, Hùng thi đỗ vào khoa CNTT, Trường Đại học Hồng Đức. Hùng chia sẻ trong đêm giao lưu: “Có một điều mà tôi muốn nói, các bạn hãy sống vì những người yêu thương mình!”.

Và em Lê Thị Thắm đã một lần nữa chứng tỏ nghị lực được viết tiếp của chương trình bằng nỗ lực và ý chí khi đã học giỏi tất cả các môn học, và đạt danh hiệu vở sạch chữ đẹp toàn quốc, chỉ cầm bút bằng các ngón chân. Động lực của Thắm chính là thầy giáo của em, thầy Lê Hữu Hùng. Em nói: “Em học giỏi trước hết là muốn thực hiện ước mơ của mình, và thực hiện ước mơ có nghĩa là em được sống có ích trong cuộc đời này!”.

MC Quyền Linh đã hỏi một bạn trẻ dưới khán đài rằng: “Bạn từng ước mơ gì và bạn có thực hiện được ước mơ đó không?”. Bạn trẻ xúc động: “Rất tiếc là tôi đã không thực hiện ước mơ của mình”. “Thế vì sao bạn lại khóc khi chia sẻ điều đó”. “Vì xấu hổ với những tấm gương nghị lực vượt khó của bạn Vọng, anh Hùng và bé Thắm". Có bạn lại nói rằng: “Tôi đã không đủ nghị lực để thực hiện ước mơ và đến bây giờ tôi thấy mình thật đớn hèn!”. Dù chúng ta là ai, chúng ta đều có quyền mơ ước và có quyền thực hiện ước mơ của mình. Sống có ước mơ chính là bạn đang sống có trách nhiệm, đang sống có nghị lực và trung thực với bản thân. Và điều mà chương trình muốn lan tỏa đó là chúng ta trung thực khi dám nói ra: “Tôi đã không đủ nghị lực để thực hiện ước mơ”.

Bí thư thường trực TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh – Trần Văn Mãi giao lưu với các bạn trẻ, anh thẳng thắn: “Tôi chỉ trung thực 70% thôi ”, thì diễn đàn đã thực sự nóng, rất nhiều những cánh tay đã giơ lên, rất nhiều những điều muốn được bộc bạch sẻ chia, rất nhiều những nỗi niềm muốn được vơi, chỉ trong đêm ấy, trong khoảnh khắc ấy, khoảnh khắc của điều kỳ diệu để được nói “tôi đã không trung thực”. Và chỉ một khoảnh khắc thôi, những người trẻ có thể sẽ có những thay đổi nào đó trong cách nghĩ, trong lối sống và cả những hành động quyết liệt hơn vì hạnh phúc của chính mình và những người yêu thương mình. Đó là những nghị lực được viết tiếp trong mỗi chúng ta, những người đang theo dõi đôi chân Thắm khéo léo đưa từng nét chữ, theo dõi nụ cười luôn nở trên môi Vọng khi anh nói rằng: “Đã nhiều lần, tôi đã từng nghĩ đến một người con gái, một mái ấm gia đình”.

Và khâm phục vô cùng khi nghe Hùng chia sẻ những ước mơ giản đơn giúp đỡ những trẻ em khuyết tật được viết tiếp những ước mơ, dù phải từ bỏ một lời mời hấp dẫn tại một nhiệm sở để về mở lớp dạy học miễn phí cho trẻ em nghèo khuyết tật, ở làng Đông Sơn quê anh. Chính họ đã thổi vào những thân phận phải chịu những nghịch cảnh rằng: Phải biết ước mơ và phải hành động đến cùng để đạt được ước mơ của mình. Và cũng chính họ đã thổi vào chúng ta những thay đổi những nhìn nhận và cả những tư duy mới về cuộc sống rằng: “Đâu đó vẫn có những câu chuyện cổ tích và những người viết nên những câu chuyện kỳ diệu đó là những người đã dám tranh đấu với bản thân mình vì một ước mơ” .

Đêm giao lưu hôm đó, có rất nhiều nước mắt đã rơi, rất nhiều những hối tiếc những ân hận và cả những xấu hổ tận trong đáy lòng của mỗi bạn trẻ được bộc bạch, sẻ chia. Thông điệp mà chương trình mang tới đã lan tỏa mạnh mẽ, khi những giọt nước mắt chan hòa rơi trong giai điệu da diết trầm bổng của bài hát “Sống như những đóa hoa” của nhạc sỹ Tạ Quang Thắng: “Và tôi sống như những đóa hoa/ lặng lẽ tỏa hương cho đời...”.

Thanh Nga

Mới nhất
x
Lặng lẽ tỏa hương đời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO