Lắng nghe anh Rê tham luận

Tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13/CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (ngày 15/3), Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn Thò Bá Rê được mời báo cáo tham luận. Nghe anh tham luận về “Các tác động của Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư đối với đời sống, kinh tế, xã hội của người dân địa phương”, qua chất giọng riêng có không lẫn vào đâu được của người đồng bào Mông, ai cũng đánh giá là chân thật, chất lượng…

Theo anh Rê, qua 5 năm thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW (2017 – 2022), công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của toàn hệ thống chính trị huyện biên giới 30a Kỳ Sơn đã có những chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động. Trước đây, công tác quản lý bảo vệ rừng chủ yếu phó mặc cho lực lượng Kiểm lâm và chủ rừng. Nhưng nay, công tác này đã được cấp ủy, UBND các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ. Cán bộ, đảng viên, cộng đồng dân cư, hộ gia đình cũng ý thức được về vai trò đặc biệt quan trọng của rừng đối với phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường, để tham gia có trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Toàn cảnh bản La Ngan xã Chiêu Lưu (Kỳ Sơn). Ảnh: Thành Cường
Toàn cảnh bản La Ngan xã Chiêu Lưu (Kỳ Sơn). Ảnh: Thành Cường

Anh nói: “Kỳ Sơn đã ngăn chặn cơ bản tình trạng phá rừng, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật”, và dẫn số liệu minh chứng: Từ năm 2017 đến năm 2022, đã phát hiện và xử lý 155 vụ vi phạm (xử lý hình sự 6 vụ; xử lý hành chính 149 vụ); số vụ vi phạm bình quân giai đoạn 2017 – 2022 giảm 51,9% (25,8/53,6 vụ/năm) so với giai đoạn 2011 – 2016. Độ che phủ rừng trung bình giai đoạn 2017 – 2022 tăng 4,3% so với giai đoạn 2011- 2016 (từ 46,05% lên 50,88%).

Rồi anh “khoe”, Kỳ Sơn là huyện núi cao, ruộng nước rất ít, nhân dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp trên đất dốc (nương rẫy), nhưng nay đã nhận thức được quy định của pháp luật, dần từ bỏ việc phá rừng làm rẫy. “Diện tích rẫy năm 2017 là trên 10.000 ha, đến năm 2022 giảm xuống còn 6.200 ha. Một bộ phận thanh niên chọn chuyển sang nghề khác để lập nghiệp, số người đi làm ăn xa đến hơn 11.409 người. Từ năm 2017 đến 2022, có 29 cộng đồng và 1.174 hộ gia đình được giao 10.580,6 ha rừng. Có 188 cộng đồng thôn bản tham gia công tác bảo vệ rừng, với tổng số tiền kinh phí dịch vụ môi trường rừng được nhận hơn 54 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đã đạt trên 28,6 triệu đồng/năm, trong khi năm 2017 chỉ đạt 18 triệu đồng/người/năm…” – anh nói.

Một thay đổi lớn ở Kỳ Sơn mà Thò Bá Rê không quên nhắc đến, đó là người dân có thói quen vào rừng khai thác gỗ về làm nhà, nay đã dần thay đổi nhận thức, sử dụng các loại vật liệu khác thay thế gỗ để xây dựng nhà ở. “Số vụ khai thác rừng trái pháp luật giảm từ 25 vụ ở năm 2017 xuống còn 6 vụ trong năm 2022 là minh chứng rõ nét…” – anh nhấn mạnh.

Đại diện lãnh đạo các sở, ngành và Ủy ban nhân dân huyện Kỳ Sơn kiểm tra mô hình trồng đào ở xã Tây Sơn. Ảnh: Minh Quân
Đại diện lãnh đạo các sở, ngành và Ủy ban nhân dân huyện Kỳ Sơn kiểm tra mô hình trồng đào ở xã Tây Sơn. Ảnh: Minh Quân

Nhưng Thò Bá Rê cũng mạnh dạn nói rằng, bên cạnh những điểm tích cực thì việc thực hiện chỉ thị 13-CT/TW ngày 12/1/2017 cũng có những tác động khiến một bộ phận người dân đang gặp những khó khăn.

Anh tâm sự, diện tích tự nhiên của Kỳ Sơn là 209.264,51 ha, trong đó có 191.063,67 ha rừng và đất lâm nghiệp, chiếm 91,3%, tỷ lệ che phủ rừng là 51,91 %. Toàn huyện có 21 xã, thị trấn, trong đó có 11 xã biên giới với hơn 203 km đường biên tiếp giáp với nước bạn Lào. Trên địa bàn có 5 dân tộc gồm Thái, Mông, Khơ Mú, Kinh và Hoa cùng sinh sống; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 95 %. Cuộc sống, phong tục, tập quán, văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số hình thành, xuất phát từ rừng, phụ thuộc vào rừng. Nhưng ở Kỳ Sơn hệ thống giao thông chưa hoàn thiện, giá cả và cước vận chuyển vật liệu xây dựng như cát, đá, xi măng, sắt thép cao, người dân rất khó trang trải những chi phí để xây dựng nhà cửa ổn định cuộc sống. Và vì không thể vào rừng, nương rẫy bị hạn chế, một bộ phận người dân đang phải ở nhà, không có việc làm, nguy cơ bị đói và xảy ra tệ nạn xã hội.

Vì vậy Thò Bá Rê kiến nghị: “Để giữ vững và phát huy các kết quả đã đạt được qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, ở Kỳ Sơn hiện nay quy hoạch sử dụng đất nói chung và đất lâm nghiệp nói riêng chưa phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng, đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh chấp thuận kết quả rà soát của địa phương để địa phương có kế hoạch sử dụng đất nhằm phát triển kinh tế huyện nhà. Đồng thời đề nghị UBND tỉnh tiếp tục bố trí kinh phí để UBND huyện tiếp tục giao rừng với diện tích 55.215,03 ha…”.

Nghe kiến nghị này, thấy đúng. Vì biết không riêng ở Kỳ Sơn, mà tại nhiều huyện núi của tỉnh, rừng tự nhiên là rừng sản xuất có diện tích lớn, nhưng tỷ lệ rừng nghèo kiệt chiếm diện tích không nhỏ. Và hiểu nếu không được cải tạo, những diện tích rừng nghèo kiệt sẽ không thể phát triển thành rừng có trữ lượng cao, và càng không thể trở thành tư liệu sản xuất giúp nhân dân vùng cao phát triển kinh tế.

Nói ra suy nghĩ của bản thân với một số người có trách nhiệm, hỏi các anh: Kiến nghị của Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn có được ghi nhận, báo cáo lên cấp có thẩm quyền? Những cán bộ này trả lời: “Hội nghị này nhằm đánh giá đầy đủ những ưu và nhược điểm sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13/CT/TW. Những nội dung trình bày như của anh Rê đều được ghi nhận đầy đủ…”.

Ảnh: Thành Cường – Minh Quân