Lặng thầm nghề lái xe cấp cứu

08/01/2013 15:31

Mỗi chiếc xe cấp cứu chạy trên đường, mọi người đều biết rằng trên chiếc xe đó một người bệnh đang đứng giữa cuộc chiến sống còn, trong chiếc xe ấy cùng với bác sĩ, y sĩ điều dưỡng, người lái xe cũng đang căng thẳng và đầy áp lực trong cuộc chiến giành sự sống cho bệnh nhân.

(Baonghean) - Mỗi chiếc xe cấp cứu chạy trên đường, mọi người đều biết rằng trên chiếc xe đó một người bệnh đang đứng giữa cuộc chiến sống còn, trong chiếc xe ấy cùng với bác sĩ, y sĩ điều dưỡng, người lái xe cũng đang căng thẳng và đầy áp lực trong cuộc chiến giành sự sống cho bệnh nhân.

ƯỚC chân vào nghề lái xe cấp cứu, điều đầu tiên mà bất cứ tài xế nào cũng phải học đó là cố gắng thuộc lòng đường. Từ việc tìm địa chỉ nhà bệnh nhân, cho tới chọn con đường ngắn nhất, rảnh nhất để vận chuyển bệnh nhân đều đòi hỏi người tài xế phải thuộc mọi tuyến đường, bởi chậm phút nào là cơ hội sống của người bệnh ít đi phút đó.

Tiếp đó, bất cứ người tài xế nào cũng cần làm quen với âm thanh phát ra từ những chiếc còi xe cấp cứu xanh - đỏ. Tiếng còi cấp cứu đinh tai nhức óc, lạnh lùng khiến người nghe, người đi đường cũng cảm thấy gai cả người. Thế nhưng, với những người lái xe cấp cứu nó lại là bạn đồng hành, là trợ thủ đắc lực trong công việc. Cuối cùng là làm quen với áp lực nặng nề nhất, áp lực “tốc độ”. Nghề lái xe nào cũng có áp lực riêng, áp lực của người lái xe cấp cứu chính là “tốc độ”.



Xe cứu thương có mặt kịp thời tại hiện trường.

Thông thường, sau khi nghe điện thoại có bệnh nhân cần cấp cứu là 2 đến 5 phút sau đó phải lập tức nắm vô lăng phóng xe đi đến nơi, càng nhanh càng tốt. Ông Nguyễn Trung Thông, Đội trưởng Đội vận chuyển cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa 115, cho biết: “Nhiệm vụ của chúng tôi là đưa bệnh nhân đến nơi điều trị nhanh nhất để góp sức cứu người, nhưng làm thế nào để nhanh mà vẫn an toàn là không dễ. Mình nhanh mà ẩu thì dễ tai nạn chẳng khác chi gây họa cho bản thân và người khác”.

Lúc ở bệnh viện, sinh mạng của bệnh nhân phụ thuộc vào đội ngũ y, bác sỹ. Còn khi di chuyển trên đường, sự sống của của bệnh nhân phụ thuộc không ít vào người lái xe cấp cứu, đến bệnh viện nhanh đôi khi chỉ một phút thôi cũng có thể cứu sống một mạng người. Dù đã có sự phụ giúp của đèn và còi ưu tiên, song không vì thế mà những chiếc xe cấp cứu được ưu tiên tối đa trên đường. Nhiều người đi đường nghe tiếng còi ưu tiên của xe cấp cứu không chịu nhường đường, nhiều thanh niên còn đi chắn mặt không cho xe đi. Những tình huống người đi đường cố tình chen lấn làn đường dành cho xe ưu tiên hoặc những cú rẽ ngang đầy bất ngờ của những người không có ý thức chấp hành Luật Giao thông không hiếm. Chuyện đối mặt với những cú nhồi ga lạng lách, thắng gấp, thắng lết bánh hoặc dùng hết sức bình sinh để bẻ vô lăng tránh tai nạn là chuyện thường ngày của những tài xế xe cấp cứu, nhất là vào giờ cao điểm.

Lái xe đưa bệnh nhân về các bệnh viện trong tỉnh đã chịu lắm áp lực, song áp lực của những tài xế có nhiệm vụ đưa bệnh nhân từ bệnh viện tỉnh đi Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh chữa trị còn lớn hơn nhiều. Vượt hơn hàng trăm cây số đường trường, hầu như lái xe không có thời gian nghỉ ngơi, phải ăn uống qua loa, rút ngắn mọi sinh hoạt xuống mức tối thiểu nếu tình trạng của bệnh nhân diễn biến nguy kịch hơn, chuyện ăn bánh mì trừ bữa là chuyện thường. Căng thẳng, mệt mỏi vì thức đêm, đường dài… là điều không tránh khỏi, nhưng vẫn luôn phải giữ cho mình tỉnh táo để đến đích an toàn và càng sớm càng tốt.

Nghề lái xe cấp cứu là nghề không có khái niệm về thời gian, không có ngày nghỉ, giờ nghỉ. Điện thoại lúc nào cũng mở 24/24, đêm nằm ngủ điện thoại đều được để ngay bên cạnh đầu để hễ có tiếng chuông là bật dậy ngay. Bất kể giờ nào, ngày lễ hay ngày Tết, mưa bão, ngày hay đêm…, họ vẫn phải luôn trong tư thế sẵn sàng, nhận được điện thoại là ngay lập tức lên đường. Chuyện đón giao thừa, ăn Tết cùng mấy anh em đồng nghiệp, đội ngũ y, bác sỹ và người nhà bệnh nhân trên xe cứu thương đối với lái xe cấp cứu không phải là ít. Ông Thông cho hay: “Làm nghề này đòi hỏi cái tâm và ý thức trách nhiệm cao, bởi nó đòi hỏi sức chịu đựng lớn, thậm chí có nhiều lái xe tình cảm gia đình phải gác sang một bên để thực hiện nhiệm vụ. Có anh em cả tháng chỉ được ngủ 3 – 4 đêm, còn lại đêm nào cũng trực. Thậm chí là theo lịch là được nghỉ nhưng có việc là lại sẵn sàng đi ngay”.

Không giống như nhiều người suy nghĩ lái xe cấp cứu không chỉ làm nhiệm vụ lái xe, chuyện lái xe cấp cứu tiếp xúc với máu me, người bệnh là thường. Đặc biệt là với những trường hợp tai nạn giao thông, nhận điện thoại của người đi đường báo đến thì việc lái xe xắn tay áo vào dìu, mang người bị nạn lên xe là chuyện thường, thậm chí mang cả tử thi cũng không hiếm. Không ít lần đội xe cứu thương còn vận chuyển những thi thể đang trong tình trạng phân hủy, nhất là những trường hợp chết ở xa, nạn nhân các vụ án, tự tử … đòi hỏi người lái xe phải có thần kinh thép thực sự. Không chỉ giỏi tay lái, nghề lái xe cấp cứu còn đòi hỏi những hiểu biết nhất định về y tế. Vì ngoài kỹ năng lái xe tốt, còn tùy từng tình trạng bệnh mà người lái sẽ có những cách chạy khác nhau. Với những ca chấn thương cột sống, gãy dập chân tay… buộc phải chạy thật êm, giảm tốc độ, tránh gây sốc, giảm đau đớn cho người bệnh. Riêng với những ca tai biến mạch máu não, chấn thương sọ não… phải cố gắng chạy càng nhanh càng tốt vì những bệnh này mỗi phút đều quý giá, càng nhanh thì hy vọng cứu sống bệnh nhân càng cao, giảm di chứng sau này.

Bác Đặng Bá Dũng với hơn 31 năm lái xe cấp cứu ở đội xe Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Việt Nam - Ba Lan - Nghệ An chia sẻ: “Cả đội xe của bệnh viện có 4 anh em, những ngày lễ, tết như thế này thì 100% quân số trực chiến, vất vả thức đêm thức hôm nhưng ai cũng cố gắng làm tròn nhiệm vụ của mình, sẵn sàng phục vụ bệnh nhân. Chuyện mấy anh em ăn Tết trên xe, trên đường, thậm chí đón Tết giữa rừng là chuyện thường ngày”. 31 năm trong nghề, bác Dũng nếm trải không ít những kỷ niệm về chạy đua với tử thần. Chuyện người nhà bệnh nhân mắng mỏ, thúc giục là chuyện bình thường, những lúc như thế người lái xe cấp cứu lại phải chịu đựng, bình tĩnh giữ vững tay lái, cố gắng thuyết phục người nhà bệnh nhân bình tĩnh. Bác Dũng kể lại: Có lần 2h sáng, chở bệnh nhân tử vong trên xe về miền núi đường xá vắng tanh. Khi đến nơi xong mình quay về, người nhà bệnh nhân còn thấy sợ, thấy lo cho mình nhưng mình vẫn phải đi thôi”.

Dẫu tâm lý vững vàng là như nhưng những người lái xe cấp cứu không phải không biết rung động trước những cảnh đời của bệnh nhân. Mấy anh em trong đội xe Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh kể lại, có những lần đưa bệnh nhân về nhà xong, nhìn lại căn nhà của họ đến cái ghế cho tử tế cũng không có mà ngồi lại thấy xót xa, mà mình thì cũng không khá giả gì để giúp họ được. Cũng không ít lần khi vận chuyển những bệnh nhân nghèo, anh em không ngần ngại bỏ tiền túi ra mua đồ ăn cho người nhà bệnh nhân cùng ăn. Với họ, đó là những điều thiết thực nhất mà họ có thể giúp đỡ người bệnh và gia đình chống chọi và vượt qua bệnh tật.

Không ai muốn mình ngồi chơi, không có việc làm nhưng những người lái xe cấp cứu mà tôi gặp đều có chung một suy nghĩ: “Đôi lúc muốn cả ngày, cả tháng không phải chạy một chuyến xe nào cả. Bởi vì mỗi lần chúng tôi phải chạy là một lần có người đang gặp nguy hiểm, điều mà chúng tôi chẳng bao giờ muốn”. Với họ, phần thưởng quý giá nhất sau mỗi chuyến xe không phải là tiền thưởng hay bất cứ khoản tiền nào, mà được thấy người bệnh được cấp cứu kịp thời, vượt qua được nguy hiểm là niềm vui lớn nhất rồi.


Hồng Quang

Mới nhất
x
Lặng thầm nghề lái xe cấp cứu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO