Làng thổ cẩm bên dòng Tà Tầu
(Baonghean) - Ấy là Làng nghề dệt thổ cẩm Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu. Những bàn tay khéo léo, đức tính cần cù, chịu khó của phụ nữ Thái nơi đây đã làm nên những trang phục mềm mại mang đậm nét đặc trưng của đồng bào Thái. Làng nghề không đơn thuần tạo việc làm tăng thu nhập cho người dân mà còn là điểm đến thú vị cho khách du lịch bên dòng Tà Tầu.
Du khách mỗi lần đặt chân đến huyện Quỳ Châu, không thể không biết đến Hang Bua, một thắng cảnh tự nhiên gắn liền với truyền thuyết lịch sử và đền Chiềng Ngam nơi thờ các vị thần núi, những người có công khai bản lập mường trên địa bàn các xã Châu Tiến, Châu Thuận. Nếu đến vào mùa lễ hội, du khách sẽ được đắm chìm trong tiếng khắc luống, những điệu xuối, điệu tơm, hay rạo rực trong những trò chơi dân gian: thi đẩy gậy, ném còn, thi người đẹp... của Lễ hội Hang Bua. Hẳn rằng, sau chum rượu cần mềm môi, vui điệu nhảy sạp với thiếu nữ bản Thái, du khách sẽ mong mỏi được đến cùng bản làng nghề Hoa Tiến, nơi đang lưu giữ nghề truyền thống mang đậm nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Thái.
Mẹ con cô giáo Sầm Thị Lan say mê nghề truyền thống bên khung cửi. |
Cách Hang Bua chưa đầy 1 km, trên Quốc lộ 48, gần chạm cầu Châu Tiến, bắc qua điểm hợp lưu của 2 con sông Nậm Việc và Nậm Hạt, rẽ tay phải theo con đường đổ bê tông uốn lượn qua cánh đồng, chạy thẳng vào dãy núi Pù Huống, du khách sẽ đến với Làng nghề thổ cẩm Hoa Tiến. Hai bên con đường đầy nắng dẫn vào làng nghề là cánh đồng Tồng Mộng. Cánh đồng ngát xanh màu lúa đương thì con gái hay rực vàng chín lựng mùa thu hoạch cũng sẽ khiến lòng người thư thái lạ. Trên cánh đồng ấy, là những guồng nước khổng lồ chậm rãi vòng quay yên ả. Guồng được kết bằng tre và nứa, không chỉ để làm thủy lợi, đưa nguồn nước mát lành từ dòng suối Tà Tầu vào con mương nhỏ tưới cho cánh đồng Tồng Mộng, mà còn là biểu tượng của sự khéo léo, nhẫn nại, sự sáng tạo diệu kỳ của người vùng cao, làm nên bản sắc của miền đất này.
Những người già ở Hoa Tiến kể về nguồn gốc tên gọi cánh đồng làng Tồng Mộng rằng, ngày xưa có người vợ trong làng tiễn chồng lên đường tòng chinh, đến giữa cánh đồng, người vợ đứng nhìn chồng đi khuất dãy núi mới quay về. Từ đó người dân ở đây gọi là cánh đồng Tồng Mộng (Tồng là địa danh của địa phương, còn Mộng nghĩa là nhìn). Tà Tầu chính là một đoạn sông Nậm Hạt... Cánh đồng, guồng nước, dòng sông... đã tạo nên bức tranh sơn thủy hữu tình với nhiều gam màu trên điểm đến của xứ sở hương trầm này.
Trưởng bản Vi Văn Hào, năm nay mới ngoài 30 tuổi, tiếp chúng tôi với tác phong nhanh nhẹn, nhiệt tình. Anh cho biết, làng Hoa Tiến có cách đây hàng trăm năm, đồng nghĩa với việc nghề trồng dâu nuôi tằm, quay sợi ở đây cũng có từ lâu, trở thành nghề truyền thống của làng. Làng Hoa Tiến có 2 bản là Hoa Tiến 1 và Hoa Tiến 2, với tổng số hơn 340 hộ thuần Thái. Đời sống của người dân ngoài làm ruộng chỉ có nghề dệt thổ cẩm. Bởi vậy, hầu như nhà nào cũng có khung dệt. Trưởng bản Hào cho hay làng phải có tới gần 300 khung dệt. Năm 2009, Hoa Tiến được UBND tỉnh công nhận Làng nghề thổ cẩm. Hiện trong làng có 2 đơn vị là HTX dệt thổ cẩm Minh Hương và HTX dệt thổ cẩm Hoa Tiến, chuyên cung ứng nguyên liệu và thu mua, tiêu thụ sản phẩm cho xã viên và bà con. Làng nghề có cánh đồng màu, quanh năm trồng dâu nuôi tằm, quay sợi, chủ động một phần nguyên liệu cho bà con.
Bà Lang Thị Khuyết, mẹ của Trưởng bản Hào, năm nay 65 tuổi, tóc bạc phơ. Ngồi bên chiếc khung cửi dưới chái nhà sàn, hai tay thoăn thoắt đưa thoi, đôi mắt dõi theo từng bước sợi, bà nói, mấy đời trước ông cha bà đều làm nghề dệt thổ cẩm, nên khi bà mới lên 12 tuổi đã biết ngồi vào khung cửi dệt vải. Cái khung cửi này gắn bó với bà gần 20 năm nay rồi, dù nó không còn chắc lắm, nhưng bà vẫn giữ lấy, hàng ngày ngồi với nó, như một người thân trong nhà. “Phụ nữ Thái chúng tôi ở đây ai cũng giỏi dệt vải và thêu thùa. Làm nghề này phải kiên trì, chịu khó thì mới làm được nhiều và đẹp. Những ngày thời vụ, chị em ra đồng cấy hái, mặc dù mệt nhưng tối về vẫn chong đèn ngồi vào khung cửi, làm đến 10 giờ khuya mới ngả lưng. Hết thời vụ, chị em xong việc nhà, ai cũng say sưa, miệt mài bên khung cửi, tối đến nhà nào cũng sáng điện, lách cách thoi đưa, vui lắm!”.
Chị Sầm Thị Lan là giáo viên dạy mầm non trường làng, khi nói về nghề dệt thổ cẩm của làng Hoa Tiến, chị tự hào: “Là người con sinh ra ở bản, lên 10 tuổi em đã biết theo mẹ ra đồng hái dâu, quay tơ, dệt vải. Là giáo viên, hết giờ dạy ở lớp, về nhà làm hết mọi việc nội trợ, lại tranh thủ thời gian rỗi ngồi vào khung cửi. Lương giáo viên hàng tháng và thu nhập thêm từ dệt thổ cẩm, đủ trang trải cho gia đình. Thỉnh thoảng có đoàn khách du lịch đến tham quan, quay phim, chụp ảnh phụ nữ Thái dệt vải, sản phẩm thổ cẩm, em tự hào với nghề truyền thống của làng nghề quê mình. Bởi vậy, con gái em năm nay 15 tuổi, không những biết dệt vải mà còn biết cả thêu thùa rồi đấy!”.
Đến HTX dệt thổ cẩm Minh Hương ở trung tâm bản, 2 gian hàng trang phục Thái bằng thổ cẩm được trưng bày rất bắt mắt. Ở một góc nhỏ phía sau là chỗ làm đệm của công nhân. Chị Vi Thị Hồng, tay cầm chiếc gậy tre đẩy từng nắm bông vào túi vải được may thành tấm nệm, bộc bạch: “Em làm đây đã mấy năm rồi, mỗi ngày làm tích cực từ sáng đến tối được 8 – 10 chiếc đệm dài 1,8 m, rộng 80 cm, HTX trả tiền công từ 180 – 200 nghìn đồng. Làm việc này không nặng nhọc, nhưng phải chịu khó, nhanh tay thì mới có nhiều sản phẩm”. Nói về chiếc nệm của đồng bào Thái, chị Sầm Thị Hường – Chủ nhiệm HTX, cho biết: “Phong tục của đồng bào Thái, con gái trước khi về nhà chồng là phải sắm đủ 8 , 10 hoặc 12 chiếc nệm do người Thái làm ra. Kèm theo nệm còn có gối. Cứ 1 chiếc nệm, kèm theo 1 đôi gối. Ngoài ra còn có từ 2 – 4 đôi ghế ngồi bằng đệm, cũng do đồng bào Thái làm ra. Nguyên liệu dùng để làm nệm, gối và ghế bằng vải thổ cẩm được nhuộm màu đỏ hoặc xanh, may thành vỏ. Nhờ đường may chắc và có kinh nghiệm, đôi tay khéo léo của người phụ nữ Thái nên nệm, gối, ghế êm, sử dụng lâu bền. Bởi vậy, những sản phẩm này tiêu thụ tại chỗ là chính. Đặc biệt vào những tháng tốt trong năm, đồng bào Thái cưới vợ, gả chồng cho con nhiều, HTX phải huy động thêm nhiều người làm mới đáp ứng nhu cầu, có những tháng HTX bán được hàng trăm các mặt hàng này”.
HTX thổ cẩm Minh Hương có 30 xã viên là những phụ nữ giỏi nghề dệt thổ cẩm trong làng. Ngoài ra, bà con trong bản đăng ký nhận nguyên liệu về làm ra sản phẩm. Những chị em không có đất trồng dâu, nuôi tằm, đến HTX nhận sợi về dệt, thêu thùa ra sản phẩm hoàn hảo, mang đến nhập cho HTX tiêu thụ sản phẩm. Bằng cách làm đó, với những chị em hoàn cảnh khó khăn, hoặc cần tiền gửi con đang theo học cao đẳng, đại học, HTX cho ứng trước, sau đó trừ vào sản phẩm. Sản phẩm hàng thổ cẩm các loại của HTX bán chạy, nên xã viên và chị em trong bản lúc nào cũng có việc làm. Làng nghề thổ cẩm Hoa Tiến cứ thế ngày càng phát triển, với nhiều sản phẩm đa dạng...
Chị Sầm Thị Hường cho biết, từ ngày được tỉnh công nhận làng nghề, xã viên và bà con trong bản tự hào, phấn khởi, hăng hái trồng dâu, nuôi tằm, kéo sợi, dệt vải, tạo sản phẩm phong phú, dễ tiêu thụ hơn. Song giá như xã viên được hỗ trợ mua sắm khung cửi, máy khâu công nghiệp thì hiệu quả sản xuất sẽ cao hơn, sản phẩm đẹp hơn nữa. Hiện tại, đa số xã viên của 2 HTX thổ cẩm Hoa Tiến 1 và Hoa Tiến 2 đang sử dụng khung cửi tự làm từ lâu không còn vững chắc; những máy khâu của các HTX đang sử dụng là máy khâu đạp chân, xã viên làm việc vất vả và năng suất thấp.
Người dân Hoa Tiến luôn tự hào với nghề dệt thổ cẩm đã gắn bó máu thịt qua bao thế hệ, như dòng Tà Tầu chưa và sẽ không bao giờ cạn cùng cánh đồng Tồng Mộng quanh năm cho dân bản hạt lúa thơm thảo, dãy núi Pù Huống sừng sững ôm ấp, che chở bản làng. Bức tranh sơn thủy hữu tình ấy đủ để níu chân người ghé thăm Hoa Tiến...
Bài, ảnh: Xuân Hoàng