Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và sự ra đời tờ báo cách mạng đầu tiên

20/06/2007 10:41

Ngày 19/6/1924, tiếng bom Sa Điện của Phạm Hồng Thái và tổ chức Tâm Tâm xã mưu giết tên Toàn quyền Méc Lanh tại Quảng...

Ngày 19/6/1924, tiếng bom Sa Điện của Phạm Hồng Thái và tổ chức Tâm Tâm xã mưu giết tên Toàn quyền Méc Lanh tại Quảng Châu-Trung Quốc đã gây một tiếng vang lớn trên trường Quốc tế. Lúc bấy giờ, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đang hoạt động ở Liên Xô. Để tiện cho việc chỉ đạo phong trào cách mạng của các nước Đông Nam châu Á và phong trào Cách mạng Việt Nam đang trên đà phát triển, Nguyễn ái Quốc đã đề nghị với Ban chấp hành Quốc tế Cộng sản (BCH QTCS) xin được trở về Trung Quốc hoạt động.

Đồng chí Manninxki, Ủy viên đoàn Chủ tịch đã thay mặt BCH QTCS, thông báo quyết định của QTCS, cử đồng chí Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu hoạt động, xây dựng tổ chức Cộng sản ở Đông Dương và các nước Đông Nam Á.

Ngày 11/11/1924, Bác Hồ đến Quảng Châu và ở tại cơ quan đồng chí Bô-rô-đin Hãng thông tấn Rô-xta. Việc đầu tiên, Bác tìm gặp cụ Phan Bội Châu và ông Hồ Học Lãm, để nắm tình hình hoạt động của lớp thanh niên ở hải ngoại. Cụ Phan đã cung cấp cho Bác một bản danh sách gồm 14 thanh niên ưu tú nhất của Việt Nam đang hoạt động ở Trung Quốc, Xiêm và Nhật Bản. Đó là các đồng chí: Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong, Trương Vân Lĩnh, Lê Duy Điếm, Lưu Quốc Long, Vương Thúc Oánh, Trương Học Ba... Lớp thanh niên ấy thật may mắn khi được gặp Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và được Người trực tiếp mở lớp đào tạo, theo con đường cách mạng Vô sản.

Mặc dù Bác không tán thành việc ám sát cá nhân củaTâm Tâm xã, nhưng trong những buổi nói chuyện về con đường cách mạng với lớp thanh niên Việt Nam, Bác luôn nhắc đến tấm gương yêu nước và dũng cảm, dám xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc của đồng chí Phạm Hồng Thái. Bác nói: "Việc đó tuy nhỏ, nhưng nó bắt đầu một thời đại đấu tranh cách mạng, như chim én nhỏ báo hiệu mùa Xuân" (1).

Tháng 2/1925, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chọn ngôi nhà số 13, đường Văn Minh, Quảng Châu, một địa điểm thích hợp, thuận lợi, để làm nơi ở và làm việc, tổ chức các cuộc họp bí mật của lớp thanhniên Việt Nam đang hoạt động ở hải ngoại. Được cụ Phan Bội Châu giới thiệu, Bác Hồ đã chọn được 9 người trong số 14 người lập ra nhóm Cộng sản đoàn. Sự kiện đó, đã được Bác viết trong bản báo cáo gửi lên Đoàn Chủ tịch Quốc tế Cộng sản vào ngày 19/2/1925 như sau: "Chúng tôi đã lập nhóm bí mật gồm 9 hội viên, trong đó có 2 người đã được phái về nước; 3 người ở tiền tuyến (trong quân đội của Tôn Dật Tiên); một người đang đi công cán quân sự (cho Quốc Dân Đảng). Trong số hội viên đó, có 5 người đã là đảng viên dự bị của Đảng Cộng sản".

Tháng 6/1925, tại ngôi nhà 13, đường Văn Minh - Quảng Châu(2), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã mở lớp đào tạo chính trị đặc biệt cho những thanh niên Cách mạng Việt Nam. Sau đợt huấn luyện, Người đã thành lập Hội Thanh niên cách mạng đồng chí. Hội ra đời đã có điều lệ hoạt động và thiết lập được một hệ thống tổ chức từ Trung ương xuống tận cơ sở: Tổng bộ - Kỳ bộ - Tỉnh bộ- Huyện bộ, xuống Chi bộ.

Hiểu rõ tầm quan trọng của báo chí, trong việc tuyên truyền vận động cuộc cách mạng theo chủ nghĩa Mác-Lênin, nhằm gây ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng, để tạo điều kiện cho công tác tuyên truyền của Hội Thanh niên cách mạng đồng chí, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập và cho ra mắt bạn đọc Báo Thanh Niên. Số báo đầu tiên xuất bản tại Quảng Châu ngày 21/6/1925. Thông qua Báo Thanh Niên, Bác Hồ đã truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin và cách mạng tháng Mười Nga vào Việt Nam. Báo Thanh Niên vừa có tác dụng định hướng, vạch lối chỉ đường cho cách mạng, vừa làm nhiệm vụ: "Nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm" Trang đầu Báo Thanh Niên ra số đầu tiên, ngày 21/6/1925, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã viết bài kêu gọi tinh thần đoàn kết dân tộc, ký tên là ZAC. Nguyễn Ái Quốc còn viết bài giới thiệu về Trường Đại học Phương Đông, để cho nhân dân lao động Việt Nam hiểu về chế độ tốt đẹp của một trường học Cộng sản...

Tờ Báo Thanh Niên ra đời trong hoàn cảnh cách mạng Việt Nam đang hoạt động bí mật ở nước ngoài, kinh phí để ra các số báo rất eo hẹp, phần lớn do gia đình ông Hồ Học Lãm tài trợ, bởi vậy số lượng in mỗi số chỉ có được 100 bản. Sau khi báo phát hành, số lớn được đóng gói rất cẩn thận, theo đường dây bí mật của Đảng, từ Quảng Châu chuyển về trong nước và sang Xiêm, Nhật để tuyên truyền đường lối cách mạng.

Báo Thanh Niên từ tờ số 1 ra ngày 21/6/1925 đến số 108 ra ngày 28/7/1929, được in bằng hai thứ tiếng Việt và Hán. Góc bên trái phía trên của tờ báo được trang trí bằng ngôi sao vàng năm cánh. Tít trên cùng được đóng khung chạy dài suốt trang báo với dòng chữ: "Cơ quan ngôn luận của Việt Nam thanh niên Cách mạng đồng chí Hội".

Để phù hợp với giai đoạn lịch sử, Báo Thanh Niên từ số 108 ra ngày 28/7/1929 đến số 208 ra vào tháng 5- 1930 được đổi tên là: "Cơ quan của Đảng Việt Nam cách mạng Thanh niên". Vị trí vẽ ngôi sao vàng được thay bằng hình vẽ Búa Liềm, tượng trưng cho mối liên minh Công Nông, tiến hành cuộc cách mạng Vô sản ở Việt Nam.

Bác Hồ đã sáng lập ra tờ báo cách mạng đầu tiên, với sự cộng tác tích cực của các đồng chí: Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong, Trương Vân Lĩnh...

Trên 8 thập kỷ trôi qua, nhưng Tư tưởng Hồ Chí Minh trên mặt trận báo chí từ những ngày đầu cách mạng vẫn còn nguyên giá trị, soi sáng đường đi cho Báo chí Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.


(1) Tư liệu lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Xô-viết Nghệ-Tĩnh.

(2) Hiện nay, Di tích ngôi nhà 13, đường Văn Minh, Quảng Châu (Trung Quốc) đã được xếp hạng là Di tích lịch sử Văn hoá quốc gia Trung Quốc, giới thiệu nơi ở và hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.


Trương Quế Phương (Bảo tàng Xô-Viết Nghệ-Tĩnh)

Mới nhất

x
Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và sự ra đời tờ báo cách mạng đầu tiên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO