Lãnh tụ Xô Viết Stalin - nhà chính trị, quân sự lỗi lạc
(Baonghean) - Cầm lái con thuyền Liên bang Xô Viết trong thời điểm gay cấn nhất của lịch sử nhân loại thế kỷ XX, dưới sự lãnh đạo tài tình của Ioseb Vissarionovich Stalin, Hồng quân Liên xô đã giành chiến thắng toàn diện trước chủ nghĩa phát xít. Chiến thắng của Hồng quân Liên Xô không những cứu rỗi nhân loại khỏi sự dã man, tàn bạo và cực đoan của chủ nghĩa phát xít do Adolf Hitler khởi xướng, mà còn cổ vũ tinh thần cho nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới đứng lên giải phóng dân tộc. 70 năm đã trôi qua, dù vẫn còn đó nhiều luồng dự luận khác nhau trong cách lãnh đạo Liên bang Xô Viết ngày ấy, nhưng không thể phủ nhận một điều, Stalin là một trong những biểu tượng sống mãi với thời gian bởi tinh thần quả cảm của một nhà chính trị, quân sự lỗi lạc…
Stalin sinh năm 1878 trong một gia đình công nhân đóng giày ở Thị trấn Gori của tỉnh Tiflis, đế quốc Nga, nay thuộc Gruzia với tên khai sinh Ioseb Jughashvili. Lên 10 tuổi Ioseb bắt đầu học trường dòng - nơi học sinh người Gruzia được dạy tiếng Nga. Năm 16 tuổi, Ioseb được nhận học bổng vào một Chủng viện Chính thống giáo Gruzia ở Tbilisi. Nhưng sau đó ông bị buộc thôi học do bỏ lỡ kỳ thi cuối năm học 1899. Tuy nhiên, theo hồ sơ của chủng viện thì ông đã không thể đóng tiền học nên buộc phải nghỉ học.
Trong khoảng thời gian này, Ioseb đọc được những tác phẩm của Lê nin, và gia nhập Đảng Công nhân Xã hội - Dân chủ Nga. Sau khi rời chủng viện, Ioseb từng làm công việc thư lại bán thời gian ở một văn phòng khí tượng. Ông gia nhập đảng Bolshevik năm 1903 và lấy tên là "Stalin", có nghĩa "Mạnh như thép". Và tên đầy đủ trong tiếng Nga của ông là Iosif Vissarionovich Stalin. Đầu năm 1912, trong Hội nghị toàn Nga lần VI của Đảng Công nhân xã hội dân chủ Stalin được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Một cụ già cầm cuốn lịch có hình Josef Stalin khi xem chương trình truyền hình Tổng thống Nga Putin đọc diễn văn ở Sevastopol, Crimea. |
Năm 1917, Cách mạng tháng Hai thắng lợi ở Nga, Sa hoàng Nikolai II thoái vị, chế độ Quân chủ chuyên chế Sa hoàng bị lật đổ. Theo lệnh của Chính phủ lâm thời, các tù nhân chính trị được phóng thích và Stalin trở về Thủ đô Sant-Peterburg. Tháng 2/1917, Stalin được bổ sung vào Chủ tịch đoàn Ban Chấp hành Trung ương Đảng và vào Ban Biên tập báo Sự thật - một tờ báo đảng rất nổi tiếng của Liên Xô. Tháng 7/1917, Stalin được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Trong những ngày Cách mạng Tháng Mười năm 1917, Stalin là ủy viên của cơ quan quân sự cách mạng do Trung ương Đảng thành lập để lãnh đạo khởi nghĩa.
Sau Cách mạng Tháng Mười Stalin giữ chức ủy viên nhân dân Bộ Dân tộc (Bộ trưởng Bộ Dân tộc) trong Hội đồng Ủy viên nhân dân (Chính phủ cách mạng). Ông đồng thời là Ủy viên Hội đồng quân sự cách mạng trong thời gian nội chiến và chống sự can thiệp quân sự của nước ngoài. Tháng 4/1922, Stalin được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng và giữ chức vụ đó cho đến khi mất (1953). Trong hơn 30 năm ông giữ chức vụ cao nhất của Đảng Cộng sản Liên bang Xô viết, đặc biệt là giai đoạn bắt đầu nổ ra chiến tranh thế giới thứ 2 cho đến khi kết thúc chiến tranh (1939 -1945) và bắt đầu thời kỳ chiến tranh lạnh cũng không kém phần khốc liệt. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Stalin, Liên bang Xô viết ngày càng hùng mạnh và dần khẳng địch là một trong những siêu cường quốc của thế giới.
Trở lại với cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của quân và dân Liên Xô khi đã đánh bại quân đội phát xít Đức hùng mạnh được trang bị vũ khí tối tân của Adolf Hitler trong thế chiến thứ 2. Ngay từ ngày đầu A. Hitler đã manh nha tham vọng thôn tính thế giới bằng việc đưa quân đội chiếm đóng Rhineland, và vào năm 1938, Đức quốc xã sát nhập nước Áo. Sau khi Áo bị sát nhập với Đức, Hitler đòi hỏi vùng Sudentenland của Tiệp Khắc.
Đến lúc này, tham vọng của Hitler đã lộ rõ, Stalin đề nghị với Anh - Pháp việc gạt bỏ những mâu thuẫn giữa hai phía và thành lập một liên minh nhằm ngăn chặn Hitler nhưng bị 2 nước này từ chối. Chỉ đến khi quân Đức tiến đánh Ba Lan thì Anh - Pháp mới buộc phải tuyên chiến, bởi 2 nước này đã ký thỏa thuận đồng minh trước đó. Tuy nhiên, lực lượng quân đội với kỷ luật thép lại được trang bị vũ khí hiện đại nên Hitler nhanh chóng áp đảo trên chiến trường. Adolf Hitler và các tướng lĩnh dưới quyền đã chỉ huy binh lính tiến đánh các nước sát biên giới với Liên Xô. Tháng 6/1941, Đức bất ngờ cắt đứt thỏa thuận không xâm lược với Liên Xô và tiến hành chiến dịch Barbarossa, một kế hoạch tấn công khổng lồ với 3.300.000 quân Đức và 60 vạn quân các nước chư hầu để chiếm đóng Moscow trước cuối năm, chiến tranh Xô - Đức bắt đầu.
Ban đầu do tình hình lực lượng cùng các phương tiện chiến tranh còn thua xa Đức nên quân đội phát xít chiếm được ưu thế. Tuy nhiên, với sự chính nghĩa và lòng quả cảm, Hồng quân Liên Xô dưới sự chỉ huy của Đại nguyên soái Stalin dần lấy lại được ưu thế. Đặc biệt là sau khi phát xít Đức thua trận ở Stalingrad (nay là Volgograd). Sau này, các sử gia đánh giá trận đánh này là bước đầu tiên tiến tới thắng lợi của Liên Xô trong Chiến tranh Thế giới thứ 2.
Và cũng sau thất bại tại Stalingrad, quân đội Đức đã không thể phục hồi sức mạnh như trước, cũng như không thể giành lại quyền chủ động ở mặt trận phía Đông, và buộc phải chuyển sang thế phòng ngự. Cục diện chiến trường thay đổi, Hồng quân Liên Xô ngày cành lớn mạnh và xoay chuyển tình thế từ phòng ngự đến phản công và tiến công. Với sức mạnh như vũ bão, với nhiệm vụ cứu rỗi nhân loại khỏi giai đoạn đen tối nhất lịch sử, Hồng quân Liên Xô đã tiến đánh quân đội phát xít cùng các đồng minh của chúng đến tận sào huyệt cuối cùng ở Thủ đô Berlin.
Và không chỉ đánh phát xít Đức ở châu Âu, Hồng quân Liên Xô còn đánh tan đạo quân Quan Đông của phát xít Nhật ở Trung Quốc góp phần vào việc nước Nhật phải đầu hàng đồng minh (8/1945). Riêng với Việt Nam, việc Hồng quân Liên Xô đánh bại phát xít Nhật là một trong những yếu tố, sự cổ vũ to lớn cho quân và dân ta đứng lên giải giành độc lập vào tháng 8/1945.
70 năm chiến thắng phát xít đã đi qua, sự hy sinh to lớn của Hồng quân Liên Xô dưới sự lãnh đạo của Đại nguyên soái Stalin sẽ mãi là biểu tượng cho tinh thần chiến đấu bảo vệ chủ quyền và bảo vệ chính nghĩa. Sau khi Stalin rời xa cõi đời, có nhiều luồng dư luận trái chiều giữa công và tội của ông. Tuy nhiên, với những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới, Stalin chính là nhà chính trị, quân sự lỗi lạc có đóng góp lớn để kiến tạo nên hòa bình như ngày hôm nay.
Nhận xét về con người Stalin, không có lời nào thuyết phục hơn Winston Churchill (1874 - 1965), Thủ tướng Anh thời Chiến tranh thế giới thứ 2 - người mà lúc sinh thời Stalin cho là “kẻ thù số 1” của ông: “Một hạnh phúc lớn lao đối với nước Nga là trong những năm thử thách khổng lồ, đất nước này được thiên tài, tướng quân sắt đá Stalin lãnh đạo. Ông ấy là nhân vật kiệt xuất nhất, bao trùm lên cái thời nhiều biến động mà cuộc đời ông ấy đã trôi qua. Stalin là con người nhiệt huyết phi thường và ý chí không gì bẻ gãy nổi, cứng rắn, khốc liệt trong trò chuyện, người mà ngay cả tôi, kẻ được giáo dục tại Nghị viện Anh, cũng không có gì cưỡng lại được. Stalin trước hết có một bộ óc hài hước phong phú, khả năng thâu nhận những ý tưởng một cách chuẩn xác. Sức mạnh này trở nên vĩ đại ở Stalin đến nỗi ông ấy trở nên độc nhất vô nhị giữa những nhà lãnh đạo quốc gia mọi thời và mọi nơi”.
Cảnh Nam