Xã hội

Lao động Nghệ An cẩn trọng khi tiếp cận cơ hội việc làm mới ở Úc

Thanh Nga 13/09/2024 12:34

Vừa qua, Australia (Úc) và Việt Nam đã thống nhất tạo điều kiện cho 1.000 lao động Việt Nam sang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp ở Australia. Thế nhưng, cơ hội để được đi Australia theo chương trình này không dễ dàng đối với người lao động.

Cơ hội mới cho người lao động

Bộ Lao động - TB&XH và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam vừa công bố triển khai thực hiện hỗ trợ công dân Việt Nam đi làm việc tại Australia theo chương trình Di chuyển lao động Thái Bình Dương - Australia (PALM). Theo đó, Australia sẽ cấp phép tối đa 1.000 lao động Việt Nam làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp tại nước này, với mức lương lên tới 60 triệu đồng/tháng. Lao động có thể lựa chọn công việc ngắn hạn, thời gian 6-9 tháng, hoặc chọn công việc dài hạn, 1-4 năm.

uc.jpg
Lao động kết hợp kỳ nghỉ sẽ làm các công việc như trồng và thu hoạch nông sản; trồng và khai thác gỗ; ... Ảnh: Bộ LĐ,TB&XH

Phía đối tác chỉ yêu cầu có kỹ năng nghề từ thấp đến bán lành nghề trong ngành nông nghiệp như trồng trọt, chế biến thịt, thủy sản (bao gồm nuôi trồng thủy sản) và lâm nghiệp. Người lao động phải đáp ứng các tiêu chí, điều kiện như: có kỹ năng phù hợp, trình độ hoặc kinh nghiệm làm việc cần thiết theo yêu cầu của người sử dụng lao động; thể chất khỏe mạnh; tuổi trên 21. Đặc biệt, phải có trình độ tiếng Anh IELTS 4.0 trở lên, đủ để có thể làm việc, hòa nhập cuộc sống tại Australia và góp phần giảm rủi ro và tự giải quyết phát sinh.

Người lao động tham gia chương trình được hưởng quyền lợi theo quy định của luật pháp Australia như người lao động Australia; được bố trí đủ việc làm, nơi làm việc an toàn và được người sử dụng lao động chi trả tối thiểu 300 AUD (Đô la Australia), khoảng 5 triệu đồng VNĐ cho chi phí vé máy bay từ Việt Nam đến nơi làm việc, nơi ở tại Australia.

Lao động làm việc ở ngành nông nghiệp tại Austrailia
Lao động làm việc ở ngành nông nghiệp tại Australia.

Không những không phải chi trả tiền dịch vụ cho doanh nghiệp dịch vụ hoặc chi phí hành chính cho đơn vị sự nghiệp công lập, người lao động làm việc tại quốc gia có nền nông nghiệp hiện đại này được hưởng mức thu nhập được đánh giá là cao so với các thị trường tiếp nhận lao động khác.

Theo trao đổi của ông Trần Phi Hùng - Trưởng phòng An toàn lao động - Việc làm, Sở Lao động - TB&XH Nghệ An, dù mức thu nhập và chế độ đãi ngộ hấp dẫn như vậy nhưng người lao động ở Nghệ An cũng khó tiếp cận, vì hầu hết những người lao động muốn đi làm việc ở nước ngoài theo chuyên ngành này đều chưa có trình độ tiếng Anh đáp ứng theo yêu cầu, nếu có 4.0 IELTS trở lên thì đa phần người lao động đều đang tham gia học tập ở các trường đại học và họ không muốn lao động trong ngành nông nghiệp.

Để người lao động tiếp cận được với những công ty có đủ thẩm quyền được đưa lao động sang Australia là rất khó khăn, khi có quá ít doanh nghiệp được lựa chọn. Bên cạnh đó, vừa qua nhiều đơn vị, doanh nghiệp, nhiều tổ chức, cá nhân đã có những chiêu trò quảng cáo có thể đưa người lao động sang Australia, trong khi bản thân họ không được lựa chọn là doanh nghiệp đủ thẩm quyền được phép tuyển dụng đưa người lao động sang Australia theo chương trình PALM.

Ông Trần Phi Hùng - Trưởng phòng An toàn lao động - Việc làm, Sở Lao động - TB&XH Nghệ An

Người lao động cần tránh bị lừa đảo

Mặc dù chương trình mới bắt đầu triển khai, nhưng theo ghi nhận của ngành chức năng thời gian qua đã xuất hiện một số tổ chức, cá nhân mạo danh được Bộ Lao động - TB&XH và phía Australia lựa chọn để tuyển chọn, thu tiền của người lao động trái quy định pháp luật.

Cũng theo trao đổi của ông Trần Phi Hùng - Trưởng phòng An toàn lao động - Việc làm, Sở Lao động - TB&XH Nghệ An, tháng 5 vừa qua, Bộ LĐ,TB&XH đã có Công văn 2045/LĐTBXH- QLLĐNN ngày 16/5/2024 về việc phối hợp thông tin để ngăn chặn tình trạng lừa đảo đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại trong ngành nông nghiệp theo Chương trình PALM.

Theo đó, Nghệ An kịp thời ban hành Công văn số 2078 /SLĐTBXH-LĐVL ngày 17/5/2024 về việc phối hợp thông tin để ngăn chặn tình trạng lừa đảo về chương trình lao động nông nghiệp tại Australia, nhằm ngăn ngừa tình trạng cá nhân, tổ chức lợi dụng thông tin về Chương trình lao động nông nghiệp tại Australia để lừa đảo, thu tiền của người lao động.

lao-dong.jpg
Ngày 1/3 vừa qua, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan và Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski ký ghi nhớ hợp tác hỗ trợ công dân Việt Nam sang Australia làm việc trong ngành nông nghiệp. Ảnh: vneconomy

Theo công văn này, Sở Lao động – TB&XH Nghệ An đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các cơ quan có chức năng tổ chức thông tin, tuyên truyền tới người lao động tại địa phương tuyệt đối không đăng ký theo bất kỳ cá nhân, tổ chức nào (bao gồm cả các cá nhân, tổ chức tự nhận là đại diện chủ sử dụng lao động tại Australia để tham gia chương trình lao động nông nghiệp tại Australia cho tới khi Bộ Lao động - TB&XH và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam công bố chính thức danh sách doanh nghiệp dịch vụ Việt Nam, đơn vị sự nghiệp được lựa chọn tham gia Chương trình PALM và đơn vị được phía Australia lựa chọn thực hiện Chương trình.

nhieu-tinh-phat-canh-bao-lua-dao-lao-dong-di-lam-viec-tai-uc-8011-3995.jpeg.jpeg
Nhiều tỉnh phát cảnh báo lừa đảo lao động đi làm việc tại Úc trong ngành nông nghiệp. Ảnh minh họa

Đồng thời, kịp thời phát hiện, xử lý cá nhân, tổ chức đến các địa phương tuyên truyền, tuyển dụng lao động tham gia chương trình nói trên khi chưa có văn bản hướng dẫn của Bộ Lao động – TB&XH theo quy định của pháp luật.

Các doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí bắt buộc nêu trên sẽ được chấm điểm theo một số tiêu chí sau: Kinh nghiệm về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (theo số năm, thị trường đưa lao động đi); Mức độ tuân thủ quy định của pháp luật về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (theo số năm không bị xử phạt hành chính liên tục từ 2 năm trở lên tính đến ngày nộp hồ sơ); Số lần doanh nghiệp được Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam chấm điểm xếp loại 5 sao trở lên.

Trong năm đầu tiên, tối đa 6 doanh nghiệp sẽ được lựa chọn đưa lao động sang Australia làm việc. Doanh nghiệp cần đáp ứng các điều kiện như: Có ít nhất 5 năm kinh nghiệm về đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (tính từ ngày người lao động đầu tiên xuất cảnh). Có ít nhất 3 cán bộ chuyên trách thị trường Australia đã tham gia bảo hiểm tại doanh nghiệp tối thiểu từ 6 tháng trở lên; trong đó, có 1 nhân viên tìm kiếm, phát triển thị trường, và 1 nhân viên quản lý lao động có trình độ tiếng Anh 6.5 IELTS, hoặc tương đương trở lên; có 1 nhân viên thực hiện nghiệp vụ giáo dục định hướng cho người lao động trước khi đi làm việc tại Australia có trình độ tiếng Anh 5.0 IELTS, hoặc tương đương trở lên.

Ông Vi Ngọc Quỳnh – Phó Giám đốc Sở Lao động – TB&XH Nghệ An

Việc lựa chọn doanh nghiệp theo nguyên tắc lấy từ điểm cao nhất trở xuống. Trong trường hợp doanh nghiệp có số điểm bằng nhau, thì thứ tự ưu tiên để lựa chọn như sau: Trong 5 năm gần nhất, doanh nghiệp đưa được số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài lớn hơn; Trong 5 năm gần nhất, doanh nghiệp đưa được lao động đi làm việc ở nhiều nước/vùng lãnh thổ trong ngành nông nghiệp hơn. Doanh nghiệp có cán bộ chuyên trách thị trường Australia có kinh nghiệm học tập, làm việc, hoặc cư trú tại Australia.

Điều kiện ngặt nghèo như thế, nên cho đến nay chưa có doanh nghiệp xuất khẩu lao động nào ở Nghệ An đáp ứng đủ. Ông Nguyễn Lê Thắng – Giám đốc Công ty CP Phúc Chiến Thắng, cho biết: Về các điểm số như năm kinh nghiệm hay có nhân viên có chứng chỉ tiếng Anh 6.5 IELTS thì nhiều doanh nghiệp như chúng tôi hội tụ đủ. Thế nhưng, việc có 3 nhân viên chuyên trách thị trường Australia thì chúng tôi còn thiếu, và tôi tin rằng cũng chưa có công ty nào ở Nghệ An được cấp phép đưa người đi xuất khẩu lao động có đủ các yêu cầu của đối tác, vì thế đây cũng là "mảnh đất màu mỡ" cho nhiều cá nhân lợi dụng để lừa đảo người lao động./.

Mới nhất
x
x
Lao động Nghệ An cẩn trọng khi tiếp cận cơ hội việc làm mới ở Úc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO