Lao động người Nghệ An ở Thái Lan- Bài cuối: Cơ hội và yêu cầu mới

23/04/2015 08:35

(Baonghean) - Việc Thái Lan thực hiện kế hoạch đăng ký lao động đối với lao động Việt Nam trong những tháng đầu năm 2015 để tiến tới ký biên bản hợp tác lao động giữa 2 nước đang mở ra cơ hội hợp pháp hóa cho lao động Việt Nam đang làm việc tự do tại nước này...

Trước đây, nhằm thúc đẩy du lịch, Thái Lan đã ký hiệp định miễn thị thực với rất nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam về việc cho phép công dân nhập cảnh vào Thái Lan và cư trú trong vòng 30 ngày mà không cần visa. Do chính phủ 2 nước Việt Nam - Thái Lan chưa ký kết hợp tác XKLĐ, chưa có công ty nào được cấp phép hoạt động trên lĩnh vực này, nên hiện phần lớn lao động Việt Nam nói chung, lao động Nghệ An nói riêng đang làm việc ở Thái Lan đều đi bằng các hình thức không chính thống như: Theo đường tiểu ngạch, đi thăm thân, qua các đường dây môi giới lao động với chi phí từ 2 - 4 triệu đồng thông qua việc làm hộ chiếu du lịch; hết thời hạn 30 ngày họ phải đi gia hạn thị thực tại các cửa khẩu giáp Myanmar, Lào, Campuchia và Malaysia. Như thế, ngoài các rủi ro người lao động “chui” gặp phải, thì ngay cả việc bảo hộ quyền và lợi ích công dân của Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan cũng gặp khó khăn...

Nguyễn Hoàng Long (đứng) - sinh viên Việt Nam làm thêm ở khu ẩm thực Udonthanni (Thái Lan). Ảnh: Thu Hương
Nguyễn Hoàng Long (đứng) - sinh viên Việt Nam làm thêm ở khu ẩm thực Udonthanni (Thái Lan). Ảnh: Thu Hương

Căn cứ trên số người đã nối visa trong 3 năm (2012 - 2014), Bộ Lao động Thái Lan ước lượng số lao động bất hợp pháp Việt Nam ở nước này có thể lên đến 50 nghìn người. Mới đây, Chính phủ Thái Lan đã tăng cường các biện pháp nhằm quản lý lao động nước ngoài, trong đó có thanh tra lao động bất hợp pháp trên diện rộng.

Đối với lao động Việt Nam, sau khi 2 nước hoàn tất đàm phán về hợp tác lao động, Thái Lan thực hiện việc đăng ký lao động để tiến tới ký biên bản hợp tác lao động Việt Nam - Thái Lan nhằm giải quyết vấn đề lao động tự do còn tồn đọng và nhận lao động Việt Nam ở trong nước sang theo thỏa thuận.

Theo đó, Thái Lan sẽ cho phép các công dân Việt Nam nhập cảnh hợp pháp vào Thái Lan trước ngày 10/2/2015 nhưng đã hết thời hạn cư trú (quá 30 ngày kể từ lúc nhập cảnh), đang làm những công việc phổ thông như (giúp việc gia đình, phục vụ nhà hàng, quán ăn, thợ hồ, thợ sơn, rửa xe…) được đăng ký xin giấy phép lao động với thời hạn 1 năm. Được biết, Thái Lan sẽ lập các trung tâm đăng ký lao động nước ngoài tại Băng Cốc và 4 tỉnh: Chiềng Mai, Rayông, Nakhonpanom và Xoongkhla. Người lao động muốn đăng ký cần được các chủ lao động xác nhận, khai báo lý lịch và nộp đơn tại các trung tâm này. Thái Lan cho phép những lao động này tiếp tục tạm trú đến hết tháng 2/2016.

Trong tiến trình đăng ký nêu trên, đối tượng lao động tự do Việt Nam nhập cảnh vào Thái Lan theo hiệp định miễn thị thực mà ở lại làm việc và cư trú trái phép, không có giấy tờ hợp lệ sẽ bị áp dụng biện pháp tạm giam để xác minh. Những lao động không đăng ký lao động theo thời hạn, sẽ bị Thái Lan coi là bất hợp pháp. Phía Thái Lan cũng đã thông báo tiến trình đăng ký lao động cho Việt Nam và Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có thông báo gửi cho các tỉnh có đông người đang làm việc và cư trú bất hợp pháp tại Thái Lan, chủ yếu tập trung ở khu vực miền Trung...

Theo thống kê (chưa đầy đủ) của Công an tỉnh Nghệ An, trong năm 2014, số lượng công dân trên địa bàn sang Thái Lan lao động tự do là 378 người. Còn theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, hiện số lao động người Nghệ An đang làm việc tự do ở Thái Lan có khoảng hơn 800 người, chủ yếu là người dân quê ở các huyện Đô Lương (116 người), Con Cuông (85 người), Nghi Lộc, Hưng Nguyên…

Tuy nhiên, con số thực tế là lớn hơn nhiều, đi về tự do không thông báo với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng. Thực trạng đó gây nhiều khó khăn trong việc nắm bắt, quản lý nhân khẩu và công tác quản lý lao động đi làm việc ở nước ngoài trên địa bàn tỉnh; tiềm ẩn nguy cơ phức tạp ANTT trên địa bàn, đồng thời ảnh hưởng đến việc thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Từ tình hình thực tế trên, ngày 2/3/2015, UBND tỉnh Nghệ An đã có Công văn số 1101/UBND.NV yêu cầu các sở, ngành, địa phương thông tin kịp thời cho người dân về chủ trương thanh tra lao động bất hợp pháp và thực hiện đăng ký lao động Việt Nam của Chính phủ Thái Lan. Đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đúng quy định pháp luật về xuất, nhập cảnh sẽ áp dụng đối với người Việt Nam lao động tự do ở Thái Lan; khuyến cáo người lao động về những rủi ro từ việc ồ ạt sang Thái Lan lao động trái phép.

Khi chúng tôi tìm về một số địa phương trên địa bàn tỉnh có đông người đi lao động tự do ở Thái Lan, người dân tỏ ra vui mừng trước thông tin lao động Việt Nam đang làm việc tại Thái Lan sẽ được “hợp pháp hóa” và gia hạn thời gian cư trú 1 năm nếu đăng ký lao động với chính quyền nước bạn.

Tuy nhiên, không ít người băn khoăn lo lắng cho người thân đang làm việc tại đó vì không biết động thái của Thái Lan khi tiến hành các biện pháp trên là nhằm mục đích gì? Liệu người thân của họ có bị bắt giam, có bị trục xuất không? Sau khi tiến hành đăng ký lao động 1 năm, họ có tiếp tục được ở lại Thái Lan để làm việc tiếp không?

Ông Nguyễn Văn Thuần, ở xóm Nam Thịnh, xã Nghi Thiết (Nghi Lộc) cho biết: Trong xóm tôi có tới vài chục người và bản thân tôi có 2 con (1 trai, 1 gái) cũng đang làm việc ở Thái Lan. Chúng tôi nghĩ nếu đăng ký lao động mà được cấp phép gia hạn cư trú thì cũng mừng, vì không phải trốn chui, trốn lủi hay vất vả cứ 30 ngày phải tới cửa khẩu nước khác để gia hạn thị thực. Nhưng cũng lo là sau khi hết thời gian gia hạn dài rồi thì có được đăng ký ở lại mưu sinh tiếp không?

Triển vọng ký kết thỏa thuận hợp tác song phương Việt - Thái sẽ giúp thị trường Thái Lan tăng tính minh bạch và cạnh tranh, đồng thời mở ra cơ hội mới cho lao động Việt Nam về việc sớm được làm việc hợp pháp tại Thái Lan, từ đó hưởng các quyền lợi chính đáng liên quan đến mức lương, điều kiện làm việc và các chế độ bảo hiểm... Thực tế cơ hội việc làm của người Việt Nam nói chung, người Nghệ An, Hà Tĩnh nói riêng ở Thái Lan là rất lớn, bởi Thái Lan là nước có mức lương tối thiểu cao trong nhóm các nước ASEAN (300 Bath/ngày). Cộng đồng người Thái gốc Việt, nhất là ở Bangkok và Đông Bắc Thái Lan tương đối ổn định và thành đạt, có nhu cầu sử dụng lao động là bà con họ hàng từ trong nước sang; việc đi lại giữa Việt Nam và Thái Lan, đặc biệt là giữa các tỉnh miền Trung Việt Nam với vùng Đông Bắc Thái Lan rất thuận lợi do có cả đường hàng không và đường bộ kết nối. Việt Nam - Lào - Thái Lan nằm trong hiệp hội APOTC có các tỉnh (trong đó có Nghệ An) sử dụng đường 8 và đường 12.

Một góc phố ẩm thực ở Udonthani
Một góc phố ẩm thực ở Udonthani

Thời gian qua, Nghệ An cũng đã tiến hành một số hoạt động hợp tác với một số tỉnh của Thái Lan trên các lĩnh vực kinh tế - thương mại - đầu tư, giáo dục - đào tạo, văn hóa, thể thao, du lịch... Tuy nhiên, vì chưa ký kết hợp tác lao động, và cả việc hạn chế về năng lực, trình độ tay nghề và ngôn ngữ, người lao động Việt Nam nói chung, khu vực Nghệ An - Hà Tĩnh nói riêng chủ yếu vẫn lao động phổ thông, chưa có cơ hội làm việc trong lĩnh vực công nghiệp, các khu chế xuất ở Thái Lan.

Ông Nguyễn Hải Dương, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Nghệ An cho rằng: Khi hai bên chính thức ký kết hợp tác lao động, thị trường lao động Thái Lan mở cửa sẽ thực sự là cơ hội cho lao động Nghệ An. Nhưng muốn tận dụng lợi thế và đẩy mạnh thị trường XKLĐ sang Thái Lan cần nhất vẫn là công tác đào tạo nghề, đào tạo tiếng, bồi dưỡng kỹ năng và tác phong làm việc chuyên nghiệp thì người lao động mới có cơ hội tiếp cận với các nghề kỹ thuật, thu nhập khá và mang tính ổn định cao

Trước mắt, trong khi chờ Chính phủ 2 nước thúc đẩy tiến trình kỳ kết hợp tác lao động, các ngành chức năng, các địa phương trên địa bàn tỉnh cần tăng cường công tác tuyên truyền cho nhân dân và người lao động nắm bắt quy định của pháp luật nhà nước về hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài nói chung, Thái Lan nói riêng, và những khó khăn, rủi ro, hệ lụy tiêu cực đối với hình thức lao động tự do và cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài. Từ đó vận động người lao động tự do đăng ký với chính quyền bạn làm các thủ tục giấy tờ cư trú để có thể yên tâm làm việc và được bảo vệ các quyền lợi chính đáng. Kiên quyết xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân lôi kéo đưa người di cư sang làm việc và cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài, gây phức tạp về tình hình an ninh trật tự trong và ngoài nước. Tăng cường công tác quản lý về tạm vắng, tạm trú, thường trú; hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý cư trú tại các địa phương. Siết chặt việc kiểm tra, kiểm soát biên giới, cửa khẩu kết hợp với công tác xét duyệt, cấp thị thực. Và điều quan trọng là bản thân người lao động cần có ý thức tôn trọng pháp luật sở tại trong quá trình nhập cảnh và cư trú. Bởi suy cho cùng, người lao động cũng là đại diện cho hình ảnh và uy tín của một quốc gia, một địa phương...

Khánh Ly - Mỹ Hà

TIN LIÊN QUAN

Từ tháng 4/2015, Bộ Y tế Công cộng Thái Lan cho phép lao động 4 nước: Việt Nam, Myanmar, Lào, Campuchia đang lao động tại Thái Lan và người phụ thuộc đủ điều kiện có thể mua bảo hiểm y tế như người dân Thái Lan. Với loại bảo hiểm này, người lao động sẽ được thanh toán chi phí khám, chữa các bệnh mãn tính, phẫu thuật và thậm chí cả những loại thuốc kháng retrovirus đắt tiền.

Mới nhất

x
Lao động người Nghệ An ở Thái Lan- Bài cuối: Cơ hội và yêu cầu mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO