Lao động người Nghệ - một góc nhìn

15/10/2012 16:31

(Baonghean) - Chuyện về người lao động (NLĐ) Nghệ An (cùng với Hà Tĩnh, Thanh Hóa, gọi chung là NLĐ Nghệ) bị "tẩy chay" ở một số khu công nghiệp phía Nam thực ra không mới, nhưng bỗng trở nên nóng bỏng trong những ngày qua do có sự vào cuộc mạnh mẽ của báo chí. Từng là người trong cuộc, và với mong muốn được cảm thông chia sẻ với NLĐ Nghệ xa quê, chúng tôi quyết định thực hiện một chuyến "Nam tiến" để trực tiếp nghe, thấy và suy ngẫm…

Nghẹn đắng tủi buồn

Để tìm được Nguyễn Văn Nghị (quê Nghi Lộc, Nghệ An), tôi phải vòng qua rất nhiều dãy nhà trọ san sát dành cho công nhân tại Khu công nghiệp Long Bình, Đồng Nai. Cuối cùng thì cũng tìm thấy Nghị đang tá túc nhờ nhà một người bạn cùng quê. Cuốn vội cái mền trên chiếc giường lộn xộn, Nghị tiếp chuyện tôi với khuôn mặt buồn rười rượi: "Dạo ni em thất nghiệp, ăn bám bạn bè hết đứa nọ sang đứa kia vậy". "Sao đến nông nỗi ấy ?" - Tôi hỏi. Nghị buồn bã trả lời: "Em bị đuổi khỏi công ty rồi. Lý do từ việc bọn em tổ chức đình công. Có một bạn nữ đồng hương mang thai, ốm nghén nên năng suất làm việc giảm, vậy mà họ bắt cô ấy nghỉ việc. Mấy anh em đồng hương uất ức quá mới nghỉ việc phản đối. Sau đó bọn em bị đuổi việc hết". Tôi hỏi, bây giờ mất việc như vậy thì tính sao, có định về quê không, Nghị trả lời: "Em không có ý định về quê đâu. Về quê cũng chỉ biết trông cậy mấy sào ruộng. Thôi thì chịu khó ở lại tìm cơ hội". Nghị cũng tỏ ra rất băn khoăn khi tôi có ý định chụp ảnh: "Anh đừng chụp ảnh em đăng lên báo nhé, lỡ người thân ở nhà thấy được lại lo buồn. Thất nghiệp nhưng em vẫn chưa nói với bố mẹ đâu".



Một khu xóm trọ người Nghệ tại KCN ở Long Bình, Đồng Nai

Gần chỗ Nghị ở, tôi gặp đồng hương Phan Thị Xuân, quê Diễn Châu. Xuân mới xin được việc làm tại Công ty Mitsuba, Khu công nghiệp Long Bình được ít ngày với mức lương 2,3 triệu đồng một tháng. Xuân kể: "Em đã vào đây 10 năm rồi. Cũng lăn lộn đến mấy công việc rồi đấy. Trước khi vào làm cho Mitsuba, em đã mất 3 tháng đi xin việc, đến đâu cũng gặp câu trả lời: "Ở đây không nhận lao động Nghệ". Có công ty nhận hồ sơ, ghi số điện thoại rồi hẹn: "Nếu tuyển người còn thiếu thì sẽ gọi". Vậy là dù ở Mitsuba, lương thấp em vẫn phải chấp nhận. Trong công ty không mặn mà với NLĐ Nghệ Tĩnh đã đành, nhưng ngay cả bên ngoài người ta cũng đồn đại: Dân Nghệ Tĩnh toàn đánh nhau, phá rối nên bọn em buồn lắm. Thật ra, chuyện này thì họ cũng không phải nói oan, vẫn có đánh nhau, chống lệnh cấp trên, nhưng đó là khi thấy người mình bị ức hiếp.

Còn với Trần Thị Nguyệt, quê Đô Lương, hiện đang làm công nhân giày da tại Công ty Bonschen, Khu công nghiệp Tân Tạo, T.P Hồ Chí Minh thì cho biết: “Ở chỗ bọn em người ta vẫn nhận lao động Nghệ, nhưng chỉ nhận nữ thôi, còn nam thì dứt khoát không nhận. Họ nói, nam người Nghệ mình hay đánh nhau, hút thuốc trong giờ làm việc...”.

Chứng kiến và lắng nghe những nỗi niềm ấy, tôi lại chạnh nhớ về một quãng đời của chính mình. Năm 2000, tôi cũng đã từng nộp hồ sơ dự tuyển vào một công ty ở quận Tân Bình,TP. Hồ Chí Minh. Dù đã vượt qua những ứng viên khác, nhưng ông Tổng Giám đốc người miền Nam không đồng ý với lý do tôi là "người Nghệ". Ông ta nói với giám đốc nhân sự rằng: "Tốt nhất là dùng người Nam, cùng lắm là người Bắc, bất đắc dĩ mới dùng người Trung". Sau rất nhiều thuyết phục, ông tổng giám đốc cũng nhận tôi vào làm việc với sự dè dặt. Rồi trong một lần đi công tác ở Tây Nguyên, khi đi qua Khu công nghiệp Singapore (tỉnh Bình Dương) có một tấm bảng lớn treo trước cổng với nội dung: Cần tuyển 500 lao động phổ thông, lương thưởng và các chế độ theo quy định của Nhà nước, nhưng ở phía dưới lại ghi: Không nhận lao động Nghệ An và Hà Tĩnh. Ông giám đốc chỉ tay và nói: "Người Nghệ đấy", tôi nghẹn đắng, im lặng.

Vì đâu nên nỗi?

NLĐ tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh chủ yếu tập trung nhiều tại các khu công nghiệp như Bình Đường, Sóng Thần (tỉnh Bình Dương), Biên Hòa 1, Biên Hòa 2, Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) và Bình Chánh, Tân Tạo (TP. Hồ Chí Minh). Khi xa quê, sự đùm bọc, giúp đỡ nương tựa vào nhau của dân Nghệ được bộc lộ rất rõ, đây chính là nết riêng của người Nghệ chúng ta mà những vùng đất khác không thể có được. Nhưng cũng từ đây, nhiều nết xấu cũng sinh ra...

Trong một lần ghé thăm người bạn ở khu nhà trọ Bình Đường (Bình Dương), đang là ngày thứ 5 nhưng tôi thấy toàn bộ "dân Nghệ" của 2 dãy nhà trọ 12 phòng đều ở nhà hết. Hỏi ra mới biết, ngày hôm qua có 1 NLĐ Nghệ bị quản đốc phê bình và trừ lương, nên hôm nay tất cả đều nghỉ làm để phản đối, đấu tranh bảo vệ đồng hương của mình.

Không chỉ ở các khu công nghiệp trong nước, các chương trình tuyển thực tập sinh (vừa học, vừa làm) tại Nhật Bản của một số công ty XKLĐ cũng ghi rất rõ: Chỉ tuyển dụng người có hộ khẩu từ tỉnh Quảng Bình trở vào.



Một số lao động Nghệ An buồn bã vì thất nghiệp sau khi không còn việc làm

Trong một lần sang Hàn Quốc, tôi tìm đến Khu công nghiệp Ienchon thăm mấy người bạn đang làm việc tại đây theo diện xuất khẩu lao động. Biết có đồng hương, bạn rủ thêm mấy NLĐ Nghệ đến phòng và một bữa rượu được dọn ra với những con chim bồ câu rô ti làm mồi nhậu. Tôi lấy làm ngạc nhiên bởi tại đất nước này mà cũng có rượu "quốc lủi". Thấy tôi ngạc nhiên, Long - người xã Cương Gián, Nghi Xuân nói: "Bọn em nấu đấy, men rượu được gửi bên nhà sang". Tôi trợn tròn mắt khi hiểu ra... Đến chiều, cả 5 người đưa tôi đi dạo ở quảng trường gần khu công nghiệp. Ở đây có rất nhiều chim bồ câu quấn quýt, dạn dĩ vui đùa với người dạo chơi. Và hầu hết cư dân ở đây đều yêu quý, bảo vệ loài chim này. Khi ngồi xuống nghỉ chân bên đài phun nước, Tiến, quê ở Vinh, rút trong túi áo khoác ra một gói bánh bích quy và bẻ nhỏ, tung từng miếng cho đàn chim bồ câu.... Bỗng "choác choác", 2 chú bồ câu nằm gọn trong áo khoác của Tiến. Thì ra mồi nhậu là đây...

Chỉ một chi tiết nhỏ ấy thôi cũng phần nào nói lên việc vì sao lao động Nghệ đã để lại dư âm không mấy tốt đẹp trong lòng những chủ sử dụng lao động ở nước ngoài nói riêng, dẫn đến lao động người Nghệ thường bị “tẩy chay”. Ông Nguyễn Thanh Minh - Phụ trách công nhân KCN Long Bình (Đồng Nai) cho hay: Vấn đề về người Nghệ thì quả thực các nhà sử dụng lao động rất ngại, nhưng mấy năm trước, do khan hiếm lao động, buộc phải nhận để đủ số lượng đáp ứng cho công việc. Nhưng năm nay, khủng hoảng kinh tế xẩy ra, nhiều công ty phải thải bớt lao động. Trong lúc thừa người, thiếu việc thì các công ty lớn có cơ hội lựa chọn lao động, không nhận lao động người Nghệ. Ông cũng nhận xét: Người Nghệ làm việc chăm chỉ, hết mình nhưng hay chống lại công ty và ý thức kỷ luật kém, nhất là tính hùa nhau. Ngược lại, người các tỉnh khác ngoan ngoãn, nói gì nghe vậy, nhưng họ làm việc không chăm chỉ và nhiệt tình như người Nghệ.

Chúng ta nên thẳng thắn thừa nhận rằng: Việc tẩy chay NLĐ Nghệ là có thật, và nguyên nhân trước hết thuộc về những người lao động. Cũng cần khẳng định, những thói xấu nêu trên của NLĐ Nghệ không phải là phổ biến, chỉ là thiểu số. Hơn nữa, tính cách người Nghệ thường thẳng thắn, bộc trực, không khéo léo, thường hay "ăn sóng nói gió" nên chỉ dù là chuyện nhỏ, nhưng dễ gây hiểu nhầm cho chủ sử dụng, thêm vào đó là tính a dua. Người Nghệ chăm chỉ, nhiệt tình, chủ sử dụng lao động nếu không đánh giá đúng năng lực công sức của họ thì với tính cách bộc trực đó, dễ dẫn đến phản ứng là tất nhiên. Đặc biệt, khi chủ sử dụng lao động có thái độ phân biệt thì càng dễ sinh mâu thuẫn, đó là nguyên nhân khách quan, không thể đổ lỗi cho NLĐ Nghệ. Các nhà tuyển dụng lao động không hề có sự phân biệt nào ngoài tính hiệu quả, việc sản xuất ổn định mang lại lợi nhuận cho công ty mình. Thực tế thì ban đầu NLĐ Nghệ rất được những nhà tuyển dụng tin dùng, ở họ có nhiều đức tính tốt như cần cù chịu khó, đặc biệt là sự nắm bắt nhanh nhạy công việc khi được giao. Nhưng những điều đó không còn là một lợi thế nữa, khi một số NLĐ Nghệ bắt đầu bộc lộ những đặc tính khác nữa, gây phiền phức cho các công ty. Sự cục bộ địa phương, tính a dua, bất chấp đúng sai làm cho nhiều chủ sử dụng lao động khiếp sợ. Trong xu thế hội nhập luôn luôn cần sự thay đổi, làm mới mình để thích nghi, nhưng NLĐ Nghệ mặc dù vào phía Nam làm việc đã mấy năm cũng không hề mất đi tính cách cố hữu, nơi mà công việc đòi hỏi phải có tác phong, tư duy công nghiệp.

Luật sư Trần Lê Đình, chuyên tư vấn và giải quyết các cuộc đình công cho các công ty ở Khu công nghiệp Sóng Thần, cũng là người Nghệ An, nhưng cũng phải ngán ngẩm cho biết: "Phần nhiều những cuộc đình công ở các khu công nghiệp phía Nam chủ yếu đều do NLĐ Nghệ khởi xướng".

Bên cạnh những người Nghệ kể trên làm ảnh hưởng đến việc đánh giá, nhìn nhận của những nhà tuyển dụng, thì cũng có rất nhiều NLĐ Nghệ nhanh chóng thay đổi mình để đáp ứng được nhu cầu của công việc và cuộc sống mới. Nên vì thế, họ vẫn nhận được sự tin tưởng của chủ sử dụng lao động. Chị Trần Thị Tài, quê ở Đô Lương, làm việc tại Công ty sản xuất túi xách, ba lô JH Việt Nam ở quận 12, TP. Hồ Chí Minh đã gắn bó với công ty này hơn 10 năm, hiện đang làm chuyền trưởng (45 công nhân). Chị cho biết: "Ở Bình Dương và Đồng Nai, NLĐ Nghệ bị mất tín nhiệm là do họ tự gây ra thôi, còn nhiều công ty ở TP. Hồ Chí Minh vẫn rất "chuộng" NLĐ Nghệ".

Rõ ràng, việc NLĐ Nghệ bị một số nhà tuyển dụng tẩy chay là điều đáng buồn, nhưng đây cũng là dịp buộc NLĐ tự nhìn lại bản thân mình. Chúng ta kêu gọi đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhưng rất tiếc hiện nay, các cơ sở dạy nghề, trường trung cấp và thậm chí là các trường cao đẳng và đại học chỉ chú trọng về đào tạo nghiệp vụ, kỹ năng chuyên môn mà chưa quan tâm việc xây dựng cho NLĐ những kỹ năng mềm cần thiết trong lao động để chuẩn bị cho công nghiệp và hiện đại hóa. NLĐ chỉ cần cù, chịu khó và giỏi tay nghề không thôi thì chưa đủ, mà phải có tính chuyên nghiệp, có văn hóa lao động cao, thể hiện bằng sự tôn trọng kỷ luật, có như vậy thì mới đáp ứng được các yêu cầu của doanh nghiệp.

Muốn công nghiệp hóa và hiện đại hóa hãy bắt đầu từ con người. Đừng dựa vào rồi lại đổ lỗi cho "truyền thống". Cần nhanh chóng thay đổi, tự làm mới mình để thích ứng với xã hội.


Thế Sơn (TP. Vinh)

Mới nhất
x
Lao động người Nghệ - một góc nhìn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO