Lao động thất nghiệp không muốn học nghề?

(Baonghean) - Từ đầu năm 2012 đến nay, toàn tỉnh có 7.848 người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) nhưng trong số này chỉ có 25 người đăng ký học nghề. Vì sao người lao động đang thất nghiệp lại không thích học nghề, trong khi họ được chính sách hỗ trợ dạy nghề cho người hưởng chế độ BHTN ưu đãi toàn phần?

Thời gian gần đây, vào buổi sáng, phòng BHTN - Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Nghệ An lại đông hơn bởi số người đến đăng ký hưởng trợ cấp BHTN. Trung bình mỗi ngày, phòng BHTN tiếp nhận hơn 30 bộ hồ sơ. Đa số người đến xin hưởng trợ cấp thất nghiệp đều là lao động phổ thông, nhưng khi được cán bộ của Trung tâm tư vấn, định hướng học nghề thì ai cũng lắc đầu.

Người lao động đăng ký hưởng trợ cấp BHTN tại Trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm Nghệ An.

Em Nguyễn Văn Thuật (SN 1992) ở Đôn Phục - Con Cuông, tốt nghiệp THPT năm 2010, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, em không tiếp tục theo học mà xin đi làm công nhân ở cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm tại Khu công nghiệp Bình Dương với mức lương 2,2 triệu đồng/tháng. Hơn 2 năm làm việc xa nhà, Tết vừa rồi, em quyết định nghỉ việc về quê với mong muốn tìm được một công việc gần nhà, phù hợp với sức khỏe. Khi được cán bộ của Trung tâm tư vấn cho em học nghề thì em không đồng ý mà nói sẽ tự tìm việc làm.

Trần Thị Hoài (SN 1990) ở Đà Sơn – Đô Lương, tốt nghiệp THPT, em xin đi làm công nhân cho Công ty TNHH Electronics ở TP Hồ Chí Minh với thu nhập 2,9 triệu đồng/tháng. Dịp nghỉ Tết vừa rồi em xin nghỉ việc luôn để về quê với mong muốn tìm được một công việc phù hợp hơn. Khi được hỏi vì sao không đăng ký học nghề theo chính sách hỗ trợ của BHTN, em chia sẻ: “Em chỉ muốn theo nghề gắn linh kiện điện tử mà em đã làm thành thạo trong những năm qua chứ không muốn chuyển đổi nghề. Bởi vì chuyển đổi nghề sẽ mất một quãng thời gian dài để học và trong thời gian này sẽ không có thu nhập. Học nghề xong cũng không biết có xin được việc làm hay không”.

Theo bà Lâm Thị Quế - Trưởng phòng BHTN, Trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm Nghệ An thì nguyên nhân chủ yếu NLĐ thất nghiệp không chịu học nghề là do quy định về mức hỗ trợ học nghề còn thấp, chỉ 300.000 đồng/tháng, thời gian học tối đa không quá 6 tháng. Với mức tiền hỗ trợ và thời gian học ngắn như vậy thì NLĐ chỉ được đào tạo nghề sơ cấp, sau khi tốt nghiệp cũng không dễ tìm việc làm. Mà nếu có tìm được việc làm thì mức lương chênh lệch giữa trình độ THPT và trình độ sơ cấp cũng không cao, do vậy người lao động chọn phương án tìm việc làm ngay sau khi thất nghiệp hơn là học nghề.

Trên thực tế, những lớp đào tạo nghề với trình độ sơ cấp thì người lao động chưa đủ khả năng để nâng cao kỹ năng làm việc. Còn nếu muốn nâng cao tay nghề, người lao động phải bỏ thêm chi phí vượt trội. Trong khi đó, đại đa số người lao động thất nghiệp trên địa bàn tỉnh lại là lao động phổ thông, đời sống vốn khó khăn, khi bị mất việc, tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp mới chỉ bù được một phần khó khăn của cuộc sống, thì lấy đâu ra tiền để tái đầu tư cho một nghề mới. Do vậy tâm lý chung của họ là dành thời gian đó để làm các công việc khác nhằm duy trì cuộc sống hơn là đầu tư vào học nghề.

Trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, có rất nhiều lao động làm việc tại khu công nghiệp của các tỉnh phía Nam do tiền lương thấp, giá cả đắt đỏ, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn đã xin thôi việc trở về quê tìm việc làm mới. Trong năm 2012, có 6.066 lao động xin hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong đó lao động thất nghiệp trên địa bàn là 1.589 người, lao động từ các tỉnh khác chuyển về 4.879 người. Riêng 3 tháng đầu năm 2013 (tính đến ngày 20/3), có 1.782 lao động làm thủ tục xin hưởng trợ cấp BHTN, trong đó số thất nghiệp trên địa bàn tỉnh là 329 người, từ các tỉnh khác chuyển về 1.488 người.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Đăng Dương – Trưởng phòng Việc làm – Lao động – Tiền lương - BHXH, Sở Lao động Thương binh & Xã hội cho biết: Để công tác đào tạo nghề cho người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp phát huy hiệu quả, Chính phủ cần thay đổi chính sách hỗ trợ học nghề cho người hưởng trợ cấp thất nghiệp một cách phù hợp. Bên cạnh đó, cần có sự gắn kết giữa cung và cầu lao động, mà cụ thể là sự hỗ trợ của các doanh nghiệp trên địa bàn để người lao động học xong thì có việc làm ngay.

Đồng quan điểm với ông Nguyễn Đăng Dương, anh Cao Văn Bảo - Phó phòng BHTN - Trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm cho rằng: Bên cạnh việc điều chỉnh mức hỗ trợ phí học nghề lên cao hơn và kéo dài thời gian học nghề thì cần có sự vào cuộc của các doanh nghiệp. Cụ thể, nếu doanh nghiệp cần lao động về ngành nghề, lĩnh vực gì thì sẽ trực tiếp mở lớp đào tạo cho người lao động về ngành nghề đó, kinh phí đào tạo sẽ do BHXH trích từ nguồn BHTN chi trả cho doanh nghiệp. Sau khi học xong, doanh nghiệp nhận lao động vào làm việc đúng với ngành nghề mà doanh nghiệp đã đào tạo cho họ. Chỉ khi thấy được “đầu ra” mới mong tác động đến nhận thức của người lao động để họ chịu học nghề và chuyển đổi nghề một cách thích hợp, nhằm giảm tỷ lệ người thất nghiệp trên địa bàn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Võ Huyền (TP. Vinh)

tin mới

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.