Lấy phiếu tín nhiệm chính là thước đo trách nhiệm cá nhân!
(Baonghean) - Sau Quốc hội, HĐND các cấp cũng đang chuẩn bị các bước để lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND bầu. Phóng viên Báo Nghệ An đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Văn Mão - Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh về các nội dung liên quan.
P.V: Thưa ông! Hiện nay, cùng với Quốc hội, HĐND các cấp cũng đang triển khai kế hoạch lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND bầu và phê chuẩn. Vậy, xin ông cho biết cách thức, quy trình, thủ tục lấy phiếu tín nhiệm để đảm bảo khách quan, trung thực và đúng thực chất?
Ông Trần Văn Mão: Theo Nghị quyết số 35/2012/QH13, ngày 21/11/2012 của Quốc hội; Nghị quyết số 561/2013/UBTVQH13, ngày 16/1/2013 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, danh sách các chức danh do HĐND tỉnh thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 9 - HĐND tỉnh khóa XVI, gồm: Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND, Ủy viên Thường trực HĐND, các Trưởng ban của HĐND tỉnh; Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND, các Ủy viên UBND tỉnh. Những người được lấy phiếu tín nhiệm là người đang công tác ở chức danh lấy phiếu tín nhiệm một năm trước đó.
Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh giám sát công tác bảo vệ môi trường ở làng nghề mộc Tây Hồ (Nam Đàn).
Mục đích của việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do HĐND bầu là nhằm “thăm dò” mức độ tín nhiệm của các đại biểu HĐND tỉnh đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu, từ đó giúp người được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của mình; đồng thời làm cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ.
Mặt khác, đây cũng là hoạt động nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát của HĐND tỉnh đối với các chức danh do HĐND bầu cũng như đối với các đại biểu HĐND. Vì vậy, việc lấy phiếu tín nhiệm đặt ra yêu cầu rất cao về tính khách quan, công bằng, dân chủ, bảo đảm đúng thực chất kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Đó không chỉ là mong muốn của các đại biểu HĐND mà còn là mong muốn của tất cả các cử tri - những người đã bầu ra các đại biểu HĐND.
Để việc lấy phiếu tín nhiệm đáp ứng được các yêu cầu trên cần phải tuân thủ quy trình, cách thức, thủ tục lấy phiếu, bỏ phiếu được quy định tại Nghị quyết 35/2012/QH13 của Quốc hội. Cụ thể, các chức danh thuộc diện được lấy phiếu tín nhiệm phải gửi báo cáo kết quả công tác, cũng như việc tuân thủ pháp luật, đạo đức, lối sống của mình và giải trình các nội dung liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm tới Thường trực HĐND tỉnh trước 20 ngày trước khi kỳ họp đầu tiên hàng năm của HĐND tỉnh khai mạc (kỳ họp đầu tiên của HĐND tỉnh năm 2013 dự kiến diễn ra từ ngày 11 đến 13/7/2013 tới).
Ủy ban MTTQ tỉnh có trách nhiệm tập hợp, tổng hợp đầy đủ, kịp thời ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu hoặc phê chuẩn (nếu có) gửi đến Thường trực HĐND chậm nhất là 20 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp HĐND tỉnh. Sau đó, người được lấy phiếu tín nhiệm có trách nhiệm giải trình bằng văn bản gửi đến đại biểu HĐND khi được Thường trực HĐND yêu cầu. Việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành theo hình thức bỏ phiếu kín.
P.V: Việc lấy phiếu tín nhiệm lần này sẽ phản ánh những điều gì và nó có giá trị như thế nào, thưa ông?
Ông Trần Văn Mão: Việc lấy phiếu tín nhiệm được xác định là bước “thăm dò” tín nhiệm, thông qua đó để thấy hiệu quả công tác, trách nhiệm, đạo đức, lối sống của người được lấy phiếu tín nhiệm dưới cách nhìn nhận và đánh giá của các đại biểu HĐND là như thế nào, các mức độ là “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm” và “tín nhiệm thấp”. Khi một chức danh có trên 50% số đại biểu HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” mới dẫn đến “hệ quả” tiếp theo, đó là nếu lần lấy phiếu ở năm kế tiếp, chức danh này tiếp tục không đạt quá bán tín nhiệm trở lên thì sẽ chuyển qua hình thức bỏ phiếu tín nhiệm.
Như vậy, việc lấy phiếu tín nhiệm lần này là một động thái tích cực nhằm “đánh động”, nhắc nhở các chức danh được HĐND bầu nỗ lực hơn nữa, cố gắng hơn nữa, trách nhiệm hơn nữa đối với công việc được giao, cũng như đối với cử tri để có sự tín nhiệm trong các đại biểu HĐND. Tuy nhiên, nếu ngay trong lần lấy phiếu đầu tiên, nếu một chức danh có trên 2/3 tổng số đại biểu HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” cũng sẽ chuyển sang hình thức bỏ phiếu tín nhiệm chậm nhất ở kỳ họp tiếp theo, trừ trường hợp người đó có đơn xin từ chức và đã được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận (các cơ quan chức năng chuẩn bị người thay thế khi người được đưa ra lấy phiếu không được tín nhiệm).
Trường hợp người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu HĐND bỏ phiếu “không tín nhiệm” thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền đã giới thiệu người đó để HĐND bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình HĐND xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức đối với người không được tín nhiệm tại kỳ họp đó. Đối với những người trong diện lấy phiếu nếu được tín nhiệm cao nó góp phần giúp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền làm căn cứ xem xét, đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ.
Mặt khác, việc lấy phiếu tín nhiệm đã trao trọng trách cho các đại biểu HĐND bày tỏ chính kiến của mình đối với các việc làm được, chưa làm được của những chức danh trong diện lấy phiếu tín nhiệm. Muốn vậy, mỗi đại biểu phải đảm bảo có đầy đủ các kênh thông tin, phải nghiên cứu thật kỹ báo cáo của chính người được lấy phiếu tín nhiệm để hiểu, nắm bắt thông tin, công việc cụ thể của các chức danh đó trong thời gian qua như thế nào; báo chí và các cơ quan thông tấn người ta nhận xét về các hoạt động của các chức danh lấy phiếu tín nhiệm ra sao? Ngoài ra cũng phải xem dư luận của cơ quan, những người gần gũi, công tác với các chức danh đó; nếu có điều kiện, phải xem nhận xét của nơi cư trú của các chức danh sống và gia đình họ như thế nào để tham gia việc lấy phiếu tín nhiệm thực chất, không hình thức.
Lấy phiếu tín nhiệm chính là thước đo trách nhiệm cá nhân, không chỉ đối với các chức danh được lấy phiếu mà còn là thước đo trách nhiệm của các vị đại biểu HĐND các cấp. Trách nhiệm của các đại biểu HĐND trong việc lấy phiếu tín nhiệm là thể hiện sự dân chủ trong các hoạt động nghị trường của HĐND các cấp, khẳng định Nghị quyết Trung ương 4 về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã đi vào cuộc sống.
MAI HOA (thực hiện)