Lấy ý kiến cử tri nơi cư trú: Cuộc 'sát hạch' quan trọng
(Baonghean.vn) - Thời điểm này, các địa phương đang tập trung tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Thông qua hoạt động này, cử tri phát huy quyền “sát hạch” của mình trong bầu cử.
Sau hội nghị hiệp thương lần thứ hai, số lượng người giới thiệu lập danh sách sơ bộ ứng cử đại biểu Quốc hội ở tỉnh là 24/32 hồ sơ được tiếp nhận; số người giới thiệu lập danh sách sơ bộ ứng cử đại biểu HĐND tỉnh là 206/243 hồ sơ; danh sách sơ bộ người ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện là 1.491/1.923 hồ sơ; danh sách sơ bộ người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã là 21.872/23.473 hồ sơ. Theo quy định, trước hội nghị hiệp thương lần 3 để chốt danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp; MTTQ và chính quyền các cấp sẽ tiến hành tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét, tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với những người ứng cử. Đây là khâu quan trọng và là kênh sàng lọc một bước những người tham gia ứng cử thông qua kết quả nhận xét của cử tri.
Hội nghị hiệp thương lần thứ 2 đã thống nhất lập danh sách sơ bộ 24 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và 206 người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Ảnh tư liệu: Thanh Quỳnh |
Tại khối 8, phường Trường Thi, thành phố Vinh trong chương trình hội nghị lấy ý kiến nhận xét, tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu HĐND thành phố Vinh và HĐND xã Thanh Lương (huyện Thanh Chương), số người tham gia đông và ý kiến tham gia rất xây dựng đối với từng ứng cử viên. Theo chia sẻ của đồng chí Hồ Văn Vinh - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban công tác Mặt trận, những ngày qua, khối đã tập trung tuyên truyền, làm rõ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cử tri trong công tác này; đồng thời thông tin rõ về tiểu sử của người ứng cử cho cử tri nắm.
Năm nay 80 tuổi, có mặt tại hội nghị và tham gia ý kiến đối với từng ứng cử, ông Trần Anh Tương cho rằng: Cử tri và Nhân dân, ai cũng luôn mong muốn đại biểu dân cử phải làm tròn vai trò của mình, phải luôn đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình. Muốn vậy, cử tri cũng phải nhận thức trách nhiệm từ việc góp ý kiến, tín nhiệm đối với những ứng cử viên.
Cử tri khối 8, phường Trường Thi (T.P Vinh) bày tỏ ý kiến đối với người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND các cấp. Ảnh: Mai Hoa |
Thành phố Vinh là địa bàn có số lượng người ứng cử được tổ chức lấy kiến cử tri rất lớn với tổng gần 1.500 người (gồm người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tỉnh Nghệ An, đại biểu HĐND tỉnh Hà Tĩnh (có cả ứng cử đại biểu HĐND huyện Nghi Xuân và một số xã của huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh), đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã trong tỉnh.
Theo đồng chí Nguyễn Thị Anh Tuyết - Trưởng ban Dân vận Thành ủy Vinh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố, lường trước những khó khăn do số lượng người ứng cử cần lấy ý kiến cử tri trên địa bàn lớn, trên cơ sở nghiên cứu các quy định về bầu cử, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ thành phố đã chủ động kết nối, trao đổi với hệ thống MTTQ các huyện, thị xã trong tỉnh trong việc lập danh sách những người ứng cử cần lấy ý kiến cử tri nơi cư trú trên địa bàn thành phố gửi về để tổng hợp, xây dựng kế hoạch, tránh lúng túng, bị động, nhất là tránh tổ chức nhiều cuộc hội nghị lần ý kiến trên một đơn vị khối, xóm (do các địa phương mỗi nơi gửi hồ sơ xin lấy ý kiến cử tri nơi cư trú vào nhiều thời điểm khác nhau).
Quan điểm của thành phố, không nóng vội trong việc tổ chức hội nghị lấy ý kiến mà các phường, xã phải xây dựng kế hoạch tổ chức lấy ý kiến một cách cụ thể, khoa học, có thể tổ chức hội nghị chậm hơn mốc thời điểm bắt đầu, nhưng phải tập trung, quyết liệt để hoàn thiện việc lấy ý kiến nhận xét của cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử sớm hơn mốc thời gian quy định.
Cử tri khối 10, phường Quang Trung (T.P Vinh) thể hiện sự tín nhiệm của mình đối với người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND các cấp thông bằng hình thức biểu quyết. Ảnh: MTTQ phường Quang Trung |
Thành phố cũng đã có những giải pháp, biện pháp đảm bảo các ứng cử viên sinh sống tại một số nhà chung cư, dự án khu đô thị chưa được bàn giao về khối, xóm quản lý vẫn được tổ chức lấy ý kiến cử tri nơi cư trú theo đúng quy định và đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, thành phố đã lường trước những khó khăn và chủ động hướng dẫn các phường, xã có số lượng người lấy ý kiến lớn như phường Hà Huy Tập, xã Nghi Phú, xã Hưng Lộc có gần 100 người ứng cử trên địa bàn và những khối, xóm có trên 10 người ứng cử.
Trên cơ sở đó, xây dựng kịch bản điều hành cụ thể, chi tiết để đảm bảo các hội nghị được tổ chức chất lượng với tinh thần tất cả các cử tri mong muốn được góp ý đều được phát biểu và các ý kiến mà cử tri nêu đều được người ứng cử và cơ quan, tổ chức, đơn vị có người ứng cử trao đổi lại cụ thể, thấu đáo, tránh hình thức trong việc tổ chức lấy ý kiến.
Ở huyện Đô Lương, sau hội nghị hiệp thương lần thứ 2, số lượng người giới thiệu lập danh sách sơ bộ ứng cử đại biểu HĐND huyện là 72 người và người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã là 1.504 người (chưa kể người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh và ứng cử HĐND cấp huyện, cấp xã của các địa phương khác gửi về lấy ý kiến nhận xét của cử tri nơi cư trú trên địa bàn huyện).
Đồng chí Vương Thị Quý - Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Đô Lương khẳng định, hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú là một kênh quan trọng, thông qua đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp có cơ sở đánh giá toàn diện, khách quan về phẩm chất, đạo đức, lối sống, ý thức chấp hành pháp luật của những người ứng cử và gia đình ứng cử viên để hiệp thương lập danh sách người đủ tiêu chuẩn, tiêu biểu, xứng đáng với tín nhiệm của cử tri tại hội nghị hiệp thương lần thứ 3. Bởi vậy, để hội nghị lấy ý kiến ở tất cả các điểm diễn ra nghiêm túc, dân chủ, đúng quy định.
Cử tri xóm 3, xã Bắc Sơn (huyện Đô Lương) tham gia hội nghị lấy ý kiến nhận xét, tín nhiệm cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử. Ảnh: Mai Hoa |
Đồng chí Nguyễn Đức Thành - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh khẳng định, hội nghị lấy ý kiến nhận xét của cử tri nơi cư trú đối với những người ứng cử được coi là một cuộc “sát hạch” quan trọng. Bởi thông qua hội nghị, cử tri sẽ tiến hành đánh giá, nhận xét một cách minh bạch và bày tỏ sự tín nhiệm hay không tín nhiệm về người ứng cử trên các mặt: Mối quan hệ bà con nơi sinh sống; việc chấp hành các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng như các quy định ở địa phương; sự đầu tàu, gương mẫu ở khu dân cư...
Yêu cầu đặt ra đối với việc tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét, tín nhiệm của cử tri nơi cư trú cần được tiến hành công khai, dân chủ, minh bạch, đồng thời tránh lợi dụng dân chủ để phục vụ mục đích cá nhân. Thời gian tổ chức hội nghị lấy ý kiến tín nhiệm cử tri nơi cư trú theo quy định từ ngày 21/3 đến 13/4/2021. MTTQ các cấp đang phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành để phấn đấu hoàn thành công việc này vào ngày 11/4/2021, sớm hơn kế hoạch đặt ra./.