Lấy ý kiến dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi để phát huy dân chủ
Thứ trưởng Đinh Trung Tụng nhấn mạnh, việc phát huy tối đa trí tuệ của nhân dân sẽ có Bộ luật Hình sự chất lượng, hiệu quả.
Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) được đưa ra lấy ý kiến nhân dân, bắt đầu từ ngày 15/7 đến hết ngày 14/9/2015. Sau Hiến pháp và Bộ luật Dân sự (sửa đổi), đây là lần thứ 3 một dự thảo luật được đưa ra lấy ý kiến nhân dân, thể hiện tầm quan trọng của luật đối với xã hội cũng như phát huy tính dân chủ, trí tuệ tập thể nhằm đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn hiện nay. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng trả lời phỏng vấn về vấn đề này.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng |
PV: Thưa ông, ông có thể cho biết tầm quan trọng của Bộ luật Hình sự (sửa đổi) cũng như lý do lấy ý kiến nhân dân về Dự luật này?
Thứ trưởng Đinh Trung Tụng: Việc quyết định lấy ý kiến nhân dân Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi do Quốc hội Quyết định. Quốc hội giao cho Chính phủ tổ chức lấy ý kiến nhân dân trong 2 tháng, trước thềm kỳ họp thứ 10 để xem xét, nếu thuận lợi thì sẽ ban hành.
Việc lấy ý kiến nhân dân về Bộ luật Hình sự (sửa đổi) cũng như trước đây lấy ý kiến nhân dân Bộ luật Dân sự (sửa đổi) bởi vì nó có tầm quan trọng rất to lớn. Đây là Bộ luật sửa đổi một cách toàn diện, cơ bản, phạm vi liên quan đến mọi người dân, cả xã hội. Cho nên việc phát huy tính dân chủ, phát huy tối đa trí tuệ tập thể là rất cần thiết để có Bộ luật Hình sự sửa đổi cơ bản toàn diện, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đáp ứng được yêu cầu về phòng chống tội phạm.
Do vậy, phải xác định đây cũng là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng. Trong Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kế hoạch của Chính phủ giao rất rõ trách nhiệm của các cơ quan ban ngành Trung ương cũng như các địa phương, tổ chức thật chu đáo và phản ánh trung thực, đầy đủ ý kiến của nhân dân để Chính phủ tổng hợp chung, báo cáo với Quốc hội, tập trung chỉnh lý, trình Quốc hội xem xét thông qua.
PV: Những nội dung đưa ra lấy ý kiến nhân dân có điểm gì đáng chú ý và có những ảnh hưởng như thế nào đến dự thảo Bộ luật lần này, thưa ông?
Thứ trưởng Đinh Trung Tụng: 8 nội dung trong Phụ lục 1 theo kế hoạch của Chính phủ đưa ra lấy ý kiến nhân dân. Đây là những vấn đề còn ý kiến khác nhau. Mỗi vấn đề đều có 2, 3 loại ý kiến và trong kế hoạch của Chính phủ về phụ lục này cũng phân tích rõ mỗi loại ý kiến thì vì sao lại ủng hộ ý kiến này, vì sao ủng hộ ý kiến kia, cũng là để cung cấp thông tin đầy đủ cho người dân tham khảo.
Đây đều là những vấn đề lớn, có nhiều vấn đề mới và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến dự thảo của Bộ luật. Nếu giải quyết tốt thì sẽ có Bộ luật Hình sự chất lượng, đáp ứng được yêu cầu chung của đất nước hiện nay và trong thời gian tới.
PV: Như vậy là sau Hiến pháp và Bộ Luật Dân sự thì đây là lần thứ 3 tổ chức lấy ý kiến nhân dân. Rút kinh nghiệm từ những lần trước thì lần này sẽ có những điểm gì đáng chú ý để việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân được tốt hơn, thưa ông?
Thứ trưởng Đinh Trung Tụng: Việc lấy ý kiến nhân dân với Hiến pháp năm 2013 và Bộ Luật Dân sự vừa rồi theo tôi thấy cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Nhưng đối với Hiến pháp và Bộ luật Dân sự thời gian lấy ý kiến khá dài. Lần này Bộ luật Hình sự chỉ có 2 tháng, như vậy, chúng ta phải hết sức khẩn trương và yêu cầu là phải đảm bảo chất lượng, hiệu quả của việc tổ chức này. Vì nếu làm không tốt sẽ tốn kém, lãng phí mà không đạt mục tiêu đề ra.
Vì thế, đây cũng là công việc của toàn bộ hệ thống chính trị, với sự tham gia tích cực, tự giác và sự vào cuộc của người dân thì tôi tin rằng mặc dù là thời gian ngắn, nhưng chắc chắn đợt lấy ý kiến lần này sẽ có kết quả tốt./.
PV: Xin cảm ơn ông./.
Nội dung lấy ý kiến nhân dân bao gồm toàn bộ dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), trọng tâm là những vấn đề như: trách nhiệm hình sự của pháp nhân và loại tội pháp nhân chịu trách nhiệm hình sự; phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên và các biện pháp thay thế xử lý hình sự áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội; chuyển đổi hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù có thời hạn...
Các nội dung về bỏ hình phạt tử hình ở một số tội; quy định không áp dụng hình phạt tử hình, không thi hành án tử hình trong một số trường hợp; quy định không giảm án đối với người bị kết án tử hình nhưng được ân giảm xuống tù chung thân cũng được lấy ý kiến...
Người dân có thể góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản; hoặc tại các hội nghị, hội thảo, tọa đàm; thông qua cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp và các hình thức phù hợp khác.
Theo VOV.VN