Lê Công Vinh và những thương vụ bạc tỷ bất thành tại SLNA

Yến Thanh 27/04/2020 18:50

(Baonghean.vn) - Bóng đá Việt Nam trong giai đoạn 2005 - 2012 phát triển quá nóng với sự xuất hiện của những ông “bầu” chịu chơi và chịu chi. Từ đó, giá trị của các cầu thủ ngôi sao hàng đầu luôn ở mức tiền tỷ, thậm chí lên đến triệu USD. Tuy nhiên, không ít những thương vụ đó bất thành.

Thuyết phục Huy Hoàng rời SLNA với giá 5 tỷ

Thời điểm 2005 - 2006 là thời kỳ đỉnh cao phong độ của tuyển thủ Nguyễn Huy Hoàng. Cầu lớn hơn cung, đội trưởng của SLNA cũng được đánh giá rất cao và rất nhiều đội bóng đại gia săn đón như Đồng Tâm Long An, Hoàng Anh Gia Lai, Hà Nội ACB...

Có thông tin cho rằng, thời điểm đó những ông chủ như bầu Kiên (HN ACB), bầu Đức (HAGL), bầu Trường (Ninh Bình) về Vinh gặp trực tiếp Huy Hoàng để thương thảo và mang theo một số tiền mặt rất lớn (khoảng 5 tỷ đồng). Yêu cầu của họ là nếu Huy Hoàng chỉ cần chấp nhận rời SLNA, anh sẽ được nhận ngay 5 tỷ đồng. Nếu lúc đó Huy Hoàng cập bến đội bóng mới, số tiền anh nhận được có thể lớn hơn rất nhiều.

Trung vệ Huy Hoàng được xem là biểu tượng cho lòng trung thành tại SLNA. Ảnh: SLNA FC
Trung vệ Huy Hoàng được xem là biểu tượng cho lòng trung thành tại SLNA. Ảnh: NVCC

Tuy nhiên, Huy Hoàng với lời thề thi đấu cho SLNA đến khi giải nghệ đã từ chối những lời đề nghị trên, chấp nhận ở lại đội bóng quê hương với đãi ngộ khá hậu hĩnh. Mức lương của Huy Hoàng ngang bằng với cầu thủ ngoại và được sở hữu một mảnh đất có giá tại thành phố Vinh. Về sau, Huy Hoàng vẫn được lãnh đạo và các đồng đội luôn thừa nhận anh là biểu tượng cho lòng trung thành.

Lê Công Vinh được định giá 1 triệu USD

Đó là thời điểm năm 2007, Lê Công Vinh lúc đó là tài năng trẻ số 1 của SLNA cũng như bóng đá Việt Nam. Tiền đạo sinh năm 1985 vẫn còn 1 năm hợp đồng với đội bóng quê hương. Đây là thời điểm mà CLB Hà Nội T&T của ông bầu Đỗ Quang Hiển đang đầu tư mạnh mẽ và phái đoàn của đội bóng này đã vào làm việc với SLNA.

Lúc đó, mức giá để SLNA chịu “bán” Lê Công Vinh mà đại diện CLB Hà Nội T&T đưa ra là 1 triệu USD. Đó là một số tiền “khủng”, cao nhất trong lịch sử chuyển nhượng Việt Nam nhưng theo tiết lộ của đại diện CLB Hà Nội, thương vụ này đã không được SLNA chấp thuận không rõ lý do.

Lê Công Vinh năm 2008. Ảnh: SLNA FC
Lê Công Vinh năm 2008. Ảnh: SLNA FC

Cuối cùng, Lê Công Vinh thi đấu cho SLNA đến hết V.League 2008 và anh cập bến CLB Hà Nội T&T theo dạng chuyển nhượng tự do kèm số tiền lót tay ít hơn nhiều 8 tỷ đồng. Tất nhiên, Lê Công Vinh được quyền sở hữu toàn bộ số tiền này, CLB Hà Nội chỉ phải trả cho SLNA số tiền 500 triệu đồng phí đào tạo.

Trọng Hoàng từng có giá 14 tỷ đồng

Kết thúc V.League 2012, SLNA hết hạn với một loạt cầu thủ Trọng Hoàng, Văn Bình, Âu Hoàn và trong số này, Trọng Hoàng đang là cầu thủ “hot” nhất trên thị trường chuyển nhượng. Đội bóng sốt sắng nhất có được chữ ký của cầu thủ sinh năm 1989 là “đại gia” Xuân Thành Sài Gòn với con số 14 tỷ đồng cho 3 năm hợp đồng. Trước đó năm 2009, Trọng Hoàng từng được B. Bình Dương định giá 9 tỷ đồng.

Trọng Hoàng năm 2012 trong màu áo SLNA. Ảnh: TT&VH
Trọng Hoàng năm 2012 trong màu áo SLNA. Ảnh: TT&VH

Khi Trọng Hoàng và gia đình đang đàm phán gia hạn hợp đồng với lãnh đạo SLNA, đích thân hai anh em bầu Thụy và bầu Thủy chuẩn bị 1 xe ô tô chở khoảng 7- 8 tỷ đồng tiền mặt đợi sẵn bên kia cầu Bến Thủy. Chỉ đợi khi Trọng Hoàng và SLNA không tìm được tiếng nói chung, số tiền này sẽ thuộc về Trọng Hoàng ngay lập tức.

Cuối cùng, với nguyện vọng được thi đấu cho quê hương, Trọng Hoàng chấp nhận gắn bó với SLNA theo thỏa thuận sơ bộ 10 tỷ đồng (4 tỷ tiền mặt và những đãi ngộ khác). Tuy nhiên, vì không thỏa thuận trên giấy tờ, nên sau đó Trọng Hoàng chỉ ở lại SLNA thêm 1 năm với lót tay chưa đến 1,5 tỷ đồng và gia nhập B. Bình Dương vào năm 2014.

CLB Nhật Bản chi 5 tỷ đồng để mua đứt Công Vinh

Năm 2013 trở về quê hương từ Hà Nội ACB, Lê Công Vinh được SLNA cho Consadole Sapporo mượn trong 5 tháng để chơi tại giải J.League 2 của Nhật Bản. Số tiền mà đội bóng của Nhật chi ra để có được sự phục vụ của Công Vinh khoảng 1,2 tỷ đồng.

Theo tiết lộ của Công Vinh, khi Công Vinh quay trở lại SLNA từ Nhật Bản, anh vẫn được CLB Nhật Bản đề nghị một bản hợp đồng mới 2 năm và điều khoản để phá vỡ hợp đồng với SLNA là 5 tỷ đồng. CLB Consadole Sapporo gửi đề nghị 240.000 USD để Công Vinh có thể quay trở lại Nhật Bản, chưa bao gồm tiền lót tay.

Lê Công Vinh những ngày tháng tại Nhật Bản. Ảnh: FBNV
Lê Công Vinh những ngày tháng tại Nhật Bản. Ảnh: FBNV

Tuy nhiên, vì vẫn còn ràng buộc với SLNA, Công Vinh không thể tự quyết định và cuối cùng anh tiếp tục thi đấu đến hết V.League 2014 trong màu áo SLNA, chuyển sang B. Bình Dương thi đấu từ V.League 2015 để được gần gũi gia đình.

Sau này, trung vệ Quế Ngọc Hải thời điểm năm 2015 cũng được CLB Hà Nội của ông bầu Đỗ Quang Hiển săn đón. Tuy nhiên, thương vụ này cũng bất thành và kéo theo những lùm xùm, rắc rối xung quanh chuyện Ngọc Hải phải đền bù vì gây chấn thương cho cầu thủ Anh Khoa của SHB Đà Nẵng.

Khi Quế Ngọc Hải mắc kẹt giữa nhiều phía, ông bầu Đoàn Nguyên Đức của HAGL đã ra tay giúp đỡ cầu thủ SLNA 400 triệu đồng để giải quyết khó khăn. Thi đấu cho SLNA đến hết V.League 2018, Quế Ngọc Hải gia nhập CLB Viettel với số tiền chuyển nhượng được cho là khoảng 9 tỷ đồng/3 năm hợp đồng.

'Huyền thoại' Lê Công Vinh: Tài năng hay không tài năng?

'Huyền thoại' Lê Công Vinh: Tài năng hay không tài năng?

(Baonghean.vn) - Cựu tiền đạo Lê Công Vinh được xem là “huyền thoại” của bóng đá Việt Nam. Nhắc đến Lê Công Vinh là người ta sẽ nghĩ đến sự khổ luyện, chăm chỉ và nỗ lực không ngừng vươn lên. Nhưng liệu cựu tiền đạo trưởng thành từ SLNA có được thành công đâu chỉ nhờ vào sự may mắn.

Mới nhất

x
Lê Công Vinh và những thương vụ bạc tỷ bất thành tại SLNA
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO